Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG
2.1. Quy định pháp luật về kỷ luật lao động và thực tiễn thực hiện tại các doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn
2.1.1. Nội quy lao động theo quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện tại các doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn
2.1.1.1. Thẩm quyền và phạm vi ban hành nội quy lao động
Theo Khoản 1 Điều 119 BLLĐ 2012 thì "Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản". Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 "Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở". Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 120 BLLĐ 2012 thì "người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh".
Có thể thấy việc ban hành nội quy lao động làm công cụ quản lý lao động trong đơn vị sử dụng lao động vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ bắt buộc của NSDLĐ ở Việt Nam. Đây là quyền của NSDLĐ, bởi pháp luật quy định nội quy lao động do NSDLĐ ban hành, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể nào khác. Đồng thời, đó là nghĩa vụ bắt buộc của NSDLĐ, bởi nếu đơn vị có sử dụng số lượng lao động nhất định mà không ban hành nội quy lao động thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó cho thấy, việc ban hành nội quy lao động là rất quan trọng, nhằm giúp NSDLĐ thiết lập và duy trì kỷ luật lao động trong đơn vị, từ đó thực hiện quyền quản lý lao động một cách hiệu quả.
Theo quy định từ Điều 119 đến Điều 122 BLLĐ 2012, NSDLĐ sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản. Trường hợp đơn vị sử dụng dưới 10 NLĐ thì không nhất thiết phải có nội quy lao động. Những yêu cầu bắt buộc NLĐ phải tuân theo được thực hiện bằng các mệnh lệnh, quyết định hợp pháp của NSDLĐ trên cơ sở quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 82 BLLĐ trước đây quy định "doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có nội quy lao động bằng văn bản" thì BLLĐ
2012 đã thay thế cụm từ "doanh nghiệp" bằng "người sử dụng lao động". Như vậy, đây là điểm mới quan trọng trong quy định về phạm vi ban hành nội quy lao động.
Theo quy định đó, doanh nghiệp không là chủ thể duy nhất mà tất cả các đơn vị khác không phải doanh nghiệp như: Cơ quan, tổ chức nước ngoài, các cơ sở y tế, giáo dục, thể thao ngoài công lập… khi sử dụng từ 10 NLĐ trở lên đều phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản.
2.1.1.2. Nội dung cơ bản của nội quy lao động
Để tránh trường hợp vì mục đích lợi nhuận của mình mà NSDLĐ lạm quyền, đặt ra các quy định quá khắt khe đối với NLĐ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, pháp luật đã quy định NSDLĐ khi ban hành nội quy lao động phải tuân theo các quy định về nội dung nội quy. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 119 BLLĐ 2012 thì nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
b) Trật tự tại nơi làm việc;
c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
d) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
đ) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Người sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc trưng công việc, ngành nghề kinh doanh, quy trình công nghệ, tổ chức lao động của đơn vị mình mà toàn quyền trong việc xác định các nội dung cụ thể của nội quy lao động.
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Một trong những nội dung không thể thiếu trong nội quy lao động cũng như trong HĐLĐvà thỏa ước lao động tập thể là quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Điểm khác biệt so với HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể là nội quy lao động quy định về biểu thời giờ làm việc của NLĐ, như thời giờ bắt đầu cũng như thời giờ kết thúc công việc trong ngày, tuần, tháng. Đó là các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, thời gian nghỉ giải lao giữa các buổi làm việc; quy định về việc tăng ca, làm thêm giờ; ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ phép năm, nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương…
Việc quy định thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động không chỉ có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của NLĐ mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng một môi trường lao động có trật tự, kỷ cương, nền nếp và văn minh. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định cụ thể,chi tiết tại Khoản 1 Điều 27 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau: Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ ngắn ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương. Ví dụ: Nội quy lao động của Công ty Cổ phần Thương mại Đại Hoàng Phương có địa chỉ thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, tại Chương II gồm 13 điều quy định về thời giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi, quy định: Thời gian làm việc tại Công ty là 06 ngày/ tuần, mỗi tuần làm việc 8 giờ cụ thể: Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ 30 phút, Chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ... Người lao động làm việc theo giờ hành chính (8 giờ/ngày) được bố trí nghỉ trưa 120 phút. Người làm việc 8 tiếng liên tục được nghỉ giữa ca 30 phút. Thời gian nghỉ ngơi tính vào thời gian làm việc. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ thêm mỗi ngày 60 phút, tính vào thời gian làm việc mà vẫn được hưởng 100% lương... Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày, một tháng ít nhất 4 ngày. Nếu do yêu cầu của công việc không thể nghỉ đúng ngày quy định thì được nghỉ bù vào ngày khác. Nếu không bố trí được ngày nghỉ bù thì tính lương theo ngày công làm thêm theo quy định.
Trật tự tại nơi làm việc
Theo Khoản 2 Điều 27 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trật tự tại nơi làm việc: Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của NSDLĐ (trừ trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình). Điều này có một ý nghĩa thiết thực trong một môi trường lao động trật tự, kỷ cương, nền nếp. Chính vì vậy, NSDLĐ thường ban hành những quy định nhằm hạn chế các hành vi vi phạm kỷ luật lao động đối với NLĐ. Song, tùy thuộc vào những đặc thù khác nhau của từng ngành nghề, từng công việc mà
các quy định về giữ trật tự tại nơi làm việc có những điểm khác nhau. Ví dụ: Công ty Cổ phần Thương mại Đại Hoàng Phương hoạt động kinh doanh mô tô và xe máy, tại Chương III Nội quy lao động của công ty đã quy định "…Không được mang theo chất độc, chất nổ, vũ khí, chất ma túy, các loại hung khí... và những vật nguy hiểm vào công ty, người nào vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật lao động, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý theo pháp luật; Trong giờ làm việc không được tự ý rời khỏi cương vị công tác, không được gây ảnh hưởng đến công việc của người khác;
Không được tự ý hoặc xúi giục người khác lật xem những hồ sơ, văn thư, sổ sách biểu mẫu... không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; Không được tiết lộ bí mật của Công ty; Người lao động không được mang vào hoặc đưa ra khỏi vị trí làm việc, kho bãi những vật tư, thiết bị và tài sản không có liên quan đến nhiệm vụ khi được giao khi chưa được người có thẩm quyền cho phép...". Công ty TNHH Bảo Longcó địa chỉ tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hoạt động sản xuất máy bơm và máy nén, nội quy lao động của công ty quy định:
a, Tất cả cán bộ nhân viên trong công ty đến nơi làm việc đúng thời gian quy định, không đi muộn về sớm và đảm bảo phải sử dụng hợp lý thời gian làm việc.
b, Người lao động phải thực hiện nghiêm túc quy định của Công ty về trang phục làm việc, các trang thiết bị về bảo hộ lao động.
c, Nơi làm việc phải sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và giữ gìn sạch sẽ giữ thái độ nghiêm túc, lịch thiệp trong giao tiếp công việc. Không uống rượu, cờ bạc, cãi vã to tiếng, nói tục, gây gổ, đánh nhau và các hành vi gây mất trật tự tại nơi làm việc.
d, Không mang vũ khí, chất dễ cháy nổ đến nơi làm việc.
e, Cấm hút thuốc lá trong khu vực sản xuất.
g, Người lao động phải chấp hành nghiêm túc các quy trình công nghệ, quy định về an toàn vệ sinh lao động, giữ gìn bảo vệ và sử dụng đúng mục đích các trang thiết bị kỹ thuật và bảo hộ lao động do công ty cấp phát. Nghiêm cấp sử dụng tùy tiện các thiết bị phòng hộ lao động không đúng chức năng.
An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.
Những năm gần đây, các vụ tai nạn lao động xảy ra tương đối nhiều tại các công trình xây dựng, nhà máy, công xưởng… mà nguyên nhân của các vụ tai nạn này là do chưa tuân thủ kỷ luật lao động về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Theo Thông báo số 653/TB-LĐTBXH ngày 27/02/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2014 trên toàn quốc đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, trong đó số vụ chết người là 592 vụ; số người chết là 630 người; số người bị thương nặng là 1.544 người, nạn nhân lao động nữ là 2.136 người9. Ví dụ:
- Vụ tai nạn xảy lao động ra vào 23 giờ 30 phút ngày 15/01/2014 làm 06 người chết và 01 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
- Vụ tai nạn lao động ngạt khí xảy ra vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 11/4/2014 làm 03 người chết và 03 người bị thương tại Công ty cổ phần Vĩnh Phát, khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Vụ tai nạn lao động do nổ hóa chất xảy ra vào 15 giờ ngày 17/10/2014 làm 03 người chết tại Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đặng Huỳnh, phường Thới An, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người:
- Nguyên nhân do NSDLĐ chiếm 72,7%, cụ thể:
+ Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7% tổng số vụ;
+ Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 18,3% tổng số vụ;
+ Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ chiếm 11,4% tổng số vụ;
+ Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 12,3% tổng số vụ;
+ Do NSDLĐ không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4% tổng số vụ.
9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015), Thông báo về tình hình tai nạn lao động năm 2014, Hà Nội.
- Nguyên nhân do NLĐ chiếm 13,4% cụ thể:
+ NLĐ bị tai nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 11,9% tổng số vụ;
+ NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% tổng số vụ;
+ Còn lại 13,9% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác10. Chính vì vậy vấn đề tuân thủ kỷ luật lao động về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là vô cùng cần thiết và phải được quy định cụ thể trong nội quy lao động để buộc NSDLĐ và NLĐ phải nghiêm chỉnh tuân thủ.
Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động
Trong quá trình NLĐ tham gia vào quan hệ lao động sẽ được NSDLĐ bàn giao các tài sản có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao. Mặt khác, trong các lĩnh vực đặc thù và ở những vị trí quan trọng, NLĐ còn có thể nắm bắt được các bí mật kinh doanh, công nghệ của cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và sở hữu trí tuệ của NSDLĐ là nghĩa vụ quan trọng, bắt buộc của NLĐ khi quan hệ lao động được thiết lập. Đồng thời, trong nội quy lao động cần phải quy định cụ thể về những bí mật kinh doanh, công nghệ, sở hữu trí tuệ của đơn vị mình để NLĐ biết và thực hiện. Ví dụ, tại Điều 30 Nội quy lao động của Công ty Cổ phần Thương mại Đại Hoàng Phương có địa chỉ phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, hoạt động kinh doanh mô tô và xe máy quy định:"Mọi người lao động có nghĩa vụ bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh của Công ty. Không được cung cấp các số liệu liên quan đến tổ chức, kinh doanh cho các đơn vị, cá nhân khác khi chưa được sự đồng ý của giám đốc hoặc người có trách nhiệm. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo nội quy lao động này. Tại Điều 18 Nội quy lao động của Công ty điện lực Lạng Sơn quy định:" Người lao động khi được giao quản lý, sử dụng, lưu trữ các loại tài sản, tài liệu, văn bản, hồ sơ, chứng từ phải có trách nhiệm bảo vệ, bảo quản và bảo mật thông tin;Nghiêm cấm mọi hành vi cung cấp, chuyển giao, mua bán, tiết lộ các chủ trương, chính sách, các cơ chế, quy chế, quy trình, quy định, kỹ thuật, công nghệ, bí mật, hướng dẫn hoặc quyền truy cập thông tin của cơ quan,
10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015), Thông báo về tình hình tai nạn lao động năm 2014, Hà Nội.
phần mềm nghiệp vụ... cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào nếu chưa được sự cho phép của Người sử dụng lao động hoặc Người được ủy quyền... Người lao động tuyệt đối chấp hành nội quy ra vào cơ quan, nơi sản xuất và các quy định khác về việc bảo vệ tài liệu, tài sản trong sản xuất kinh doanh".
Theo Khoản 4, Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ: Danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Nội dung này rất quan trọng, cần thiết phải được quy định trong nội quy lao động của tất cả các đơn vị, vì đây là căn cứ pháp lý để NSDLĐ xử lý kỷ luật khi NLĐ có hành vi vi phạm. NSDLĐ có trách nhiệm cụ thể hóa từng loại hành vi vi phạm cũng như mức độ vi phạm tương ứng; các hình thức kỷ luật lao động; xác định các loại trách nhiệm vật chất, phương thức bồi thường sao cho phù hợp, thích ứng với với đặc điểm của từng đơn vị mà không trái với các quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 33, Nội quy lao động của Công ty Cổ phần thương mại Đại Hoàng Phương đã quy định về hình thức kỷ luật "sa thải" được áp dụng trong 07 trường hợp sau đây:
a)Người lao động vi phạm các quy định của Công ty về xuất nhập hàng nhằm thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho Công ty về tài sản từ 5 triệu đồng trở lên;
b) Người lao động làm sai lệch sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu, hợp đồng của Công ty gây thiệt hại cho Công ty về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên;
c) Người lao động vi phạm các quy định của Công ty hoặc các quy định, quy trình, quy phạm làm việc gây thiệt hại cho Công ty về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên;
d) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật công nghệ, sản xuất kinh doanh của Công ty;
e) Người lao động có hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy hoặc các chất gây nghiện khác mà pháp luật cấm trong thời gian làm việc hoặc đang thực hiện nhiệm vụ được giao;