Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU LỰC 4 LOẠI PHÂN BÓN LÁ: AGRO POWER; ĐẦU TRÂU – CHÍN ĐỎ; ĐẦU TRÂU – THẦN NÔNG; ĐẦU TRÂU 10 – 8 – 6 TRÊN CÂY DƯA LEO (Cucumis savitus L.) TRỒNG Ở VÙNG ĐẤT XÁM CỦ CHI – TP HỒ CHÍ MINH (Trang 22 - 29)

Ở nước ta cuối thập kỷ 50 và những năm của thập kỷ 60 thế kỷ 20 phân bón lá đã được ứng dụng nhưng kết quả còn hạn chế. Trong những năm của thập kỷ 70, 80 phân bón lá vi lượng đã được sử dụng (Phạm Đình Thái, Vũ Hữu Yêm, Lê Đức, Vũ Văn Nhân, Nguyễn Đình Mạnh) có hiệu quả trong các thí nghiệm diện hẹp và khi ứng dụng đại trà thì chưa có hiệu quả. Trong đầu thập kỷ 90, khi áp dụng công nghệ chất bám dính, chất khuyếch tán, chất kích thích vào việc chế tạo phân bón lá thì đạt hiệu quả cao hơn và được nông dân áp dụng rộng rãi.

- Đối với cây họ đậu: Trong năm 1986 - 1987, dùng chế phẩm Giviđa - 1 (Gibberellin và vi lượng) xử lý hạt đậu tương để gieo làm tăng năng suất 10 - 15 %, phun riêng Gibberellin vào thời kỳ cây con có 2 lá thật làm cây ra hoa sớm hơn 3 - 5 ngày, phun Giviđa – 2 vào trước thời kỳ nụ làm tăng năng suất 15 - 25 %. Dùng Giviđa - 2 phun cho đậu xanh giống 44 vào trước thời kỳ nụ làm cho quả chín tập trung và tăng năng suất 13,7%. Phun chế phẩm hỗn hợp các nguyên tố vi lượng Mo, B cùng với chất điều hoà sinh trưởng làm tăng năng suất lạc trên đất phù sa không bồi hàng năm 12 % và trên đất bạc màu 19 % (Lê Đức, 1992). Phun dung dịch Zn lên lá lạc trên đất phù sa không bồi hàng năm làm tăng năng suất 25,9 %, trên đất bạc màu tăng 19,5 %. Các nguyên tố Bo, Mn, Mo đều có ảnh hưởng đến hiệu lực của Zn và ngược lại theo một tỷ lệ phối trộn thích hợp (Vũ Văn Nhân, 1992). Phun gibberellin cho lạc tăng năng suất 15 %. Chế phẩm phân bón lá phun cho cây đậu, lạc lúc bắt đầu ra hoa rộ tăng năng suất 15- 20 %. Phun Komix cho lạc tăng năng suất ở Hà Bắc 25 %, ở Hà Tây 21,9 %, ở Huế 12,6-15 %; tăng năng suất đậu tương ở Hà Tây 29,3 %, ở Hà Bắc 14,3 %; nhìn chung tăng năng suất đậu tương 14 – 29 %, lạc 20-25 %.

Tại Tp HCM phun các chế phẩm cho lạc đã làm tăng năng suất như sau:

Agriconic tăng 16 %, HVP tăng13 %, Atonic tăng 12 %. Ở Hà Bắc với giống lạc sen phun Agriconic làm tăng năng suất 18,5 %. Phun PBL - Thiên Nông, KPT - HT Thiên Nông cho lạc trên đất xám Củ Chi TP HCM cho thấy KPT - HT Thiên Nông 1 % tăng năng suất 13 %, PBL - Thiên Nông tăng 16,1 %. Như vậy nói chung phân bón lá làm tăng năng suất cây họ đậu khoảng 17,8 %. Năm 1997 Quách Quang Minh đã nghiên cứu các loại phân bón lá HVP 121AB, HVP 121O trên cây đậu nành và các loại phân bón lá Atonik (Asahi) như HVP 121, HVP 6111B, HVP 186 B cho thấy các loại phân bón lá sử dụng đều cho đặc điểm nông học tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Đối với cây lúa: đã dùng Gibberellin phá tính ngủ nghỉ sâu cho giống lúa chịu úng đạt tỷ lệ nẩy mầm 90 – 95 %, trong khi đó đối chứng là 25 – 30 %, mộng mạ đạt tiêu chuẩn chất lượng; đối với lúa ngủ nghỉ bình thường (giống NN8) đạt 90 - 95 %, đối chứng 40 – 45 %; với các hạt giống lúa đã trải qua giai đoạn ngủ nghỉ, xử lý Gibberellin làm tăng tỷ lệ nẩy mầm so với đối chứng là 10 – 20 %. Sử dụng Gibberellin cho cây mạ làm tăng chiều cao 32,2 %; sử dụng riêng hỗn hợp vi lượng tăng chiều cao 0,8 %; dùng hỗn hợp Gibberellin và vi lượng làm tăng chiều cao 80%.

Cụ thể đối với giống lúa CR 83 - 2 và CR - 203, sau 10 - 15 ngày phun chế phẩm thì chiều cao cây mạ tăng 40 – 66 %, làm cho cây lúa đẻ tập trung hơn, năng suất tăng 3 - 5 %.

Sử dụng Gibberellin hồ rễ mạ ở Gia Lâm, Hà Nội vụ mùa 1986 đối với giống NN8 làm cho chiều cao lúa ở thời kỳ đẻ rộ tăng 18,1%, khả năng đẻ nhánh tăng 23%, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 8 ngày, trổ bông tập trung hơn (mất 12 ngày, đối chứng 19 ngày), tỷ lệ hạt mẩy tăng 7%, năng suất tăng 8,2 – 12 %.

Sử dụng gibberellin phun vào giai đoạn đòng già làm tăng năng suất lúa các giống như sau: NN8 tăng 12,8 %, CR - 203 tăng 14,5 %, nếp 415 tăng 9,5 % và U17 tăng 8,6%, làm lúa trổ đều, tập trung và chín sớm hơn 7 - 12 ngày đồng thời không ảnh hưởng đến chất lượng gạo cũng như hạt giống cho vụ sau. Phun MnSO4 cho lúa CR - 203 trên đất phù sa được bồi hàng năm và phun CuSO4 trên đất phù sa không được bồi hàng năm làm tăng năng suất 10,5 % (Lê Đức, 1992). Chế phẩm hỗn hợp đa lượng, vi lượng và α - NAA phun vào giai đoạn lúa bắt đầu trổ là cho hiệu quả nhất làm tăng

năng suất tuỳ theo loại đất, trên đất bạc màu Hà Bắc tăng 10 %, đất phù sa sông Hồng ở Hà Nội và sông Thái Bình tăng 8 - 15 %.

Dùng chế phẩm Fivilua hoặc Tasalua phun cho lúa tăng năng suất 10 – 15 %.

Chế phẩm Fivilua hoặc Tasalua của xí nghiệp liên doanh Fitohoocmon sản xuất, được Trung tâm Nông nghiệp Thái Bình khảo nghiệm và kết luận là tiện sử dụng, hiệu quả cao và được người nông dân tín nhiệm hơn các chế phẩm trong nước như VHA - 79, Vinipik, Chitozan, Thiên nông, CP trường Sư phạm, CP trường NN1. Khi so sánh các chế phẩm của Fitohoocmon với các chế phẩm nhập ngoại, Trung tâm Nông nghiệp Thái Bình cũng có kết luận đối với lúa CR - 203, VN10 chế phẩm Fitohoocmon tăng năng suất 13,7 %, Đa - Hiệu - Bảo tăng 12,1 %, Đặc – Đa - Thu tăng 10,5 %, Diệu - Bảo - Tố tăng 9,9 %, Diệp - Diện - Bảo tăng 9,0 %, Komix BF-100 tăng 9,0 %, Phún - Tất - Linh tăng 6,1 %. Chế phẩm Fitohoocmon chỉ phun 1 lần, còn các chế phẩm khác phun 2 - 3 lần.

Chế phẩm Lufain tăng tỷ lệ nảy mầm thóc giống vụ trước 15 - 35 %, thóc mới thu hoạch đạt tỷ lệ nảy mầm 95 - 98 %, trong khi đó đối chứng 25 – 30 %. Chế phẩm Givima tăng chiều cao cây mạ 30 – 70 % so với đối chứng.

Khi so sánh một số chế phẩm phun lá cho lúa tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tăng năng suất lúa như sau: Komix BFC tăng 13,4 %, Đặc – Đa - Thu tăng 12,2%, Pen – Shi - Bao tăng 9,2 %, NPK (Thái Lan) tăng 9,9 %, Atonic tăng 8,7 %. Tại Bình Thuận Komix tăng năng suất 14,6 %, tại Huế tăng 11,3 %. Khi dùng cho lúa rẫy tại Đắc Lắc, PBL - Thiên Nông tăng năng suất 48,4 %, KPT - Hoa trái kết hợp với PBL - Thiên Nông tăng năng suất 40%, phân bón lá Komix tăng năng suất 55,2 %.

Ở phía Bắc khảo nghiệm hiệu lực của Komix trên 14 địa phương với các giống lúa khác nhau, cho thấy tăng năng suất trung bình 9,3 %, cao nhất ở Sóc Sơn - Hà Nội 18 %, Phúc Thọ - Hà Tây 16,5 %, Thị xã Hà Đông - Hà Tây 14,4 %; thấp nhất ở Kiến Xương - Thái Bình 1,5 %, Vụ Bản - Nam Hà 4,2 %, Vĩnh Lạc - Vĩnh Phú 5,4 %, Hà Bắc 6,6 %, Nghệ An 11,1 % v.v... Tăng năng suất do phân bón lá tuỳ thuộc vào giống, chân đất và trình độ thâm canh. Nhìn chung Komix làm tăng năng suất lúa 12-15 %.

Chế phẩm Agriconik chứa hỗn hợp các nguyên tố đa, trung, vi lượng và các chất kích thích điều hoà sinh trưởng, được dùng 3 lần phun cho lúa và 1 lần xử lý hạt

trong lúc đó Atonic tăng nâng suất 5,7 % đối với giống IR - 50404. Ở Hà Nội Agriconik tăng năng suất đối với giống C 70 là 12 %, giống DT 13 là 9 %, giống CR- 203 là 6 %; ở Hải Phòng tăng năng suất đối với giống 13/2 là 12 %, C - 70 là 7 %, CR - 203 là 19 %.

Các chế phẩm Phytomass CP - 1 tăng năng suất lúa vụ mùa 2,3 %, vụ xuân 5,2

%. Khi phun CP-2 và giảm 10 % phân bón gốc, tăng năng suất 0,4 %. Trong khảo nghiệm diện rộng các chế phẩm Phytomass tăng năng suất lúa 10,1 %, các chế phẩm VN, TH - 1 tăng năng suất 12 – 15 %, nhiều thí nghiệm cho kết quả tăng năng suất 20 – 30 %.

Với các chế phẩm Thiên Nông khi hồ rễ mạ bằng KPT - G3 0,05 % và 0,1 % đã làm tăng năng suất lúa 10,3 - 17,8 % ở trên đất phù sa sông Hồng. Hồ rễ mạ bằng KPT - Hoa trái 0,4 % cùng phối hợp với PBL - Thiên Nông 0,4 % trong chậu với đất phù sa sông Hồng làm tăng năng suất lúa 16,9 %. Phun bổ sung PBL - Thiên Nông 1 % trên đất xám Củ Chi - TP HCM tăng năng suất giống KSB - 44 là 11,6 %. Trên đất xám Củ Chi - TP HCM phun các chế phẩm Thiên Nông cho lúa NN - 9A làm tăng năng suất như sau: PBL - Thiên Nông 1 % tăng 8,3 %, KPT - Hoa trái Thiên Nông 1 % tăng 2,9 %, PBL - Thiên Nông 1 % và KPT - Hoa trái 1 % tăng 13,9 %.

Như vậy nói chung phân bón lá làm tăng năng suất lúa nước trung bình 10,7 %, lúa rẫy 47,9 %.

- Đối với cây có củ: Năm 1980, Lý Kim Bảng và Nguyễn Văn Thành đã sử dụng gibberellin thô phá ngủ nghỉ củ khoai tây tươi để trồng thêm vụ 2 trong năm. Chế phẩm phá ngủ khoai tây của Fitohoocmon kích thích khoai tây tươi vừa mới thu hoạch tăng tỷ lệ nẩy mầm 85 – 90 %. Phân bón lá làm tăng năng suất khoai tây nói chung 6 – 10 %.

- Đối với cây rau: Năm 1980, Lý Kim Bảng và Nguyễn Văn Thành đã sử dụng chế phẩm tăng năng suất rau lấy củ của Fitohoocmon, làm tăng năng suất 20 - 30 %.

Năm 1985 - 1986, Viện Khoa học Việt Nam và Công ty giống cây trồng Hà Nội đã dùng Gibberellin xử lý hạt rau trước khi gieo làm tăng tỷ lệ nẩy mầm su hào Hà Giang 8,5 %, su hào Sapa 18,5 %, củ cải 17,5 %, cải bẹ Đông Dư 7,5 %, cà chua Hồng 11,0

% và cải xanh 7,0 %; kết quả thí nghiệm trong nhà kính của viện Sinh vật Viện Khoa

học Việt Nam cũng tương tự: tăng tỷ lệ nẩy mầm su hào Hà Giang 21,5 %, cải bẹ Đông Dư 10,5%.

Xử lý Gibberellin cho cây cà chua ở Hà Nội trong các giai đoạn cây non và khi ra hoa rộ đã làm tăng tỷ lệ đậu quả 20 – 25 %, tăng năng suất 50 – 80 %. Sử dụng Gibberellin và hỗn hợp vi lượng theo từng chu kỳ phát triển cho cây bắp cải làm cây phát triển nhanh, tán lá to ở ngày thứ 60, năng suất tăng 20 %, rút ngắn thời gian phát triển 10 - 15 ngày. Sử dụng Gibberellin cho cải xanh, cải trắng, cải bẹ, sau khi cấy bén chân cứ 15 - 20 ngày phun một lần, tăng năng suất tổng thể 30 - 80 %. Phun Gibberellin cho súp lơ làm rút ngắn thời gian sinh trưởng 15 - 20 ngày, tăng năng suất 20 – 30 %. Phun Gibberellin thô 2 lần cho xà lách làm tăng năng suất 40,8 %, cải ngọt 42,0 %, cải bắp 3 – 7 %, dưa chuột 20 %. Chế phẩm tăng năng suất các loại rau lấy lá của Fitohoocmon tăng năng suất chất xanh 15 - 25 %.

Phun Komix ở Huế làm tăng năng suất bắp cải 8,0 %, ớt 17,8 %. Khi phun dung dịch Mn, Zn, Mo cho cà chua đã làm giảm hàm lượng nitrat trong quả tương ứng là 12%, 7 %, 20 %. Đối với xà lách ở TP HCM phun các chế phẩm đã làm tăng năng suất như: Agriconic tăng 25 %, HVP tăng 20 %, Atonic tăng 20 %. Đối với cải bắp ở Đà Lạt, Agriconic làm tăng năng suất 6 %, Atonic tăng 6 %. Phun các chế phẩm Phytomass cho cà chua như PBL - 1 làm tăng năng suất 19,2 %, PBL - 2 tăng 10,8 %, Humát tăng 16,2 % (các chế phẩm Phytomass gồm dinh dưỡng đa lượng, vi lượng, các chất kích thích sinh trưởng humát kiềm). Phun phân bón lá Thiên Nông cho cà chua trên đất Bà Điểm - Hóc Môn - TP. HCM tăng năng suất 28,9 %. Trên đất phù sa sông Hồng trên nền phân chuồng không bón urê PBL - Thiên Nông 1 % làm tăng năng suất cải bẹ 77,3 %, trên nền phân chuồng có bón urê, PBL - Thiên Nông 1 làm tăng năng suất cải xanh 31,5 %. Như vậy nói chung phân bón lá làm tăng năng suất rau ăn lá trung bình khoảng 27,8 %.

- Đối với cây ngô: Trần Thị Minh và CTV đã tiến hành phun cho ngô MSB 49 vào giai đoạn 6 lá, Gibberellin làm tăng năng suất 4 – 8 %, hỗn hợp vi lượng làm tăng năng suất 6 %, còn chế phẩm giữa Gibberellin và vi lượng làm tăng năng suất 14,9 %.

Khi phun vào giai đoạn ngô phun râu, Gibberellin làm tăng năng suất 12,9 %, hỗn hợp vi lượng tăng năng suất 13,9 %, chế phẩm có Gibberellin và vi lượng tăng 18,8 %.

Phun dung dịch Zn lên lá cho ngô làm tăng năng suất ở đất phù sa không bồi hàng năm 22,9 %, trên đất bạc màu 13,3 % (Vũ Văn Nhân, 1992). Chế phẩm tăng sản cho ngô của Fitohoocmon phun 2 lần/vụ tăng năng suất 10 – 15 %. Phun Komix làm tăng năng suất ngô giống địa phương 10,0 % ở Hà Bắc, tăng năng suất ngô giống lai 5% ở Hà Tây. Xử lý hạt và phun lá cho ngô trên đất phù sa cổ bằng dung dịch Zn, Mn, B ở các giai đoạn, làm tăng năng suất tương ứng là 26 %, 15 %, 7 %. Như vậy phân bón lá làm tăng năng suất ngô trung bình khoảng 12,7 %.

- Đối với cây bông: Trung tâm Nghiên cứu cây bông Nha Hố đã tiến hành phun qua lá các chế phẩm làm tăng năng suất bông vải, cụ thể là chất kháng Etylen (KE) tăng 18,8 %, NAA tăng 18 – 60 %, GA - 1 tăng 20,6 %, CCC không tăng, Vi - VCC tăng12 % và Baypholan tăng 3,8 %.(Nguyễn Hữu Bình và CTV, 1994). Như vậy phân bón lá cho bông vải làm tăng năng suất khoảng 19 %.

- Đối với cây chè và cà phê: sử dụng Gibberellin phun cho chè tăng năng suất búp 10 – 20 %. Đối với cà phê phun Gibberellin vào giai đoạn hoa mới bắt đầu hình thành có tác dụng làm cho 80 % hoa nở vào một đợt. Phun Ethrel cho cà phê làm trái chín đồng loạt.

Chế phẩm kích thích sinh trưởng cho chè của Fitohoocmon nâng cao chất lượng búp chè và tăng năng suất 20 – 30 %. Chế phẩm tăng năng suất cà phê của Fitohoocmon tăng năng suất 20 – 25 %.

Phun Komix BFC - 101 cho chè làm tăng năng suất búp 8,3 % ở Lâm Đồng, 17,3% ở Hoà Bình. Phun hỗn hợp phân bón lá KPT - GA-3 của Thiên Nông cùng với chất thấm dính tăng năng suất chè lên 40 %. Nông trường chè Minh Rồng Bảo Lộc sử dụng chế phẩm của Thiên Nông đã kết luận mức tăng năng suất như sau: GA - 3 tăng 12 %, PBL – GA - 3 tăng 22 %, PBL tăng 15 %.

Ở Mộc Châu phun Agriconik cho chè ươm sau 20 ngày làm tăng 3 cm chiều cao, phun 2 lần cách nhau 10 ngày tăng năng suất 19 %. Phun PBL - TN 0,25 % cho chè ở Phú Thọ sau khi hái 4 ngày làm tăng năng suất cho lượt hái sau 17,6 %. Như vậy phân bón lá cho cây chè làm tăng năng suất búp chè trung bình khoảng 19,3 %.

- Đối với cây cao su: Phạm Ngọc Hạnh (2/2005) nghiên cứu sử dụng màng phủ nông nghiệp và phân bón lá trên cao su kiến thiết cơ bản tại vùng đất xám Lai Khê – Bình Dương cho thấy cao su trồng bằng tum trần kết hợp với việc phun phân bón lá có

các chỉ tiêu về chiều cao, khoảng cách tầng lá, đường kính và vanh thân đều vượt trội so với đối chứng không phun.Trong đó các loại phân bón lá như Komix, BFC 201, Agrostim, Grow 3 lá xanh, Yogel 2 tác động đến sinh trưởng của cây gần như tương tự nhau.

- Đối với thuốc lá: Đặng Văn Minh (1996) cho rằng xử lý triacontanol tổng hợp bội thu 22,64 %, Komix 301 1/300 bội thu 22,6 %. Trong đó phun Komix 301 1 % giúp cây sinh trưởng tốt năng suất cao nhưng phẩm chất thuốc lá kém, bội thu 19,46 %

- Đối với mía: phân Komix UA - 1002 phun cho mía (hoặc tưới) ở Đồng Nai làm tăng năng suất mía nguyên liệu 34,3 – 40 %, trên đất phèn nặng tăng 9,9 %.

- Đối với cây ăn quả: Năm 1986 - 1987 tại Quảng An Hà Nội xử lý Gibberellin cho cây quất vào giai đoạn sau khi ra hoa, tăng tỷ lệ đậu quả 15 – 25 %, xử lý trước khi xuất bán 1 tháng làm giảm tỷ lệ quả chín 34 – 35 %. Phun Gibberellin cho cây vải ở Hải Dương vào thời kỳ hoa rộ làm tăng tỷ lệ đậu quả tới 12,5 %; phun phối hợp Gibberellin với hỗn hợp vi lượng, tỷ lệ đậu quả tăng 18,5 %, năng suất tăng 16 - 20 %.

Ở Phan Rang sử dụng GA phun cho nho sau khi cắt tỉa, trước khi ra hoa 10 - 15 ngày, thời kỳ hoa rộ, làm giảm số lượng hạt trong quả, năng suất tăng 20 – 50 %. Chế phẩm của Fitohoocmon tăng năng suất nho 50 %; Komix tăng năng suất nho 25 %, tăng năng suất dưa hấu 16,3%. Sử dụng Komix, Komix super zinc - K và Komix phun lá tăng năng suất cam 21,0 % ở Bến Tre. Trên đất vùng đồi xấu, bạc màu hình thành trên phù sa cổ, bón MgSO4.7H2O vào nách lá hoặc phun MgSO4 3 % lên lá dứa quả 15 ngày/lần có thể phòng được bệnh héo lá trong vụ rét cho dứa và làm tăng năng suất.

(Vũ Hữu Yêm, 1982).

Chế phẩm phun lá còn ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái và chất lượng trái vải thiều.

Tỷ lệ đậu trái do phun VL88 là 29,1 %, do phun Komix là 23,2 %, trong khi đó đối chứng không phun là 18,6 %. Chế phẩm KPT - Hoa trái Thiên Nông, Ga - 3 làm tăng năng suất nho trên 30 %. Nhìn chung phân bón lá làm tăng tỷ lệ đậu trái cho cây ăn trái khoảng 20,5 %, tăng năng suất 19 %, tăng năng suất nho khoảng 35 %.

- Đối với hoa, cây cảnh: ở Việt Nam xử lý GA - 3 cho hoa loa kèn, nhỏ ướt đỉnh sinh trưởng khi mầm hoa đã phân hoá có khả năng kéo dài thời gian thu hoạch 7 - 10 ngày; rút ngắn thời gian sinh trưởng của hoa layơn 5 - 7 ngày. Chế phẩm kích thích

Phun Agriconik 2 lần cách nhau 7 ngày cho hoa Hồng nhung 6 tháng tuổi ở Hà Nội, đã làm tăng nụ và hoa nở 23 %, làm cho đường kính hoa thược dược trắng tổ ong tăng 3,2 cm tương đương 34 %.

Trên cây hoa Cẩm Chướng (Dianthus caryophyllus ) tại quận 9 - thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đăng Chiếu (12/2004) nghiên cứu 5 loại phân bón lá Foliar 3X, Bio 8 – ron, Kelpar – Cytoxin, Calmax – hicanxi kết luận phun phân bón lá Foliar 3X đạt kết quả cao nhất, số nụ đạt 18,21 nụ so với đối chứng 13,95 nụ tăng 23,36 %.

Theo Cao Thị Hồng Nga – Đại Học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh 3/2005 kết luận các nghiệm thức sử dụng phân bón lá có các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển và chất lượng hoa khác biệt so với đối chứng trên cây hoa Dã Yên Thảo tại quận 9 - Tp Hồ Chí Minh. Trong đó phân Bionik cho tỷ lệ thương phẩm 100 %, tiền bội thu từ phân bón lá đạt 45 %.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU LỰC 4 LOẠI PHÂN BÓN LÁ: AGRO POWER; ĐẦU TRÂU – CHÍN ĐỎ; ĐẦU TRÂU – THẦN NÔNG; ĐẦU TRÂU 10 – 8 – 6 TRÊN CÂY DƯA LEO (Cucumis savitus L.) TRỒNG Ở VÙNG ĐẤT XÁM CỦ CHI – TP HỒ CHÍ MINH (Trang 22 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)