Quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy

Một phần của tài liệu Hoạt động công tác xã hội trong hỗ trợ người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy số 05 hà nội (Trang 21 - 25)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI

1.3 Quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy

Nghiện ma túy là hiểm họa của các quốc gia dân tộc trên toàn cầu, là nguyên nhân chính làm lây nhiễm HIV/AIDS và phát sinh nhiều loại tội phạm. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe, giống nòi dân tộc.

Thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam còn diễn biến rất phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về sử dụng ma túy, nghiện, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, chưa thống nhất; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn; việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Để tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ

trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 98/NQ/CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Nghị quyết số 30/NQ/CP ngày 07 tháng 3 năm 2017 phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2017 của Chính phủ; Thông báo kết luận số43/TB-VPCP ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy; đồng thời tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Xác định rõ công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để bảo đảm cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy theo hướng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống và cai nghiện ma túy;

đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, chú trọng truyền thông qua mạng xã hội về hiểm họa ma túy; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống và cai nghiện ma túy; nhân rộng mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.

- Tăng cường các biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, xóa bỏ các điểm nóng về mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trồng cây có chất ma túy. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, phát hiện, kịp thời bắt giữ và truy tố, xét xử nghiêm các tội phạm về ma túy… Rà soát, phân loại, quản lý chặt chẽ người sử dụng, người nghiện ma túy gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

- Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy: cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng Methadone và kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội sẵn có tại địa phương; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,

nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện. Tổ chức nghiên cứu, sản xuất các bài thuốc và phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp.

Luật Phòng chống ma túy được Quốc hội ban hành ngày 19/12/2000 và sửa đổi bổ sung năm 2008 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về cai nghiện. Điều 25 Luật Phòng chống ma túy nêu rõ: “áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy”. Người nghiện ma túy có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay tại các cơ sở cai nghiện (Điều 27).

Bên cạnh việc khuyến khích người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện, Luật Phòng chống ma túy đã quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện. Việc cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) với người mới nghiện nhưng không tự nguyện cai nghiện (Điều 27).

Biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được áp dụng đối với

"Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc người nghiện không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm" (Điều 28). Đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ và điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính (Điều 29).

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Trong chương 1, khóa luận đã tập trung đề cập đến hệ thống cơ sở lý luận liên quan đến người nghiện ma túy. Đưa ra khái niệm về chất gây nghiện, về ma túy, người nghiện ma túy và các khái niệm có liên quan. Nêu đặc điểm tâm, sinh lý của người nghiện ma túy và nhu cầu, mong muốn của họ.

Chương 1 cũng đã đề cập đến quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy. Từ đó nhận thấy rằng người nghiện ma túy và các vấn đề của họ đang dành được nhiều sự quan tâm.

Như vậy, với việc phân tích cơ sở lý luận về người nghiện ma túy, những vấn đề có liên quan đến nhóm đối tượng này chúng ta sẽ có cơ sở để tiến hành điều tra, phân tích và đánh giá Hoạt động Công tác xã hội trong địa bàn nghiên cứu là Cơ sở cai nghiện ma túy số 05 Hà Nội.

Một phần của tài liệu Hoạt động công tác xã hội trong hỗ trợ người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy số 05 hà nội (Trang 21 - 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w