KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Một phần của tài liệu Yếu tố tác động đến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương chi nhánh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 22 - 25)

CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

2.2 KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Thanh toán là một trong các dịch vụ quan trọng của NHTM. Dịch vụ này không chỉ mang lại thu nhập cho Ngân hàng mà còn giúp Ngân hàng huy động được nguồn vốn

với chi phí thấp – đó là tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng gửi tại Ngân hàng nhằm sử dụng cho các giao dịch thanh toán, chi trả của mình.

Thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng là dịch vụ trong đó Ngân hàng sẽ thực hiện việc trích từ tài khoản tiền gửi theo yêu cầu của người có nghĩa vụ trả tiền hoặc nhu cầu chuyển tiền cho người khác để chuyển vào tài khoản cho người thụ hưởng nhằm chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc đơn giản chỉ là cho người thân.

Mặc dù các định chế tài chính đều có thể cung cấp dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế nếu được cấp phép nhưng với vai trò làm trung gian thanh toán, hệ thống Ngân hàng là người tổ chức, cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán chính cho khách hàng, do vậy Ngân hàng vừa là người thiết kế các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vừa là người trực tiếp thực hiện việc chi trả cho khách hàng.

2.2.2 Đặc điểm thanh toán không dùng tiền mặt

- Sự vận động của tiền tệ độc lập so với sự vận động của vật tư hàng hóa về cả thời gian và không gian.

Đây là đặc điểm nổi bật nhất trong thanh toán không dùng tiền mặt cần phải được nhận thức một cách đúng đắn. Khác với thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt không phải được tiến hành theo kiểu “giao hàng, nhận tiền” mà là việc giao hàng được tiến hành ở nơi này, trong thời gian này việc thanh toán có thể được thực hiện ở nơi khác, trong thời gian khác. Sự tách rời như vậy giữa tiền và hàng là không tránh khỏi. Điều đó chỉ cho ta một phương án thanh toán – mà ở phương án đó phải chấp nhận sự tách rời đó, nhưng không để vì sự tách rời đó mà gây ra chậm trễ, gian lận trong thanh toán, nghĩa là phải hạn chế đến mức thấp nhất mọi rắc rối có thể xảy ra trong thanh toán. Ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện và an toàn trong khi chuyển tiền.

- Trong thanh toán không dùng tiền mặt, tiền tệ chỉ xuất hiện dưới hình thức tiền tệ kế toán và được ghi chép trên các chứng từ sổ sách kế toán.

Đây là đặc điểm riêng và nổi bật trong thanh toán không dùng tiền mặt. Với đặc điểm này, mỗi bên tham gia thanh toán nhất định phải mở tài khoản tại ngân hàng và hơn nữa phải có tiền trong tài khoản đó. Đó chính là điều kiện bắt buộc, nếu không việc thanh toán sẽ không được tiến hành.

Ngoài ra, do phải mở tài khoản tại Ngân hàng, nên vấn đề kiểm soát của Ngân hàng trong việc tổ chức thanh toán là hết sức cần thiết. Kiểm soát tính chất đúng đắn của nội dùng thanh toán, kiểm soát tính hợp pháp của chứng từ…

-Trong thanh toán không dùng tiền mặt, vai trò của ngân hàng là rất lớn, vai trò của người tổ chức và thực hiện các khoản thanh toán.

Ngân hàng được xem như người thứ ba không thể thiếu trong thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vì chỉ có Ngân hàng - người quản lý tài khoản của các đơn vị mới được phép trích tiền từ tài khoản của chủ tài khoản để chuyển đi khi chủ tài khoản yêu cầu, đây được coi như là một nghiệp vụ đặc biệt của ngân hàng.

2.2.3 Nguyên tắc thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ phản ánh mối quan hệ kinh tế, pháp lý, do đó các bên tham gia thanh toán phải bảo đảm các nguyên tắc có tính pháp lý sau:

Người sử dụng dịch vụ thanh toán là tổ chức cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán đều phải mở tài khoản thanh toán ở các ngân hàng hoặc các tổ chức khác làm dịch vụ thanh toán và có quyền lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản, được quyền lựa chọn sử dụng các dịch vụ thanh toán. Khi tiến hành thanh toán phải thực hiện thanh toán thông qua tài khoản đã mở theo đúng chế độ quy định của ngân hàng và tổ chức làm dịch vụ thanh toán. Trường hợp đồng tiền thanh toán là ngoại tệ thì phải tuân thủ quy chế quản lý ngoại hối của Nhà nước.

Số tiền thanh toán phải dựa trên cơ sở lượng hàng hoá, dịch vụ đã chuyển giao giữa người mua và người bán, người mua phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện thanh toán để đáp ứng yêu cầu thanh toán đầy đủ, kịp thời khi xuất hiện yêu cầu thanh toán. Nếu người mua chậm trễ thanh toán hoặc vi phạm chế độ thanh toán thì phải chịu phạt theo chế tài hiện hành.

Người bán hay người cung cấp dịch vụ là người được hưởng số tiền do người chi trả chuyển vào tài khoản của mình nên phải có trách nhiệm giao hàng hay cung cấp dịch vụ kịp thời và đúng với lượng giá trị mà người mua đã thanh toán, đồng thời phải kiểm soát kỹ càng các chứng từ phát sinh trong quá trình thanh toán như kiểm soát các tờ séc của người mua giao hàng khi nhận hàng.

Là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán, ngân hàng và các tổ chức làm dịch vụ thanh toán phải thực hiện đúng vai trò trung gian thanh toán. Chỉ trích tiền từ tài khoản của chủ tài khoản chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng khi có lệnh

của chủ tài khoản. Các trung gian thanh toán phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ khách hàng mở tài khoản. Lựa chọn các phương tiện thanh toán phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, phương thức giao nhận hàng, vận chuyển hàng hoá. Tổ chức hạch toán luân chuyển chứng từ thanh toán một cách nhanh chóng, chính xác an toàn tài sản. Nếu ngân hàng và các tổ chức làm dịch vụ thanh toán để chậm trễ hay hạch toán thiếu chính xác gây thiệt hại cho khách hàng thì phải chịu phạt để bồi thường cho khách hàng.

Một phần của tài liệu Yếu tố tác động đến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương chi nhánh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)