4.1.1. Đối với các Điều ước quốc tế
Việt Nam đã chính thức là thành viên của Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2013, đây được coi là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam tham gia các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị này. Bên cạnh đó, trước thực trạng xã hội hiện nay ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, số lượng vụ tai nạn giao thông ngày càng có xu hướng gia tăng ví dụ như các vụ máy bay mất tích, tai nạn do va chạm ô tô, tai nạn trên biển,… dẫn đến những thiệt hại về người và của, đã ảnh hưởng không nhỏ tới các công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài, và đối với các công dân nước ngoài tới Việt Nam để du lịch, học tập, làm ăn và sinh sống. Trong bối cảnh như vậy, theo tác giả, Việt Nam nên đề xuất tham gia Công ước về Luật áp dụng đối với tai nạn giao thông ngày 04 tháng 5 năm 1971 để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong trường hợp tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tham gia Công ước về Luật áp dụng đối với trách nhiệm sản phẩm (Convention on the Law applicable to products liability) ngày 02 tháng 10 năm 1973 để có thể bảo hộ toàn diện hơn quyền và lợi ích của công dân và pháp nhân có quốc tịch Việt Nam khi tham gia vào các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác của các nước ASEAN, Việt Nam có thể đưa ra các kiến nghị thiết lập cơ sở pháp lý cho các vấn đề về quan hệ dân sự trong Tư pháp quốc tế giữa các quốc gia ASEAN nói chung và vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói riêng.
40 4.1.2. Đối với pháp luật Việt Nam
Đối với quy định tại Luật hàng không dân dụng năm 2006:
Theo tác giả, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tàu bay va chạm hoặc cản trở nhau trên không phận quốc tế nên được giải quyết theo hướng quy định của pháp luật hàng hải đối với tàu biển. Vì vậy, đối với quy định tại Luật hàng không dân dụng năm 2006, tác giả đồng tình với hướng đề xuất của một số tác giả đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật hàng không dân dụng năm 2006 như sau:
“a) Pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau, do tàu bay đang gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại.
b) Việc bồi thường thiệt hại do các tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau tại không phận quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà trọng tài hoặc Tòa án của quốc gia đầu tiên đã thụ lí giải quyết tranh chấp”.
Đối với quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004:
Cần bổ sung điều khoản quy định tại Luật này về vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Theo tác giả, các nhà làm luật nên tham khảo quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 135 Bộ luật liên bang về Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ ngày 18 tháng 12 năm 1987 sửa đổi bổ sung ngày 01 tháng 1 năm 2007, theo đó quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được điều chỉnh theo quy định pháp luật của nước nơi hậu quả phát sinh.
4.2. Nâng cao năng lực của cán bộ trong các cơ quan áp dụng pháp luật Việt Nam Để nâng cao trình độ năng lực của cán bộ trong thực thi pháp luật giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài, theo tác giả nên thực hiện một số công việc cụ thể sau:
Tăng nguồn Ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo cán bộ của ngành Tòa án đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Các đợt tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn cần được tổ chức thường xuyên.
Tổ chức lại công tác cán bộ ngành Tòa án, tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực của cán bộ để có kế hoạch đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ.
41
Cần có các chế tài xử phạt đối với những cán bộ vi phạm pháp luật khi giải quyết các vụ việc/vụ án liên quan tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả xét xử các vụ việc về lĩnh vực này.
4.3. Nâng cao cơ sở vật chất
Trước thực trạng hiện nay khi các vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng, thì để đảm bảo được công tác xét xử của các cán bộ ngành Tòa án đạt hiệu quả, bên cạnh vấn đề liên quan tới yếu tố con người cũng như hoàn thiện các quy định về pháp luật, thì vấn đề về cơ sở vật chất, môi trường làm việc cũng tác động không nhỏ tới kết quả xét xử tại các Tòa án. Việc cải thiện, nâng cao cơ sở vật chất nhằm giúp phần tạo thuận lợi cho các cán bộ ngành Tòa án thuận tiện, dễ dàng hơn trong quá trình công tác, đồng thời cũng là hoàn thành Nghị quyết số 49- NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Tiểu kết chương 4
Đời sống xã hội ngày càng phát triển, cùng với đó là số lượng các vụ án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài gia tăng và phức tạp hơn.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay của pháp luật Việt Nam, khi các vụ việc được giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 đã cho thấy còn nhiều hạn chế cả về mặt thực trạng pháp luật và thực trạng giải quyết. Thực chất những thực trạng này không chỉ mới phát sinh tại Việt Nam mà đã có từ khá lâu, đã nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng như có nhiều đối tượng đã phản ánh về các thực trạng này nhưng để hoàn toàn thay đổi cũng như cải thiện nền tư pháp Việt Nam thì cần tới một lộ trình dài hạn.
Trước thực trạng về pháp luật vả giải quyết tại Việt Nam hiện nay, tác giả đã đưa ra một số những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế những điểm yếu kém còn tồn đọng trong thực tiễn giải quyết tại Việt Nam, qua đó góp phần cải thiện Tư pháp quốc tế của Việt Nam trong việc giải quyết các vụ việc liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên theo tác giả, việc nhìn nhận các điểm tiêu cực, các điểm còn yếu kém để từ đó có những giải pháp cải thiện là một điểm tốt, nhưng bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng Tư pháp quốc tế Việt Nam nói chung và các cán bộ ngành Tư pháp của Việt Nam, các thẩm phán của Việt Nam đã có sự cố gắng trong công tác cũng như giải quyết các vụ việc liên quan tới quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài
42
hợp đồng có yếu tố nước ngoài bởi lẽ các vấn đề này luôn rất phức tạp, liên quan tới pháp luật của nhiều quốc gia mà không chỉ đơn thuần liên quan tới pháp luật của Việt Nam.Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như số lượng giải quyết các vụ việc liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì cần nâng cao năng lực của cán bộ trong các cơ quan áp dụng pháp luật Việt Nam kết hợp với việc nâng cao cơ sở vật chất; bên cạnh đó cần ký kết, tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế song phương và đa phương về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài và hoàn thiện hơn nữa các quy định trong pháp luật của Việt Nam.