1.4. Tình hình sản xuất và nghiên cứu lạc ở Việt Nam
1.4.3. Tình hình nghiên cứu lạc tại Việt Nam
Những năm gần đây các nhà khoa học nghiên cứu về lạc của Việt Nam đã tập trung tổng kết kinh nghiệm các điển hình tiên tiến trong thực tiễn sản xuất, tiếp cận với thành tựu khoa học về lạc của thế giới, nghiên cứu đề xuất các kỹ thuật trồng lạc mới phổ biến rộng rãi cho nông dân góp phần làm tăng năng suất lạc ở Việt Nam. Gần đây công tác nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ trồng lạc ở nước ta được đầu tư mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp ngành, cũng như các dự án trong nước và ngoài nước được triển khai. Qua đó đã chọn tạo được bộ giống lạc thích ứng với điều kiện sản xuất khác nhau gồm các giống thâm canh cao như: Sen lai 7523, L14, L02, L18, L23, TB25 các giống ngắn ngày chịu hạn như V79, L05, L12, VD1, VD2, giống thích ứng rộng kháng bênh héo xanh vi khuẩn như MD7, MD9 và đã ứng dụng thành công kỹ thuật che phủ Nilon...vì vậy sản xuất lạc ở nước ta hiện nay có xu hướng tăng về diện tích và sản lượng.
Trong các cây công nghiệp ngắn ngày ở Việt Nam thì lạc có một vị trí rất quan trọng. Sản phẩm lạc là một mặt hàng có kim ngạch suất khẩu khá lớn.
Hàng năm, Việt Nam suất khẩu 100,000 - 135,000 tấn (65 - 125 triệu USD) Từ năm 1996 đến nay, nước ta đã nhập được 350 mẫu giống và dòng từ ICRISAT, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và 50 mẫu giống thu thập trong nước để đánh giá và chọn lọc.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, cây lạc được trồng ở cả 3 miền: Bắc - Trung - Nam. Điều kiện khí hậu ở 3 miền khác nhau do vậy thời gian sinh trưởng ở 3 điều kiện sinh thái là khác nhau.
Theo mô tả của IBPGR/ICRISAT có thể chia thời gian sinh trưởng của các giống lạc như sau:
1. Giống chín sớm: có thời gian sinh trưởng từ 80 - 100 ngày.
2. Giống trung ngày: có thời gian sinh trưởng từ 101 - 120 ngày.
3. Giống dài ngày: có thời gian sinh trưởng trên 120 ngày.
Thực tế nghiên cứu cho thấy trong điều kiện miền Bắc Việt Nam (Từ Thanh Hóa trở ra) thì không có giống lạc địa phương nào có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày. Như vậy có thể chia ngưỡng thời gian sinh trưởng của lạc ở các tỉnh phía Bắc như sau:
- Giống ngắn ngày: có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày.
- Giống trung ngày: có thời gian sinh trưởng từ 120 - 140 ngày.
- Giống dài ngày: có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày.
Đới với giống miền Trung và Miền Nam:
- Giống ngắn ngày: có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày.
- Giống trung ngày: có thời gian sinh trưởng từ 90 - 120 ngày.
- Giống dài ngày: có thời gian sinh trưởng trên 120 ngày.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Chinh (Viện KHKTNN Việt Nam) [5] chọn lọc 79 nguồn gen ngắn ngày nhập nội từ ICRISAT thấy rằng: chỉ có 9 mẫu giống có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, đó là giống ICGV, 86055, 87883, số còn lại xấp xỉ 120 ngày.
Từ năm 1989 đến năm 1992 trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm đậu đỗ đã tiến hành 19 tổ hợp lai theo hướng ngắn ngày trong đó sử dụng các nguồn gen nhập nội. Kết quả chọn lọc được một số dòng có triển vọng là 90014, 90068, 90016.
Tại miền Nam, kết quả đánh giá 15 giống ngắn ngày của Viện khoa học nông nghiệp miền Nam cho thấy 3 giống ICGV87883, ICGV87391, và ICGV90068 là những giống triển vọng.
Để công tác chọn tạo giống lạc phát triển tốt thì việc thu thập và bảo tồn nguồn gen lạc ở Việt Nam đã được các nhà khoa học quan tâm thực hiện.
Thời gian qua, chúng ta đã nhập nội nhiều mẫu giống lạc từ các nơi trên thế giới. Trên cơ sở đó, các nhà chọn tạo giống Việt Nam đã tập trung chọn tạo giống hướng theo các mục tiêu: Giống lạc có năng suất cao thích hợp cho từng vùng sinh thái, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng sâu bệnh hại, tỷ lệ nhân và hàm lượng dầu cao dùng cho xuất khẩu.
Từ năm 1974, bộ môn cây công nghiệp - trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội đã bắt đầu nghiên cứu vào chọn tạo giống lạc bằng phương pháp lai hữu tính và phương pháp đột biến phóng xạ.
Các giống được chọn tạo từ gây đột biến có: Giống V79, có năng suất trung bình 25 tạ/ha, tỉ lệ nhân 73 - 76%, khối lượng 100 hạt 48 - 52 g, chịu hạn khá song dễ mấn cảm với các loại bệnh đốm lá, gỉ sắt và héo xanh vi khuẩn (Lê Song Dự và cs, 1996) [11]. Giống 4329, có năng suất trung bình là 25 tạ/ha, khối lượng 100 hạt 55 - 60 g, tỉ lệ nhân dạt 70 - 72 %,thích hợp cho vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.
Ngô Ngọc Đăng (1984) [12] cho biết, các giống lạc địa phương của Việt Nam thuộc dạng phân cành từ gốc thân, những cành mọc từ mầm chiếm 1 nửa số cành của cây. Trong khi Phạm Văn Biên và cs (1991) [1] nghiên cứu 112 giống lạc cho rằng, ở miền nam các giống này thuộc dạng cây đứng, kiểu spanish, thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 90 - 97 ngày.
Theo Nguyễn Thế Côn (1996) [6], Nguyễn Thị Chinh (2006) [5] việc phát triển vụ lạc Thu Đông là một hướng để mở rộng diện tích trồng lạc ở
miền Bắc cũng như nâng cao chất lượng giống cho vụ lạc Xuân. Ngoài tác dụng luân canh tăng vụ, bồi dưỡng cải tạo đất thì vụ lạc Thu và vụ lạc Đông có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng chất lượng hạt làm giống cho vụ Xuân. Đối với vụ lạc Thu trong thời kì sinh trưởng đầu, cây lạc thường gặp điều kiện nhiệt độ cao (300C - 350C) nên đã rút ngắn thời gian sinh trưởng sinh dưỡng, từ đó dẫn đến lượng chất khô tích lũy ít, ra hoa sớm, số hoa số quả ít so với vụ Xuân. Bên cạnh đó thời kì ra hoa làm quả luôn bị khô hạn nên đã làm giảm khối lượng quả và hạt. Quả thường nhỏ hơn so với vụ Xuân, trong trường hợp này nếu sử dụng những giống có số lượng hoa nhiều, thời gian ra hoa tập trung, khả năng tích lũy chất khô cao sẽ nâng cao được năng suất vụ lạc Thu.
Theo Lê Song Dự và cs (1979) [10], Ngô Thế Dân và cs (2000) [7] lạc là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, giúp cải tạo đất do có khả năng cố định đạm nhờ nốt sần ở rễ, có vai trò tích cực trong hệ thống luân canh, xen canh cây trồng theo hướng nông nghiệp bền vững. Những tiến bộ khoa học kĩ thuật được áp dụng trong việc sử dụng các vật liệu che phủ cho lạc như: nilon tự hủy, nilon thường hay tận dụng rơm rạ...giúp giữ ẩm cho đất, tăng tỉ lệ nảy mầm giúp cây sinh trưởng phát triển tốt ngay từ giai đoạn đầu, đạt năng suất cao khi thu hoạch, đặc biệt góp phần mở rộng diện tích trồng lạc tại những vùng đất khô hạn, canh tác chủ yếu phải phụ thuộc vào nước trời (Nguyễn Thị Chinh và cs, 2002, Nguyễn Thị Chinh, 2006) [5].
Theo Nguyễn Hữu Quán (1961) [20] khi nghiên cứu 11 giống lạc địa phương đã nhận xét về số lượng quả/1 kilogam khối lượng hạt, hàm lượng dầu của 6 nhóm đều đạt trên 50%.
Các giống được chọn tạo bằng lai hữu tính: giống lạc Sen lai 75/23 được chọn tạo từ việc lai hữu tính 2 giống Mộc Châu Trắng và Trạm Xuyên, có khối lượng 100 hạt là 50 - 55 g, năng suất trung bình là 28 tạ/ha, được trồng phổ biến ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Giống L12 được chọn tạo từ tổ hợp lai giữa V79 và ICGV 87157, có năng suất trung bình là 30 tạ/ha, chịu hạn tốt, kháng trung bình 1 số bệnh như đốm nâu, đốm đen, gỉ sát, khối lượng 100 hạt 50 - 60 g
(Nguyễn Văn Thắng, 2005) [24]. Giống VD2, chín sớm, năng suất trung bình đạt 30 tạ/ha, khối lượng 100 hạt 46 - 48 g, tỉ lệ nhân cao 78 - 80 %, thích hợp cho các tinh phía Nam (Nguyễn Thị Chinh và cs, 2002) [5].
Giai đoạn 1996 - 2004 chương trình giống Quốc gia đã chọn tạo được 16 giống lạc, trong đó các giống lạc có năng suất vượt trội là L18, L14; Giống có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn năng suất khá MD7, giống chất lượng cao L08, giống chịu hạn L12 hiện đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc.
Các giống lạc VD1, VD2 năng suất cao hơn, phù hợp cho các tỉnh phía Nam.
Theo Bùi Xuân Sửu (2006) [22], số quả/cây là chỉ tiêu tương quan rất chặt với năng suất (r = 0,6585) nên đây là chỉ tiêu hàng đầu trong chọn tạo giống lạc.
Theo nghiên cứu của Vũ Văn Liết và cộng sự (2010) [19] tại Sơn Động Bắc Giang, giống L14 có khả năng thích ứng và phát triển tốt nhất trong điều kiện canh tác nhờ nước trời tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Giống L14 có thời gian sinh trưởng ngắn 115 ngày, năng suất cao hơn giống địa phương 21 tạ/ha phù hợp và có khả năng trồng thay thế cây lúa Xuân trong cơ cấu lạc xuân - lúa mùa - vụ đông. Cũng theo đó khi sử dụng các vật liệu che phủ có tác dụng làm tăng các yếu tố cấu thành năng suất như tổng sổ quả/cây (14,4 - 16,6 quả/cây), tỷ lệ quả chắc/cây (>80%) và năng suất tăng so với không che phủ ít nhất là 5,49 tạ/ha.
Theo Bùi Xuân Sửu và các cs (2010) [23] thì những đặc điểm riêng biệt về hình thái để phân biệt giống là kích thước lá, hình dạng mỏ quả, khối lượng quả, hạt, màu sắc quả. Giống Bắc Ninh, Đỏ Bắc Giang, Đỏ Tuyên Quang có khối lượng hạt lớn. Giống có hạt màu đỏ: Đỏ Bắc Giang, Đỏ Tuyên Quang, Đỏ Hòa Bình.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hải và cs (2011) [14] tại Gia Lâm, Hà Nội với đặc điểm thời tiết thuận lợi cho quá trình ra hoa, đâm tia nên tổng số quả/cây của các dòng giống trong vụ Xuân thường cao hơn trong vụ Thu.
Đối với vụ Xuân tổng số quả/cây của các dòng, giống biến động từ 9,28 quả/cây (MD7) - 14,42 quả/cây (TB25). Trong vụ Xuân, khối lượng 100 hạt của các dòng biến động từ 41,23 g (MD7) - 58,83 g (CT1), một số dòng giống đạt tiêu chuẩn lạc nhân suất khẩu như: CT1, L08 (50,05 g), TB25 (51,95 g). Đối với vụ Thu khối
lượng 100 hạt của các dòng, giống biến động từ 30,77 g - 42,69 g. Một số dòng, giống có khối lượng 100 hạt thấp hơn đối chứng 75/23 (38,68 g) như SD30, TB25, D40 và S12. Cũng theo đó tỷ lệ hạt cao hay thấp biểu hiện độ dày của vỏ.
Những giống có tỷ lệ hạt cao sẽ cho năng suất hạt cao hơn và dễ bóc hơn. Tỷ lệ nhân của các dòng, giống trên 70% trong vụ Xuân, cao nhất là giống TB25 đạt 75,14%, giống đối chứng 75/23 đạt 74,1%. Trong khi đó ở vụ Thu giống đối chứng 75/23 lại có tỷ lệ nhân đạt cao nhất (74,09 %). Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hải và cs (2011) cho thấy năng suất các dòng, giống lạc có sự biến động lớn từ 22,6 - 28,72 tạ/ha trong vụ Xuân và từ 15,89 - 21,94 tạ/ha ở vụ Thu. Trong đó các giống có năng suất thực thu cao ở cả 2 vụ như S12, TB25, L08.
Một số giống tiến bộ kỹ thuật điển hình đang trồng phổ biến trên cả nước:
Giống L02: Năng suất trung bình đạt 35 tạ/ha, trong điều kiện thâm canh tốt, năng suất có thể đạt tới 50 tạ/ha, kháng khá với bệnh đốm lá, gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn.
Giống L08: Năng suất trung bình đạt 30 tạ/ha, kháng sâu chích hút, bệnh đốm lá và bệnh héo xanh vi khuẩn ở mức trung bình.
Giống MD7: Là giống có tính thích ứng rộng, trồng thuần hay trồng xen đều có năng suất, trung bình đạt 35 tạ/ha, kháng bệnh héo xanh rất cao hiện được trồng phổ biến ở nhiều vùng sinh thái của nước ta.
Giống L14: Là giống có năng suất tương đối cao, thích ứng cao có thể đạt 40 tạ/ha, có khả năng chịu hạn khá, kháng bệnh hại lá khá.
Giống L18: Là giống thích hợp cho vùng thâm canh, năng suất cao từ 50-55 tạ/ha, nhiễm trung bình với các bệnh hại lá.
Giống VD1: Chọn lọc từ giống địa phương, có thời gian chín rất sớm, năng suất trung bình đạt 30 tạ/ha, thích hợp với các tỉnh phía Nam.
Giống MD9: Là giống có tiềm năng năng suất cao, thích hợp cho thâm canh, năng suất 40 - 45 tạ/ha, giống kháng bệnh gỉ sắt, đốm đen, đốm nâu, bệnh thối quả và sâu chích hút tốt.
Giống TK10: Là giống kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, thích hợp trồng trên đất đồi, đất cát, đặc biệt thích hợp với các chân đất cát pha và đất thịt nhẹ, năng suất trung bình 39 - 41 tạ/ha.
Cho đến nay, Việt Nam đã có bộ giống lạc khá phong phú, nhiều giống có năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, chống chịu khá phục vụ tốt cho những vùng khó khăn, nhiều giống có chất lượng phục vụ tốt để phục vụ cho xuất khẩu. Giống chính là một trong những yếu tố giúp cho năng suất và sản lượng lạc Việt Nam luôn tăng trong những năm gần đây.