Chương 2. NHẬN DIỆN NHÂN VẬT BÌNH PHÀM TRONG TRUYỀN KÌ MẠN LỤC
2.3. Các đặc điểm của nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục
2.3.2. Tư tưởng, lối sống của nhân vật bình phàm
Tư tưởng là tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, định hướng, phân tích, đánh giá, kết luận…thành ý trong đầu chúng ta.
Lối sống là những nét điển hình mà con người thường xuyên lặp lại.
Sự lặp lại này định hình thành những phong cách và thói quen của cá nhân, xã hội hay dân tộc nào đó. Lối sống được cấu thành bởi các yếu tố: phong tục tập quán, ứng xử xã hội, cách thức sinh hoạt…
Thời trung đại, quan điểm của lễ giáo phong kiến chi phối tới tư tưởng và lối sống của con người. Nguyễn Dữ đã xây dựng hình tượng nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục có tư tưởng, lối sống theo hai hướng: tuân thủ lễ giáo phong kiến và vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến.
2.3.2.1. Tư tưởng, lối sống theo quan điểm của lễ giáo phong kiến
Lễ giáo phong kiến có những yêu cầu hà khắc đối với phụ nữ. Người phụ nữ phải “tam tòng”, “tứ đức”. “Tam tòng” bao gồm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. “Tứ đức” là bốn đức tính tốt của người phụ nữ: Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Nguyễn Dữ đã thể hiện trong Truyền kì mạn lục những người phụ nữ bình phàm có tư tưởng, lối sống tuân thủ lễ giáo phong kiến.
Nhị Khanh là nhân vật phụ nữ “quốc sắc thiên hương” trong truyện Người nghĩa phụ ở Khoái Châu. Nàng hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của
17
người phụ nữ, đặc biệt là tấm lòng thủy chung chờ chồng. Nhị Khanh đã chờ chồng sáu năm trời, mà trong sáu năm ấy, nàng đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Khi Lưu thị - bà cô của Nhị Khanh ép nàng lấy tướng quân họ Bạch, nàng đã bộc bạch rằng “Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ phu lang hãy còn; nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp cho người khác”. Điều đó cho thấy Nhị Khanh là người phụ nữ có lòng thủy chung son sắt với chồng.
Ta bắt gặp nhân vật Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam, một người có tình cảm chân thành, tha thiết với chồng con. Khi chồng đi lính, nàng đã ở nhà thay chồng chăm sóc mẹ già và con nhỏ. Khi mẹ chồng qua đời, Vũ Thị Thiết đã lo tang ma đầy đủ, làm trọn bổn phận của người dâu con. Hình ảnh
“chiếc bóng” xuất hiện trong Chuyện người con gái Nam Xương nói lên những tình cảm chân thành mà nàng dành cho Trương Sinh. Vì nhớ chồng và thương con mà nàng chỉ chiếc bóng in trên tường và nói rằng đó là “cha Đản”.
Nhà văn Nguyễn Dữ đã rất tài tình khi viết về các nhân vật phụ nữ. Ông luôn đặt họ vào những hoàn cảnh, tình huống éo le để từ đó họ bộc lộ những phẩm chất đáng quý. Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương là một nhân vật như thế. Vì những xung đột nội chiến và nạn ngoại xâm mà nàng phải chịu cảnh vợ chồng chia li. Lệ Nương bị triều đình bắt giam, sau đó lại bị rơi vào tay giặc ngoại bang, nhưng nàng vẫn giữ trọn phẩm tiết của mình. Lệ Nương từng nói rằng:
“Thủy bất năng toàn tiết dĩ tòng phu, Chung hựu nhẫn cam tâm nhi hàng lỗ”.
Dịch:
“Trước đã không vẹn tiết để theo chồng, Sau lại nỡ cam tâm mà hàng giặc”.
18
Để bảo toàn danh tiết với chồng, Lệ Nương đã chọn giải pháp “thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương còn hơn là sang làm những cái cô hồn bên xứ Bắc” [8, 412].
Có thể thấy, những nhận vật trên biểu hiện những lối sống cao đẹp qua cái khuôn trung, hiếu, tiết, nghĩa. Qua đó, Nguyễn Dữ muốn thể hiện những đòi hỏi của nhân dân về đạo lí làm người, truyền thống tốt đẹp của dân tộc bao đời nay và mối quan hệ cần thiết phải xây dựng trong gia đình, xã hội.
2.3.2.2. Tư tưởng, lối sống phi lễ giáo phong kiến
Tác phẩm Truyền kì mạn lục còn nêu ra những tư tưởng, lối sống phi lễ giáo phong kiến của một số nhân vật bình phàm. Đó là những tư tưởng, lối sống đi ngược lại với đạo lí, luân lí xã hội.
Nếu lễ giáo phong kiến đề cao “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” của bậc quân tử thì nhân vật Lý Hữu Chi trong Chuyện Lí tướng quân lại được Nguyễn Dữ xây dựng với sự đối lập với quan điểm ấy. Nhà văn đã nói về sự cơ hội của nhân vật Lí Hữu Chi:
“Người huyện Đông Thành là Lý Hữu Chi cũng do chân một người làm ruộng nổi lên, tính vốn dữ tợn nhưng có sức khỏe, giỏi đánh trận. Quốc công Đặng Tất tiến cử cho Lý được làm chức tướng quân, sai cầm một cánh hương binh đi đánh trận” [8, 392].
Có thể thấy, thực chất Lý Hữu Chi không có tài cán gì, chỉ nhờ vào sức khỏe, giỏi đánh trận mà được trọng dụng làm chức tướng quân. Với quyền lực trong tay, Lý Hữu Chi giết hại người khác, bóc lột tiền của của nhân dân
“Quyền đã cao, Lý bèn làm những việc trái phép, dựa lũ trộm cướp như lòng ruột, coi người nho sĩ như cừu thú, thích sắc đẹp ham tiền tài, tham lam không chán, lại tậu ruộng vương, dựng nhiều nhà cửa, khai đào đồng nội để làm ao, dồn đuổi xóm giềng cho ruộng đất, đi kiếm những hoa đá lạ từ bên huyện khác đem về. Người trong vùng phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ thì em đi, chồng về
19
thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng tay rách rất là khổ sở nhưng hắn vẫn điềm nhiên không chút động tâm” [8, 392]. Lối sống của hắn không xứng đáng làm một vị quan cầm cân nảy mực của xã hội. Khi xuống âm phủ, tội ác của Lí Hữu Chi đã được vạch rõ: “ghẹo vợ người, dâm con người”, “chiếm ruộng đất của người, phá sản của người”, “phá mồ mả của người đời xưa, hủy đạo thường với người ruột thịt”.
Bên cạnh nhân vật quan lại, Nguyễn Dữ còn cho thấy những lối sống đáng phê phán của nhân vật lái buôn. Đó là nhân vật Trọng Qùy trong truyện Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu. Trọng Qùy là người ham mê cờ bạc, thâu đêm suốt sáng trong những canh bạc cùng Đỗ Tam - một lái buôn nhiều tiền. Đỗ Tam vì thấy Nhị Khanh xinh đẹp nên muốn chiếm đoạt. Bản chất xấu xa của Đỗ Tam bộc lộ khi hắn chơi bạc cùng Trọng Qùy với âm mưu cướp vợ bạn. Hắn đã lợi dụng điểm yếu của Trọng Qùy: “một hôm sinh cùng bạn bè họp nhau đánh bạc tứ sắc, Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng để đánh và đòi sinh đánh bằng Nhị Khanh. Trọng Qùy phen mùi vẫn được luôn, chẳng suy nghĩ gì, liền đánh bằng Nhị Khanh”. Đạo đức làm người của Đỗ Tam là không thể chấp nhận được, khiến người đọc không khỏi phẫn nộ.
Nhà văn Nguyễn Dữ đã đưa ngòi bút của mình tới bọn tu hành giả dối, núp dưới bóng chùa mà làm những điều xằng bậy. Đó là tên sư Vô Kỷ trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị, hắn là kẻ thiếu trung thực, làm chuyện dâm ô nơi nhà chùa. Người đọc hẳn chưa quên hình ảnh hai tên Hộ pháp trong Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều với những hành động bì ổi “vào bếp để khoắng hũ rượu của người ta, vào buồng để ghẹo vợ con người ta”.
Thông thường, khi nói đến thánh, thần là nói đến các bậc tối cao, thiêng liêng và quyền năng. Thánh, thần không bao giờ làm những điều trái với phép tắc, nhất mực giữ mình thanh cao. Nhưng khi đọc truyện Chuyện đối tụng ở Long cung, ta lại thấy tác giả miêu tả nhân vật thần Thuồng Luồng với những
20
nét phàm tục giống con người tự nhiên. Thần Thuồng Luồng đã bắt Dương thị, vợ của quan Thái thú họ Trịnh về làm vợ. Trong bức thư Dương thị gửi cho quan Thái thú có kể rằng: “Nào ngờ biến dậy một đêm, đến nỗi hình rơi đáy vực. Bởi không thể chìm châu đắm ngọc, nên đành cam giãi nguyệt dầu hoa”.
Thần Thuồng Luồng đã bắt vợ của người khác nhưng khi bị tố cáo thì chối cãi, cho rằng quan Thái thú đã vu khống. Lời chối cãi của thần Thuồng Luồng cho thấy bản chất gian ngoa, không chịu nhận lỗi về mình: “Kẻ kia ở trên trần, tiểu thần ở dưới nước, mỗi người một ngả, không có can thiệp gì với nhau. Vậy mà hắn buông lời phao vu, để hãm hại người vô tội”. Nhưng bằng lời định tội của Dương thị thì tội ác của thần Thuồng Luồng mới được lộ rõ: “người áo đỏ là kẻ thù”, “độ trước không may bị cái yêu ấy bắt cướp, trải đã ba năm trời”.
Nếu vừa rồi, thần Thuồng Luồng còn chối cãi hành vi của mình thì đến đây mọi phải trái đã được xác minh. Đức vua không khỏi giận dữ mà nói rằng: “Không ngờ thằng giặc kia lại gian hoạt đến như thế. Bên trong thì làm sự dâm dật, mặt ngoài thì già họng chối cãi. Việc ấy nỡ làm thì dù đem xử tử cũng không đáng tiếc”. Có thể thấy, Nguyễn Dữ đã không ngần ngại vạch trần bản chất xấu xa của thần Thuồng Luồng. Đồng thời, tác giả cũng đặt ra vấn đề là dù là thần, tiên, Phật…thì cũng có những tật xấu, những nét bình phàm.
Trong tác phẩm, các nhân vật đã phát biểu những tư tưởng sống với những nhu cầu cá nhân của mình. Nhân vật nhà vua đã nói rằng: “Đời người như khách qua đường, kẻ trước đi qua mà kẻ sau tiếp đến” trong Chuyện đối tụng ở Long cung. Thư sinh Hà Nhân trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây cũng khẳng định “Người sinh ở đời như cái hoa trên cây, tươi héo có kì, không thể gượng lại dù chỉ trong chốc lát”. Chính những tư tưởng này khiến các nhân vật muốn sống cháy bỏng, chớp lấy từng giây phút của tuổi trẻ. Họ lao vào lối sống phóng khoáng, tìm kiếm sự thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trần thế.
21
Người đọc sau khi đọc xong tác phẩm đều có cảm nhận chung là Nguyễn Dữ đã nói khá nhiều đến chuyện trai gái, chuyện ân ái lứa đôi. Trong tổng số 12 truyện viết về nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục thì có 7 truyện viết về những cuộc ái ân mặn nồng của các nhận vật bình phàm. Đó là các truyện:
- Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu - Chuyện cây gạo
- Chuyện kì ngộ ở trại Tây - Chuyện nghiệp oan Đào thị - Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên - Chuyện yêu quái ở Xương Giang - Chuyện nàng Túy Tiêu
Ở một số truyện, Nguyễn Dữ không đi sâu vào miêu tả cuộc ái ân của các nhân vật mà chỉ là kể ngắn gọn. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, tác giả đã kể việc chăn gối của nhân vật Trọng Qùy và Nhị Khanh “Hai người vì xa cách nhau lâu, nên nay tình ái bội phần nồng đượm, sự sung sướng không còn phải nói” [8, 221]. Chuyện Yêu quái ở Xương Giang cũng vậy, Nguyễn Dữ chỉ kể “Đã thành vợ chồng, tình ái rất là thắm thiết”. Đó là tính ái giữa viên quan họ Hoàng với Thị Nghi. Có thể thấy, chỉ với những câu kể ngắn gọn, Nguyễn Dữ đã nói lên được những cuộc ân ái nồng đượm của nhân vật.
Tác giả đã thể hiện được sự trần tục của con người qua nhu cầu về nhục dục.
Nếu Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu và Chuyện yêu quái ở Xương Giang tác giả chỉ kể lại ngắn gọn cuộc ân ái của nhân vật bình phàm thì đến đây, Nguyễn Dữ miêu tả mạnh mẽ và trực tiếp hơn. Tác giả đã rất táo bạo, phóng túng khi thể hiện mối quan hệ yêu đương không lành mạnh của nhân vật Hà Nhân với hai nàng Đào, Liễu trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây. Hà Nhân, một
22
môn đệ của cửa Khổng sân trình nhưng “bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng”.
“Sinh rủ rê hai ả đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm. Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng:
- Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉn e mưa gió nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa yếu mềm.
Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm. Lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện”.
Nguyễn Dữ còn để nhân vật của mình làm thơ ngâm chơi về sự gần gũi nam nữ “chân gác, má kề”. Sau khi được nghe hai nàng Liễu, Đào ngâm thơ:
“Hà Nhân vỗ tay cả cười mà rằng:
- Tình trạng trong chốn buồng xuân, tả đến như thế thì thật là diệu tuyệt, lời hoa ý gấm tôi khó lòng theo kịp hai nàng.
Hà Nhân bèn lại tiếp tục ngâm:
Quyện uyển thư trai khách mộng dung, Ngộ tùy vân vũ đáo Vu Phong.
Giao phi điệp lộng sâm si bạch, Liên đế hoa khai thứ đệ hồng.
Tĩnh túc nhiệm giao oanh thướng há, Phân lưu nhẫn cấm thủy tây đông.
Tuyệt liên quan thị phong lưu chủng, Hứng đáo phong lưu tự bất đồng.
Dịch:
Mê khách buồng văn giấc lạnh lùng, Mây mưa bỗng lạc tới Vu Phong.
Đua bay bướm giỡn so le trắng, Liền cuống hoa phô rực rỡ hồng.
23
Một ổ thỏa thuê oanh ấm áp, Đôi dòng san sẻ nước tây hồng.
Hữu tình cùng giống phong lưu cả, Mỗi vẻ nhưng riêng thú đượm nồng”.
Trong Chuyện cây gạo, lái buôn Trình Trung Ngộ đã gặp Nhị Khanh trên cầu Liễu Khê trong một đêm tình tứ và thơ mông. Trình Trung Ngộ đã bị Nhị Khanh mê hoặc bởi vẻ đẹp của “một giai nhân tuyệt sắc”, hai người đã quấn quít bên nhau, miệt mài trong các cuộc trụy hoan về xác thịt. Nhị Khanh đã làm thơ về cuộc hoan lạc giữa hai người:
“Cùng diêm cửu khốn ngọ miên trì, Tu đố tân lang ngữ biệt ly.
Ngọc duẩn chỉnh tà châu xuyến tử, Hương la thoát hoán tú hài nhi.
Mộng tàn bán chẩm mê hồ điệp, Xuân tận tam canh oán tử qui.
Thử khứ vị thù đồng huyệt ước, Hảo tương nhất tử vị tâm tri.”
Dịch:
“Giấc xuân mê mệt chốn hoang liêu, Bỗng sượng sùng thay cuộc ấp yêu.
Măng ngọc vuốt ve nghiêng xuyến trạm, Dải là cởi tháo trút hài thêu.
Mộng tàn gối bướm bâng khuâng lạc, Xuân hết cành quyên khắc khoải kêu.
Đồng huyệt chưa tròn nguyền ước ấy, Vì nhau một thác sẵn xin liều”.
24
Nguyễn Dữ miêu tả những chuyện hoan lạc nơi phòng the của sư Vô Kỷ và Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị: “Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng để ý gì đến kinh kệ nữa”.
Nhà văn còn thể hiện nhu cầu hoan lạc ở nhân vật thần tiên. Khi nói đến bậc tiên thánh, ai cũng nghĩ đến miền cực lạc, nơi ấy không có một chút lòng tham hay dục vọng cá nhân. Nhưng trong Chuyện Từ thức lấy vợ tiên, Từ Thức đã nghi ngờ rằng: “Nay quần tiên ai về chỗ nấy, sống trong cảnh quạnh quẽ cô liêu, đó là vì lòng vật dục không nảy sinh, hay là cũng có nhưng phải gượng đè nén”.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, tình yêu nhục dục là một bước tiến của một tình yêu tự nguyện hết mình. Tác giả đã không ngần ngại khi nói đến những chuyện trai gái ái ân, hoan lạc bên nhau. Nhà văn không đi vào đề cao nhục dục mà muốn thể hiện nhu cầu tri âm, sự mong muốn có người đồng cảm của các nhân vật bình phàm. Nguyễn Dữ khám phá ra những khát vọng hạnh phúc đời thường nhất của con người qua cái nhìn nhân đạo sâu sắc và mới mẻ.
Tóm lại, tư tưởng, lối sống của nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục được xem xét dưới góc độ tư tưởng của lễ giáo phong kiến, ta thấy ở nhân vật bình phàm có những ưu điểm và hạn chế riêng. Ngoài những nhân vật quân tử sống có lí tưởng, hoài bão thì còn có những đấng nam nhi sống sa đọa, dấn thân vào những nhu cầu dục vọng tầm thường. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, Nguyễn Dữ đã miêu tả tư tưởng, lối sống của các nhân vật bình phàm bằng tấm lòng nhân đạo. Bên cạnh việc phê phán hiện thực xã hội qua lối sống của nhân vật, Nguyễn Dữ còn cảm thông, phát hiện ra những khát vọng đời thường. Điều đó cho thấy, bất kì nhân vật nào cũng mang trong mình những khuyết điểm, những khát vọng trần tục. Điều quan trọng là bản thân nhân vật phải nhìn nhận được đúng vấn đề và mong muốn hoàn thiện bản thân.