Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TỔ CHỨC
1.2. Dạy học dựa trên vấn đề (PBL)
1.2.2. Các đặc trưng cơ bản của PBL
Vấn đề là bối cảnh trung tâm của hoạt động dạy và học
HS được tiếp cận với vấn đề ngay ở giai đoạn đầu của bài học, và thông qua việc giải quyết những vấn đề bằng quá trình hoạt động nhóm HS sẽ tự thu nhận kiến thức. Brooks cho rằng một trong những nguyên tắc chủ yếu của sự giảng dạy theo xu hướng PBL là GV gợi ý cho HS tìm ý tưởng trong những vấn đề được đặt ra.
Chuỗi sự kiện hoặc vấn đề nên có tính thách thức, tính phi lí, tính dị thường, chính những điều đó sẽ thúc đẩy hoạt động học tập của HS [30].
Bruce cho rằng vấn đề mang tính thách thức, không tuân thủ thường làm cho chúng ta dẫn đến tình trạng “mất cân bằng”. Sự “mất cân bằng” đó sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, học tập để giải quyết mâu thuẫn và trở lại trạng thái cân bằng [30]. Bên cạnh tính phi lý, tính thách thức, để đạt được hiệu quả trong dạy học, những vấn đề đặt ra phải được chọn lọc cẩn thận tương ứng với mục tiêu kiến thức mà GV mong muốn truyền đạt. Vấn đề có thể là một hiện tượng tự nhiên hoặc là một sự kiện hay một tình huống đã, đang hoặc có thể sẽ diễn ra trong thực tế và chứa đựng những điều cần được lý giải.
Như vậy, những vấn đề đặt ra đã tạo cho HS sự hứng thú khi bắt đầu tham gia vào bài học, thúc đẩy HS tìm câu trả lời. Câu trả lời của HS không nhất thiết là một kết luận chính xác hay một phương án đúng duy nhất mà nó có thể là những giải pháp chấp nhận được, nó được gọi là những kết luận mở hay giải pháp mở. Và trong những kết luận mở, giải pháp mở đó lại chứa những vấn đề mới, tiếp tục lôi cuốn HS tham gia vào quá trình học. Do đó, có thể thấy trong suốt quá trình học, các vấn đề sẽ liên tục xuất hiện và điều khiển quá trình học tập của HS.
Trong quá trình GQVĐ, người học sẽ tự tìm kiếm nguồn thông tin Finkle và Torp cho rằng: “Tìm hiểu vấn đề cơ bản là cơ sở của sự phát triển chương trình học và hệ thống hướng dẫn, đồng thời phát triển cả việc giải quyết các vấn đề chiến lược, những cơ sở tri thức, những kĩ năng, kỉ luật... bằng việc đặt HS trong vai trò người đang bị đương đầu với vấn đề cần giải quyết” [30].
Từ đó cho thấy trên cơ sở vấn đề đặt ra, người học phải tìm tòi, nghiên cứu các nguồn thông tin và sử dụng nó một cách hữu ích nhất. Khi vấn đề được đặt ra, HS sẽ
thảo luận những thông tin xung quanh vấn đề, những thông tin đã biết, những thông tin chưa biết, từ đó xác định những thông tin cần phải tìm hiểu để GQVĐ. Với câu hỏi “Chúng ta cần biết gì?”, HS sẽ đặt ra những câu hỏi và câu trả lời để những kiến thức thiếu hụt được làm sáng tỏ. Câu hỏi “Chúng ta nên làm gì?” sẽ giúp HS đi tìm câu trả lời theo hướng: ai là người tìm ra? Nguồn thông tin nào để tham khảo hoặc những hành động cụ thể nào được áp dụng?...Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho mình HS có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia, GV, những người có trách nhiệm liên quan đến vấn đề... Tuy nhiên sự giúp đỡ của những người này chỉ dừng ở mức độ gợi ý, còn việc xác định giải pháp trả lời cuối cùng cho vấn đề thì đó vẫn là nhiệm vụ của HS. Nguồn thông tin mà HS tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau: thư viện, báo chí, các buổi thảo luận, internet, nhà chuyên môn...nhưng HS phải là người phân tích và lựa chọn thông tin phù hợp để GQVĐ. Chính vì sự đa dạng trong phong cách học tập theo phương pháp này mà HS phải là người chủ động đi tích lũy kiến thức cho chính mình, không ai có thể làm thay thế việc này được.
Thảo luận nhóm là hoạt động cốt lõi
Trong PPDH PBL, HS phải làm việc theo nhóm. Các thành viên trong nhóm được phân công và xây dựng lịch trình làm việc cụ thể. Mỗi thành viên phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thông qua quá trình làm việc nhóm, HS có cơ hội chia sẻ nguồn thông tin và cùng nhau hình thành các giả thuyết giúp GQVĐ, kiểm tra giả thuyết và đi đến kết luận.
Bắt đầu từ giai đoạn tiếp cận vấn đề, thảo luận nhóm giúp các cá nhân phân tích vấn đề, xác định vấn đề quan trọng cần tập trung. Tiếp theo các cá nhân sẽ chia sẻ những thông tin, những hiểu biết của bản thân về vấn đề. Từ đó xác định được những thông tin còn thiếu hụt, cần bổ sung để GQVĐ. Đây là cơ sở rất cần thiết để có thể tìm được giải pháp thích hợp GQVĐ. Trên cơ sở những vấn đề thiếu hụt, các cá nhân sẽ có những giai đoạn tự nghiên cứu và tìm hiểu. Tuy nhiên, những thông tin mà các cá nhân tự tìm hiểu, nghiên cứu chưa hẳn là những thông tin xác thực, đúng đắn, cần thiết, chính vì vậy, kết quả nghiên cứu cần phải được đưa ra thảo luận nhóm. Thông qua việc chất vấn trong nhóm, các kết quả cá nhân nghiên cứu sẽ được chọn lọc, phân tích, từ đó đưa ra giải pháp chung nhất, đúng nhất cho cả nhóm.
Mặt khác, thảo luận nhóm cũng là cơ sở để phát triển kĩ năng giao tiếp. Việc trao đổi thông tin, trình bày và bảo vệ kết quả nghiên cứu của cá nhân trước nhóm
sẽ giúp HS trau dồi kĩ năng giao tiếp. Qua việc thảo luận nhóm, HS sẽ có cơ hội để thể hiện bản thân, từ đó sẽ nhận được những đóng góp hữu ích từ những cá nhân khác, HS sẽ có điều kiện để hoàn thiện bản thân.
Vai trò của GV chỉ mang tính hỗ trợ
Vai trò của GV trong PBL không phải là người cung cấp kiến thức sẵn có mà là người đưa ra vấn đề, tình huống để lôi kéo HS tham gia GQVĐ. Khi HS đã tham gia vào GQVĐ thì GV là người giúp đỡ họ trong quá trình học tập với vai trò giống như một huấn luyện viên, một người hướng dẫn và tạo điều kiện. Sự hướng dẫn có thể thông qua các câu hỏi định hướng, các gợi ý để đảm bảo HS luôn đi đúng hướng, và luôn lựa chọn những phương án hợp lý, những lựa chọn này được coi là chìa khoá của việc học.
Kiến thức mang tính liên môn
Vấn đề học tập đưa ra trong PBL là những vấn đề xuất phát từ thế giới thực.
Những vấn đề xuất phát từ thế giới thực là những vấn đề liên quan đến rất nhiều những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, mà việc giải quyết nó đòi hỏi HS phải đa dạng về kiến thức chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi môn học. Khi tham gia GQVĐ HS phải huy động tất cả các kiến thức liên quan đến vấn đề, có thể sử dụng thông tin của những môn học khác nhau để giải quyết nó. Đôi khi HS còn phải làm các bài tập liên quan đến nhiều lĩnh vực kiến thức. Ví dụ như khi học kiến thức vật lí chương “Mắt và các dụng cụ quang học” Vật lí 11, GV đưa ra vấn đề là một em HS trong lớp nhìn không rõ chữ trên bảng và yêu cầu đổi chổ ngồi. Qua tìm hiểu nguyên nhân tại sao, HS sẽ nắm được các tật khúc xạ về mắt, đồng thời cũng sẽ tìm hiểu về những loại vi khuẩn gây bệnh cho mắt (liên quan đến môn Sinh học) và tìm hiểu xem thời tiết thời gian này có thường xảy ra các dịch bệnh về mắt không (liên quan đến môn Địa lí),…
Quan hệ với môi trường bên ngoài
Xuất phát từ những vấn đề thực mà việc học của HS theo PBL chịu ảnh hưởng bởi các mối quan hệ giao tiếp với mọi người xung quanh. Việc học có thể được NC khi HS có cơ hội tiếp xúc và cộng tác với người khác qua những công việc hướng dẫn. Các môi trường học cho phép tạo ra các mối tương tác xã hội, tôn trọng
tính đa dạng, khuyến khích lối tư duy linh hoạt và hình thành, phát triển kĩ năng sống trong cộng đồng.