CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4 Đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt trên địa bàn thành phố Cẩm Phả
Các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước mặt và xử lý nước ô nhiễm thường được phối hợp và tác động lẫn nhau.Trên cơ sở tìm hiểu những nguyên nhân gây ô nhiễm, những tác động tới chất lượng nước mặt và những tồn tại trong hệ thống QLMT nước mặt tại thành phố Cẩm Phả, luận văn đề xuất một số biện pháp góp phần cải thiện chất lượng nước trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.
3.4.1 Các giải pháp quản lý a) Giải pháp quy hoạch
- Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cẩm Phả theo từng thời kỳ nhằm nghiên cứu, đề xuất phương án và nhiệm vụ phát triển, tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội thành phố.
- Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch cấp nước theo từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cẩm Phả nhằm đề ra các phương án quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý.
- Xây dựng quy hoạch cấp nước cho thành phố Cẩm Phả theo từng giai đoạn phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước của toàn thành phố.
- Xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn cho thành phố Cẩm Phả dựa trên hướng dẫn chung về kế hoạch cấp nước an toàn của tỉnh Quảng Ninh.
b, Giải pháp tổ chức quản lý
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cấp nước. Nhà nước đầu tư và quản lý các nguồn cấp nước, quy định các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn tài nguyên nước và mức phí tài nguyên: Ban hành văn bản pháp quy đối với ngành cung cấp nước sạch, thay thế Quyết định 375 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành năm 1998 để làm căn cứ quản lý hạ tầng cấp nước từ đó nâng cao chất lượng nước cho toàn hệ thống.
- Xây dựng hệ thống quản lý nước cấp sinh hoạt đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp phường xã: Cơ cấu và kiện toàn tổ chức doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy và chất lượng nguồn nước đầu vào.
- Phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT và công nhân lành nghề đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực cấp thoát nước trong tỉnh.
- Tăng cường các biện pháp,tập trung giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường công tác kiểm tra,thanh tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Kịp thời thông báo nhắc nhở, kể cả đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, quy định rõ thời gian khắc phục đối với các đơn vị gây ô nhiễm môi trường.
- Rà soát, điều tra bổ sung và áp dụng các biện pháp phòng ngừa,xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.
-Đối với sự ảnh hưởng của các bãi rác, nghĩa trang: Quy hoạch và xây dựng phải phù hợp với quy hoạch môi trường, quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch xây dựng đô thị và các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phù hợp với phong tục, tập quán, tôn giáo và văn minh hiện đại,đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan và vệ sinh môi trường.
3.4.2 Giải pháp về mặt công nghệ, kỹ thuật a) Giải pháp lựa chọn nguồn đầu vào
Nước mặt đoạn sông Diễn Vọng nghiên cứu khu vực thượng nguồn cũng đã có dấu hiệu giảm chất lượng tuy nhiên vẫn đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt.
Nhà máy nước Diễn Vọng đang khai thác trên sông Diễn Vọng từ 20.000 - 30.000 m3/ngày đêm, trong trường hợp xảy ra ô nhiễm, nguồn nước dự phòng cấp cho nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt tương đương với 5% lượng nước đang khai thác và lượng nước dự phòng lấy từ hồ Cao Vân. Lượng nước dự phòng trong trường hợp sông Diễn Vọng xảy ra ô nhiễm lấy từ hồ Cao Vân là 30.000 m3/tháng và thời gian có thể cấp dự phòng là 03 tháng. Nước hồ Cao Vân thường xuyên nên nạo vét, kè bao chắc chắn để phục vụ lưu trữ nước.
- Lấy nước từ suối cầu Gốc Thông.
- Lấy nước từ suối Khe Giữa (đập Lựng Do).
b) Giải pháp bảo vệ nguồn nước
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn thải: các nguồn thải phải được thu gom và xử lý triệt để. Đối với nước thải trước khi xả vào nguồn nước phải đạt yêu chất lượng của nguồn thải theo mục đích sử dụng của nguồn nước tiếp nhận. Đối với chất thải rắn phải thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định để không phát tán vào nguồn nước.
- Xây dựng các mô hình sản xuất sạch hơn đối với cơ sở sản xuất nằm trong lưu vực của nguồn nước.
c) Giải pháp xây dựng hạ tầng cấp nước
- Gia cố đập Đá Bạc và hồ Cao Vân tạo ra hồ chứa nước đa mục tiêu, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Cẩm Phả.
- Đầu tư xây dựng và nâng công suất nhà máy nước Diễn Vọng từ 60.000 m3/ngày.đêm lên 90.000 m3/ngày.đêm trước năm 2020 và lên 120.000 m3/ngày.đêm trước năm 2025.
- Xây dựng nhà máy nước Gốc Thông lấy nước từ suối cầu Gốc Thông. Với công suất 2000 m3/ngày trước năm 2020 lấy nước từ suối cầu Gốc Thông, đến năm 2030 nâng công suất lên 10.000 m3/ngày lấy nước từ sông Ba Chẽ.
- Xây dựng nhà máy nước Khe Giữa tại xã Dương Huy với công suất 2000 m3/ngày trước năm 2020 lấy nước từ suối Khe Giữa (đập Lựng Do) đến năm 2030 nâng công suất lên 5.000 m3/ngày lấy nước từ hồ Khe Giữa.
- Đầu tư cải tạo và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước theo mạng vòng
đảm bảo hiệu quả cấp nước liên tục và đầy đủ. Phát triển đường ống truyền tải chính dài khoảng 24,4km gồm các loại ống có đường kính D500 đến D800 và mạng lưới đường ống phân phối với tổng chiều dài khoảng 72km.
d) Giải pháp công nghệ
- Tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ xử lý để nâng cao hiệu quả xử lý tại các nhà máy xử lý nước và đảm bảo chất lượng nước cấp đầu ra.
e) Giải pháp kiểm soát chất lượng
- Tăng cường các biện pháp giám sát và bảo vệ nguồn nước. Nhà nước có nhiều quy định, quy phạm pháp lý về việc bảo vệ nguồn nước nhưng trong nhiều trường hợp, hiệu quả thực thi không cao do thiếu thệ thống giám sát, quan trắc. Để có thể đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước và có biện pháp xử lý thích hợp, cần thiết phải có hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước, đặc biệt là các nguồn nước dễ bị ô nhiễm.
- Thực hiện chế độ kiểm tra, giá sát và và xét nghiệm chất lượng nước nội bộ trong quá trình xử lý nước để phát hiện ra các sự cố, lỗi kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp, từ đó đưa ra các biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các yếu tố, các nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước.
- Xây dựng mạng điểm giám sát chất lượng nước đầu vào và đầu ra của toàn bộ hệ thống cấp nước thành phố Cẩm Phả.
- Xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn cho nhà máy nước Diễn Vọng.
f) Giải pháp điều tra cơ bản
- Tiến hành công tác điều tra cơ bản, lập cơ sở dữ liệu về số lượng, trữ lượng tài nguyên nước để xây dựng phương án khai thác tài nguyên nước hợp lý và phương án bảo vệ môi trường nguồn nước nhằm hạn chế tối đa việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy giảm chất lượng nguồn nước.
- Tiến hành các dự án điều tra cơ bản về hệ thống chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm và nước cấp sinh hoạt của toàn thành phố nhằm thiết lập hệ thống cơ sở khoa học đầy đủ, tin cậy về nguồn nước, từ đó xây dựng các chiến lược, chương trình hành động bảo vệ và nâng cao chất lượng nước cấp sinh hoạt cho thành phố.