Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH HẠN CHẾ QUYỀN YÊU CẦU LY HÔN
1.4. Hạn chế quyền yêu cầu ly hôn
1.4.3. Cơ sở thực tiễn của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn
Theo số liệu thống kê phụ nữ chiếm 51% dân số của cả nước, về lực lượng lao động, phụ nữ cũng chiếm gần 50% và tham gia lao động trong hầu
8 Xem 3. Ngô Thị Hường, Quyền yêu cầu ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tạp chí Luật học số 12/2015, trang 40-43
9 Trích tại khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014.
hết các lĩnh vực . Trong Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, đã xác định:“ Phụ nữ Việt Nam có truyền thống vẻ vang, có những tiềm năng to lớn, là một động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển, kinh tế, xã hội. Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là thiết thực cải thiện đời sống vật chất tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện tốt nam nữ bình đẳng…”. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam cũng đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh nhân loại.
Một trong những quy định của Luật HN và GĐ đề cao và bảo vệ quyền của người phụ nữ đó là quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Mục đích của quy định này là gắn trách nhiệm của người chồng trong việc tạo điều kiện cho người vợ thực hiện chức năng làm mẹ. Liên hệ với thực tiễn có thể thấy có những lý do cơ bản đặt ra yêu cầu cần thiết phải quy định bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ khi ly hôn như sau:
Thứ nhất, xuất phát từ cơ sở sinh học xã hội, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng cần thiết được bảo vệ trong xã hội. Phụ nữ phải thực hiện chức năng làm mẹ - là một thiên chức vô cùng cao quý trong việc duy trì nòi giống của gia đình và toàn nhân loại; trẻ em được sinh ra được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, vì vậy, nhà nước, xã hội và gia đình luôn phải có trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em. Theo đó:
- Quyền được làm mẹ là một trong những quyền nhân thân đặc biệt trong quan hệ HN&GĐ, gắn liền với thiên chức đặc trưng của từng giới. Người đàn ông có chức năng truyền giống, người phụ nữ có chức năng thụ tinh, mang thai và sinh con. Đó là toàn bộ quá trình sinh đẻ mà người mẹ phải thực hiện.
Quyền được mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ luôn được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.
- Quyền được làm mẹ của người phụ nữ là một quyền rất đặc biệt. Quyền làm mẹ luôn liên quan đến quyền mang thai, quyền sinh con, quyền nuôi con, quyền cho con làm con nuôi người khác, quyền xác định con cho mình, quyền được xác định lại quan hệ mẹ con, quyền được xác định một người là cha của con mình, quyền đồng ý hay không đồng ý cho một người nhận là cha của con mình. Tất cả các quyền này phải do chính người phụ nữ thực hiện và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quyền sinh con được đảm bảo ngay cả khi người mẹ đó không có hôn nhân hợp pháp. Đây là quyền nhân thân gắn liền với nhân thân của người phụ nữ và không thể chuyển giao cho người khác. Quyền sinh con được đảm bảo triệt để hơn khi pháp luật cho phép sinh con bằng phương pháp khoa học.
Người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân được thực hiện quyền sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, có thể có sự tham gia của người thứ ba là người cho trứng, cho tinh trùng, cho phôi. Người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh, người phụ nữ độc thân là người duy nhất thực hiện quá trình sinh đẻ, họ là người mong muốn có con, vì vậy pháp luật xác định họ là người được xác định là mẹ của đứa trẻ được họ sinh ra bằng phương pháp khoa học.
- Quyền làm mẹ của người phụ nữ được đảm bảo ngay cả khi họ không thể thực hiện được quyền sinh con. Pháp luật cho phép họ được quyền nhận nuôi con nuôi.
Thứ hai, với những đặc thù về giới tính, phụ nữ và trẻ em là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, cần phải được quan tâm và bảo vệ một cách đặc biệt.
Ông bà ta từng nói “có chửa – cửa mả”, để ám chỉ trong quá trình mang thai người phụ nữ có nguy cơ gặp nguy hiểm ở bất cứ giai đoạn nào của thai
kỳ, có thể là biến chứng như chửa ngoài tử cung hay nguy cơ tiền sản giật...Trong thực tế những thay đổi tâm lý khi phụ nữ mang thai là không thể tránh khỏi. Trong thời gian thai kì người phụ nữ thường hay cáu gắt, dễ bực bội, có những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt có rất nhiều người phụ nữ mắc chứng bệnh trầm cảm sau khi sinh con. Hậu quả để lại của những sang chấn tâm lý, trầm cảm ở phụ nữ vô cùng nguy hiểm. Bệnh không chỉ khiến phụ nữ suy sụp, điên loạn… nó còn có thể cướp đi những tính mạng ngây thơ của các cháu nhỏ. Theo TS.BS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Do biến đổi nồng độ hormon steroid, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh. Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng”. Có đến 10% phụ nữ sau sinh có thể mắc bệnh. Như vậy giai đoạn mang thai, giai đoạn sau sinh, giai đoạn tiền mãn kinh và chu kỳ kinh nguyệt đều liên quan đến những thay đổi thể chất và hormone đó.
Chính vì vậy nếu trong giai đoạn phụ nữ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà gia đình thường xuyên mâu thuẫn tranh cãi, nếu người chồng xin ly hôn vào thời điểm này có thể khiến người vợ luôn trong trạng thái căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc khiến người vợ hoảng sợ, luôn thấy bất an nên có những hành động gây nguy hiểm cho cả người mẹ và cả với con.
Do đó để giúp người phụ nữ có thai, sinh con, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi ổn định tâm lý, người chồng và những người thân trong gia đình có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là người chồng. Bên cạnh những quan tâm, chăm sóc về vật chất, người chồng cũng nên có những hành động động viên về tinh thần để người vợ không tủi thân, tránh những bực bội vô cớ, ảnh hưởng đến thai nhi, đứa trẻ.
Hơn nữa khi giải quyết ly hôn, không hiếm trường hợp người phụ nữ đã bị đe dọa, gây áp lực về tinh thần và vật chất từ phía người chồng dẫn đến phải từ bỏ quyền ly hôn, quyền nuôi con của mình. Sau khi ly hôn, việc ổn định cuộc sống là một vấn đề hết sức nan giải được đặt ra với người phụ nữ và họ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Có thể họ phải nuôi con nhỏ nên phải dành thời gian chăm sóc con, cũng có thể trong thời gian chung sống với chồng họ đã xin thôi việc để chăm sóc gia đình nên cơ hội để kiếm thêm thu nhập và quay trở lại công việc cũ là khó hơn rất nhiều.
Đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, luôn được đặc biệt quan tâm và bảo vệ. Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Việt Nam và các văn bản pháp luật khác quy định rất cụ thể các quyền cơ bản của trẻ em như quyền được biết nguồn gốc của mình, biết cha mẹ mình là ai và được cha mẹ mình chăm sóc; quyền được lớn lên trong gia đình; quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí và phát triển, quyền được lao động...quyền được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền trẻ em.
Chính vì vậy Nhà nước phải xây dựng các chính sách bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc gia đình. Gia đình phải đề cao trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện chức năng làm mẹ một cách an toàn nhất. Các chủ thể khác trong gia đình với tư cách là chồng, là cha, là con...đều phải có nghĩa vụ bảo vệ người phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ người phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của người mẹ. Quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật HN và GĐ năm 2014 là một quy định bảo vệ quyền và lợi ích của bà mẹ và trẻ em như vậy.