Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
1.5. Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với một số tội khác trong Bộ luật hình sự
1.5.1. Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 BLHS) với tội giết người (Điều 93 BLHS)
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và tội giết người đều là tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng con người, hai tội phạm này có nhiều điểm giống nhau về các yếu tố cấu thành tội phạm.
- Về khách thể: hai tội này có khách thể trực tiếp giống nhau: xâm phạm đến quyền sống của con người và gây ra cái chết cho nạn nhân.
- Về mặt khách quan: hai tội đều là tội phạm có cấu thành vật chất, đều đòi hỏi hậu quả chết người xảy ra.
- Về mặt chủ quan: cả hai tội phạm đều thực hiện với lỗi cố ý.
- Chủ thể của tội phạm đều là chủ thể thường.
Tuy nhiên, về cơ bản hai tội này có sự khác nhau cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, đặc điểm về chủ thể: Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, có thể là bất kỳ người nào, còn chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tuy cũng là chủ thể thường, tuy nhiên người
đó phải có hành vi giết người đang trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (đây là dấu hiệu bắt buộc).
Thứ hai, đặc điểm về nạn nhân: nạn nhân của tội giết người là bất kỳ người nào, còn nạn nhân của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh phải là người đã thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội.
Ngoài hai đặc điểm cơ bản trên thì hai tội phạm này còn có sự khác nhau về độ tuổi của chủ thể, ở tội giết người tuổi của người phạm tội là từ đủ 14 tuổi trở lên còn ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tuổi của người phạm tội là từ đủ 16 tuổi trở lên.
1.5.2. Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 BLHS) với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96 BLHS)
Trong thực tiễn, việc phân biệt giữa hai điều luật này có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc định tội danh. Bởi hai tội phạm này có một số dấu hiệu giống nhau về chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan như đều là chủ thể thường, xâm phạm tính mạng con người, lỗi là cố ý… đều là trường hợp giảm nhẹ đặc biệt của tội giết người bởi nạn nhân cũng là người có lỗi.
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại Điều 96, khoản 2 Điều 15 BLHS, từ khái niệm và các điều kiện của phòng vệ chính đáng cũng như khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, chúng ta có thể phân biệt hai tội phạm này qua đặc điểm cơ bản:
Cả hai trường hợp, nạn nhân đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, nhưng ở trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hành vi trái pháp luật đang xảy ra và chưa kết thúc, còn ở trường hợp giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã kết thúc.
Về thái độ tâm lý, người phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị kích động về tinh thần, nhưng cũng có thể không bị kích động về tinh thần, vì phòng vệ là quyền được pháp luật công nhận và trong nhiều trường hợp phòng vệ còn là nghĩa vụ của công dân để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, nên họ có thể chủ động ngăn chặn sự xâm hại.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể bằng lời nói, có thể bằng hành động, nhưng hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người do vướt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ có thể là hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phạm tội hoặc của người khác.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chỉ đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội còn hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể đối với Nhà nước, tổ chức hoặc người khác.
Hành vi xâm hại thuộc trường hợp giết người do vượt quá giới hạn chính đáng phải là tội phạm, hoặc tuy không phải là tội phạm nhưng phải nguy hiểm đáng kể cho xã hội (ví dụ như hành vi đốt nhà người khác của người mắc bệnh tâm thần). Còn đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hành vi của nạn nhân nhìn chung chưa đến mức là tội phạm mà chỉ là trái pháp luật nghiêm trọng.
Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm và không được coi là dấu hiệu định tội. Nhưng ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, động cơ của người phạm tội được coi
là dấu hiệu định tội , đó là vì muốn ngăn chă ̣n hành vi sai trái của na ̣n nhân , bảo vệ lợi ích của Nhà nước , tổ chức, quyền lợi ích hợp pháp của bản thân hoă ̣c của người khác . Người phạm tội trong tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì mụốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tổ chức hoặc của người khác mà có hành vi chống trả quá mức cần thiết đối với nạn nhân dẫn đến hậu quả chết người. Chính hành vi chống trả quá mức cần thiết đó mà người phạm tội phải chịu TNHS.
Ví dụ: ngày 19/6/2013, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Quang Hưng (19 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: “Chiều tối 31/8/2012, Nguyễn Quang Hưng cùng nhóm bạn trong đó có Nguyễn Kiều Trang và Nguyễn Hữu Thọ (đều SN 1994, ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) rủ nhau ra cầu sông Mới chơi và ăn mừng việc thi đỗ đại học của Hưng và Thọ.
(Hưng đỗ hai trường đại học là: Đại học Nông nghiệp 1 và Đại học Tài nguyên và Môi trường). Khi đi, Nguyễn Kiều Trang mang theo 2 quả bưởi và một con dao nhọn dùng để gọt. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, trong lúc cả nhóm của Hưng đang ngồi chơi thì Hoàng Văn Thân (tức Quân, SN 1991) cùng 10 thanh niên khác ở xã Xuân Phú đi 5 xe máy ngang qua. Nhóm thanh niên này dừng xe, Thân bật đèn pin điện thoại soi vào mặt Trang và nói "xem em này xinh hay xấu”. Bị nhóm thanh niên này trêu đùa thái quá nên Trang đứng dậy lấy xe đạp ra về. Đi được một đoạn đường, Thân đuổi theo chặn đường và có hành vi sàm sỡ Trang. Thấy vậy, Hưng chạy đến ngăn cản và đèo Trang về nhà. Nhưng khi hai người đi được một đoạn, Thân tiếp tục đuổi theo chặn lại và đấm liên tiếp vào mặt Hưng. Do hoảng sợ, Hưng đã lấy con dao gọt hoa quả để trong giỏ xe để phòng thân, đồng thời vội bỏ chạy vào một ngõ cụt gần đó để né tránh. Mặc dù vậy, Thân cùng nhóm thanh niên đi cùng vẫn không buông tha. Chúng tiếp tục đuổi theo, đối tượng Sinh túm áo
khống chế Hưng để Thân xông vào đánh. Trong lúc bị đánh, Hưng vung dao chống cự và đâm trúng ngực Thân. Do cú đâm trúng tim nên Thân chết ngay tại chỗ. HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Quang Hưng mức án 9 tháng 18 ngày về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. (Xem bản án HSST số 152 ngày 19/6/2013, TAND thành phố Hà Nội). Trong vụ án này, hành vi giết người của Hưng là giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi động cơ phạm tội của Hưng là nhằm ngăn cản hành vi xâm hại của nhóm thanh niên với bạn của Hưng là Trang và cũng vì muốn bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của bản thân. Hành vi phòng vệ của Hưng là vượt quá giới hạn cho phép. Do vậy, hành vi giết người của Hưng là hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.