Chương 2 THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ PHÁP LÝ VỀ TÀI SẢN VÀ CON CHUNG KHI LY HÔN TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MAI SƠN, TỈNH SƠN LA
2.1. Vài nét về đặc điểm kinh tế - xã hội và điều kiện cơ sở vật chất, con người của Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
2.1.1. Đặc điểm điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Mai Sơn
Mai Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, là huyện trọng điểm kinh tế của Tỉnh nằm trong cụm tam giác kinh tế thành phố Sơn La – Mai Sơn – Mường La. Nhân dân các dân tộc Mai Sơn có một bề dày truyền thống văn hóa hết sức phong phú và đa dạng, với truyền thống đoàn kết, truyền thống lịch sử đấu tranh anh dung gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng, vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, sau hơn ba mươi lăm năm xây dựng và phát triển từ ngày giải phóng đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, đây là thời kỳ cùng với nhân dân cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế; đồng thời là thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới và cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự đe doạ của kẻ thù xâm lược và các thế lực thù địch, nhưng với tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, truyền thống cần cù lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Sơn La, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mai Sơn đã cùng kề vai sát cánh với nhân dân cả nước vượt qua những biến động phức tạp của tình hình thế giới cùng với những khó khăn trong nước của những thập niên cuối thế kỷ XX, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mai Sơn đã đoàn kết một lòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đã giành được những thành tựu về kinh tế, xã hội hết sức quan trọng, đem lại nhiều đổi thay trên quê hương Mai Sơn, tạo ra thế và lực mới, những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản
Việt Nam khởi sướng và lãnh đạo, đã được khẳng định về những thành tựu sau 25 năm thực hiện.
Về điều kiện tự nhiên của huyện Mai Sơn:
Nằm trong tọa độ từ từ 20o52’ đến 21o20’ vĩ độ Bắc; từ 103o41’đến 104o16’' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Mường La, thành phố Sơn La. Ranh giới chủ yếu là đồi núi, khe suối. Phía Đông giáp huyện Yên Châu, ranh giới chủ yếu là đồi núi, khe suối; giáp huyện Bắc Yên với ranh giới là dòng Sông Đà (chảy qua hai xã Chiềng Chăn và Tà Hộc). Phía Tây giáp huyện Sông Mã, huyện Thuận Châu. Ranh giới chủ yếu là đồi núi, khe suối. Phía Nam giáp huyện Sông Mã, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào). Ranh giới chủ yếu là đồi núi, khe suối, với chiều dài dường biên giới 6,4 km.
Mai Sơn có Tổng diện tích tự nhiên là 143.247,0 ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp là chủ yếu chiếm tới 71,24% so với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Đất lâm nghiệp còn chiếm tỉ lệ lớn (43,86% so với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện). Hầu hết các loại đất trên địa bàn huyện có độ dày tầng đất trung bình đến khá, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng. Các chất dinh dưỡng trong đất, như: Đạm, Lân, Kali, Canxi, Manhê… có hàm lượng trung bình. Do đa phần đất đai nằm trên độ dốc lớn, độ che phủ của thảm thực vật thấp nên cần chú trọng các biện pháp bảo vệ đất, hạn chế rửa trôi, xói mòn làm nghèo dinh dưỡng đất.
Mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền núi Tây Bắc, các yếu tố khí hậu, thời tiết đo được như sau: Nhiệt độ trung bình trong năm là 21oC. Thường nóng nhiều vào các tháng 4 – 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng: 11 - 03 năm sau.
Thường nắng nhiều vào các tháng: 3-10 với tổng số giờ nắng 1.940 giờ/năm. Mùa mưa thường mưa nhiều vào các tháng: 5-9. Độ ẩm trung bình năm là 80,5%. Tổng lượng mưa bình quân 1.410 mm/năm.
Địa hình chủ yếu là đồi núi nên nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư trên địa bàn huyện được lấy từ các con suối và hệ thống cấp nước chảy, nước ngầm.
Việc di chuyển của người dân trong huyện cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình đồi núi, đèo, dốc và cao nguyên trùng điệp, giao thông còn chưa phát triển tới các bản, làng.
Về dân cư trên địa bản huyện có rất nhiều dân tộc cùng chung sống bao gồm:
Thái, Mường, Tày, Kinh… Người dân trong huyện chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Trình độ dân trí chưa đồng đều.
Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới thực trạng ly hôn trên địa bàn huyện. Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn thì án ly hôn là loại án chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các lĩnh vực.
Nguyên nhân của thực trạng này một phần xuất phát từ ý thức pháp luật của người dân trong huyện chưa cao, phần nữa là do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của vợ chồng. Số lượng các vụ việc ly hôn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân dẫn tới ly hôn trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
2.1.2. Điều kiện con người và cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn
Quá trình thành lập Tòa án
TAND huyện Mai Sơn được thành lập từ năm 1952 tới nay. Tổng biên chế của TAND huyện Mai Sơn gồm 15 cán bộ. Trong đó có 06 Thẩm phán (01 Chánh án, 02 Phó Chánh án), 05 Thư ký, 01 văn thư, 01 Cán sự và 01 Kế toán. Ngoài ra, TAND huyện Mai Sơn còn có 01 bảo vệ theo NĐ68/CP. 100% Thẩm phán và Thư ký đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Có 01 Thẩm phán có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 03 Thẩm phán có trình độ Trung cấp lý luận chính trị.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và quy định của Nhà nước cả về số lượng và chất lượng.
Về cơ sở vật chất
Được sự quan tâm của ngành Tòa án và chính quyền địa phương, hiện đơn vị có trụ sở gồm: 2 dãy nhà 2 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 1.000 m2. Trong đó có 01 phòng họp, 02 hội trường xét xử được trang bị âm ly, loa đài; 01
nhà công vụ; 09 phòng làm việc; đảm bảo mỗi Thẩm phán có phòng làm việc riêng và được trang bị máy tính có kết nối mạng internet.
Quyền hạn của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình.
Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một TAND cấp huyện (cấp sơ thẩm) trong hệ thống Tòa án của Việt Nam nên có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND nói chung quy định tại Điều 2 Luật tổ chức TAND năm 2014:
Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn có quyền:
- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
- Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
- Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
- Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan,
tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.
- Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
- Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của luật.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tòa án o Thuận lợi
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao và TAND tỉnh Sơn La; sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền địa phương.
- Tập thể lãnh đạo và Chi bộ luôn có sự đoàn kết nhất trí cao, phối hợp chặt chẽ trong công tác, tạo được sự đồng thuận thống nhất trong cơ quan.
- Đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án đủ so với định biên, được chuẩn hoá với 100% cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ đại học. Mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nội bộ đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được duy trì thường xuyên, có hiệu quả trong công tác giải quyết các loại án nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ngày càng nâng cao.
o Khó khăn
- Mai Sơn là một huyện miền núi biên giới phía Bắc có nền kinh tế còn thấp.
Giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng chưa phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xét xử lưu động cũng như công tác điều tra, xác minh thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật.
- Nhiều cán bộ trẻ mới được tuyển dụng chưa có kinh nghiệm làm việc, trong khi đó nhiều cán bộ theo học các lớp đào tạo bồi dưỡng trình độ chuyên
môn, chính trị và việc luân chuyển cán bộ giữa các huyện gây không ít khó khăn trong hoạt động tại Tòa án.
- Trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân còn rất hạn chế; trong khi đó tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình ở địa phương có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp.