CHƯƠNG 4: KỸ THUẬT TRỒNG CÂY VÀ CHĂN NUÔI
1. Một số kiến thức cơ bản về kĩ thuật trồng rau, hoa
1.2. Ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh đối với cây rau, hoa
- Nhiệt độ ảnh hưởng tới tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển và các hoạt động sinh lí của cây rau, hoa như quang hợp, hô hấp, trao đổi chất. Vì vậy, nhiệt độ là
một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự sinh trưởng, phát triển của cây.
- Mỗi một loại cây cần một nhiệt độ thích hợp. Ví dụ: Cây hành, tỏi cần nhiệt độ 15 – 200C; cây cải cải trắng, xà lách cần 17 – 200C; cây bí đao, ra muống, đậu đũa cần trên dưới 300C; cây hoa hồng cần 180C – 250C.
- Cùng một loại cây nhưng ở các thời kì sinh trưởng khác nhau, cây có yêu cầu về nhiệt độ khác nhau.
+ Thời kì hạt nảy mầm: cần nhiệt độ tương đối cao.
+ Thời kì cây mới nảy mầm: cần nhiệt độ giảm do bộ rễ yếu, sống chủ yếu nhờ chất dinh dưỡng trong hạt.
+ Thời kì cây con đến khi cây trưởng thành và tích lũy chất dinh dưỡng để chuẩn bị ra hoa: cần nhiệt độ cao hơn do cây phát triển nhanh, quang hợp mạnh.
+ Thời kì cây ra hoa, kết quả: cần nhiệt độ thấp hơn.
- Cùng với nhiệt độ không khí, nhiệt độ trong đất cũng tác động mạnh mẽ tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rau, hoa. Trong điều kiện nhiệt độ đất cao, bộ
rễ cây phát triển mạnh, khả năng hút nước và chất dinh dưỡng cao. Ngược lại, trong điều kiện nhiệt độ đất thấp sẽ làm hạt giống khó nảy mầm, rễ cây phát triển kém, khả
năng hút nước và chất dinh dưỡng bị giảm sút mạnh.
- Đất nhiều mùn, thoáng là đất có chế độ nhiệt tốt. Tăng cường bón phân hữu cơ không chỉ có tác dụng làm tăng lượng chất dinh dưỡng trong đất mà còn là biện pháp kĩ thuật có hiệu quả để tăng nhiệt độ cho đất.
1.2.2. Ánh sáng
- Cây rau, hoa cần đủ ánh sáng để quang hợp. Nhờ ánh sáng mặt trời cây có khả
năng tổng hợp cacbonic và nước để tạo thành chất hữu cơ nuôi cây và tạo hoa, quả, củ, lá. Vì vậy, ánh sáng cũng là yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển của cây.
- Ánh sáng tác động đến sự sinh trưởng, phát triển của cây rau, hoa thông qua cường độ, thời gian chiếu sáng và thành phần ánh sáng.
- Tác động của ánh sáng đối với các loại cây trồng là khác nhau. Tùy theo loại cây, tuổi cây mà mỗi thời kì sinh trưởng, phát triển cây trồng có nhu cầu về cường độ
ánh sáng và thời gian chiếu sáng trong ngày khác nhau.
Có những loại cây yêu cầu thời gian chiếu sáng hàng ngày ngắn (10-12 giờ/
ngày) như hoa huệ, hoa sen, ớt, cà chua, bí ngô... Có những loại cây yêu cầu thời gian chiếu sáng trong ngày dài (> 13 giờ/ ngày) như hướng dương, cẩm chướng, cải trắng, hành tây... Có loại ít chịu ảnh hưởng đến thời gian chiếu sáng trong ngày như dưa chuột, đậu cô ve...
Cây cần ít ánh sáng trong thời kì mới nảy mầm hoặc mới phát triển từ cành dâm. Đến thời kì chuẩn bị ra hoa, kết quả cây cần thời gian chiếu sáng, cường độ ánh sáng mạnh.
- Yêu cầu về ánh sáng của cây rau, hoa là cơ sở quan trọng để xác định thời vụ, khoảng cách gieo trồng, chọn giống chín sớm, chín muộn và điều tiết tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây.
1.2.3. Nước và độ ẩm không khí
- Nước có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự sống và năng suất, phẩm chất của cây rau, hoa. Vì nước là thành phần chủ yếu của tế bào và tham gia vào mọi quá trình sinh lí, sinh hóa như quang hơp, hô hấp, trao đổi chất, vận chuyển chất dinh dưỡng do quang hợp tạo thành và rễ cây hút được đi nuôi cơ thể...Trong đất, nước còn có tác dụng hòa tan các chất dinh dưỡng để rễ cây hút được.
- Nhu cầu về nước của các loại rau, hoa rất cao. Ví dụ: Bắp cải: 1680m3/ ha, su hào 199m3/ ha, cà chua: 2915m3/ ha.
- Giống rau, hoa khác nhau có nhu cầu về nước khác nhau. Những giống rau, hoa có bộ rễ phát triển nhanh, ăn sâu xuống đất thường có khả năng chịu hạn cao hơn những giống rau, hoa có bộ rễ ăn nông, diện tích lá lớn, tán cây rộng.
- Cùng một loại rau, hoa nhưng ở các thời kì sinh trưởng khác nhau cây có nhu cầu về nước khác nhau.
+ Thời kì hạt nảy mầm: cần nhiều nước do hạt phải hút no nước để hạt trương lên và nảy mầm.
+ Thời kì cây con: cần cung nước đầy đủ, thường xuyên nhưng không quá nhiều do bộ rễ còn ít và yếu, chưa ăn sâu vào đất.
+ Thời kì cây sinh trưởng mạnh, chuẩn bị ra hoa: cần rất nhiều nước.
+ Khi cây ra hoa, kết quả: nhu cầu về nước giảm.
- Độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng, phát triển của cây rau, hoa. Độ ẩm không khí là nguồn cung cấp nước cho cây rất tốt vì lá cây có thể hút nước trực tiếp qua khí khổng. Cây trồng cần độ ẩm không khí cho nhu cầu sinh lý và
hạn chế sự phát tán hơi nước qua lá. Độ ẩm không khí càng thấp thì sự phát tán của hơi nước qua lá càng cao và ngược lại.
1.2.4. Chất dinh dưỡng
* Đặc điểm hút dinh dưỡng của cây rau, hoa
- Rau, hoa là những cây trồng chịu ảnh hưỡng rõ rệt của các chất dinh dưỡng do hầu hết các giống rau, hoa là cây ngắn ngày nhưng lại cho khối lượng sản phẩm lớn hơn rất nhiều so với các giống cây trồng khác. Để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, cây rau, hoa phải sử dụng một lượng lớn chất dinh dưỡng trong đất. Do đó, nếu thiếu chất dinh dưỡng, cây sẽ kém phát triển, còi cọc, chậm lớn, năng suất và phẩm chất giảm rõ rệt
- Cây rau, hoa cần các chất dinh dưỡng sau:
+ Các chất cây cần nhiều như đạm (N), lân (P), kali (K).
+ Các chất cây cần một lượng rất nhỏ như sắt, moolipden, mangan, bo…
- Sự hút chất dinh dưỡng của các giống rau, hoa tùy thuộc vào khả năng hút của bộ rễ, tốc độ sinh trưởng, năng suất và điều kiện ngoại cảnh tác động đến cây.
+ Cây có bộ rễ phát triển, ăn sâu vào đất thì có khả năng hút được nhiều chất dinh dưỡng.
+ Trong cùng một đơn vị thời gian, loại cây trồng nào sinh trưởng chậm thì đòi hỏi ít chất dinh dưỡng hơn so với cây có tốc độ sinh trưởng nhanh.
- Các giống rau, hoa khác nhau có khả năng hút chất dinh dưỡng khác nhau.
* Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng đối với rau, hoa
- Ảnh hưởng của đạm: Đạm là yếu tố quan trọng hàng đầu vì đạm là thành phần cơ bản của nguyên sinh chất tế bào, quyết định sự sinh trưởng của cây. Tất các các enzim trong cây đều do đạm tạo nên (enzim quyết định sự sống của cây), đạm tham gia tạo chất diệp lục của lá – thành phần chính đảm bảo cho sự quang hợp của cây.
- Ảnh hưởng của lân: Lân đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia tế bào, tạo thành chất béo và prôtein. Lân thúc đẩy việc ra rễ và xúc tiến việc ra hoa, hình thành quả và quyết định phẩm chất của hạt giống.
- Ảnh hưởng của kali: Kali xúc tiến quá trình quang hợp và vận chuyển sản phẩm quang hợp về cơ quan dự trữ. Vì vậy, kali là yếu tố quan trọng đối với cây lấy củ, lấy đường. Ngoài ra, kali còn làm tăng khả năng hút nước của bộ rễ, giúp cây tăng khả năng chịu hạn, chịu rét.
- Ảnh hưởng của các nguyên tố trung, vi lượng như Mg, Ca, S, Fe…. Là các nguyên tố cây có nhu cầu rất ít nhưng không thể thay thế được bằng các nguyên tố
khác. Ví dụ: Mg có trong thành phần prôtein, quyết định cấu trúc của prôtein.
* Yêu cầu về các chất dinh dưỡng của cây rau, hoa
- Giống rau, hoa khác nhau có nhu cầu về dinh dưỡng khác nhau. Các giống rau, hoa ăn lá có nhu cầu về đạm cao hơn các giống rau ăn củ, quả. Ngược lại, các giống rau ăn củ quả có nhu cầu về lân, kali cao hơn các giống rau ăn lá.
- Ở các thời kì sinh trưởng khác nhau cây có nhu cầu về dinh dưỡng khác nhau.
+ Khi mới gieo hạt, hạt chưa nảy mầm nên chưa có nhu cầu về chất dinh dưỡng từ bên ngoài.
+ Khi hạt đã nảy mầm, cây bắt đầu ra rễ đây là lúc cây bắt đầu có nhu cầu về chất dinh dưỡng từ bên ngoài.
+ Trong thời kì cây con và cây sinh trưởng mạnh, nhu cầu về dinh dưỡng của cây cao hơn so với thời kì trưởng thành vì thời kì này, cây sinh trưởng nhanh, bộ rễ phát triển mạnh và yêu cầu tích lũy chất dinh dưỡng cao.
+ Thời kì hình thành các cơ quan dinh dưỡng, cây có nhu cầu về dinh dưỡng cao nhất.
+ Khi cây hình thành và phát triển cơ quan sinh sản nhu cầu về dinh dưỡng giảm. Chất dinh dưỡng cây cần nhiều là lân và các nguyên tố vi lượng.
1.2.5. Không khí
Cây rau hoa cần không khí (ô-xi, các bonic) để quang hợp và hô hấp. Vì vậy, để đảm bảo cây có đủ không khí chúng ta phải làm cho đất tơi xốp, thường xuyên vun xới để đất không bị dính chặt và bón phân cho đất.
1.3. Quy trình kĩ thuật trồng một số loại rau và hoa 1.3.1. Kĩ thuật trồng cây rau cải
* Đặc tính sinh học:
- Rau cải ưa khí hậu mát nhưng có khả năng chịu nóng khá tốt.
- Rễ ăn nông trên tầng mặt đất. Lá to bản nhưng mỏng nên dễ bị sâu bệnh.
- Ở nước ta trồng 3 nhóm rau cải chủ yếu là nhóm cải bẹ hay còn gọi là cải dưa, nhóm cải xanh và nhóm cải thìa hay cải trắng.
* Kĩ thuật gieo trồng và chăm sóc
- Thời vụ gieo trồng từ tháng 8 đến tháng 10.
- Làm đất, bón lót và trồng:
+ Kĩ thuật làm đất: Cuốc hoặc cày đất sâu để lật tầng đất mặt lên. Sau đó, để ải đất 5 -7 ngày và rắc vôi bột để tiệt trùng. Làm nhỏ đất bằng vồ hoặc bừa. Tiếp đó, lên luống trồng cây. Làm luống rộng 1,2 -1,5m, cao 10 – 15cm. Riêng đối với cải bẹ nên bổ hốc theo kiểu nanh sấu trên luống. Hốc sâu 12 -15cm và cách nhau 40-50cm.
+ Bón lót phân và gieo trồng: Bón lót 15 -20 tấn phân chuồng, 20 – 20 kg phân đạm urê, 120 -150 kg supe lân, 30kg phân kali/1 ha.
- Chăm sóc:
+ Tưới nước: Sau khi trồng phải tưới nước ngay, mỗi ngày 1 lần. Nên tưới trực tiếp vào gốc cho đến khi cây bén rễ, hồi xanh. Sau đó thường xuyên tưới nước đủ ấm.
+ Bón thúc, vui xới, làm cỏ sau khi trồng 12 -15 ngày, khi cây đã bén rễ, hồi xanh. Bón thúc bằng phân chuồng ủ hoai mục pha loãng. Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, cần bón thúc cho cải 4 – 5 lần với lượng phân bón cho 1ha là 6 – 10 tấn phân chuồng; 85 – 100 kg urê.
+ Phòng trừ sâu bệnh cho rau cải: Rau cải thường bị các loại sâu như sâu tơ, sâu xanh ăn lá, rệp, bọ nhảy và các loại bệnh như lở cổ rễ, thối nhũn cây non, sương mai...
Tốt nhất là phòng ngừa các loại sâu bệnh bằng biện pháp tròng trừ dịch hại tổng hợp.
- Thu hoạch: Thu hoạch cải bẹ sau khi trồng khoảng 3 - 4 tháng. Riêng đối với cải xanh, cải trắng khi thấy cây cải mùa cụp nõn, cải chiêm sắp có ngồng thì thu hoạch ngay. Không để đến khi cây ra hoa mới thu hoạch vì lúc này cây cải rất già, ăn nhiều xơ.
1.3.2. Kĩ thuật trồng cây hoa hồng
* Đặc tính sinh học:
- Hoa hồng có vô vàn màu sắc khác nhau như đỏ thẫm, đỏ tươi, vàng nhạt, vàng đậm, vàng cam, phấn hồng, trắng sữa, trắng ngà, tím đỏ, tín hồng...Hoa có màu sắc đẹp, hương thơm dịu.
- Thân hồng thuộc loại cây thân gỗ, có gai trên thân, cành.
- Rễ ăn nông, lan rộng.
* Kĩ thuật trồng và chăm sóc:
- Thời vụ trồng: Hồng thuộc loại cây lâu năm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào 2 thời vụ chính
+ Vụ xuân: Từ tháng 2 đến tháng 4, tháng 9 bắt đầu cho thu hoạch.
+ Vụ thu: Trồng vào tháng 9 – 10, Tết Nguyên Đán bắt đầu cho thu hoạch.
- Kĩ thuật làm đất: Trước khi trồng phải làm đất kĩ, lên luống cao 30cm, luống hình thang, mặt luống rộng 60 – 70 cm, rãnh luống rộng 40 cm, xới đất sâu khoảng 30 cm. Sau đó bổ hốc trên luống, bón lót phân vào các hốc, lấp đất rồi mới trồng cây. Mật độ trồng, trồng với khoảng cách 35 x 30cm.
- Kĩ thuật trồng:
+ Chọn cây giống: Hiện nay có 2 phương pháp nhân giống hồng chủ yếu là
ghép trên gốc tầm xuân và giâm cành. Ưu điểm của cây ghép là sinh trưởng khỏe, nhanh ra hoa nhưng chóng bị thoái hóa, năng suất hoa thấp, số hoa đạt tiêu chuẩn ít nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngược lại, cấy bằng cành giâm thì giai đoạn nhân giống khó khăn nhưng cho thu hoạch kéo dài, năng suất hoa cao và chất lượng hoa tốt hơn hẳn cây ghép.
- Kĩ thuật bón phân:
+ Bón lót: Bón lót phân chuồng và phân hóa học trước khi trồng ít nhất 3 ngày, sau đó lấp đất. Liều lượng bón cho 1 ha: 30 tấn phân chuồng + 280kg supelân + 150kg vôi bột (ở nơi đất chua). Bón sâu cách mặt luống 15 – 20cm.
+ Bón thúc bằng phân hữu cơ ngâm ủ với phân vi sinh sau khi trồng khoảng 2 - 3 tháng.
- Chăm sóc:
+ Tưới nước: Tưới mỗi ngày để giữ cho tán lá xanh, tươi. Tưới lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Cắt tỉa cành, mầm nách và nụ: Sau khi trồng, cây sinh trưởng chậm, cánh nhánh mới ra yếu ớt, hoa nhỏ, cành ít. Cần ngắt bỏ hết nụ trên cành, giữ lại lá. Sau 2 – 3 tháng, cây nhiều là và tích lũy được nhiều chất dinh dưỡng. Lúc này, cây sẽ mọc ra nhiều nhánh từ gốc. Chọn lấy những cành có đường kính trên 1cm, loại bỏ mầm nách.
Mỗi cây chỉ để 2 – 4 cành có hoa.
+ Cây hồng thường bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại. Ở Việt Nam, có khoảng 20 loại bệnh gây hại bao gồm bệnh do nấm, vi khuẩn, vi rút. Các loại bệnh nguy hiểm là bệnh phấn trắng, đốm đen và mốc tro. Dùng thuốc hóa học phun để trừ bệnh cho hoa hồng.
2. Một số kiến thức cơ bản về kĩ thuật chăn nuôi gà 2.1. Lợi ích của việc chăn nuôi gà
- Gà dễ nuôi, chóng lớn, đẻ nhiều. Thịt gà, trứng gà là thực phẩm thơm ngon, có
giá trị dinh dưỡng cao.
- Nuôi gà cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm và xuất khẩu.
- Nuôi gà đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.
- Theo thống kê, năm 2015, đàn gia cầm ở nước ta có khoảng 342,2 triệu con;
trong đó đàn gà 259,2 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,78 triệu tấn; sản lượng trứng 8,874 tỷ quả. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi gia cầm năm 2015 ước đạt 16.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng giá trị của toàn ngành chăn nuôi.
2.2. Một số giống gà tốt được nuôi phổ biến ở nước ta hiện nay 2.2.1. Một số giống gà trong nước
a. Gà ri
- Gà ri có nguồn gốc lâu đời ở nước ta, được nuôi phổ biến ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nam Bộ.
Hình 4.1. Gà Ri
- Gà ri có tầm vóc nhỏ, đầu thanh, chân, mỏ, da vàng, thường có mào cờ, đôi khi có mào nụ, nhỏ xương, thịt chắc, thơm ngon. Đại đa số gà mái lông màu vàng rơm hay nâu nhạt, nâu thẫm. Gà trống lông màu vàng xen lẫn màu đỏ tía, cánh và đuôi có
điểm lông màu đen.
- Gà ri nhanh nhẹn, khỏe mạnh, dễ nuôi, chịu khó kiếm ăn, nuôi con khéo. Nuôi trong điều kiện chăn thả tốt, gà trống trưởng thành nặng 1,7 – 2,5kg. Gà mái là 1,3 – 1,8kg. Sản lượng trứng trung bình là 80 – 120 quả.
b. Gà Đông Tảo
- Gà Đông Tảo hay còn gọi là Đông Cảo có nguồn gốc ở thôn Đông Cảo, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Hình 4.2. Gà Đông Tảo
- Gà Đông Tảo có tầm vóc tương đối to, đầu to, mắt sâu, mào nụ. Xương ống chân rất to. Gà trống có lông màu đỏ sẫm pha lông màu đen, gà mái lông màu nâu hoặc vàng nhạt. Gà trống trưởng thành nặng 3,2 – 4kg, gà mái nặng 2,3 – 3kg. Sản lượng trứng đạt 55 – 66 quả/năm.
- Gà Đông Cảo không chịu khó kiếm ăn như gà ri và lúc nhỏ khó nuôi.
c. Gà Ác
- Gà Ác được thuần dưỡng và phát triển đầu tiên ở các tỉnh Trà Vinh, Long An, Tiền Giang.