Chương 2 THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ PHÁP LÝ VỀ TÀI SẢN VÀ CON CHUNG KHI LY HÔN TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MAI SƠN, TỈNH SƠN LA
2.2. Thực tiễn giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản và con chung khi ly hôn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
2.2.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
* Nguyên nhân chủ quan:
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện vẫn còn duy trì nhiều phong tục, tập quán, quan niệm cổ hủ, lạc hậu. Nên khi xét xử, Tòa án thường gặp phải những khó khăn từ phía các phong tục, tập quán đó. Do các tư tưởng này đã ăn sâu, bám rễ trong các bên tranh chấp, rất khó để giúp các bên tiếp nhận những quy định của pháp luật về vấn đề phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Đặc biệt là trường hợp của những cặp vợ chồng ly hôn mà trước đó sống chung với gia
đình chồng hoặc vợ. Bởi lẽ đồng bảo thường có quan niệm sống chung bố mẹ chồng thì không có sự rạch ròi trong việc phân chia tài sản chung, riêng; tài sản do bố mẹ tặng cho, mua bán tài sản thường không lập thành văn bản và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện thủ tục này.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí trong địa bàn huyện chưa đồng đều cho nên sự am hiểu pháp luật còn nhiều hạn chế. Đồng bào thường cư trú ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được duy trì thường xuyên, chưa có hiệu quả cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Qua Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án của huyện Mai Sơn cho thấy:
một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký Tòa án còn hạn chế về năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở một số đơn vị tiến hành chưa thường xuyên và thực sự hiệu quả.
* Nguyên nhân khách quan: Do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ dẫn đến lúng túng của một số cán bộ Tòa án khi gặp phải những tình huống phức tạp;
chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án chưa thực sự tương xứng với tính chất công việc đặc thù của ngành Tòa án, chưa giúp cho ngành Tòa án có thể thu hút nguồn cán bộ có năng lực về công tác tại địa phương; một số cơ quan, tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với Tòa án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, xác định tài sản, xác định thời điểm cấp dưỡng, số tiền cấp dưỡng…
Kết luận chương 2
Giải quyết ly hôn nói chung và phân chia tài sản, con chung của vợ chồng khi ly hôn là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi các cán bộ Tòa án phải có năng lực chuyên môn giỏi và phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể ban hành được các quyết định, bản án thấu tình đạt lý.
Qua phương pháp thống kê, so sánh và đánh giá số liệu trong các báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn, trong nội dung chương 2 tác giả đã đưa ra những con số cơ bản rõ nét về tình hình thụ lý, giải quyết các vụ việc giải quyết phân chia tài sản và con chung khi ly hôn của vợ chồng tại địa bàn huyện. Về cơ bản Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn đã giải quyết triệt để, hợp lý các vụ việc ly hôn, phân chia tài sản và con chung khi ly hôn của vợ chồng đã thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, tòa án nhân dân huyện Mai Sơn cũng còn gặp phải một số những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này. Thông qua các ví dụ thực tế, tác giả đã phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải, đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó, đặc biệt là nguyên nhân từ phía các hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành và ý thức pháp luật của người dân còn chưa cao.
Chương 3
KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ
NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TÀI SẢN VÀ CON CHUNG KHI LY HÔN
3.1. Yêu cầu hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giải quyết tài sản và con chung khi ly hôn
Trên cơ sở những khó khăn, tồn tại trong quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình và thực tiễn xét xử về việc giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản và con chung khi ly hôn tại Tòa án nhân dân, để có thể nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về giải quyết tài sản và con chung khi ly hôn cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, về phía Nhà nước:
Gia đình là tế bào của xã hội. Từng tế bào khỏe mạnh sẽ làm nên một cơ thể khỏe mạnh. Xã hội cũng vậy. Do đó, Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước cần tích cực đẩy mạnh thực hiện các công việc sau:
Một là, tuyên truyền phổ biến đến người dân kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình để từng người dân có ý thức riêng về việc xây dựng một đời sống gia đình văn hóa, tuân thủ pháp luật; tuyên truyền, xóa bỏ những hủ tục, những phong tục, tập quán lạc hậu về tài sản và con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ở một số vùng đồng bào dân tộc ít người. Từ đó hạn chế những tranh chấp nảy sinh liên quan tới việc phân chia tài sản cũng như tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là của người vợ và con chưa thành niên.
Hai là, các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện những bất cập trong các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và các quy định về phân chia tài sản và con chung khi ly hôn để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý cho các cán bộ Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật.
Thứ hai, về phía người dân: Mỗi người dân cần chủ động cập nhật, trau dồi thêm kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình; ý thức được vai trò, quyền lợi và
nghĩa vụ của mình trong gia đình; vận động anh em, họ hàng người thân của mình từ bỏ những hủ tục lạc hậu còn lưu lại trong đời sống của cộng đồng nơi mình sinh sống.