Chương 2. NHẬN DIỆN NHÂN VẬT BÌNH PHÀM TRONG TRUYỀN KÌ MẠN LỤC
3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Ngoại hình là dáng vẻ bề ngoài của nhân vật bao gồm: trang phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… Ngoại hình của nhân vật cũng ít nhiều thể hiện được nội tâm, tính cách của nhân vật. Trong các tác phẩm văn học trung đại, ngoại hình của nhân vật thường được tác giả xây dựng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng. Tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ không phải là một ngoại lệ.
Bút pháp ước lệ tượng trưng dùng lời văn bóng bẩy, trang nhã và đặc biệt là ngắn gọn, súc tích. Bút pháp này lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực để quy chiếu vào vẻ đẹp của con người thời trung đại. Khi miêu tả cây cối luôn nói đến “tùng, cúc, trúc, mai”, con vật “long, ly, quy, phụng”… Vì các truyện trong Truyền kì mạn lục thuộc thể loại truyện có dung lượng ngắn, lời văn ngắn gọn và cô đọng nên tác giả đã sử dụng triệt để bút pháp này.
32
Truyền kì mạn lục cũng như các tác phẩm văn chương thời trung đại, khi miêu tả ngoại hình chỉ có vài nét chung chung, khái quát. Hầu hết các nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục chỉ được nhà văn miêu tả ngoại hình bằng những nét chấm phá chứ không đi sâu vào đặc tả chi tiết ngoại hình nhân vật.
Ngoại hình của nhân vật nữ thường được tác giả miêu tả rất đẹp.
Trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị, vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật Hàn Than được tái hiện qua lời cuộc đối thoại giữa Pháp Vân và sư Vô Kỷ:
“Pháp Vân không nhận và bảo Vô Kỷ rằng:
Người con gái này, nết không cẩn nguyện, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người; tuy sen hồng chẳng nhuộm bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt”.
Qua lời nhận xét của sư Pháp Vân, ta thấy Hàn Than là một cô gái đẹp, dễ làm mê lòng người. Hàn Than còn được Nguyễn Dữ miêu tả trực tiếp “Mỗi lúc ở nhà dưới đi lên mặc áo lụa, mang quần là, điểm môi son, tô má phấn”.
Rõ ràng, Hàn Than là người xuất gia tu hành nhưng cách ăn mặc không phù hợp với nơi cửa Phật.
Trong Chuyện người con gái Nam Xương, ngoại hình của nhân vật Vũ Thị Thiết chỉ được tác giả phác họa bằng một câu văn ngắn gọn: “Người đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chỉ với câu chữ ngắn gọn, Vũ Thị Thiết hiện lên trong tâm trí người đọc là một người phụ nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết.
Nguyễn Dữ chỉ miêu tả ngoại hình bằng những nét chấm phá đặc sắc, nhưng nhân vật hiện lên rất sinh động. Nhân vật Trọng Qùy và Nhị Khanh trong tác phẩm Người nghĩa phụ ở Khoái Châu được tác giả miêu tả: “Phùng có người con trai là Trọng Qùy, Từ có người con gái là Nhị Khanh, gái sắc trai tài”, họ “mến vì tài, yêu vì sắc”. Khi nàng mất, Trọng Qùy đã làm bài văn tế thể hiện niềm thương xót và hối hận. Vẻ đẹp của nhân vật Nhị Khanh được tái hiện lại trong bài văn tế:
33
“Hỡi ơi nương tử!
Khuê nghi đáng bậc, Hiền đức vẹn mười.
Tinh thần nhã đạm, Dáng điệu xinh tươi”.
Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên cũng là một tác phẩm miêu tả thành công vẻ đẹp ngoại hình nhân vật Giáng Hương: “người ta thấy có cô con gái, tuổi độ 15,16 phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời”. Ngoại hình của Giáng Hương còn được hiện lên qua lời nhận xét khách quan “nương tử hôm nay màu da hồng hào, chứ không gầy gò như trước nữa”.
Nhân vật Dương thị, vợ quan Thái thú họ Trịnh trong Chuyện đối tụng ở Long cung được tác giả phác họa ngoại hình: “Ngày đã xế chiều, lại thấy hai người lính dẫn đến một mỹ nhân, xúng xính thướt tha, từ mé đông đi lại”. Từ
“mỹ nhân” đã lột tả được hết vẻ đẹp ngoại hình của Dương thị. Đó là vẻ đẹp
“nghiêng nước nghiêng thành”, không ai sánh được trong thiên hạ. Người đọc chỉ có thể liên tưởng, tưởng tượng mới có thể hình dung ra ngoại hình tuyệt sắc của phu nhân quan Thái thú.
Ngoại hình nhân vật Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu được Nguyễn Dữ miêu tả ngắn gọn “Trong bọn con hát có ả Túy Tiêu là người rất xinh đẹp”.
Chuyện cây gạo miêu tả ngoại hình của nhân vật Trình Trung Ngộ: “là một chàng trai đẹp ở đất Bắc”
Tóm lại, ngoại hình của các nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục được tác giả miêu tả bằng bút pháp ước lệ tượng trưng. Dù chỉ bằng những nét phác thảo đơn sơ, không đi sâu vào miêu tả đôi mắt, lông mày…hay hình dáng nhân vật bình phàm nhưng vẻ đẹp của họ hiện lên trong tâm trí người đọc một cách rõ nét và sinh động. Đó là biệt tài của Nguyễn Dữ, ông muốn người đọc dựa vào những chấm phá đó để liên tưởng, tưởng tượng. Từ đó, nhân vật bình
34
phàm của Nguyễn Dữ sẽ được độc giả khám phá ở chiều sâu qua vẻ đẹp ngoại hình.