Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN M''DRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK (Trang 21 - 25)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới

1.3.1. Tính chất của vấn đề chính sách xây dựng nông thôn mới

Tính chất của vấn đề chính sách có thể được hiểu là sự cấp thiết, tính cấp bách trong việc tiến hành thực hiện chính sách mà Nhà nước đề ra. Chính sách xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay có thể coi là vấn đề hết sức cấp bách, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ nghành và các cơ quan đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Chính sách xây dựng nông thôn mới được ra đời xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước ta, đó là đời sống của nhân dân khu vực nông thôn còn thấp, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, cơ cấu kinh tế còn nhiều bất cập. Từ khi chính sách xây dựng nông thôn mới ra đời và đi vào thực hiện, diện mạo nông thôn ở nước ta đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, kênh mương thuỷ lợi, nhà văn hoá, đời sống nhân dân đã ngày càng được nâng cao. Có thể nói, chính

sách xây dựng nông thôn mới ở nước ta trong thời gian vừa qua đã trở thành vấn đề mang tính thời sự, mang lại lợi ích rất lớn tới đời sống của nhân dân khu vực nông thôn

1.3.2. Môi trường thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới

Môi trường thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới có thể được hiểu là các yếu tố để thực hiện chính sách như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng giao thông... Những yếu tố này tác động rất lớn tới việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Mỗi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới đều có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng giao thông khác nhau.

Điều kiện tự nhiên như khí hậu, thủy văn, địa hình, địa chất, đường giao thông... sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư về giao thông. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến cơ cấu các ngành nghề ở khu vực nông thôn như: nuôi trồng, đánh bắt...

Điều kiện kinh tế - xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới. Ở nước ta, tình trạng thu nhập bình quân đầu người của người dân ở khu vực nông thôn, khoảng cách giàu nghèo, mật độ phân bố dân cư, trình độ dân trí, phong tục tập quán... đều có sự khác nhau, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới ở một địa phương phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao, trình độ của người dân nhận thức về chủ trương, đường lối tốt hơn, thì việc huy động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới sẽ thuận lợi hơn.

Cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi và phát triển sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển, giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa các địa phương, tăng cơ hội giao lưu, học hỏi phát triển kinh tế.... Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật tốt thì sẽ có lợi cho việc việc đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

1.3.3. Mối quan hệ giữa chủ thể và các bên liên quan tham gia thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới

Muốn thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới có hiệu quả và mang lại

mục đích cao thì cần phải có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, các quy định, hướng dẫn về thực hiện các nội dung của xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương để triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả. Tuy nhiên, điều cần quan tâm trong chính sách xây dựng nông thôn mới ở đây phải kể đến là người dân ở khu vực nông thôn, cần đặt người dân vào vị trí chủ đạo, vị trí trung tâm, phát huy vai trò của người dân trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mưới. Bởi chính người dân là người quyết định sự thành công hay thất bại của việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Mối quan hệ giữa chủ thể và các bên liên quan tham gia thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới chủ yêu là:

Mối quan hệ giữa Nhà nước, các lực lượng xã hội và chủ thể là nông dân.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, yếu tố được xem là quan trọng nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới chính là các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện là các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cụ thể là các Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nhà nước và hệ thống chính trị đóng vai trò nòng cốt trong chế định các chính sách liên quan trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới mà không một chủ thể nào có thể thay thế được. Vì vậy, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là vấn đề cần được quan tâm, chú trọng.

Nông dân có vai trò là chủ thể tham gia thực hiện và hưởng thụ các thành quả của việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới mang lại. Do đó, cần phải có cơ chế phối kết hợp cũng như gắn vai trò, trách nhiệm, vị trí giữa Nhà nước, nông dân và các lực lượng trong xã hội. Cần phải phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của người dân ở khu vực nông thôn trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế để

các nguồn lực xã hội khác tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới theo phương thức xã hội hóa nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa Nhà nước, người nông dân và xã hội cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân các địa phương. Tổ chức cơ sở đảng có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới, có thể nói tổ chức cơ sở đảng vừa đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị, vừa là nhân tố thúc đẩy tiến trình thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới; chính quyền cơ sở là nhân tố chính yếu trong triển khai và thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới, là nhân tố quyết định đến chất lượng, nội dung, tiến độ của quá trình thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới ở địa phương; người nông dân với vị trí là chủ thể, có vai trò động lực và đồng thời cũng là người thụ hưởng những thành quả của chính sách xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới đã và đang phát sinh nhiều tình huống lẫn lộn về vai trò của các bên.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả và mang lại mục tiêu đề ra, thì hơn hết cần phải kết hợp một cách hài hòa và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các bên, trong đó tổ chức cơ sở đảng phải đóng vai trò lãnh đạo chỉ đạo; chính quyền cơ sở phải đóng vai trò quản lý, điều hành; người dân đóng vai trò là chủ thể.

Có như vậy thì chính sách xây dựng nông thôn mới mới đạt được mục tiêu đề ra.

1.3.4. Nguồn lực tài chính để thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới Chính sách xây dựng nông thôn mới rất cần có tài chính để vận động cũng như đánh giá. Mục tiêu của chính sách xây dựng nông thôn mới là rất lớn và liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau: Kết cấu kinh tế hạ tầng, quy hoạch, văn hoá xã hội, hình thức tổ chức sản xuất... trong đó, có rất nhiều tiêu chí liên quan đến nguồn lực tài chính, nếu không bố trí nguồn tài chính thì không thể đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay, nguồn tài chính đầu tư cho xây dựng nông thôn mới được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: Sự hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh; vốn tín dụng được huy động từ các ngân hàng; vốn lồng ghép từ các

chương trình, dự án; vốn huy động từ doanh nghiệp; vốn từ trong dân... Trong quá trình tổ chức thực thi chính sách xây dựng nông thôn mới cần kết hợp huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí, để đảm bảo thực hiện chính sách đúng tiến độ và đạt kết quả.

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN M''DRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK (Trang 21 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)