CHƯƠNG 3. QUY ĐỊNH VÀ THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM
3.1. Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hợp ngoài hợp đồng
3.1.1. Quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có sự khác nhau nhất định về điều kiện xác định trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm, những đối tượng được pháp luật bảo vệ, các trường hợp không phải chịu trách nhiệm và không phải bồi thường thiệt hại, phương thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài, mức bồi thường,…. Chính bởi sự khác nhau này đã dẫn tới xung đột pháp luật của các quốc gia trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và trong vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói riêng. Bởi vậy, trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương thường quy định các điều khoản liên quan tới giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để tạo cơ sở pháp lý cho các bên khi tranh chấp xảy ra.
Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước về các vấn đề về dân sự, hôn nhân, thương mại, và hình sự; trong đó các chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài cũng được đề cập trong hầu hết các điều ước song phương giữa Việt Nam và các nước.
Qua nghiên cứu quy định trong các Điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam và các nước, có thể nhận thấy rằng hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi (Lex loci delicti commissi) thường được ưu tiên áp dụng để giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Hệ thuộc luật này được ghi nhận trong các điều khoản sau đây: Điều 33 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ngày 12/10/1982 (hiện có hiệu lực với Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlôvakia) quy định như sau “Về trách nhiệm sửa chữa
22
những thiệt hại do hành vi trái pháp luật cố ý hay không cố ý gây ra, thì tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi xảy ra hành vi trái pháp luật; Khoản 1 Điều 33 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ucraina ngày 6/4/2000 quy định “Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng và các hành vi hợp pháp khác, được xác định theo pháp luật của bên ký kết nơi xảy ra hành vi hoặc sự kiện khác làm căn cứ để đòi bồi thường thiệt hại”.
Theo quy định tại các Điều khoản nêu trên thì luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật sẽ được ưu tiên lựa chọn để áp dụng giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, lý do mà Việt Nam và các nước chọn nguyên tắc này là bởi nguyên tắc thể hiện được tính khách quan khi áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng nguyên tắc Lex loci delicti commissi để giải quyết các tranh chấp liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì trong một số Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và các nước còn quy định việc sử dụng các hệ thuộc luật khác để giải quyết các tranh chấp trong trường hợp cụ thể hoặc trong trường hợp không áp dụng được nguyên tắc Lex loci delicti commissi. Chẳng hạn: Khoản 1 Điều 39 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bêlarút quy định “Nếu nguyên đơn và bị đơn đều là công dân của một Bên ký kết thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết đó.”; Điều 31 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Bungary ngày 3/10/1986 quy định như sau “Nếu chủ thể gây thiệt hại và người bị hại cùng quốc tịch hoặc cùng sống trên lãnh thổ của một nước ký kết, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết này.”; Điều 38 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Ba Lan ngày 22/3/1993 quy định “Nếu chủ thể gây thiệt hại và chủ thể bị thiệt hại là công dân của cùng một nước ký kết thì áp dụng pháp luật của nước ký kết đó.”; Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày 6/7/1998 quy định “2. Nếu chủ thể gây thiệt hại và chủ thể bị thiệt hại cùng có quốc tịch của Nước ký kết này nhưng cư trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia, thì vận dụng pháp luật của Nước ký kết nơi họ cư trú”; Điều 37 Hiệp định tương
23
trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Bang Nga ngày 25/8/1998 ghi nhận như sau “Nếu nguyên đơn và bị đơn là công dân của một Bên ký kết hoặc đều được thành lập hoặc có trụ sở ở một Bên ký kết, thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết đó.”; tại Điều 41 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ ngày 17/4/2000 quy định như sau “2. Nếu người gây hại và người bị hại đều là công dân của một Bên ký kết, thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết đó”; tại Điều 30 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Hungary ngày 18/1/1985 “Tuy nhiên, nếu các đương sự thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thì áp dụng pháp luật của nước ký kết kia.”.
Như vậy, có thể thấy ngoài hệ thuộc luật Lex loci delicti commissi, thì hệ thuộc luật Lex Personalis – Luật Nhân thân bao gồm hai dạng là Lex Patriae (Luật quốc tịch) và Lex Domicilii (Luật nơi cư trú) được lựa chọn luật áp dụng. Bên cạnh đó, việc quy định trường hợp ngoại lệ để đảm bảo rằng các vụ việc sẽ được giải quyết trên thực tế dựa trên các căn cứ pháp lý cụ thể, đồng thời việc lựa chọn Luật quốc tịch hay Luật nơi cư trú để áp dụng cho những trường hợp ngoại lệ này phụ thuộc vào cách nhìn nhận và pháp luật của nước ký kết và Việt Nam, đều nhằm mục đích bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình.
Qua các quy định trên cho thấy, trong việc điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước thường áp dụng hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti commissi) hoặc Luật nhân thân (Lex Personalis) trong đó hoặc áp dụng Luật quốc tịch (Lex Nationalis) hoặc áp dụng luật nơi cư trú (Lex Domicilli).
3.1.1.2. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Thẩm quyền xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài của Tòa án một nước phụ thuộc vào quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên và pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia đó.
Nhìn chung, thẩm quyền xét xử của Tòa án được xác định theo: thẩm quyền xét xử chung và thẩm quyền xét xử riêng biệt.
Hầu hết trong các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Việt Nam ký kết với các quốc gia, thẩm quyền Tòa án để giải quyết các vấn đề về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo một số những nguyên tắc chung nhất định. Nguyên tắc cơ
24
bản là Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án của bên ký kết nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế do hành vi gây thiệt hại được quy định tại một số điều khoản của các Điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam và các nước như sau:
tại Điều 39 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Ba Lan ngày 22/3/1993 quy định “Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ việc nói ở Điều 38 Hiệp định này là Tòa án của nước ký kết mà pháp luật sẽ được áp dụng theo quy định của Điều 38”; tại khoản 2, Điều 37 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Bang Nga quy định “Các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án của Bên ký kết nơi xảy ra hoàn cảnh làm căn cứ để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại…”; tại khoản 3, Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định “Cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết vụ án đã được khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại là cơ quan tư pháp của Nước ký kết nơi xảy ra hành vi hoặc sự cố gây thiệt hại, nơi phát sinh hậu quả thực tế…”;
Qua nội dung của các điều khoản như nêu trên, có thể thấy nguyên tắc được áp dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết các vụ việc liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là dấu hiệu loci delicti commissi. Theo nguyên tắc này thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là Tòa án của nơi xảy ra sự kiện làm nảy sinh nghĩa vụ sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Theo tác giả, việc lựa chọn xác định thẩm quyền của Tòa án theo dấu hiệu loci delicti commissi tương đối hợp lý bởi vì hành vi gây ra thiệt hại trong trường hợp này là trái với pháp luật của nước nơi mà hành vi đó được thực hiện, vì thế các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tại nước đó sẽ hiểu đúng bản chất và tính chất của loại hành vi đó hơn là cơ quan có thẩm quyền giải quyết của một quốc gia khác.
Bên cạnh đó, như đã đều cập ở phần trên về vấn đề xung đột pháp luật, thì ngay cả khi hai hay nhiều quốc gia dùng cùng một thuật ngữ nhưng cách diễn giải, giải thích thuật ngữ đó khác nhau cũng sẽ làm thay đổi bản chất của vấn đề. Cho nên, thẩm quyền tài phán thuộc về Tòa án nơi mà có hành vi trái pháp luật, sẽ giải thích chính xác nhất tính trái pháp luật của hành vi, đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên cũng như tính công bằng trong phán quyết.
25
Ngoài ra, các Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, hình sự và kinh tế giữa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới còn quy định trường hợp áp dụng dấu hiệu loci delicti commissi, ví dụ như tại khoản 2 điều 39 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bêlarút quy định như sau “Các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án của Bên ký kết nơi xảy ra hoàn cảnh làm căn cứ để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, hoặc nơi bị đơn cư trú. Tòa án của Bên ký kết nơi nguyên đơn thường trú cũng có thẩm quyền giải quyết, nếu trên lãnh thổ của nước này có tài sản của bị đơn.”; tại khoản 3 Điều 33 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ucraina ngày 6/4/2000 quy định như sau
“Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ việc nêu tại các khoản 1 và 2 của Điều này là Tòa án của bên ký kết nơi xảy ra hành vi hoặc sự kiện khác làm căn cứ để đòi bồi thường thiệt hại. Người bị hại cũng có thể gửi đơn kiện đến Tòa án của bên ký kết nơi bị đơn thường trú”; tại khoản 3 Điều 31 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Bungary ngày 3/10/1986 quy định “Cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bồi thường thiệt hại là cơ quan của nước ký kết nơi thực tế đã xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc cơ quan của nước ký kết nơi bị đơn thường trú.”.
Theo quy định trên, có thể nhận thấy, các nguyên tắc khác cũng được sử dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án trong các Điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam là thành viên là: Tòa án của Bên ký kết nơi bị đơn thường trú hoặc có trụ sở (domicilii); hoặc Tòa án của Bên ký kết nơi nguyên đơn cư trú nếu bị đơn có tài sản trên nước đó (nơi có tài sản của bị đơn – reisitae). Theo tác giả, các dấu hiệu này được đề cập nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của các bên bởi nếu thường trên thực tế, một đối tượng có thể sẽ gây ra thiệt hại cho nhiều chủ thể cũng như đối tượng khác, nếu xác định thẩm quyền Tòa án là nơi chủ thể bị thiệt hại cư trú hoặc có quốc tịch, vậy sẽ rất khó khăn trong công tác xét xử khi mà mỗi chủ thể bị thiệt hại có một quốc tịch hoặc một nơi cư trú khác nhau thì việc xét xử đối tượng gây ra thiệt hại sẽ chồng chéo, tốn kém thời gian.
Như vậy, các dấu hiệu chủ yếu được áp dụng trong các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Việt Nam ký kết với các quốc gia về vấn đề xác định thẩm quyền Tòa án trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là xác định thẩm quyền của Tòa án của bên ký kết nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi
26
phát sinh hậu quả thực tế do hành vi gây thiệt hại, và Tòa án của Bên ký kết nơi bị đơn thường trú hoặc có trụ sở (domicilii); hoặc Tòa án của Bên ký kết nơi nguyên đơn cư trú nếu bị đơn có tài sản trên nước đó (nơi có tài sản của bị đơn – reisitae).