Mục 2: Bảo hộ NHHH theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành
3. Các quyền của chủ nhãn hiệu được cấp Văn bằng bảo hộ, được công nhận là NHHH nổi tiếng
3. Các quyền của chủ nhãn hiệu được cấp Văn bằng bảo hộ, được công nhận là NHHH nổi tiếng :
Văn bằng bảo hộ, Quyết định công nhận NHHH nổi tiếng có vai trò xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu của người được cấp, theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền như: độc quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền chuyển giao nhãn hiệu cho người khác và quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ mình khi có tranh chấp.
3.1. Quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu:
Độc quyền sử dụng NHHH có nghĩa là chủ NHHH có toàn quyền sử dụng NHHH của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với các qui định của pháp luật. Việc sử dụng này bao gồm hành vi gắn nhãn hiệu trực tiếp lên hàng hoá hoặc các hình thức khác như dán, đính, cài lên hàng hoá hoặc bao bì chứa đựng hàng hoá; tiếp thị và quảng bá nhãn hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các giấy tờ giao dịch, trên các áp phích quảng cáo,...
Mặt khác, quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu còn thể hiện ở quyền của chủ nhãn hiệu không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác tiến hành các hoạt động có liên quan đến việc sử dụng NHHH của mình đã được bảo hộ vào mục đích thương mại như: sản xuất, đưa vào lưu thông, quảng bá nhằm giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm cùng loại mang nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu mà chủ nhãn hiệu đã đăng ký.
Theo qui định của pháp luật Việt Nam, nếu NHHH được công nhận là NHHH nổi tiếng thì quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu nổi tiếng đó còn được mở rộng hơn. Quyền này thể hiện qua việc chủ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng còn có quyền không cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trùng hoặc tương tự với NHHH nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng phiên âm dịch nghĩa của NHHH nổi tiếng của mình cho các sản phẩm, dịch vụ không cùng loại, không tương tự và không có liên quan gì đến hàng hoá, dịch vụ nằm trong danh mục cùng loại hoặc tương tự đã đăng ký cho NHHH nổi tiếng đó ( khoản 24, Điều 1, Nghị định 06/CP).
Hạn chế : Quyền độc quyền sử dụng của chủ nhãn hiệu bị pháp luật hạn chế đối với hành vi không sử dụng. Nghĩa là, chủ nhãn hiệu phải có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu liên tục và không được đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu quá 5 năm liền. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này thì quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt vào thời điểm Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ hiệu lực (khoản 2, điều 46, NĐ63/CP) .
Trung tâm Học liệu ĐH Cần Thơ @ Tài liệu học tập và nghiên cứu
3.2. Quyền chuyển giao nhãn hiệu cho người khác:
Bên cạnh quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu còn có quyền chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng NHHH đã đăng ký hoặc đã được công nhận là NHHH nổi tiếng cho người khác thông qua hợp đồng chuyển quyền sở hữu hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, còn gọi là hợp đồng li_xăng (licence). Việc chuyển giao này có thể được thực hiện khi chủ nhãn hiệu không có nhu cầu, chưa có yêu cầu sử dụng hoặc chỉ sử dụng được nhãn hiệu trong phạm vi hạn chế về không gian hay vì lý do nào đó mà chủ nhãn hiệu không thể tiếp tục sử dụng nhãn hiệu được.
Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu NHHH (khoản 2, điều 796, BLDS 1995):
Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu thực chất là một hợp đồng mua bán tài sản, theo đó chủ nhãn hiệu có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ trả tiền và nhận tài sản (hay nói đúng hơn là nhận quyền tài sản). Hợp đồng phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký tại Cục SHCN.
Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (hợp đồng Li-xăng 21): Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu là hợp đồng theo đó chủ nhãn hiệu cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu trên sản phẩm do người đó sản xuất, phân phối và trong việc kinh doanh.
Hợp đồng li-xăng có thể có nhiều hình thức: nó có thể chỉ giới hạn trong một phạm vi không gian, thời gian hay giới hạn trong một số mặt hàng nhất định; li-xăng có thể là li-xăng độc quyền hay li-xăng không độc quyền. Li-xăng độc quyền (theo điều 821,BLDS) là li-xăng theo đó bên được chuyển giao có toàn quyền sử dụng nhãn hiệu trong giới hạn đã qui định trong hợp đồng, còn bên chuyển giao cam kết không độc lập khai thác đối tượng đó và không được chuyển giao li-xăng tương tự cho người thứ ba. Đây là hình thức sử dụng phổ biến nhất do tính chất độc quyền phân phối sản phẩm, thực hiện dịch vụ trong một phạm vi nhất định của bên được chuyển giao. Li-xăng không độc quyền (theo điều 822, BLDS) là li-xăng theo đó bên được chuyển giao được quyền sử dụng nhãn hiệu theo những điều kiện được ghi trong hợp đồng li-xăng, bên chuyển giao vẫn có quyền sử dụng đồng thời có quyền chuyển giao nhãn hiệu đó cho bên thứ ba cũng với những điều kiện tương tự.
Về hình thức, hợp đồng li-xăng nhãn hiệu phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký tại Cục SHCN. Về bản chất, hợp đồng li-xăng nhãn hiệu là hợp đồng cho thuê tài sản, tuy nhiên khác với các loại hợp đồng cho thuê tài sản khác, bên thuê (bên được chuyển giao trong hợp đồng li-xăng nhãn hiệu) bị hạn chế ở quyền không sử dụng. Bên được chuyển giao li-xăng có nghĩa vụ phải sử dụng NHHH bởi vì NHHH không được sử dụng trong thời hạn 5 năm sẽ bị đình chỉ hiệu lực. Bên được chuyển giao phải khai thác nhãn hiệu theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng, bên chuyển giao có quyền kiểm tra việc thực hiện các điều kiện này. Khi hết thời hạn hợp đồng, bên được chuyển giao phải ngưng ngay việc sử dụng nếu không sẽ bị xem là xâm phạm độc quyền sử dụng nhãn hiệu của bên đã chuyển giao22.
21 Li-xăng là sự thoả thuận bằng văn bản, trên cơ sở đó cá nhân, tổ chức (còn gọi là bên giao) cho phép cá nhân, tổ chức (còn gọi là bên được chuyển giao) được sử dụng trong phạm vi lãnh thổ nhất định (lãnh thổ li-xăng) và trong thời hạn nhất định đối tượng li-xăng đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của bên giao. Sự thoả thuận đó được gọi là hợp đồng Li-xăng.
.
22 Tuy nhiên, một cách hợp lý có thể suy đoán rằng bên chuyển giao li-xăng phải cho bên được chuyển giao một thời hạn hợp lý để xử lý hàng hoá còn tồn đọng
Trung tâm Học liệu ĐH Cần Thơ @ Tài liệu học tập và nghiên cứu
Hạn chế: để bảo vệ cho người được chuyển giao li-xăng, pháp luật qui định chủ NHHH chỉ được chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng NHHH của mình trong phạm vi không gian và thời gian được pháp luật bảo hộ đồng thời đảm bảo việc chuyển giao không bị bên thứ ba tranh chấp. Nếu có xảy ra tranh chấp thì chỉ bên giao chịu trách nhiệm giải quyết.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao nhãn hiệu không được gây nên sự nhầm lẫn về đặc tính hoặc nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Việc chuyển giao nhãn hiệu nổi tiếng phải đảm bảo duy trì uy tín, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ manh nhãn hiệu nổi tiếng đó và việc chuyển giao nhãn hiệu liên kết chỉ được thực hiện đồng thời với tất cả các nhãn hiệu liên kết.
Ngoài ra, việc chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu còn được thực hiện thông qua hợp đồng tặng, cho, thừa kế nhãn hiệu.
3.3. Quyền của chủ nhãn hiệu yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ mình khi có tranh chấp:
Trong trường hợp quyền sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại (điều 796, BLDS). Theo như qui định trên thì chính chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký mới có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu theo thủ tục hành chính hay khởi kiện tại Tòa.
Nhưng trên thực tế, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu thì ta có thể suy đoán hợp lý rằng quyền yêu cầu trên cũng có thể do người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu bị xâm phạm tiến hành thay vì phải chờ đợi việc làm này của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.
3.4. Hiệu lực của Văn bằng bảo hộ, Quyết định công nhận NHHH nổi tiếng. Vấn đề sửa đổi, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực của Văn bằng bảo hộ NHHH:
a. Hiệu lực :
* Hiệu lực về thời gian:
Giấy chứng nhận đăng ký NHHH có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
Quyết định chấp nhận bảo hộ NHHH đăng ký quốc tế có hiệu lực kể từ ngày đăng ký quốc tế được công bố trên Công báo NHHH quốc tế của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đến hết 20 năm kể từ ngày đó và có thể được gia hạn thêm 20 năm.
Quyết định công nhận NHHH nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu đó được công nhận là nổi tiếng ghi trong Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
* Hiệu lực về không gian:
Văn bằng bảo hộ NHHH được cấp theo pháp luật Việt Nam thì chỉ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam (theo khoản 1, điều 9, NĐ63/CP). Đây là qui định phù hợp với thông lệ chung của pháp luật các quốc gia khác và pháp luật quốc tế. Nếu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu NHHH theo pháp luật quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ quốc gia đó và chỉ có quốc gia đó mới có trách nhiệm bảo hộ. Tuy nhiên, phạm vi bảo hộ này có ngoại lệ, khi các quốc gia tham gia ký kết điều ước quốc tế (song phương hay đa phương) trong lĩnh vực này thì phạm vi không gian bảo hộ NHHH có thể được mở rộng ra các nước là thành viên tham gia ký kết Điều ước quốc tế đó.
Trung tâm Học liệu ĐH Cần Thơ @ Tài liệu học tập và nghiên cứu
b. Sửa đổi, duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ:
Trong trường hợp có sự thay đổi về tên, địa chỉ của chủ Văn bằng bảo hộ NHHH; có sự thay đổi một số chi tiết của nhãn hiệu nhưng không làm thay đổi căn bản nhãn hiệu đó;
giảm bớt một số sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm, dịch vụ ghi trong Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp đơn cho Cục SHCN yêu cầu sửa đổi các nội dung nêu trên. Nếu yêu cầu đó là hợp lệ, Cục SHCN sẽ tiến hành sửa đổi, đăng bạ và công bố sự thay đổi đó trên Công báo SHCN. Ngược lại, Cục SHCN sẽ từ chối và nêu rõ lý do từ chối sửa đổi.
c. Đình chỉ, huỷ bỏ Văn bằng bảo hộ:
Văn bằng bảo hộ có thể bị đình chỉ hay bị huỷ bỏ nếu có đơn yêu cầu tương ứng của người thứ ba và thuộc trong các trường hợp qui định tại điều 28, điều 29, Nghị định 63/CP.