1.1. Tổng quan về HCBVTV
1.1.3. Tình hình sử dụng HCBVTV và thực trạng ô nhiễm HCBVTV ở nước ta…
15
Theo số liệu của Cục Bảo vệ Thực vật trong giai đoạn năm 2001 - 2010, lượng HCBVTV được sử dụng ở nước ta là 36 - 75,8 ngàn tấn. Lượng hoạt chất tính theo đầu diện tích canh tác (kg/ha) cũng tăng từ 0,3 kg (1981 - 1986) lên 1,24 - 2,54 kg (2001 - 2010). Giá trị nhập khẩu HCBVTV cũng tăng nhanh, năm 2008 là 472 triệu USD, năm 2010 là 537 triệu USD. Số loại HCBVTV đăng ký sử dụng cũng tăng nhanh, trước năm 2000 số hoạt chất là 77, tên thương phẩm là 96, năm 2000 là 197, và 722, đến năm 2011 lên 1202 và 3108. Như vậy trong vòng 10 năm (2000 - 2011) số lượng HCBVTV sử dụng tăng 2,5 lần, số loại HCBVTV nhập khẩu tăng khoảng 3,5 lần. Trong năm 2010, lượng HCBVTV sử dụng bằng 40% mức sử dụng trung bình của 4 nước lớn dùng nhiều HCBVTV trên thế giới (Mỹ, Pháp, Nhật và Brazil), trong khi GDP của nước ta chỉ bằng 3,3% GDP trung bình của họ. Số lượng hoạt chất đăng ký sử dụng ở Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1.000 loại trong khi của các nước trong khu vực từ 400 - 600 loại, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malasia 400 - 600 loại. Sử dụng HCBVTV bình quân đầu người ở Trung Quốc là 1,2 kg, ở Việt Nam là 0,95 kg (2010) [6].
Theo quy định mới tại Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT, từ ngày 06/06/2016, danh mục HCBVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa vào danh mục HCBVTV 29 hoạt chất cấm sử dụng tại Việt Nam [2].
Theo thống kê đầu năm 2015, cả nước hiện vẫn còn 1.562 điểm tồn lưu HCBVTV. Trong số đó, khoảng 200 điểm được đánh giá là có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của cả cộng đồng. Do đó, công việc quản lý môi trường tại những điểm này sẽ phải tập trung vào nội dung cải tạo, xử lý triệt để nhằm phục hồi các khu vực bị ô nhiễm để đưa hiện trạng của đất và nguồn nước ngầm trở về được trạng thái ban đầu.
16
Bên cạnh đó, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với vấn đề thâm canh, tăng vụ đã khiến cho tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng diễn ra khá phức tạp, kéo theo số lượng và chủng loại HCBVTV cũng tăng lên. Mặt khác, một số loại HCBVTV kém chất lượng, khi phun không mang lại hiệu quả như mong muốn nên người nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Từ đó, dẫn đến tình trạng sử dụng HCBVTV tùy tiện, không đúng loại thuốc, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Theo kết quả nghiên cứu thì phun thuốc cho cây trồng có tới 50% lượng thuốc rơi xuống đất và một số thuốc rải trực tiếp vào đất.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng HCBVTV còn có vấn đề đáng lo ngại là người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng HCBVTV còn tồn lại trên vỏ bao bì HCBVTV. Đỗ Kim Vân - Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam đã dẫn một nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam cho thấy lượng HCBVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% - 2% tỷ trọng bao bì và như vậy căn cứ vào số lượng HCBVTV sử dụng hàng năm thì môi trường nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 - 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường [7]. Theo thống kê cả nước hiện còn tồn đọng trên 706 tấn thuốc cần tiêu hủy và 19.600 tấn rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý, hàng năm phát sinh mới khoảng 9.000 tấn [6]. Hơn nữa, một nguồn phát thải HCBVTV ra môi trường từ nước rửa tại vị trí làm vệ sinh dụng cụ; từ việc thải bỏ không đúng quy định các bình chứa, nước súc rửa bình chứa, và lượng thuốc chưa sử dụng hết; vỏ, bao bì đựng HCBVTV; và lượng thuốc bị đổ ra ngoài khi pha trộn cũng rất đáng được quan tâm.
Dư lượng HCBVTV theo nước thấm và tích lũy gây ô nhiễm các tầng đất.
Trong đó, đất canh tác là nơi tập trung tích lũy dư lượng HCBVTV cao nhất. Ngoài ra, dư lượng HCBVTV gây ô nhiễm nguồn nước một cách trầm trọng. Thực tế cho thấy nước ao nuôi tôm và kênh rãnh cấp nước tại 07 điểm ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre tất cả các mẫu nước đều tồn tại HCBVTV và có 70% mẫu vượt quá mức quy định. Tỉnh Vĩnh Long các sông, rạch vùng trồng lúa xã Trung
17
Chánh (Vũng Liêm), Thuận An, Mỹ Thuận (Bình Minh) và vùng trồng rau xã Tân Quới, Thành Lợi (Bình Minh) trong nước có gốc Clo hữu cơ và một số hóa chất độc hại khác vượt mức cho phép. Các vùng sản xuất nông nghiệp tại lưu vực sông Cầu sử dụng rộng rãi các loại phân hóa học khoảng 500.000 tấn/năm, lượng dư thừa đổ vào khoảng 33% [35]. Hậu quả của việc sử dụng HCBVTV một cách bừa bãi, không đúng quy định về liều lượng cũng như việc người dân không có ý thức trong việc xử lý bao bì và nước tráng rửa bình phun đã làm cho lượng HCBVTV tồn dư ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô, làm ô nhiễm nguồn nước trên nhiều sông, rạch diễn ra nhiều nơi rất nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người, gây ra nhiều hệ lụy.