CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Đặc điểm tâm – sinh lý của lứa tuổi sinh viên
Đây là thời kỳ các sinh viên đã phát triển đầy đủ các chức năng tâm lý, là giai đoạn thống nhất, hài hòa của con người gắn liền với sự nâng cao một cách rõ rệt năng lực làm việc, nhân cách cơ bản được hình thành và luôn có tính độc lập cao, thể hiện thái độ một cách rõ ràng.
Những đặc điểm tâm lý của thanh niên sinh viên bị chi phối bởi những đặc điểm phát triển thể chất, môi trường và vai trò xã hội cụ thể mà trong đó họ sống và hoạt động. Đây là một nhóm xã hội đặc biệt đang chuẩn bị trực tiếp cho việc tham gia vào cuộc sống tinh thần của xã hội. Những đặc điểm phát triển tâm lý ở những thanh niên sinh viên rất phong phú, đa dạng và không đồng đều. Được thể hiện qua những nét cơ bản sau đây:
1.4.1.1. Sự thích nghi của sinh viên với cuộc sống và hoạt động mới
Trong thời gian ở trường đại học – cao đẳng, sinh viên phải thích nghi với oạt động học tập, hoạt động xã hội cũng như các sinh hoạt trong đời sống tập thể của sinh viên. Sự thích ứng này đối với mỗi sinh viên không hoàn toàn như nhau, tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý cá nhân và môi trường sống cụ thể của họ quy định.
1.4.1.2. Sự phát triển về nhận thức, trí tuệ của sinh viên
Hoạt động nhận thức của sinh viên thực sự là loại hoạt động trí tuệ đích thực, căng thẳng, cường độ cao và có tính lựa chọn rõ rệt. Hoạt động trí tuệ này vẫn lấy những sự kiện của các quá trình nhận thức cảm tính làm cơ sở. Song các thao tác trí tuệ đã phát triển ở trình độ cao và đặc biệt có sự phối hợp nhịp nhàng, tinh tế, uyển chuyển, linh động tùy theo từng hoàn cảnh của vấn đề. Bởi vậy, đa số sinh viên lĩnh hội nhanh nhạy, sắc bén những vấn đề mà thầy, cô giáo trình bày. Họ thường ít thỏa mãn với những gì đã biết và muốn đào sâu, suy nghĩ để nắm vấn đề sâu và rộng hơn.
1.4.1.3. Sự phát triển về động cơ học tập ở sinh viên
Động cơ học tập chính là nội dung tâm lý của hoạt động học tập. Động cơ này bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là những yếu tố tâm lý của chính chủ thể như hứng thú, tâm thế, niềm tin, thế giới quan, lý tưởng sống. Cũng có thể đó là những yếu tố nằm ngoài chủ thể như yêu cầu của gia đình, xã hội. Động cơ học tập cũng có thể nãy sinh do chính hoạt động và những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của hoạt động mang lại.
1.4.1.4. Sự phát triển một số phẩm chất nhân cách ở sinh viên
Những phẩm chất nhân cách: tự đánh giá, lòng tự trọng, tự tin, sự tự ý thức được phát triển mạnh mẽ ở lứa tuổi sinh viên. Chính những phẩm chất nhân cách bậc
cao này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực của những tri thức tương lai.
Phẩm chất định hướng giá trị là những giá trị được chủ thể nhận thức, ý thức và đánh giá cao, có ý nghĩa định hướng điều chỉnh thái độ, hành vi, lối sống của chủ thể nhằm vươn tới những giá trị đó.
1.4.1.5. Quá trình diễn biến khả năng lao động trí óc của sinh viên
Diễn biến khả năng làm việc ngày, đêm của con người phụ thuộc vào nhịp sinh học, dưới ảnh hưởng của các yếu tố ngoại môi và nội môi (môi trường bên ngoài và nhịp hô hấp, nhịp tim…). Đối với sinh viên trong một ngày làm việc phải trãi qua thời kỳ chuẩn bị từ 10 – 40 phút để thích ứng với công việc, tiếp theo là trạng thái sẵn sàng làm việc đạt mức tối ưu rồi giảm dần chuyển sang mệt mỏi và phải nghỉ ngơi để hồi phục. Giữa các tuần, các học kỳ nếu sinh viên biết sử dụng các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe kết hợp với nghỉ ngơi tích cực thì khả năng làm việc đạt hiệu quả cao được tăng lên.
1.4.1.6. Một số đặc điểm về tính cách và khí chất của sinh viên
Khái niệm tính cách: Tính cách, đó là thái độ ổn định với hiện thực và phương thức hành vi đã thành thói quen của con người. Nói cách khác, tính cách là tổng hòa các đặc trưng tâm lý riêng của một con người. Căn cứ vào hướng hoạt động tâm lý của con người mà phân thành hướng nội hay hướng ngoại [35].
Sinh viên có tính cách thuộc kiểu hướng ngoại thường có biểu hiện là hăng hái, sôi nổi, rất hòa hợp, thích kết bạn và giao tiếp, không ưa đọc sách và nghiên cứu một mình, dễ bị kích động, thích đùa, thích thay đổi, tự do lạc quan, thích vận động, không tự kiểm tra chặt chẽ, sống tình cảm, ít để bụng.
Sinh viên theo kiểu hướng nội thường có biểu hiện rất trầm tĩnh, điềm đạm, yêu sách, thích làm việc một mình, thường giữ khoảng cách với mọi người trừ một số rất ít bạn thân.
Khái niệm khí chất: Khí chất là đặc trưng thần kinh tâm lý điển hình của từng con người. Nó thể hiện qua tốc độ của hoạt động tâm lý (như tốc độ tri giác, sự linh hoạt trong tư duy…), tính ổn định (như tập trung chú ý được bao lâu), cường độ (mức độ mạnh yếu về cảm xúc, ý chí), tính chỉ hướng (hướng nội hay hướng ngoại). Những người thuộc loại hình khí chất khác nhau thì năng lực chú ý, cảm thụ, độ rộng của tri giác, tính linh hoạt của tư duy cũng không giống nhau.
1.4.2. Đặc điểm sinh lý của lứa tuổi sinh viên
Ở lứa tuổi từ 18 – 22, cơ bắp đã phát triển, cơ thể con người có năng lực hoạt động cao, nên thuận lợi cho việc tập luyện để phát triển sức mạnh và sức bền. Tập luyện TDTT có hệ thống, có khoa học sẽ làm tăng lực cơ vì tăng số lượng sợi cơ, tăng tiết diện ngang do sự nở cơ cũng như tăng độ đàn hồi của cơ [20], [25].
1.4.2.1. Hệ thần kinh
Các tổ chức của hệ thần kinh vẫn còn phát triển nhưng chậm và đi đến hoàn thiện, khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp, khả năng trừu tượng hóa phát triển… vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành phản xạ có điều kiện [20], [25].
1.4.2.2. Hệ vận động
Đặc điểm phát triển của xương: Cột sống đã ổn định hình dáng, phần sụn ở đầu xương đã được xương hóa, nên hầu như xương không còn phát triển về chiều dài, nên chiều cao ít tăng. Những xương thường xuyên chịu lực cơ học lớn thì rắn vì giàu chất vô cơ hơn. Bao khớp và hệ thống dây chằng chắc lên, khả năng mềm dẻo giảm dần theo lứa tuổi và độ bền vững của khớp tăng [20], [25].
Đặc điểm phát triển cơ bắp: Hệ thống cơ hầu như phát triển mạnh và đầy đủ cả về chất và lượng. Cơ bắp phát triển về chiều ngang. Tập luyện đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến hệ cơ, như khối lượng và thể tích cơ vân tăng lên đáng kể. Sự phì đại cơ vân làm cho việc cung cấp máu cho chúng được cải thiện. Hàm lượng đạm và các chất giàu năng lượng (miozin, creatinphosphat) và hoạt tính của các men đều tăng lên trong cơ tương, tơ cơ, khả năng trao đổi chất của cơ cũng được tăng lên [20], [25].
1.4.2.3. Hệ tuần hoàn
Các kích thước tuyệt đối, tương đối của tim tăng khoảng 220 – 240g. Tần số co bóp của tim giảm dần khoảng 70 – 80 lần/phút. Huyết áp tăng, huyết áp tối đa 100 – 130 mmHg và tối thiểu dao động từ 70 – 85 mmHg [20], [25].
Hệ thống tim mạch trong giai đoạn hoàn thiện về cấu trúc và chức năng. Dưới ảnh hưởng của quá trình phát triển sinh học tự nhiên và sự tác động của tập luyện đã tạo nên những biến đổi thích ứng: Tần số giảm trong yên tĩnh, buồng tim giản rộng, thành tim dày lên và lực co bóp cơ tim tăng là cơ sở tăng lưu lượng phút, lưu lượng tâm thu, huyết áp tối đa trong vận động [20], [25].
1.4.2.4. Hệ hô hấp
Tuổi trưởng thành của cơ thể có sự thay đổi về độ dài của chu kỳ hô hấp, tỉ lệ thở ra hít vào, thay đổi độ sâu, tần số hô hấp. Hệ hô hấp có biến đổi tương đồng. Hệ thống cơ hô hấp, thể tích lồng ngực phát triển hoàn thiện dẫn đến biến đổi các chỉ số
chức năng theo hướng: Tần số hô hấp giảm, thông khí phổi, dung tích sống, khả năng hấp thu oxy tăng. Tần số hô hấp giảm xuống còn 14 – 16 lần/phút. Độ sâu hô hấp tăng dần là 400 – 500ml. Dung tích sống 2600ml đối với nữ, nam 3500ml. Hấp thụ oxy tối đa (VO2max) tăng cao [20], [25].
1.3.2.5. Trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng
Trao đổi chất và năng lượng là bản chất của sự sống. Khả năng năng lượng sinh học của cơ thể là một yếu tố sinh hóa quan trọng xác định năng lực vận động tối đa của con người. Tùy thuộc vào khả năng cung cấp năng lượng mà cơ thể có thể thu nhận năng lượng từ hai quá trình chuyển hóa yếm khí và ưa khí. Mỗi loại hình hoạt động thể lực khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm kỹ thuật và tố chất chuyên môn riêng biệt của nó, đòi hỏi một quá trình trao đổi chất chuyển hóa năng lượng đặc trưng. Như vậy, tập luyện nâng cao thành tích thể thao cũng chính là quá trình tập luyện nâng cao năng lực thích nghi của một hệ thống trao đổi chất nào đó với cường độ và khối lượng vận động của môn thể thao tương ứng, là cơ sở của sự nâng cao năng lực vận động và thành tích của môn thể thao đó [20], [25].