CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM
3.3. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường Đông Bắc Á
3.3.3. Nhóm giải pháp đối với người xuất khẩu lao động
Ở Việt Nam hiện nay, nguồn lao động thì nhiều nhưng lao động đáp ứng tốt các yêu cầu về sức khỏe, trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật thì còn rất hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Đông Bắc Á trong những năm tới, ngoài những nỗ lực từ phía Nhà nước và doanh nghiệp thì bản thân NLĐ cũng cần phải thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau.
3.3.3.1. Tự trang bị kiến thức về XKLĐ
Để có thể tự bảo vệ mình, mỗi NLĐ khi tham gia xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu những kiến thức tối thiểu về quyền và nghĩa vụ của NLĐ xuất khẩu, các chủ trương chính sách của Nhà nước về hoạt động XKLĐ. NLĐ cũng cần hiểu rõ về những điều kiện để được đi xuất khẩu, những khoản phí phải nộp để tránh những tranh chấp về sau, cũng như những chính sách về hỗ trợ vay và thủ tục vay vốn cho NLĐ xuất khẩu.
Để tránh bị các trung tâm môi giới, các tổ chức trung gian lừa đảo lấy tiền mà không đi XKLĐ được, NLĐ cần chủ động tìm kiếm và liên hệ với cơ sở XKLĐ có uy tín, tin cậy đã có giấy phép XKLĐ, có hợp đồng XKLĐ với nước ngoài và hoạt động công khai trên thị trường.
Trước khi tham gia làm việc ở thị trường Đông Bắc Á, NLĐ cũng cần tìm hiểu công việc và thị trường được đưa đi xuất khẩu thông qua việc liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp XKLĐ hoặc chính quyền địa phương để nắm bắt các thông tin liên quan đến thị trường, công việc, điều kiện sống, làm việc, phong tục tập quán, thu nhập, chi phí, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, sức khỏe. Vì mỗi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan lại có những yêu cầu khác nhau về điều kiện nhập khẩu
lao động. Do vậy, NLĐ cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu.
3.3.3.2. Tích cực học tập nâng cao trình độ
Trước khi đi XKLĐ, NLĐ phải tham gia các khóa đào tạo và định hướng bắt buộc, tham gia các khóa học này NLĐ được trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết cho công việc sau này như những đặc thù về công việc, phong tục tập quán, luật pháp, chế độ lao động, điều kiện làm việc, các điều được làm và không được làm của các nước tiếp nhận lao động. Vì vậy, NLĐ phải tích cực học tập nâng cao nhận thức và ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm để có sự hiểu biết, trình độ tay nghề, trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nước nhập khẩu lao động, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tham gia XKLĐ một cách có hiệu quả.
Đông Bắc Á là một thị trường nhiều tiềm năng, đây là thị trường XKLĐ lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng những năm gần đây việc XKLĐ sang thị trường này xuất hiện nhiều tồn tại và hạn chế, có những hạn chế mang tính chủ quan từ chính cách thức làm việc, ý thức kỷ luật và tinh thần lao động Việt Nam. Để duy trì sự ổn định và đẩy mạnh hoạt động XKLĐ Việt Nam sang thị trường Đông Bắc Á, nâng cao uy tín và tạo dựng hình ảnh cho NLĐ Việt Nam thì bản thân NLĐ cũng cần không ngừng hoàn thiện nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần lao động tập thể, hình thành tác phong lao động công nghiệp tôn trọng công việc, tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng luật pháp quốc gia NKLĐ.
Ngoài ra, NLĐ cần có kế hoạch học tập, tiêu dùng, tiết kiệm hợp lý để có tay nghề, kinh nghiệm và một số vốn nhất định khi kết thúc thời gian làm việc ở thị trường Đông Bắc Á và sử dụng hiệu quả khi trở về.
3.3.3.3. Nghiêm chỉnh chấp hành văn bản pháp lý
Một trong những yêu cầu của người lao động xuất khẩu là phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản pháp lý của nước mình và nước đến thực hiện hợp đồng lao động. Hợp đồng đã ký kết giữa các bên là căn cứ ràng buộc hoạt động của NLĐ tham gia xuất khẩu. Để tránh vi phạm pháp luật NLĐ phải thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hợp đồng đã ký. Trong trường hợp có phát sinh mâu thuẫn, NLĐ
cần phối hợp với cơ quan chức năng, chủ sử dụng, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại thị trường khu vực Đông Bắc Á và doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam để được hỗ trợ giải quyết.
Khi đi XKLĐ, căn cứ theo hợp đồng ký kết NLĐ sẽ bị ràng buộc bởi Luật Lao động Việt Nam và Luật lao động của nước đến làm việc. Do đó, để có thể tự bảo vệ mình, NLĐ cần tìm hiểu kỹ những quy định trong Bộ Luật lao động Việt Nam và nước đến làm việc để biết những quyền lợi cũng như nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.
NLĐ chấp hành tốt kỷ luật lao động và thực hiện tốt hợp đồng lao động đối với doanh nghiệp. Không bỏ trốn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần nâng cao uy tín giữa lao động Việt Nam với thị trường này và với thế giới.
Để đẩy mạnh công tác XKLĐ sang thị trường Đông Bắc Á và đáp ứng yêu cầu của thị trường này, ngoài những nỗ lực từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân NLĐ thì vấn đề quan trọng là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên.