Chương 2: CÁC CHẾ ĐỊNH TRONG LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM
2.1. Xác lập quốc tịch
2.1.3. Xác lập quốc tịch do được trở lại quốc tịch
Trở lại quốc tịch hay còn gọi là phục hồi quốc tịch là trường hợp một cá nhân trước kịa vì một lý do nào đó họ không còn quốc tịch của nước đó nhưng nay muốn được hưởng trở lại quốc tịch trước đó. Những trường hợp phục hồi quốc tịch thường là những người trước đây ra nước ngoài sinh sống nay trở về tổ quốc hoặc đối với những người mất quốc tịch nước mình do kết hôn, ly hôn với người nước ngoài hay làm con nuôi cho người nước ngoài… Nhưng muốn trở lại quốc tịch phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo pháp luật Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam là việc một người trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam nhưng đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam như “đã thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”10.
10
Những trường hợp mất quốc tịch và muốn khôi phục lại quốc tịch Việt Nam thì có quyền làm đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mất quốc tịch Việt Nam đều có thể trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 23 Luật quốc tịch năm 2008 khi đương sự thuộc một trong những trường hợp sau đây thì mới được xem xét trở lại quốc tịch Việt Nam:
Một là, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải là người xin hồi hương về Việt Nam. Điều này thể hiện tinh thần nhân đạo rất lớn của pháp luật quốc tịch nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung, người Việt Nam từ bao đời nay luôn xem trọng các giá trị truyền thống, sự đoàn kết giữa các dân tộc và tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước vì vậy người Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương đất nước nắm bắt được điều này nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người Việt trở về quê hương và có quốc tịch Việt Nam.
Hai là, người trở lại quốc tịch Việt Nam phải là người có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam. Đối với quy định này thì nó như một ưu tiên, đó cũng là đều hợp tình hợp lý đối với cá nhân xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong trường hợp này.
Ba là, người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Cũng giống như trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, có công đóng góp ở đây là những người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của nhà nước Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đóng góp đặc biệt đó.
Bốn là, người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải là người mà việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định, đó phải là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận việc nhập quốc tịch của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trong các lĩnh vực nói trên của Việt Nam.
Năm là, người trở lại quốc tịch Việt Nam phải là người thực hiện đầu tư tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc người này muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải có dự án đầu tư tại Việt Nam và dự án này phải được cơ quan có thẩm quyền tại Viẹt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó. Đây là một quy định mới so với Luật 1998 và được Luật 2008 bổ sung thêm vào những trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Sáu là, người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải là người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Nguyên do mà họ thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch
nước ngoài có rất nhiều nguyên nhân, có thể là họ kết hôn với người nước ngoài nên thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vì nhiều lý do mà họ không thể nhập được quốc tịch nước ngoài như: Họ ly dị, chồng hoặc vợ không mất, bất đồng ngôn ngữ… Nên họ rơi vào tình trạng người không quốc tịch và nay họ muốn quay về nước để trở lại quốc tịch cũ. Đây là một vấn đề mà Luật quốc tịch năm 1998 chưa làm được, nhằm tháo gỡ thì Luật quốc tịch năm 2008 đã điều chỉnh điều này và đã bổ sung vào quy định tại Điều 23 quy định các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Cũng tại Điều 23 Luật quốc tịch 2008 thì ngoài những trường hợp quy định tại khoản 1 thì người trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra người trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép. Đó là những trường hợp (Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;). Đây là điều kiện để một cá nhân xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ lại quốc tịch nước ngoài điều kiện này nhằm hạn chế công dân Việt Nam có nhiều quốc tịch sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. Còn đối với người bị tước quốc tịch Việt Nam muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Luật cũng quy định trường hợp không được trở lại quốc tịch Việt Nam, cũng giống như trường hợp xin nhập Việt Nam, việc khôi phục quốc tịch Việt Nam sẽ không được chấp nhận nếu việc trở lại đó làm phương hại đến lợi ích của nhà nước Việt Nam.
Tóm lại các quy định ở Điều 23 là nhằm tạo điều kiện cho một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không còn quốc tịch Việt Nam có nhiều cơ hội trở lại quốc tịch Việt Nam theo nguyện vọng của họ. Đồng thời với việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam Nhà nước cũng có một số thuận lợi nhất định bằng việc đầu tư của một bộ phận dân cư ở nước ngoài vào Việt Nam góp phần nào đó cho sự phát triển chung của đất nước, đồng thời Nhà nước cũng tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền công dân của mình.
2.1.3.1. Trình tự, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Về trình tự, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định khá cụ thể như sau:
Thành phần hồ sơ chung gồm:
Đơn xin trở lại quốc tịch; Bản khai lý lịch; Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế (giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài). Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với
thời gian người xin trơ lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ Ngoài ra còn có giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao giấy khai sinh; Bản sao quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; Giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó. Các giấy chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao giấy chứng nhận kết hôn đối với người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con đối với người có cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đối với người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người đó sẽ đóng góp cho sự phát triển cho một trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.
Thành phần hồ sơ trong một số trường hợp đặc biệt:
Bản sao giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Nếu chỉ cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam cho con.Ngoài ra giấy tờ có trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, nếu bằng tiếng nước ngoài phải dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam
Còn đối việc quy định cơ quan tiếp nhận, số lượng hồ sơ phải nộp, trình tự giải quyết hồ sơ thì Luật Quốc tịch 2008 quy định như sau: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Sở Tư pháp; Số lượng hồ sơ phải nộp gồm 3 bộ hồ sơ (đối với các loại giấy tờ trong hồ sơ nhưng chỉ có một bản chính thì nộp kèm 2 bản sao được cấp, được chứng thực sao y theo quy định của pháp luật Việt Nam).
Về trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm:
Bước một: Sở Tư pháp
Kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ không đủ hoặc không hợp lệ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 20 ngày, Sở Tư pháp thẩm tra hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam và chờ kết quả xác minh của Công an cấp tỉnh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm tra của Công an cấp tỉnh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước hai: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
Bước ba: Bộ Tư pháp
Đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài:
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi văn bản thông báo cho người xin trở lại quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Đối với ngưòi xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện để trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bước bốn: Chủ tịch nước
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bước năm: Thông báo kết quả giải quyết
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người xin trở lại quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam và đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức thu lệ phí đối với trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam là: 2.500.000đ/1 trường hợp.