Ranh giới giữa trạng thái tinh thần bị kích động và bị kích động mạnh chưa được giải thích rõ

Một phần của tài liệu Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo luật hình sự việt nam (Trang 43 - 46)

Chương 2: THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI DANH ĐỐI VỚI TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH

2.1. Những vướng mắc trong quá trình vận dụng dấu hiệu định tội danh của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

2.1.1. Ranh giới giữa trạng thái tinh thần bị kích động và bị kích động mạnh chưa được giải thích rõ

Pháp luật hình sự hiện hành chưa có những quy định cụ thể mô tả rõ trường hợp nào là bị kích động mạnh, trường hợp nào là bị kích động. Trên thực tế, việc xác định những trường hợp này còn phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan của con người (cơ quan tiến hành tố tụng). Do vậy, nó cũng có thể đưa đến tình trạng tuỳ tiện, thiếu chính xác trong việc đánh giá thế nào là bị kích động mạnh, thế nào là bị kích động của cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể lấy dẫn chứng trong vụ án Nông Văn Lanh bị truy tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có những quan điểm, nhận định trái ngược nhau liên quan đến việc xác định hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Diễn biến vụ án cụ thể như sau: “Sau khi uống rượu, Hứa Văn Yên đến nhà chị Hồng để chơi bi – a, nhưng không có ai chơi với Yên, nên Yên bực tức, vứt gậy bi – a ra đường. Thấy vậy chị Hồng chạy ra nhặt gậy và nói không cho Yên chơi nữa. Yên lại tiếp tục ném quả bi – a ra đường, rồi quay lại dùng tay đập vào vai chị Hồng, tiếp đến Yên hất đổ bàn bi – a và dẫm chân lên mặt bàn làm mặt bàn bị vỡ, rồi Yên tiếp tục dùng tay đánh vào đầu chị Hồng. Anh Hải vào can ngăn cũng bị Yên đánh. Nông

Văn Lanh đang bế con cách nhà khoảng 20m nghe tin vợ bị đánh, nên đã về nhà lấy súng AK (Lanh là dân quân nên được trang bị súng) chĩa vào người Yên bắn ba phát, làm Yên bị chết. Sau đó, Lanh cầm súng chạy đến đồn biên phòng tự thú”. Toà án cấp sơ thẩm kết án Nông Văn Lanh về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Sau khi xét xử sơ thẩm, đại diện người bị hại kháng cáo, yêu cầu xét xử bị cáo về tội giết người, tăng hình phạt và tăng mức bồi thường. Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999 kết án bị cáo về tội giết người, có tình tiết giảm nhẹ là Điều 46 K1 điểm đ. Tại quyết định số 57, ngày 5/9/2009, Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã huỷ án phúc thẩm và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đối với Nông Văn Lanh với nhận định: Yên vô cớ đập phá tài sản, đánh vợ Lanh, đánh cả người can ngăn, là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đã tác động mạnh đến tinh thần của Lanh, nên phải kết án Lanh phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh [22, tr.4]. Trong tình huống trên ta thấy, toà án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đã có những nhận định khác nhau trong vấn đề định tội danh danh đối với Lanh. Theo tác giả, những hành vi của Yên vừa xâm phạm tới quyền được bảo vệ sức khoẻ của người thân người phạm tội, vừa xâm phạm tới quan hệ tài sản của người phạm tội – những khách thể được luật hình sự bảo vệ nên có thể xác định là hành vi của Yên là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Bất kì ai rơi vào hoàn cảnh như anh Lanh đều có thể bị bức xúc cao độ, khó có thể kiềm chế giữ được sự bình tĩnh.

Theo tác giả, chúng ta có thể phân biệt trạng thái tinh thần bị kích động và bị kích động mạnh dựa theo những điểm sau:

Thứ nhất, dựa vào mức độ nghiêm trọng của hành vi của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.

Chúng ta phải trước hết dựa vào nhân tố này vì đây chính là nguyên nhân

dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội. Nhìn chung, nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng thì cần đánh giá là với hành vi đó, ta cần đặt trong hoàn cảnh bất kì ai cũng có thể bị đẩy vào trạng thái bị uất ức, bức xúc cao độ, thiếu tự chủ và sáng suốt, trường hợp này sẽ xác định là người phạm tội bị kích động mạnh. Ngược lại, nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân chưa đến mức là nghiêm trọng, thái độ của người khác bất kì rơi vào hoàn cảnh đó chỉ là bực bội nhưng chưa tới mức đáng kể thì chỉ xác định là bị kích động. Để đánh giá đúng vấn đề này, cần dựa vào cách thức thực hiện hành vi của nạn nhân, hậu quả đã gây ra của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, tính cách, bản chất của nạn nhân, tính cách, bản chất của người phạm tội, mức độ đau đớn về vật chất hoặc tinh thần mà người phạm tội đã trải qua hoặc chịu đựng...

Thứ hai, xem xét, đánh giá về mức độ bị kích động về tinh thần của người phạm tội. Để đánh giá được điều này, cần dựa vào cá tính, tâm lí của người phạm tội, hoàn cảnh sống của người phạm tội.... Được coi là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khi người phạm tội bị đẩy vào tình trạng ý thức bị hạn chế ở mức độ cao, cảm xúc uất ức bị bùng nổ, dâng trào không kiềm chế được dẫn đến người phạm tội có hành vi giết người. Còn trạng thái tinh thần bị kích động là tình trạng ý thức bị hạn chế do sự bức xúc của người phạm tội nhưng sự bức xúc này chưa mạnh, chưa đến mức bùng nổ, chưa tới mức bị hạn chế đáng kể khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

Thứ ba, xem xét hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có tức thời dẫn đến phản ứng giết người của người phạm tội hay không. Với trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, sự kích động mạnh về tinh thần phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự

phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nghĩa là giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân và trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội gần như không có khoảng cách về mặt thời gian, khoảng thời gian tồn tại trạng thái kích động này chỉ xảy ra trong chốc lát, tức thì. Còn nếu giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân và trạng thái tinh thần bị kích động của người phạm tội có khoảng cách về thời gian, người phạm tội đã có sự bình tĩnh suy xét, lựa chọn cách thức thực hiện tội phạm thì đó không được coi là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ được coi là trạng thái tinh thần bị kích động.

Một phần của tài liệu Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo luật hình sự việt nam (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)