Chương 2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN BÀN HUYỆN M'DRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK
2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện M'Drắk ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới
2.1.1. Điều kiện tự nhiện
Huyện M'Drắk nằm ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm hành chính tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột) 100 km, huyện có diện tích tự nhiên 124.448,0 ha (chưa tính vùng chồng lấn với tỉnh Khánh Hoà tại khu vực xã Ea Trang là 9.300 ha), chiếm 10,18% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Phía Bắc giáp huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên); phía Nam giáp huyện Krông Bông; phía Tây giáp huyện Ea Kar; phí Đông giáp huyện Ninh Hoà, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hoà). Huyện có 12 xã và 01 thị trấn, gồm 173 thôn, buôn, tổ dân phố. Huyện M'Drắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 về phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó có 11 xã được phê duyệt là xã đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội và 01 xã khó khăn.
M'Drắk là huyện miền núi cao nguyên, có độ cao trung bình từ 500 - 800 m so với mặt nước biển. Đại bộ phận diện tích của huyện nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, có hướng thấp dần từ phí Tây sang phía Đông, địa hình đa dạng, đồi núi xem kẽ với bình nguyên và thung lũng. Địa hình núi cao hiểm trở tập trung ở phía Đông và Đông Nam, có độ cao trung bình từ 1.000 - 1.200m. Trên địa bàn huyện có 02 hệ thống sông suối chính gồm: Sông Krông Hin có chiều dài 88 km, bắt nguồn từ xã Ea Trang chảy về hướng Đông Bắc qua địa phận các xã Cư Króa, Ea M'Doal rồi đổ về Sông Hinh (tỉnh Phú Yên); sông Krông H'năng có chiều dài 129 km, bắt nguồn từ xã Cư M'ta chảy về hướng Bắc qua địa phận thị trấn M'Drắk, xã Krông Jing, xã Ea Pil, Cư Prao rồi đổ về sông Krông Năng.
Huyện có tuyến Quốc lộ 26 nối liền thành phố Buôn Ma Thuột qua huyện M'Drắk đến ngã 3 Quốc lộ 1A huyện Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà); tuyến đường
Đông Trường Sơn (Đ35) nối liền tỉnh Gia lai qua các xã Cư Prao, Ea Lai, Krông Jing, Krông Á, Cư San đến huyện Krông Bông; Quốc lộ 19C nối Quốc lộ 26 từ ngã 3 xã Krông Jing đi qua các xã Ea Riêng, Ea M'Doal đến huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), tỉnh lộ 13 nối từ tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua các xã Krông Jing, Ea Lai, Cư Prao đi huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Đây được xem là điều kiện rất thuận lợi để huyện giao lưu với các huyện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, đồng thời là nhân tố quan trọng để huyện có những bước đi đột phá nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới đồng thời hội nhập vào quá trình phát triển chung của tỉnh Đắk Lắk.
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy M'Drắk, sự chủ động trong điều hành của Ủy ban nhân dân huyện, sự nỗ lực của toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện, nên nền kinh tế của huyện M'Drắk liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những tồn tại và hạn chế nhất định.
Mức độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các xã không đồng đều, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu tập trung ở một số xã thuận lợi giao thông, hay gần trung tâm huyện... Điều này đã tạo ra sự mất cân đối trong việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư, vì thế, nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn trình trạng đầu tư dàn trải, tiến độ thực hiện các trình tự đầu tư và tiến độ xây dựng còn chậm. Vấn đề huy động vốn đóng góp từ xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua.
2.1.3. Dân số và lao động
Dân số trên địa bàn toàn huyện có 18.392 hộ (78.186 khẩu), trong đó dân tộc
Kinh có 40.182 người chiếm tỷ lệ 51,3%; đồng bào dân tộc thiểu số có 38.004 người chiếm 48,61% [69].
Tổng số lao động trong độ tuổi: 43.750 người, chiếm 55,6% dân số.
Tổng số lao động qua đào tạo: 16.470 người, chiếm 37,6% tổng số lao động.
Lao động phân theo ngành nghề: Lao động trong sản xuất nông, lâm nghiệp 27.300 người, chiếm 62,4% tổng số lao động; lao động trong công nghiệp - xây dựng 3.815 người, chiếm 8,72%; lao động trong sản xuất thương mại - dịch vụ 6.409 người, chiếm 14,65%; lao động không sản xuất kinh doanh (lao động hành chính - sự nghiệp, học sinh, sinh viên và lao động tàn tật) 6.226 người chiếm 14,23%. [38]
Trong những năm qua, đã có rất nhiều lao động rời khỏi địa phương đi lao động trong các khu công nghiệp hay làm việc ở các đô thị ở các tỉnh khác. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho nguồn cung lao động trên địa bàn huyện.
2.1.4. Dân tộc và tôn giáo
Huyện M'Drắk là địa bàn giao lưu văn hoá của nhiều dân tộc anh em trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Phòng Dân tộc huyện M'Drắk, tính đến cuối năm 2018 trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 8.076 hộ với 38.004 khẩu (chiếm 48,61% dân số toàn huyện).
Tập trung nhiều nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ người Ê đê với 4.156 hộ với 18.879 khẩu (chiếm 24,15% dân số toàn huyện), đồng bào dân tộc Mông với 2.063 hộ với 10.527 khẩu (chiếm 16,46% dân số toàn huyện), đồng bào dân tộc Nùng với 684 hộ với 2.866 khẩu (chiếm 3,66% dân số toàn huyện). Các dân tộc cư trú đan xen, chung sống hoà hợp và cùng nhau làm ăn, sản xuất. Đời sống vật chất tinh thần của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng lên rõ nét. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện M'Drắk phát triển tương đối ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữa vững. Nhân dân các dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái làm ăn, sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần [37].
Hiện nay, trên địa bàn huyện M'Drắk có 03 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với tổng số 4.028 hộ với 19.872 tín đồ. Trong thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện M'Drắk có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tiến bộ. Mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường, phần lớn các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử tuân thủ pháp luật, pháp lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với nhân dân trong huyện hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời - đẹp đạo”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”... [39].
2.1.5. Đặc điểm sử dụng đất
Theo số liệu thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện M'Drắk, tính đến tháng 12/2018 tổng diện tích tự nhiên của huyện M'Drắk là 124.448 ha (chưa tính vùng chồng lấn với tỉnh Khánh Hoà tại khu vực xã Ea Trang là 9.300 ha). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 110.813,2 ha chiến 89,04%, diện tích đất phi nông nghiệp 8.764,77 ha chiếm 7,04%, diện tích đất chưa sử dụng 4.870,1 ha chiếm 3,91% [70].
Đặc điểm đất của huyện M'Drắk đất không tốt nhiều, tầng đất mỏng. Tuy nằm trong khu vực Tây Nguyên nhưng diện tích đất đỏ Bazan chỉ có 8.953 ha (chiếm 6,70% diện tích) còn lại phần lớn là đất có nguồn gốc từ đá Granít và đá phiến. Do đặc điểm tầng đất mỏng, dinh dưỡng đất nghèo và tầng dày hạn chế nên đất ở huyện M'Drắk chỉ có khả năng khai thác để sản xuất các cây ngắn ngày và cây hoa màu lương thực [50].
Trong những năm qua, huyện M'Drắk đã luôn chú trọng đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, song vẫn chưa phát huy được những hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do mặt bằng dân trí thấp, đa số các hộ dân trên địa bàn huyện còn nghèo, thiếu vốn đầu tư sản xuất, vẫn còn một số phong tục tập quán còn lạc hậu lâu đời trong sản xuất và đời sống, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ
phát triển kinh tế - xã hội của huyện so với mặt bằng chung trong vùng.
2.1.6. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của huyện M'Drắk 2.1.6.1. Thuận lợi
Nông thôn huyện M'Drắk có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Có tiềm năng mở rộng các hoạt động theo hướng thương mại - dịch vụ gắn kết với thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Đời sống nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, số hộ nghèo ngày một giảm; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển nông thôn văn minh, hiện đại.
Quy chế dân chủ luôn được huyện M'Drắk xác định là một trong những nguồn lực gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ngày càng phát huy được tính hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân.
Tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn huyện được đảm bảo, công tác cải cách hành chính ngày một được hoàn thiện, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đoàn kết, tích cực của nhân dân trên địa bàn huyện là cơ sở quan trọng để huyện M'Drắk tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, đạt được mục đích đề ra trong thời gian tiếp theo.
2.1.6.2. Khó khăn
Xuất phát điểm của huyện thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do vậy, để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngoài phát huy nội lực, huyện cần được sự ưu tiên đầu tư của tỉnh, Trung ương và các tổ chức xã hội khác để tập trung xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới.
Nền kinh tế của huyện phát triển chưa mang tính bền vững, do phụ thuộc lớn vào ngành nông nghiệp, mà ngành nông nghiệp luôn phải chịu sự chi phối của tự
nhiên và giá cả thị trường. Bên cạnh đó, năng suất chất lượng các sản phẩm sản xuất trên địa bàn huyện chưa cao, tính cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp diễn ra còn chậm, ngành chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Các mô hình phát triển kinh tế quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối với thị trường tiêu thụ.
Cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực ở một số xã còn thiếu và yếu.
Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức cấp xã còn yếu và hạn chế, chậm cập nhật thường xuyên các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới còn kiêm nhiệm, trình độ năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện.Đa số cán bộ, công chức được đào tạo theo hình thức tại chức, từ xa nên việc tiếp thu các quy định mới của Nhà nước còn gặp khá nhiều khó khăn.
Nhận thức của một số Cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội một số nơi về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế nên chưa huy động sự vào cuộc và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; trong lãnh đạo chỉ đạo còn có lúc, có nơi chưa thực sự kiên quyết thiếu chủ động, sáng tạo nhất là việc nghiên cứu, bàn biện pháp, cách thức triển khai thực hiện các nội dung, vì vậy kết quả ở một số xã còn hạn chế.
Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền ở một số xã hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành phong trào hành động sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong lực lượng đoàn viên, hội viên; chưa có nhiều các mô hình hay, những nhân tố tiêu biểu để nhân rộng.
Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, mức huy động sự đóng góp của người dân thấp; vốn đầu tư của doanh nghiệp chưa nhiều. Sự tham gia của người dân chỉ mới ở khâu đóng góp kinh phí vào xây dựng hạ tầng, chưa chú ý tu sửa nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh; cải tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn...
Một số chỉ tiêu của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu mới ban hành yêu cầu rất cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế đặc thù của
địa phương nên khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng chưa đáng kể, thu nhập của nông dân vẫn còn thấp; số hộ nghèo còn cao, số hộ có nguy cơ tái nghèo lớn.
Ý thức chấp hành luật pháp, nếp sống văn minh công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc xây dựng khu dân cư văn hóa, xã nông thôn mới.