CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Mục tiêu và nhiệm vụ của công tác GDTC trong các trường đại học
Xây dựng thói quen TDTT thường xuyên, tăng cường thể chất, bồi dưỡng năng lực TDTT, phẩm chất tư tưởng và ý chí của học sinh, sinh viên để trở thành những người lao động và bảo vệ Tổ quốc XHCN phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, nghề.
Mục tiêu đó đã được khái quát trong pháp lệnh TDTT là nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, góp phần hình thành và bồi dưỡng nhân cách, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho người học.
Thực hiện mục tiêu kể trên chính là làm cho TDTT trường học góp phần hoàn thành mục tiêu chung của giáo dục là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [31, Điều 14].
Mục tiêu của giáo dục đại học, cao đẳng là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [27, tr 20].
GDTC trong các trường đại học, cao đẳng là một bộ phận hữu cơ của mục tiêu GD&ĐT. Đồng thời là một mặt giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ nhằm tạo ra lớp người mới, có năng lực, phẩm chất, có sức khỏe đó là lớp người “Phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức” [7].
Mục tiêu chiến lược này thể hiện rõ những yêu cầu về sức khỏe và thể chất của lớp người lao động mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai đoạn học tập trong các trường đại học, cao đẳng của SV là một giai đoạn quan trọng nhất. Sau khi tốt nghiệp ra trường, SV trở thành người cán bộ khoa học, có đầy đủ sức khỏe, tri thức, phẩm chất đạo đức và có thể hoạt động một cách độc lập, sáng tạo trong chuyên ngành của mình. Trong hệ thống giáo dục toàn diện đó, GDTC
đóng vị trí, vai trò hết sức to lớn. Thông qua các hoạt động TDTT, SV có thể phát triển cơ thể một cách hài hòa, cân đối, bảo vệ tăng cường sức khỏe, nâng cao năng lực làm việc chung và chuyên môn, nhanh chóng thích nghi với điều kiện học tập và sinh hoạt.
Bằng những hoạt động phong phú của mình, GDTC còn góp phần quan trọng trong việc rèn luyện và hình thành cho SV những phẩm chất ý chí như lòng dũng cảm, tính quyết đoán, ý thức tổ chức kỷ luật cũng như việc giáo dục SV lòng tự hào dân tộc, tinh thần tập thể, sự đoàn kết và thẳng thắn, trung thực. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đoàn thể thì GDTC cũng góp phần tạo nên nếp sống lành mạnh, vui tươi và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Mục tiêu của hệ thống GDTC trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp là đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, văn hóa xã hội…
có trình độ cao, hoàn thiện về thể chất, phát triển hài hòa về mọi mặt, có năng lực hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, có tư tưởng, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa.
GDTC với mục tiêu góp phần giáo dục con người phát triển thể lực chung và thể lực chuyên môn ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo từng ngành nghề cụ thể, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quán triệt đầy đủ tinh thần các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác TDTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 01/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 – NQ/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục, thể thao đến năm 2020 [6].
Định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước đến năm 2000 và những năm đầu thế kỷ 21 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội III của Đảng. Quy hoạch phát triển TDTT của các tỉnh, thành trong cả nước về quy hoạch tổng thể ngành TDTT Việt Nam từ 1996 – 2000, 2001 – 2005 và định hướng đến 2025.
Mục tiêu tổng quát là phát huy sức mạnh tổng thể của nhà trường, gia đình và xã hội vào việc đưa GDTC trong trường học các cấp (cả nội khóa và ngoại khóa) thành nếp sống thường xuyên của HS, SV góp phần đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ và thể chất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giữ vững và tăng cường an ninh quốc phòng, phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, làm cho thế hệ HS, SV Việt Nam ngày càng phát triển
cao về thể chất và tinh thần, để sẵn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng cha anh, sẵn sàng lao động và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Bộ GD&ĐT xây dựng mục tiêu theo các giai đoạn cụ thể, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.Mục tiêu GDTC giai đoạn năm 2006 – 2025 như sau:
Mục tiêu GDTC giai đoạn 2006 – 2025 mang tính chất dự báo theo sự phát triển của đất nước. Theo dự báo cuối giai đoạn 2006 – 2025 đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức khá cao bình quân GDP đầu người tăng ít nhất 10 lần so với hiện nay. Khi đó GDTC và TDTT càng có vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân để thích ứng với điều kiện của một đất nước công nghiệp.
Định hướng mục tiêu GDTC giai đoạn 2006 – 2025: “Quy mô và chất lượng của phong trào TDTT quần chúng trong HS, SV được mở rộng và nâng cao, cơ sở hạ tầng của TDTT trường học được phát triển đồng bộ theo nhiều cấp độ khác nhau nhằm đảm bảo có chất lượng và hiệu quả cao trong GDTC, bồi dưỡng và phát triển tài năng thể thao cho đất nước.
Đạt 100% trường học thực hiện GDTC có chất lượng, 80% số trường có hoạt động TDTT ngoại khóa thường xuyên.
Phát triển lực lượng vận động viên là học sinh, sinh viên đạt trình độ cao ở khu vực Đông Nam Á, thể thao HS, SV trở thành lực lượng chính của thể thao Việt Nam.
Hệ thống tổ chức GDTC và thể thao học đường được xã hội hóa ở trình độ trên cơ sở mục tiêu giáo dục theo luật và các văn bản dưới luật của Nhà nước.
Các công trình TDTT trường học được hiện đại hóa ngang hàng với nhà trường của các nước tiên tiến trong khu vực.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên TDTT có khả năng sáng tạo về lý luận và phương pháp GDTC, vận dụng công nghệ tiên tiến trong công tác GDTC và thể thao học đường, tham gia hoạt động có hiệu quả trong các tổ chức thể thao HS, SV ở khu vực và trên thế giới. Đào tạo giáo viên TDTT cho trường học theo tiêu chuẩn 300 – 400 HS có một giáo viên chuyên trách thể thao” [7].
Quyết định số 2160/QĐ – TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, thể dục, thể thao cơ bản được phát triển đồng đều giữa các đối tượng, rộng khắp giữa các vùng, miền, các địa
phương trong cả nước, góp phần nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam, vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh. Thành tích ở một số môn thể thao có thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ của châu lục và thế giới.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nền thể dục, thể thao phát triển ở châu lục” [15].
Về mục tiêu cụ thể đối với GDTC và thể thao trong nhà trường đó là: “Tỷ lệ HS, SV thực hiện chương trình GDTC chính khóa đạt 100% từ năm 2015 trở đi đối với tất cả các cấp học, bậc học. Từ sau năm 2015, phấn đấu nâng cao chất lượng GDTC chính khóa, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước” [16].
Tỷ lệ trường thực hiện đầy đủ các hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường ở bậc học Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề, đại học: Đạt 70% vào năm 2015, đạt 80% vào năm 2020 và đạt trên 90% vào năm 2030. Tỷ lệ giảng viên thể dục, thể thao trên số HS, SV: Đạt 01/500 vào năm 2015, đạt 01/400 vào năm 2020 và đạt 01/300 vào năm 2030. Diện tích sân tập dành cho GDTC và thể thao trong nhà trường (m2/SV): Đạt 02m2 vào năm 2015, đạt 03m2 vào năm 2020 và đạt 04m2 vào năm 2030 [16].
Như vậy, mục tiêu của hệ thống GDTC trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp là đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh doanh… có trình độ cao, hoàn thiện về thể chất, phát triển hài hòa về mọi mặt, có năng lực hoạt động chuyên môn độc lập, có tư tưởng đạo đức tác phong xã hội chủ nghĩa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện hết mục tiêu trên, công tác GDTC cần phải giải quyết các nhiệm vụ dưới đây.
1.3.2. Nhiệm vụ của công tác GDTC
Giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa, rèn luyện tinh thần tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng niềm tin lối sống tích cực lành mạnh, tinh thần tự giác học tập và rèn luyện thân thể, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ sản xuất và bảo vệ Tổ quốc.
Cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản về nội dung và phương pháp tập luyện TDTT, kỹ năng vận động và kỹ thuật cơ bản của một số môn thể thao thích hợp.
Trên cơ sở đó bồi dưỡng khả năng sử dụng các phương tiện nói trên để tự rèn luyện thân thể tham gia tích cực vào việc tuyên truyền và tổ chức hoạt động TDTT cơ sở.
Góp phần duy trì và củng cố sức khỏe của SV, phát triển cơ thể một cách hài hòa, xây dựng thói quen lành mạnh, khắc phục những thói quen xấu trong cuộc sống, nhằm sử dụng thời gian vào công việc có ích đạt kết quả tốt trong quá trình học tập và
đạt được những chỉ tiêu thể lực quy định cho từng đối tượng và năm học trên cơ sở rèn luyện thân thể theo lứa tuổi.
Giáo dục óc thẩm mỹ cho SV và tạo điều kiện để nâng cao trình độ thể thao của vận động viên SV.
Hoạt động TDTT trong các trường đại học, cao đẳng là một thành phần trong việc giáo dục toàn diện cho SV giải quyết các nhiệm vụ giáo dục của hoạt động TDTT là tăng cường sức khỏe: Sức khỏe là tài sản thiêng liêng, là vốn quý nhất của mỗi con người và cộng đồng xã hội. Hiện tại cũng như lâu dài, con đường tích cực nhất, chủ động nhất để có sức khỏe là thường xuyên tập luyện TDTT, đồng thời kết hợp với các yếu tố vệ sinh, môi trường và các yếu tố xã hội khác.
Yêu cầu chủ yếu của việc tập luyện TDTT theo hướng sức khỏe là nhằm phát triển hài hòa các mặt về hình thái, chức năng của cơ thể, đồng thời phát triển các năng lực thể chất con người.
- Nhiệm vụ giáo dục là nhằm hình thành các phẩm chất ý thức và đạo đức của con người mới, góp phần tích cực vào giáo dục trí tuệ, giáo dục lao động, giáo dục thẩm mỹ.
- Nhiệm vụ giáo dưỡng là nhằm hình thành một hệ thống các kỹ năng, kỹ xảo vận động, các phẩm chất thể lực cơ bản cần thiết của cuộc sống hàng ngày. Trong đó có các kỹ năng kỹ xảo thực trạng và các kỹ năng kỹ xảo thể thao. Đồng thời trang bị cho người học những tri thức cần thiết về lĩnh vực hoạt động TDTT với mục đích sử dụng có hiệu quả các phương tiện tập luyện trong sinh hoạt học tập.
Nghị quyết số 16/NQ – CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao chất lượng, hiệu quả GDTC và hoạt động thể thao trường học như sau:
- Đổi mới chương trình và phương pháp GDTC, gắn GDTC với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của HS, SV; thực hiện tốt GDTC theo chương trình nội khóa và phát triển mạnh các hoạt động thể thao ngoại khóa của HS, SV; tiếp tục phát triển các trường lớp năng khiếu thể thao để phát hiện, đào tạo tài năng thể thao quốc gia.
- Tăng cường đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác GDTC trong nhà trường; sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn phục vụ hoạt động thể thao ngoại khóa của HS, SV [14].
Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả GDTC và hoạt động thể thao trong trường học, đó là:
TDTT trường học là bộ phận quan trọng của phong trào thể dục, thể thao, một mặt của giáo dục toàn diện nhân cách HS, SV, cần được quan tâm đầu tư đúng mức.
Xây dựng và thực hiện “Đề án tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học”. Thực hiện tốt GDTC theo chương trình nội khóa; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của HS, SV, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của HS, SV và góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao.
Đổi mới chương trình và phương pháp GDTC, gắn GDTC với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của HS, SV. Đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho trường học; củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi và thể dục, thể thao trường học [6].
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của GDTC trong trường học là rèn luyện cho SV đáp ứng được các yêu cầu về rèn luyện thân thể do Bộ GD&ĐT ban hành.
GDTC là một quá trình sư phạm, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe hoàn thiện thể chất, rèn luyện tính tích cực và nhân cách cho thế hệ trẻ. GDTC như là một phạm trù vĩnh cữu, nó ra đời từ khi xuất hiện xã hội loài người và sẽ tồn tại như một trong những điều kiện cần thiết của nền sản xuất xã hội.
GDTC trong các trường Đại học, Cao đẳng mang tính chất quần chúng và xã hội với các hình thức chủ yếu là chương trình thể dục nội khóa và các hoạt động ngoại khóa, được thực hiện cho tất cả các SV trong trường không phải là nhiệm vụ của thầy và trò mà nó còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, mối quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.