Số phận của nhân vật bình phàm

Một phần của tài liệu Luận văn nhân vật bình phàm trong truyền kì mạn lục của nguyễn dữ​ (Trang 31 - 37)

Chương 2. NHẬN DIỆN NHÂN VẬT BÌNH PHÀM TRONG TRUYỀN KÌ MẠN LỤC

2.3. Các đặc điểm của nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục

2.3.3. Số phận của nhân vật bình phàm

Nguyễn Dữ là một nghệ sĩ có tài khi tái hiện được số phận của các nhân vật bình phàm. Ở mỗi nhân vật bình phàm, họ có những số phận riêng, nhưng tựu chung lại, phần lớn họ là những con người phải chịu số phận bất hạnh.

Các nhân vật bình phàm là phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Dữ có số phận hẩm hiu, vì những lí do khác nhau mà họ phải chết. Đó là những truyện:

- Chuyện người con gái Nam Xương - Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu - Chuyện Lệ Nương

- Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Lệ Nương và Phật Sinh trong Chuyện Lệ Nương là hai người có hôn ước từ nhỏ, họ yêu nhau “tuy kì cưới xin chưa định, nhưng hai tình gắn bó, đã chẳng khác chi vợ chồng vậy”. Nhưng chiến tranh nổ ra, Lệ Nương bị bắt vào cung, tiếp đó là bị đưa sang biên giới. Chính hoàn cảnh xã hội đã làm cho Phật Sinh và Lệ Nương phải chia lìa đôi ngả. Cuối cùng, nàng đã phải tự tử để bảo toàn danh tiết của mình. Lệ Nương nói “chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc”. Số phận của Lệ Nương tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ sống trong xã hội loạn ly lúc bấy giờ. Họ không được hưởng hạnh phúc mà phải chịu nhiều đắng cay, phải chọn cái chết để giữ lấy phẩm giá của mình.

Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện số phận bất hạnh của nhân vật Nhị Khanh. Nhị Khanh là một người vợ chung thủy, sắc son với chồng. Nàng luôn có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng nàng không thể chủ động giữ được hạnh phúc. Nhị Khanh có thể chấp nhận chờ chồng đằng đẵng đợi ngày trở về nhưng không chấp nhận để chồng biến mình thành món hàng để trao đổi. Nàng đã chọn cái chết để phẩm tiết của mình không bị hoen ố: “Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt ly là

26

việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi”. Có thể thấy, số phận Nhị Khanh thật đáng buồn.

Nàng đã vì chồng mà chờ đợi, mong có ngày đoàn tụ hạnh phúc. Nhưng số phận không cho Nhị Khanh được trọn vẹn hạnh phúc mà đã để nàng chết vì một người mà mình yêu thương. Phải chăng cuộc sống thật sự rất nghiệt ngã đối với những số phận người phụ nữ?

Chuyện người con gái Nam Xương cũng đề cập tới số phận bất hạnh, phải chết một cách oan khuất của nhân vật Vũ Thị Thiết. Chiến tranh đã làm gia đình Vũ Thị Thiết phải chia lìa khi Trương Sinh đi lính. Nàng đã phải ở nhà một mình chăm mẹ già, nuôi con nhỏ. Sau chiến tranh, Trương Sinh trở về đoàn tụ những mong được hạnh phúc sau bao tháng ngày xa cách. Nhưng ngược lại, vì bản tính hay ghen của Trường Sinh mà Vũ Thị Thiết phải chết oan. Cái chết của Vũ Nương là do bị đẩy tới bước đường cùng không lối thoát, dù có phân trần bao nhiêu cũng không hết mối nghi ngờ của Trương Sinh. Thú vui “nghi gia nghi thất” mà Vũ Nương mong muốn vun đắp bấy lâu nay giờ trở thành ảo mộng xa vời. Sự chung thủy thờ chồng của nàng lại được được trả giá bằng sự nghi ngờ của Trương Sinh. Có lẽ, khi người chồng không còn tin tưởng vào sự trinh tiết, thủy chung cũng là lúc người phụ nữ cảm thấy đau lòng nhất. Nỗi đau ấy không thể xóa mờ, chỉ có người trong cuộc mới thực sự thấu hiểu được.

Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước của sông Hoàng Giang để minh oan cho mình:“Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Chuyện nghiệp oan của Đào thị kể về số phận bi thương của nhân vật phụ nữ Đào Hàn Than. Kiếp sống của Đào thị vô cùng phong phú và phức tạp,

27

không giống như các nhân vật phụ nữ khác trong Truyền kì mạn lục. Nếu cái chết của Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) và Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương) là sự chuyển hóa giữa hai giai đoạn: từ cuộc đời trần thế đến cuộc đời vĩnh hằng của cõi chết thì cái chết của Đào Hàn Than là cuộc đời thăng trầm ở giai đoạn làm người và làm ma. Nàng là người xinh đẹp và“thông hiểu âm luật và chữ nghĩa”, được tuyển vào cung vua.

Nhưng khi vua Dụ Tông qua đời thì “nàng bị thải ra ở ngoài phố”. Lúc này, nàng “thường đi lại nhà quan Hành khiển là Ngụy Nhược Chân”. Vợ quan Hành khiển tỏ mối nghi ngờ, lòng ghen nổi lên nên đã đánh Đào thị một trận nhừ tử. Bị đánh ghen vô cớ nên nàng “tức tối vô cùng” và quyết định trả thù.

Nhưng thích khách bị bắt, khai ra chủ mưu là Đào Hàn Than. So với thế lực nhà quan, Đào thị chỉ là dân đen trong xã hội. Tội án đã đề ngay trước mắt, một lần nữa Đào Hàn Than phải đối mặt với thân gái bơ vơ. Đào thị chính là nhân vật đại diện cho những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Đúng như Nguyễn Du sau này có nói trong Truyện Kiều:

“Nghĩ đời mà chán cho đời, Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.

Và:

“Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Hàn Than đã phải cạo trọc đầu, đến tu hành ở chùa Phật Tích. Có lẽ cái nghiệp văn chương đã đeo bám nên Đào thị đã lập am Cư Tĩnh “mời họp các văn nhân để xin một bài bảng văn”. Chính việc mở am là mầm tai họa tiếp theo của Đào thị. Nàng đã vô tình gây thù với cậu học trò, để rồi hắn làm một bài văn chế nhạo cái gốc gác xuất thế, quá khứ đau buồn của nàng:

“Kính nghĩ am chủ ở núi Phật Tích là Đào Thị, Sổ ca nhạc rút tên ra khỏi.

Cửa Phạn vương núp bóng tìm vào,

28

Miệng đào lưng liễu, uốn lưỡi vừa véo von mấy khúc Lương Châu.

Nhật sáng mây lành, nghển đầu đã tựa nương dưới trời Đâu Suất, Quần ném dòng Tương lớp lớp.

Tóc rơi mây Sở từng từng,

Trong mơ xúc cảnh bâng khuâng du tiên nửa gối.

Trước gió ghẹo người réo rắt, đoản địch vừa xong.

Phòng tăng vắng vẻ khách phòng ca, Áo đạo nhẹ nhàng hơn áo múa.

Khe Tào múc nước, chợt ngờ mặt phấn trong sương.

Lá bối tụng kinh, còn thoảng âm vang trước nóc.

Mùi thiền dẫu bén, Lòng tục chưa phai”.

Sau bao biến cố tai vạ, có lẽ Hàn Than cũng đã kiệt quệ về tinh thần và thể xác. Nàng muốn tĩnh tâm và đã chạy đến chùa Lệ Kỳ. Tình yêu giữa Hàn Than và sư Vô Kỷ đã nảy sinh nơi nhà chùa linh thiêng, trái với luân lí thông thường của đạo Phật. Hàn Than có được hạnh phúc nhưng nó ngắn ngủi và mong manh. Cái chết của nàng là dấu chấm hết cho tình yêu và hạnh phúc. Hàn Than chết nhưng không khuất phục, nàng đã báo mộng cho Vô Kỷ và hai người đầu thai thành hai người con nhà quan Hành kiển là Long Thúc và Long Qúy.

Với sự thông hiểu của sư cụ Pháp Vân, Long Thúc và Long Qúy đã bị trừng trị:

“Khi mở thấy hai cái thây đã hóa thành hai con rắn vàng, lấy hòn đá ném thì chúng liền nát ra tro cả”. Hàn Than xinh đẹp, tài giỏi là vậy nhưng cuối cùng cũng bị truy đuổi và chỉ còn là nắm tro tàn. Nàng đã chết hai lần, lần nào cũng thảm khốc và đau đớn. Số phận của Hàn Than là số phận bi kịch không lối thoát.

Nguyễn Dữ đã đưa ngòi bút của mình tới số phận của những nhân vật vua, quan, kẻ sĩ. Nhân vật Lý Hữu Chi trong Chuyện Lý tướng quân phải mang số

29

phận nghiệt ngã. Lý Hữu Chi chết khi 40 tuổi, hắn đã bị người đời bàn tán rằng:

“Kẻ lương thiện thường phải chết về đao binh, kẻ làm ác được chết trong nhà, đạo trời để đâu không biết”. Cứ nghĩa rằng chết là hết, nhưng khi xuống tới âm phủ, Lý Hữu Chi đã bị xử phạt vô cùng đau đớn. Vì hắn đắm chìm trong bể tình ái mà bị “lôi ra bỏ vào vạc đương sôi, thân thể Hữu Chi đều nát rữa cả ra”. Vì lòng tham vô đáy mà hắn bị moi hết ruột gan bằng lưỡi chủy thủ. Tội ác chồng chất của hắn là không thể cứu chữa, Đức vua đã tuyên án: “Vậy chỉ nên áp giải vào ngục Cửu U lấy dây da chét vào đầu, lấy dùi lửa đóng vào chân, chim cắt mổ vào ngực, rắn độc cắn vào bụng, trầm luân kiếp kiếp, không bao giờ ra khỏi được”. Như vậy, số phận đau thương của Lý Hữu Chi là do chính bản thân hắn tạo nên, không thể đổ lỗi cho bất cứ ai.

Từ Thức là nhân vật có số phận đầy bi kịch trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên. Đó là bi kịch của một con người cô đơn, không chốn nương thân. Từ Thức đã từ bỏ áo quan với lí do “không thể vì số lượng năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong áng lợi danh”. Chàng thoát mình lên tiên cảnh thì lại nhớ mong về quê nhà, khi về quê thì mọi thứ không còn như xưa nữa, cảnh vật đổi dời. Cuối cùng, Từ Thức thui thủi “mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất”.

Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ cũng thể hiện các nhân vật lái buôn có số phận nghiệt ngã. Trong Chuyện cây gạo, người đọc xót xa cho nhân vật Trình Trung Ngộ. Chỉ vì đam mê ái ân, nhục dục mà Trình Trung Ngộ đã có những cuộc tình với ma là Nhị Khanh. Khi nhận ra người cùng chăn gối mặn nồng với mình là ma, Trình Trung Ngộ mới “sởn gai, dựng tóc”. Trình Trung Ngộ sinh ra ốm nặng và mọi người “thấy chàng đã nằm ôm quan tài mà chết”.

Có thể thấy các nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục đều phải chịu số phận bất hạnh. Họ khát vọng được sống, khát vọng hưởng thụ tình yêu nhưng lại rơi vào bi kịch. Các nhân vật nữ đều mong muốn hạnh phúc, nhất là

30

hạnh phúc bên gia đình, nhưng số phận không cho họ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, họ bị thất bại trên con đường đi tìm hạnh phúc cá nhân. Do lối sống, cách ứng xử trái luân lí mà một số nhân vật phải gánh chịu hậu quả, cuối đời họ phải chịu cái chết đau đớn. Có một số nhân vật phải chịu cái chết oan khuất, về sau được hiển linh trở về gặp lại người thân. Có thể thấy, Nguyễn Dữ đã rất công bằng khi miêu tả số phận của nhân vật bình phàm. Điều đó cho thấy tác giả đã ngầm thể hiện tư tưởng “gieo nhân nào gặp quả ấy” theo thuyết của nhà Phật.

31

Chương 3. PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT

THỂ HIỆN NHÂN VẬT BÌNH PHÀM TRONG TRUYỀN KÌ MẠN LỤC

Phương thức nghệ thuật là cách thức mà nhà văn lựa chọn, sử dụng và sáng tạo các yếu tố về ngôn ngữ nghệ thuật để hiện thực khách quan hiện lên trong tác phẩm một cách sinh động, sâu sắc. Phương thức nghệ thuật tồn tại như một yếu tố tất yếu để văn học có thể tồn tại như một loại hình nghệ thuật.

Thời đại Nguyễn Dữ sống là thời đại còn hỗn dung về mặt loại hình, nhưng những gì ông thể hiện trong tác phẩm Truyền kì mạn lục cho thấy ông đã sử dụng đa dạng và phong phú các phương thức nghệ thuật để xây dựng hình tượng nhân vật bình phàm.

Nhân vật bình phàm được Nguyễn Dữ đưa vào trong Truyền kì mạn lục một cách rất khéo léo và mang dụng ý nghệ thuật. Nhân vật bình phàm được xây dựng bằng phương thức nghệ thuật riêng, khác xa so với nhân vật được lí tưởng hóa.

Một phần của tài liệu Luận văn nhân vật bình phàm trong truyền kì mạn lục của nguyễn dữ​ (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(57 trang)