hoạt động kinh tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trải qua gần 17 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, với ba lần thay đổi Nghị định, bảo hiểm y tế đã tạo nên nhưng thay đổi quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính y tế mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và đã đạt được những kết quả nhất định.
2.7.1. Những thành tựu bảo hiểm y tế đã đạt được trước khi Luật Bảo hiểm y tế được ban hành
1.Hệ thống tổ chức bộ máy và chính sách bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện
Chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 1992.
Theo Điều lệ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), bảo hiểm y tế Việt Nam trực thuộc Bộ y tế, bảo hiểm y tế các Tỉnh và Ngành trực thuộc bảo hiểm y tế Việt Nam. Đến năm 1998 thực hiện Nghị định số 58/1998/ NĐ-CP của Chính phủ, Bảo hiểm y tế Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất hệ thống cơ quan từ trung ương đến địa phương và bảo hiểm y tế ngành để quản lí và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế được quản lí tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Từ ngày 1-1-2003, bảo hiểm y tế sáp nhập vào bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Đến ngày 8-8-2005, Chính phủ đã có Quyết định thành lập Vụ Bảo hiểm y tế để thực hiện chức năng quản lí Nhà nước về bảo hiểm y tế.
Trong gần 17 năm qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo hiểm y tế, tạo cơ sở pháp lí cho việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế, góp phần tích cực tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, tại kì họp thứ IV vào ngày 14-11-2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 và ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam theo Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16-6-2009. Nội dung của Luật Bảo hiểm y tế đã cơ bản khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế để từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằn, hiệu quả và phát triển9.
9 PGS, TS. Đào Văn Dũng – http://www.tuyengiao.vn
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng và tăng dần về số lượng
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng sau ba lần thay đổi Nghị định, đặc biệt là các đối tượng: Người nghèo, người có công với cách mạng, cán bộ xã phường thị trấn, đại biểu Hội đồng nhân dân, thân nhân của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và của sĩ quan Công an nhân dân, cựu chiến binh thời kì chống Pháp, chống Mĩ, người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên, người lao động thuộc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước không phân biệt số lượng lao động đều tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Qua ba lần thay đổi Nghị định, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghi định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính Phủ, đối tượng và phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế tăng nhanh và nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh bảo hiểm y tế cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1993 mới chỉ có 3,79 triệu người tham gia bảo hiểm y tế thì đến năm 2005 số người tham gia bảo hiểm y tế đã lên tới 23,7 triệu người, chiếm 28% dân số. Năm 2008, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 39,3 triệu người chiếm 46% dân số, tăng hơn mười lần so với năm 1993.
Bảo hiểm y tế tự nguyện được mở rộng đến các đối tượng: Nông dân, hội viên các hội đoàn thể quần chúng (phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh…). Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện năm 2008 ước tính tăng hơn hai lần so với năm 2003.
3. Quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng đầy đủ hơn Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ra đời đã tạo ra nhiều đổi mới trong thực hiện chính sách, người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi khá đầy đủ và toàn diện, vừa đảm bảo khám, chữa bệnh với kĩ thuật cao, vừa từng bước đảm bảo quyền lợi về y tế dự phòng và phục hồi chức năng.
4. Tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng phù hợp hơn.
Cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, cả khu vực công lập và tư nhân. Việc tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến Xã đã tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm y tế trong việc tiếp cận, lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp, góp phần phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh thông thường tại tuyến y tế cơ sở. Đây cũng là định hướng rất phù hợp với chủ trương
xã hội hóa y tế và giải quyết một phần tình hình quá tải hiện nay tại các cơ sở y tế Nhà nước.
Đến nay, cả nước đã có hơn 1.900 cơ sở khám, chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập và khoảng 80% số trạm y tế xã, phường có hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số người được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng nhanh hàng năm. Tổng số lượt người khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế trong năm 2005 là hơn 40 triệu và năm 2008 khoảng 80 triệu lượt người, cả nội trú và ngoại trú, tăng 1,2 lần so với năm 2007. Tầng suất khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế tăng dần hàng năm.
5. Thu, chi quỹ tăng dần hàng năm
Cùng với việc mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi, tăng tầng suất khám, chữa bệnh, chi trả chi phí khám, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế cho người bệnh tăng dần hàng năm. Tổng thu ước tính của bảo hiểm y tế năm 2008 là khoảng 9.415 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng so với năm 2007. Tổng thu từ bảo hiểm y tế tự nguyện chiếm khoảng 18% tổng thu của quỹ, trong khi số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chiếm 27% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế. Chi trả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng dần hàng năm, từ năm 2005 xuất hiện hiện tương bội chi. Năm 2005 bội chi 138 tỉ đồng, năm 2006 bội chi 1.200 tỉ đồng, năm 2007 bội chi 1.840 tỉ đồng, ước tính năm 2008 bội chi 1.450 tỉ đồng.
Những kết quả đat được sau gần 17 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đã khẳng định:
- Tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng hàng năm và mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã góp phần hình thành và phát triển hệ thống bảo hiểm y tế ở nước ta.
- Nguồn kinh phí tư bảo hiểm y tế đã góp phần quan trọng, ổn định trong việc đảm bảo ngân sách hoạt động của các bệnh viện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế. Nguồn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế từ chỗ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nguồn thu của các cơ sở khám, chữa bệnh, cho đến nay bảo hiểm y tế ngày càng tăng lên và chiếm một tỉ lệ đáng kể trong nguồn thu của các bệnh viện công và một số bệnh viện tư.
- Với việc mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cả công và tư, bảo hiểm y tế đã tao thuận lợi cho người bệnh trong việc lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh. Việc mở rộng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến Xã đã góp
phần cũng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh thông thường tại tuyến y tế cơ sở.
- Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân.
2.7.2. Thực trạng của việc thực hiện bảo hiểm y tế ở nước ta hiện nay
- Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã đã được mở rộng nhưng số người tham gia chưa nhiều, mức độ bao phủ trong dân số chưa cao (khoảng 46% dân số), đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là diện bắt buộc. Chưa giải quyết được một số vấn đề, nhất là trong việc bắt buộc sự tham gia đầy đủ của các nhóm đối tượng hay của các chủ sử dụng lao động. Một số qui định về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế chưa rõ ràng. Nổi cộm hiện nay là những vấn đề quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, qui trình thủ tục trong khám, chữa bệnh, chuyển tuyến, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng bảo hiểm y tế khi mở rộng phạm vi bao phủ và quyền lợi, nhất là với các nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và nhóm tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, ảnh hưởng đến sự an toàn của bảo hiểm y tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm y tế chưa mạnh, thiếu tính hấp dẫn. Sự phối hợp, hợp tác giữa bảo hiểm xã hội với cơ sở khám, chữa bệnh còn hạn chế, thiếu sự hợp tác vì mục tiêu chung là công bằng, hiệu quả, cải thiện chất lượng điều tri và thỏa mãn sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế.
- Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Công tác cải cách thủ tục hành chính tại cơ sở khám, chữa bệnh chưa được chú trọng. Chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại nơi khám bệnh, tổ chức và cung cấp dịch vụ tại tuyến Xã còn chưa phù hợp, chưa đồng bộ trong chính sách viện phí.