Tiêu chảy trên heo con rất đa dạng, gây viêm dạ dày, ruột, đi phân lỏng làm mất nước và chất điện giải, máu cô đặc làm con vật gầy nhanh, dễ dẫn đến tử vong hoặc còi cọc chậm lớn.
Các nguyên nhân gây tiêu chảy
Tiêu chảy là một hội chứng bệnh lý liên quan đến rất nhiều yếu tố như: môi trường sống, chăm sóc nuôi dưỡng, vi sinh vật, ký sinh trùng, trong đó có yếu tố là nguyên nhân nguyên phát, có yếu tố là nguyên nhân thứ phát và việc phân biệt rõ ràng nguyên nhân gây tiêu chảy là rất khó khăn.
Nguyên nhân do môi trường sống
Theo Võ Văn Ninh (1995), sự thay đổi môi trường sống như: chuyển chuồng, nhập đàn, tách mẹ, tiểu khí hậu, ... làm heo con bị stress dẫn đến cơ thể suy yếu, nhu động ruột giảm đột ngột nên thức ăn nằm tại chỗ, một số vi khuẩn bình thường vô hại như E.coli phát triển nhanh, gia tăng số lượng, trở nên có sức gây bệnh và sinh độc tố.
Nhiệt độ môi trường cũng ảnh hưởng, nếu nhiệt độ quá lạnh làm giảm sức đề kháng của heo từ đó heo dễ nhiễm vi trùng gây tiêu chảy.
Không úm cho heo con hoặc úm không đúng quy cách, heo con sau khi rời khỏi mẹ, chịu ảnh hưởng trực tiếp các điều kiện sống luôn biến đổi bên ngoài nên heo dễ bị nhiễm lạnh. Vệ sinh chuồng trại kém hoặc thức ăn kém phẩm chất, bị chua, ôi thối có chứa độc tố vi trùng hoặc nấm mốc, nguồn nước uống không sạch cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường ruột.
Nguyên nhân do nuôi dưỡng không đúng kỹ thuật
Trong thời gian mang thai do dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu protein, thiếu vitamin A, thiếu Cu, thiếu Fe, thiếu Zn, ... làm rối loạn quá trình trao đổi chất ở bào thai nên heo con mới sinh ra yếu, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh nhất là bệnh đường tiêu hóa. Nuôi dưỡng heo mẹ không hợp lý, sau khi sinh heo mẹ sản xuất sữa không đảm bảo. Do đó heo con bị thiếu sữa, dẫn đến còi cọc, yếu ớt, sức đề kháng giảm, ...
tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh. Do heo mẹ mắc hội chứng M.M.A (Metritis, Mastitis, Agalactia), heo con bú, liếm sản vật viêm rơi vãi trên nền chuồng gây viêm ruột, tiêu chảy.
Do đặc điểm sinh lý của bộ máy tiêu hóa heo con chưa hoàn thiện về chức năng và cấu trúc, các men tiêu hóa chưa đầy đủ, lượng HCl thiếu làm cho pH trong dịch đường tiêu hóa cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn độc hại đường tiêu hóa phát triển và gây bệnh (Nguyễn Như Pho, 2001).
Heo con bú quá nhiều sữa vào trong ruột protein còn dư thừa bị vi sinh vật lên men phân hủy thành độc chất gây co thắt nhu động thái quá gây tiêu chảy.
Heo con không được bú sữa đầu đầy đủ, sữa đầu ngoài thành phần dinh dưỡng cao còn chứa kháng thể mẹ truyền sang giúp cho heo phòng chống bệnh trong 3 - 4 tuần tuổi đầu tiên.
Cắt rốn và cột rốn heo con không đúng kỹ thuật, vệ sinh cuống rốn không tốt heo con bị viêm rốn sẽ dễ bị tiêu chảy.
Thức ăn, nước uống kém phẩm chất, thiếu vitamin (nhất là vitamin A, D) hoặc thiếu chất khoáng, nhất là Fe.
Khi cung nhiều sắt (600 mg/kg trọng lượng) thì độc tính của sắt sẽ xuất hiện trong vòng 3 giờ với triệu chứng không điều phối được động tác run, khó thở, tiêu chảy. Ngoài ra, khi tiêm trên 200 mg sắt/ ngày cho heo con thì vi khuẩn E. coli có thể phát triển và gây tiêu chảy (Trần Thị Dân, 2002).
Nguyên nhân do vi sinh vật
Vi sinh vật là nguyên nhân hiện diện trong mọi trường hợp của tiêu chảy heo con, có thể nói đây là tác nhân chủ yếu của tiêu chảy heo con.
Sự nhiễm trùng
Vi khuẩn: Gồm hai nhóm, đó là vi khuẩn khu trú thường xuyên trong ống tiêu hóa như E. coli, Salmonella, ... và nhóm vi khuẩn tạp nhiễm đồng hành với thức ăn, nước uống vào đường tiêu hóa như Staphylococcus spp., Streptococcus spp. ... là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ở đường tiêu hóa.
Virus: Người ta chứng minh virus cũng là tác nhân gây tiêu chảy của heo như là Rotavirus, Coronavirus,... Các virus này tác động gây viêm ruột, gây rối loạn quá trình tiêu hóa, hấp thu của heo và cuối cùng gây tiêu chảy.
Ký sinh trùng: Tác động thông qua việc tranh chấp chất dinh dưỡng với ký chủ, tiết nội hay ngoại độc tố, làm giảm sức đề kháng và làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tạo điều kiện cho các tác nhân khác tấn công gây bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy trên heo con do ký sinh trùng là Isospora suis (cầu trùng). Môi trường là nguồn quan trọng tồn trữ và lây truyền bệnh, heo bị
nhiễm có thể thải ra môi trường 100.000 noãn nang trong 1 gam phân, nhưng chỉ cần 100 noãn nang thì cũng đủ gây bệnh cho heo do đó khả năng truyền lây của bệnh rất cao. Tiêu chảy là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, phân có màu trắng, vàng kem, sệt hay phân nước tùy vào mức độ trầm trọng của bệnh. Tỉ lệ chết của Isospora suis thường thấp, nhưng trong trường hợp cấp tính thì tỉ lệ chết có thể lên đến 20 %.
Bảng 2.5 Một số mầm bệnh gây nhiễm trùng đường tiêu hóa
Tên mầm bệnh Tên bệnh
Virus Corona TGE virus Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm
Coronavirus Dịch tiêu chảy trên heo con
Rotavirus Tiêu chảy do Rotavirus
Vi khuẩn Clotridium peerfringens type A Tràn độc huyết
Clotridium peerfringens type C Viêm ruột hoại tử
E.coli Tiêu chảy do E.coli
Salmonella Phó thương hàn
Treponema hyodysenteriae Hồng lỵ
Campylobacter coli Tiêu chảy do Campylobacter Nguyên sinh động vật
Isospora suis Cầu trùng
Cryptosporidium spp. Cầu trùng
Eimeria Cầu trùng
(Nguồn: Nguyễn Như Pho, 2001)
Ở heo con theo mẹ, tần suất phân lập mầm bệnh gây tiêu chảy được trình bày qua Bảng 2.6
Bảng 2.6 Tần suất phân lập mầm bệnh gây tiêu chảy ở heo con theo mẹ Mầm bệnh Tỉ lệ (%)
Escherichia coli 45,6
Isospora suis 23,0
Rotavirus 20,9
T.G.E 11,2
Enterovirus 2,0
Pavovirus 0,7
Coronavirus 0,5
Calicivirus 0,2
Salmonella 0,1
Treponema hyodysenteriae 0,1
Nguyên nhân khác 14,0
(Nguồn: Nguyễn Như Pho, 2001) Triệu chứng
Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý xảy ra với các đặc điểm: Gia tăng lượng phân thải ra hàng ngày, gia tăng lượng nước trong phân, gia tăng số lần thải phân.
Sự phát sinh của bệnh lý rất đa dạng, có thể có những biểu hiện đặc trưng như:
viêm phần ruột non làm cho sự tiêu hóa hấp thu kém, viêm ở phần trực tràng sẽ có số lần đi phân gia tăng, heo con gầy đẹt, vùng đuôi bê bết phân, niêm mạc mắt, mồm mờ nhạt.
Hình thức tiêu chảy theo nguyên nhân và mức độ. Như tiêu chảy với phân lỏng màu vàng, xanh hay đen, có thể có màng nhày ruột, mùi có thể rất hôi thối. Kết quả làm cho thể trạng gầy còm, dáng vẻ suy dinh dưỡng, kém ăn, da và cơ giảm tính đàn hồi, hố mắt trũng. Các chỉ tiêu huyết học: số lượng hồng cầu, bạch cầu, hàm lượng
Hemoglobine, tỉ khối hồng cầu tăng, công thức bạch cầu thay đổi với bạch cầu trung tính tăng, hàm lượng protein tổng số trong huyết thanh, albumine huyết thanh, glucose máu giảm.
Chỉ tiêu vi sinh vật thường trú trong ruột có sự biến động số lượng rất lớn như số lượng E. coli và Salmonella.
Heo con tiêu chảy đa số thân nhiệt không tăng, nếu có tăng vài ngày sau cũng trở lại bình thường, việc xác định dựa vào trạng thái phân, phân loãng có màu trắng hay vàng, nhiều bọt khí, heo con khát nước, đôi khi ợ và nôn ra sữa không tiêu, tăng số lần đi phân trong ngày.
Ngoài trạng thái phân, còn quan sát được một số triệu chứng lâm sàng như lúc mới tiêu chảy heo con vẫn có phản xạ bú bình thường, sau đó tiêu chảy nhiều, bệnh nặng, heo con bỏ bú, gầy tóp nhanh do mất nước và chất điện giải. Niêm mạc mắt mũi mồm nhợt nhạt, heo thiếu máu và thường nằm một chỗ và một số trường hợp heo con mất phản ứng rõ rệt với kích thích run cơ, co giật, nhiệt độ giảm và thường dẫn đến chết.
Bệnh tích
Heo con mất nước nặng, dạ dày chứa sữa hay thức ăn chưa tiêu, có thể có tụ huyết ở dạ dày, ruột non bị co thắt, tụ huyết nhẹ.
Trong trường hợp viêm dạ dày - ruột xuất huyết, bệnh tích đặc trưng là xuất huyết rõ rệt ở thành ruột non và dạ dày, chất chứa trong ruột có màu như máu, trong dạ dày chứa đầy hơi hay sữa chưa tiêu, mùi khó ngửi, trong ruột trống không, hoặc chứa đầy hơi, gan bình thường hoặc đôi khi hay sưng, túi mật chứa đầy mật.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
Thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc biệt là tiêu chảy phân sống. Mỗi sớm cần kiểm tra sức khẻo đàn heo càng sớm càng tốt. Quan sát phân trên nền chuồng, phân có mùi hôi rất tanh, màu trắng hoặc vàng, heo con lười bú giảm linh hoạt. Dựa
vào bệnh tích mổ khám. Ngoài những chỉ tiêu trên cần phải theo dõi sức khẻo của heo mẹ.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm
Nếu số lượng heo con tiêu chảy đồng loạt trên nhiều bầy thì cần phải làm các biện pháp sau:
Mổ khám bệnh tích trên những heo con điển hình của đàn, Xét nghiệm vi trùng học,
Phân tích các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại, Gửi mẫu phân xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị tiêu chảy trên heo. Nhìn chung, chữa bệnh vẫn theo nguyên tắc phát hiện sớm, khống chế kịp thời bằng biện pháp tổng hợp như khắc phục rối loạn tiêu hóa và hấp thu cùng vớiviệc chống loạn khuẩn, ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, kết hợp với việc điều trị triệu chứng với việc điều trị căn nguyên.
Điều trị triệu chứng bằng cách bù nước và các chất điện giải (sinh lý mặn, sinh lý ngọt, glucose 5 %) dùng các chất (tanin) để bảo vệ niêm mạc ruột hoặc cho uống orezol, cung cấp vitamin A, B, C, ...
Điều trị căn nguyên bằng kháng sinh để ngăn chặn vi khuẩn có hại phát triển hoặc bổ sung các chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, cần giữ ấm cho heo con, giữ vệ sinh chuồng trại, ổ úm sạch sẽ, khô ráo và cần phải cho ăn với khẩu phần thích hợp.
Có thể sử dụng vôi bột để rắc lên sàn, sau đó dùng chổi quét sạch, ngày làm 2 - 3 lần.
Phòng bệnh
Khâu vệ sinh chăm sóc có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh.
Chuồng trại, thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh, các chuồng nái sinh con phải được vệ sinh tiêu độc sát trùng trước khi đưa heo nái vào sinh con.
Nhiệt độ phải đảm bảo 32 – 34 0C đối với heo con sơ sinh và 28 – 30 0C đối với heo cai sữa, chuồng trại phải luôn khô ráo, không ẩm ướt (Đào Trọng Đạt và ctv, 1999).
Nên chích sắt cho heo đúng liệu trình, bởi thiếu sắt (Fe) cũng là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy trên heo con theo mẹ.
Sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung vào đường tiêu hóa nhằm ức chế vi sinh vật gây bệnh và kích thích vi sinh vật có lợi sinh a xít lactic phát triển tạo sự cân bằng cho hệ vi sinh vật đường ruột.
Ngoài việc vệ sinh phòng bệnh, có thể dùng vắc - xin tiêm phòng cho heo mẹ để tạo kháng thể truyền qua sữa đầu hoặc cho heo con uống kháng thể vài giờ sau khi sinh.
Sử dụng kháng sinh phải đúng nguyên tắc, không dùng liều dưới quy định, đặc biệt là không nên trộn một loại kháng sinh nhất định vào thức ăn liên tục để phòng bệnh vì sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn lờn thuốc.
Chương 3