III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MỘT SỐ MÔ HÌNH NHÂN DÂN TỰ QUẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
3. Đánh giá kết quả của công tác tự quản thông qua các mô hình tự quản của nhân dân
3.1. Những ưu điểm.
3.1.1. Hoạt động tự quản diễn ra khá phổ biến, đa dạng trên mọi lĩnh vực, hình thức tổ chức linh hoạt, quy mô ngày càng phát triển.
- Hoạt động tự quản đã mang tính phổ biến, được thể hiện rất rõ đó là: hầu hết các thôn xóm đều có mô hình tự quản ( kết quả khảo sát ở 8 thôn, xóm ở 3 vùng miền khác nhau của tỉnh đều có các mô hình tự quản).
- Nội dung và hình thức tự quản cũng đa dạng, phù hợp với đắc điểm tình hình kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương (bản sắc dân tộc và tôn giáo). Có các mô hình tự quản do nhân dân tự tổ chức, có những mô hình do các tổ chức trong hệ thống chính trị như: Hội Phụ nữ, hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, hội khuyến học...phát động và hướng dẫn nhân dân xây dựng.
- Các mô hình tự quản có quy mô, lĩnh vực khác nhau, có mô hình tự quản theo nhóm hộ gia đình, theo dòng họ, hoặc trong một thôn,...nhưng phù hợp với nội dung, lĩnh vực hoạt động và phù hợp với quy định của pháp luật.
3.1.2. Hoạt động của các mô hình tự quản góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Các tổ, nhóm tự quản đã giúp chính quyền cấp xã thực hiện công tác quản lý hành chính, xây dựng khối đại đoàn kết, đời sống văn hóa và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
- Góp phần đẩy lùi các tiêu cực, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh và xã hội hoá cao.
Chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến được nâng lên rõ rệt, duy trì và phát triển nét đẹp văn hóa, truyền thống của địa phương; mối quan hệ ruột thịt, họ hàng, làng xóm ngày thêm gắn bó, mọi người gần gũi, chia sẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn; tăng cường, củng cố khối đoàn kết toàn dân.
- Trong khi tham gia các hoạt động tự quản, mọi người trong cộng đồng đều thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự tại nơi mình sinh sống.
3.2. Một số tồn tại, hạn chế của các mô hình tự quản.
3.2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
- Chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vận động quần chúng; sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa đồng bộ, hoạt động chưa đều, thiếu thống nhất, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ trong lãnh đạo chỉ đạo; một bộ phận cán bộ đảng viên ở cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ, phương pháp vận động quần chúng.
- Công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm các phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng còn hạn chế; một số mô hình tự quản mới của nhân dân chậm được phát hiện và nhân rộng; việc biểu dương khen thưởng những mô hình tự quản tiêu biểu chưa kịp thời, chưa tạo thành động lực khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
3.2.2. Về hoạt động của các tổ tự quản.
- Bộ máy tổ chức, quản lý các mô hình tự quản chưa khoa học, về cơ bản vẫn còn mang tính tự phát hoặc trùng lắp với Ban công tác Mặt trận, Ban chi ủy; phần
lớn các tổ tự quản chưa xây dựng được quy chế hoạt động hoặc xây dựng được quy chế hoạt động nhưng chưa khoa học.
- Cán bộ thôn, cán bộ chi đoàn, chi hội tham gia chỉ đạo nhiều mô hình tự quản, nhưng một số mô hình lại mang tính độc lập, hoạt động riêng rẽ, hoặc còn chung chung.
- Hình thức mô hình tự quản toàn diện còn ít, chủ yếu chỉ xây dựng được các mô hình hoạt động trên các lĩnh vực vệ sinh môi trường; mô hình do nhân dân tự tổ chức không nhiều, chủ yếu vẫn do các đoàn thể phát động và hướng dẫn nhân dân thực hiện.
- Kinh phí hoạt động ở các tổ tự quản còn thiếu, nên hoạt động cũng không thường xuyên, chưa có nhiều hình thức khen thưởng động viên kịp thời.
3.2.3. Về ý thức của nhân dân.
- Phần lớn nhân dân chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tự quản, chưa nhiệt tình ủng hộ, chưa tự giác tham gia hoặc còn thiếu lòng tin vào tổ chức của mình.
- Một số hộ dân vẫn vi phạm các quy định của hương ước, chưa có ý thức trong gìn giữ môi trường, tình trạng thả rông gia súc, mất vệ sinh; chưa có ý thức phòng chống tai tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, chưa tuân thủ các quy định trong việc tổ chức tang lễ, đám cưới…vv.
- Vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền thiếu tập trung, chưa thống nhất.
- Chưa có chuyên đề nghiên cứu sâu về công tác tự quản, chưa chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình điểm.
- Trình độ, năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên; nhận thức, ý thức chấp hành, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân với cộng đồng còn hạn chế.