Giới thiệu sơ lược về phân bón lá

Một phần của tài liệu KHẢO NGHIỆM HIỆU QUẢ MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN LÁ ĐẾN KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CỦA CÂY HOA LÀI (Jasminum sambac L.) TẠI XÃ NHỊ BÌNH, HUYỆN HÓC MÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 22 - 25)

Sử dụng phân bón lá là việc làm đã được thực hiện từ giữa thế kỷ 17 ở các nước phát triển như Mỹ và các nước Châu Âu. Việt Nam đến thế kỷ 20 mới bắt đầu sử dụng phân bón lá với sản phẩm đầu tiên là Komix của Công ty Thiên Sinh (Anh Thi, 2007).

Việc sử dụng phân bón lá được xem như phương pháp bón phân bổ sung hoặc dùng chữa trị các loại bệnh sinh lý thực vật do sự xáo trộn hoặc thiếu chất dinh dưỡng đất đai, làm ảnh hưởng đến các chất kích thích tố trong cây, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của hệ thống rễ và sự phát triển của cây. Mặc khác kích thích sự phát triển cây hoặc rễ củ trước khi trổ bông, tăng quang hợp tăng tính chống chịu, tăng năng suất và phẩm chất, hạn chế sâu bệnh (Trần Văn Đạt, 2004).

Sử dụng phân bón lá đúng phương pháp có thể thu được lợi tức kinh tế cao vì hiệu quả của sự hấp thụ phân bón lá cao đến 80 % so với 20 - 50 % phân bón được hấp thụ ở rễ (Nguyễn Bảo Vệ, 1999).

Phân bón lá có thể gồm các chất dinh dưỡng chính như chất đạm, lân, canxi (Ca) và các chất vi lượng như chất sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), boron (B), mangan (Mn), manhe (Mg) và cả chất kích thích tố. Trên thị trường người ta tìm thấy các phân bón lá dưới hình thức đơn chất hoặc hợp chất giữa chất dinh dưỡng và chất kích thích tố. Phân bón lá còn được phối hợp với thuốc sát trùng hoặc sát khuẩn, nhằm tăng gia hiệu năng của phân bón lá trong lĩnh vực bảo vệ mùa màng và đồng thời bớt tốn kém trong khi áp dụng.

Tuy nhiên sự phối hợp các chất này cần được nghiên cứu về hóa tính hỗ tương giữa các chất kích thích tố khi áp dụng. Do đó khi sử dụng phân bón lá đòi hỏi sự hiểu biết chính xác về tình trạng dinh dưỡng đất đai của mình, các cấu tố của phân bón lá và các phương pháp, điều kiện áp dụng phân bón lá thích ứng để nâng cao mức độ hữu hiệu (Trần Văn Đạt, 2004).

2.5.1 Ưu điểm việc sử dụng phân bón lá

Theo Nguyễn Huy Phiêu và ctv (2007) sử dụng phân bón lá có những ưu điểm sau:

- Chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây nhanh hơn phân bón gốc, có thể khắc phục nhanh tình trạng thiếu dinh dưỡng của cây trồng, đặc biệt đối với phân vi lượng.

- Hiệu suất sử dụng dinh dưỡng cao hơn, trong phân bón lá hiện nay ngoài các yếu tố đa, trung, vi lượng còn được bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng như IAA, NAA, các vi sinh vật có ích, tạo nên chức năng của phân bón lá.

- Chi phí thấp hơn, giảm được công vận chuyển và công phun thuốc.

- Ít ảnh hưởng đến môi trường và đất trồng.

- Dùng phân bón lá, lượng bón chỉ tốn bằng 1/4 so với phân bón qua đất.

2.5.2 Nhược điểm của việc sử dụng phân bón lá

Theo Nguyễn Bảo Vệ (1999) việc sử dụng phân bón lá có một số nhược điểm sau:

- Dễ bị rửa trôi khi gặp điều kiện mưa bão.

- Dinh dưỡng bám vào nơi không đúng mục đích gây thiệt hại.

- Dễ gây oxi hóa hay phân hủy các chất xúc tác bề mặt đối với các hợp chất hữu cơ mẫn cảm, xảy ra trước khi thấm qua biểu bì.

2.5.3 Cơ chế hấp thu dinh dưỡng qua lá của cây trồng

Theo Nguyễn Ngọc Trì (2007) cơ chế của việc hấp thu dinh dưỡng qua lá bao gồm các đặc điểm sau:

- Sự hấp thu dinh dưỡng khoáng khi phun phân qua lá được gọi là dinh dưỡng lá.

- Dung dịch khoáng phun trên lá cây khi có tác nhân làm ướt thì có thể theo con đường khí khổng hoặc cutin xâm nhập vào trong tế bào nhu mô lá và hầu hết tích lũy lại trong lá.

- Mức độ xâm nhập dinh dưỡng vào lá phụ thuộc vào cấu trúc, hình dáng lá, loại phân bón, tuổi cây và tuổi lá, nồng độ phân và pH dung dịch khi phun. Giá trị của phân bón lá phụ thuộc nhiều vào các chất hoạt động bề mặt.

- Ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng lúc phun phân và giai đoạn sau đó có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hấp thu phân.

2.5.4 Nguyên tắc sử dụng phân bón lá

Theo TS. Trần Văn Đạt (2004) Phân bón lá là loại phân được sử dụng để bổ sung dinh dưỡng chứ không phải để thay thế phân bón đất. Việc sử dụng phân bón lá như thế nào cho có hiệu quả là câu hỏi cần lưu ý cho người sử dụng. Nếu có điều kiện, sự phân tích đất đai và lá cây để xác định tình trạng dinh dưỡng của đất và cây trước khi áp dụng phân bón lá là điều cần thiết. Cần bón phân theo các nguyên tắc sau:

- Đúng loại phân cho từng loại cây trồng.

- Sử dụng phân bón lá với nồng độ chính xác: phân bón lá thường ở dạng đậm đặc, do đó khi sử dụng nên pha đúng nồng độ chỉ dẫn, việc phun quá nồng độ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, như ngộ độc, cây mọc vống, gây đột biến.

- Phun đúng lúc cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

- Phun phân bón lá đúng chỗ và đồng đều.

- Môi trường và khí hậu thuận lợi để phun phân bón lá: có ánh sáng, không gió, không mưa, nhiệt độ trung bình và ẩm độ đất thấp để sự hấp thụ phân vào lá và chuyển vị trong cây được hữu hiệu.

Một phần của tài liệu KHẢO NGHIỆM HIỆU QUẢ MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN LÁ ĐẾN KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CỦA CÂY HOA LÀI (Jasminum sambac L.) TẠI XÃ NHỊ BÌNH, HUYỆN HÓC MÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)