Một số yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT NĂNG SUẤT SINH SẢN TRÊN HEO NÁI VÀ BỆNH TIÊU CHẢY TRÊN HEO CON THEO MẸ (Trang 23 - 26)

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nhưng có 2 yếu tố quan trọng nhất là yếu tố di truyền và yếu tố ngoại cảnh.

2.5.1 Yếu tố di truyền

Di truyền là đặc tính sinh vật học được truyền từ đời này sang thế hệ khác. Đặc tính này được tính bằng tỉ lệ phần trăm di truyền trong việc tạo nên giá trị kiểu hình gọi là hệ số di truyền.

Thời gian lên giống lại của heo nái biến động từ 4 - 10 ngày sau khi cai sữa heo con, khoảng thời gian này chịu ảnh hưởng của di truyền không cao và không có biểu hiện của ưu thế lai, ước lượng hệ số di truyền của chỉ tiêu này khoảng 0,25%.

Nhìn chung, hệ số di truyền của các tính trạng tương đối thấp, nó chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc. Do đó, cần kiểm tra đồng bộ và chính xác hơn. Trong cùng một loài, một giống, cùng một giới tính, cùng một cha mẹ nhưng khả năng sinh sản có thể khác nhau. Sự khác nhau đó là quá trình biến dị di truyền trong quá tình hình thành giao tử, sự bắt chéo, trao đổi đoạn nhiễm sắc thể và sự tổng hợp thụ tinh khác nhau.

2.5.2 Yếu tố ngoại cảnh

Tiểu khí hậu chuồng nuôi đảm bảo theo nhu cầu của thú, thì thú có khả năng sinh sản tốt hơn, ngược lại sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của thú.

Theo Zimmerman và ctv (1996), nhiệt độ cao trên 35 0C sẽ làm chậm hoặc ngăn cản sự xuất hiện của động dục, giảm rụng trứng, tăng tình trạnh chết thai sớm, heo cái hậu bị mỗi ngày chịu đựng 40 0C trong 2 giờ trong khoảng 1 - 13 ngày thì sau khi phối giống tỉ lệ đậu thai giảm 35 % - 40 %.

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, muốn heo sinh sản tốt thì phải cung cấp đủ năng lượng, a xít amin, khoáng, …

Các bệnh lý khác đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của heo như: viêm nhiễm đường sinh dục sau khi phối, trước khi phối, sau khi sinh, …

Viêm tử cung: Những con heo bị bệnh này nếu tuyển chọn cho lứa sinh tiếp theo thì sữa rất ít, khả năng thụ thai thấp, xuất hiện hiện tượng khô thai. Phòng ngừa bệnh bằng thụt rửa tử cung cho heo sau khi sinh: sử dụng iod hoặc kháng sinh.

Viêm vú: Bệnh khiến heo nái nuôi con mất sữa, gây tiêu chảy cho heo con.

Táo bón: Thường xảy ra ở cuối thời kỳ mang thai của heo, do thiếu chất xơ trong khẩu phần ăn. Đặc biệt khi bị táo bón, khả năng phát sinh bệnh M.M.A tăng cao,

làm giảm năng suất sinh sản của heo nuôi. Vì vậy, trong thời kỳ heo nái mang thai cần cho ăn thêm chất xơ.

Tất cả những sai phạm trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý sẽ làm cho heo nái giảm năng suất sinh sản.

2.5.3 Biện pháp nâng cao khả năng sinh sản

Việc chọn lọc và nhân giống phải chú trọng hàng đầu, từ đó mới có thể nâng cao khả năng sinh sản của heo, ngoài ra còn sử dụng một số biện pháp như: quan sát kĩ để phối cho đúng thời điểm, sử dụng biện pháp cho lên giống hàng loạt, cần quan tâm đến khẩu phần ăn của nái theo từng giai đoạn mang thai để giảm tỉ lệ chết thai trong giai đoạn này.

Ở các trại heo giống, phần lớn người ta sử dụng biện pháp nhân giống thuần tạo ra thế hệ sau thuần chủng để cung cấp con giống cho các trại heo thương phẩm.

Ngược lại, các trại heo thương phẩm sử dụng ưu thế lai, ở đời con có sức sống, sức sinh sản cao hơn đời bố mẹ.

Mục đích của lai tạo giống là nâng cao phẩm chất đàn heo để thích nghi với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam và nâng cao khả năng sản xuất của chúng một cách cơ bản.

Ngoài việc chọn lọc và nhân giống chúng ta cũng phải quan tâm đến các vấn đề khác như: cung cấp cho heo nái những yếu tố ngoại cảnh tốt nhất, kịp thời loại thải những già khả năng sinh sản giảm.

2.5.4 Đặc điểm sinh lý tiêu hóa trên heo con theo mẹ

Tiêu hóa là quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ phức tạp của thức ăn thành những chất đơn giản nhất để có thể hấp thu được, nó được diễn ra dưới tác động cơ học và hóa học. Hệ tiêu hóa cùng với một số tổ chức khác trong cơ thể như gan, tuyến tụy là cơ quan tiếp nhận và chế biến mọi dạng vật chất cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cơ thể từ môi trường bên ngoài. Sau quá trình biến đổi cơ học và hóa học, các chất dinh dưỡng như glucid, lipid, protein ở dạng thô được chuyển thành dạng đơn giản như các đường đơn, a xít béo và glycerin, các a xít amin.

Cuối cùng, các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ống tiêu hóa vào máu và trở thành nguyên liệu để xây dựng cơ thể, dự trữ và cung cấp năng lượng cho mọi quá trình sống, đồng thời loại thải các chất cặn bã ra bên ngoài (Lê Văn Thọ và Đàm Văn Tiện, 1992). Ngoài việc thực hiện tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, hệ tiêu hóa còn duy trì chức năng hàng rào bảo vệ và phòng ngừa sự xâm nhập của các chất đại phân tử, cũng như những mầm bệnh gây bệnh truyền nhiễm (Đào Trọng Đạt và ctv, 1995).

Khi còn ở giai đoạn bào thai thì mọi hoạt động sống của heo đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng từ heo mẹ. Khi được sinh ra mối quan hệ không còn nữa, heo sơ sinh tiếp nhận một môi trường mới lạ. Để thích nghi với đời sống mới độc lập heo con phải phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy tiêu hóa của mình để tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Giai đoạn này bộ máy tiêu hóa của heo phát triển chưa hoàn chỉnh, thức ăn chính trong giai đoạn này là sữa mẹ. Heo con càng lớn nhu cầu sữa càng nhiều, trong khi đó số lượng sữa của heo mẹ chỉ tăng dần đạt đỉnh cao khoảng 21 ngày, sau đó bắt đầu giảm xuống (Trần Cừ, 1975). Như vậy, phải tập cho heo con ăn sớm để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu về các chất dinh dưỡng.

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT NĂNG SUẤT SINH SẢN TRÊN HEO NÁI VÀ BỆNH TIÊU CHẢY TRÊN HEO CON THEO MẸ (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)