Ngày nay, bản đồ tư duy được ứng dụng trong nhiều công việc như: học tập, giảng dạy, hội họp, lập kế hoạch kinh doanh…
Có thể nói dạy học là một trong những nghề cao quý nhất của xã hội và người giáo viên lúc nào cũng đóng một vai trò nhất định. Giáo viên chịu trách nhiệm cung cấp, hướng dẫn cho học sinh cách làm chủ nguồn tài nguyên quý giá nhất của con người – tài nguyên trí thức. Nhưng kiến thức của nhân loại luôn phát triển theo cấp số nhân vì thế vai trò người thầy càng quan trọng. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải dạy cho học sinh cách học. Và bản đồ tư duy là công cụ thích hợp nhất.
1.3.6.1. Soạn bài giảng
Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất của bản đồ tư duy là làm ghi chú cho bài giảng. So với việc phải viết ra như cách ghi chép cũ thì việc soạn bài giảng theo hình thức bản đồ tư duy sẽ nhanh hơn. Một trong những ưu điểm lớn của nó là làm cho cả giáo viên lẫn học sinh lúc nào cũng có cái nhìn tổng thể về vấn đề mình đang tìm hiểu.
Một bài giảng bằng bản đồ tư duy dễ dàng cập nhật theo thời gian mà các chi tiết trong bài giảng không hề bị xáo trộn.
Hơn nữa, nhờ có các đặc tính hỗ trợ trí nhớ, giáo viên chỉ cần xem lướt qua bài giảng trước khi lên lớp là có thể nhanh chóng nắm được trọng tâm của bài giảng.
Kiến thức của giáo viên ngày càng phong phú nên cùng một bài giảng bằng bản đồ
tư duy sẽ hình thành nhiều bài giảng mới khác nhau nếu nó được sử dụng trong thời gian dài, liên tục. Điều này làm cho giáo viên tránh được sự tẻ nhạt của các ghi chú đã cũ mà không mất nhiều thời gian, công sức cho việc soạn bài giảng. Mặt khác, nó cũng làm cho cả giáo viên lẫn học sinh cảm thấy giờ học hấp dẫn, sinh động hơn.
Giáo viên sẽ không còn vất vả chạy theo khung thời gian quy định của chương trình để kịp tiến độ công việc. Bản đồ tư duy cho phép giảng dạy theo đúng thời gian quy định, nếu thời gian quy định thay đổi vì lí do nào đó thì giáo viên có thể chỉnh sửa bài giảng cho dài hoặc ngắn theo yêu cầu cụ thể. Chức năng chỉnh sửa này rất hữu ích cho việc cập nhật thông tin mới của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Giáo viên không còn cảm thấy quá áp lực với thời gian.
Hình 1.5 Bản đồ tư duy cho tác phẩm “Nhật ký trong tù”
1.3.6.2.Hoạch định kế hoạch cho năm
Giáo viên có thể dùng bản đồ tư duy hoạch định kế hoạch công việc cho năm để có được cái nhìn tổng quát về chương trình học của cả năm bao gồm các học kỳ và hình thức bài học phải dạy. Đây là công cụ lý tưởng để hoạch định, theo dõi công việc giúp cho cả thầy lẫn trò có thể theo dõi tiến độ công việc.
Hình 1.6. Kế hoạch năm học lập bằng bản đồ tư duy
1.3.6.3. Hoạch định kế hoạch học kỳ
Đây là một phần của kế hoạch hàng năm. Kế hoạch học kỳ cho thấy chủ đề và thứ tự giảng dạy mà giáo viên sẽ dạy theo chương trình.
1.3.6.4. Hoạch định cho ngày
Dùng bản đồ tư duy để ghi lại cụ thể, chi tiết về bài học cũng như thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, phòng học, chủ đề bài giảng…
1.3.6.5. Thi cử
Nếu mục đích của việc thi cử là kiểm tra kiến thức, mức độ hiểu biết của học sinh thì bản đồ tư duy sẽ giúp cho giáo viên thấy rõ khả năng bao quát vấn đề của học sinh, những mặt mạnh mặt yếu của học sinh. Phương pháp này giúp giáo viên đánh giá rõ ràng, khách quan mức độ hiểu biết của học sinh mà không bị chi phối bởi các yếu tố như: ngữ pháp, chính tả… Tiết kiệm thời gian cho việc chấm bài.
1.3.6.6. Giáo dục đặc biệt
Đối với những người có vấn đề về học tập thì bản đồ tư duy mang lại hiệu quả đặc biệt. Sử dụng bản đồ tư duy họ sẽ không bị ràng buộc về ngữ nghĩa.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy là bản đồ tư duy mang lại nhiều lợi ích cho công tác giảng dạy:
- Gợi hứng thú cho người học một cách tự nhiên
- Cách trình bày một bài học sáng tạo, gây hứng thú cho giáo viên, học sinh.
- Công việc soạn bài giảng của giáo viên linh hoạt, bổ sung dễ dàng.
- Nội dung rõ ràng dễ nhớ.
- Học sinh hiểu sâu bài học vì thấy được mối liên hệ của các vấn đề.
- Công việc ghi chép bài học của học sinh được giảm đi rất nhiều.
- Rất có lợi cho những học sinh có vấn đề về học tập như khả năng nói kém phát triển.
Hình 1.7. Một số ứng dụng của bản đồ tư duy trong dạy học