Sơ cứu nạn nhân bị điện giật

Một phần của tài liệu Giáo trình An toàn lao động (Nghề Kế toán doanh nghiệp Trình độ Cao đẳngTrung cấp) (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 2: KỸ THUẬT AN TOÀN ĐIỆN

2.6. Sơ cứu nạn nhân bị điện giật

2.6.1. Những lưu ý khi sơ cứu người bị điện giật

- Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Bản thân người sơ cứu cũng không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nilon, vải khô, đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo khi ngắt nguồn điện.

- Tuyệt đối không để nạn nhân bị ngã và gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn.

- Không được chạm vào nạn nhân khi chưa ngắt nguồn điện, không được dùng tay không để kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện vì có thể bạn sẽ bị điện giật.

- Phải giữ cho mình một tâm thái thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn để đảm bảo sơ cứu an toàn cho nạn nhân.

2.6.2. Trình tự thực hiện hô hấp nhân tạo

* Bước 1: Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không, bằng cách áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân.

- Với nạn nhân còn tỉnh: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ.

Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm.

- Với nạn nhân không có dấu hiệu thở thì tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ, cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.

* Bước 2: Đặt nạn nhân nằm nghiêng, gập hai tay nạn nhân bên dưới mặt cho đờm, dãi trong miệng nạn nhân chảy ra giúp nạn nhân dễ hô hấp.

* Bước 3: Nới rộng trang phục của nạn nhân, kê cao đầu nạn nhân sao cho cổ hơi ngửa ra sau để đảm bảo hô hấp được thông thoáng.

* Bước 4: Một tay bịt mũi nạn nhân, tay còn lại kéo hàm nạn nhân xuống dưới, ngậm chặt miệng nạn nhân để thổi hơi, thổi 2 hơi liên tục, đợi lồng ngực nạn nhân xẹp xuống rồi thổi tiếp.

+ Trung bình, mỗi phút người sơ cứu phải thổi ngạt cho nạn nhân 20 lần. Liên tục thổi ngạt đến khi nào nạn nhân có thể tự mình hô hấp thì dừng lại.

+ Nếu nạn nhân bị thương ở miệng có thể thổi ngạt qua mũi nạn nhân.

2.6.3. Trình tự thực hiện ép tim ngoài lồng ngực:

* Bước 1: Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không, bằng cách áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân.

* Bước 2: Người tiến hành ép tim ngồi bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái.

* Bước 3: Từ từ ấn sâu xuống khoảng từ 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra.

+ Số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần.

Hình 2.5: Thao tác hô hấp nhân tạo, ép tim lồng ngực

* Bước 4: Khi nạn nhân có thể tự thở được và tim đập lại, đặt nạn nhân nằm nghiêng hoặc đặt ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và gọi y bác sĩ để cấp cứu nạn nhân.

2.6.4. Thực hành

- Thực hành hô hấp nhân tạo.

- Thực hành ép tim ngoài lồng ngực 2.6.5. Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập

- Nội dung đánh giá: Cấp cứu người bị tai nạn điện.

- Phương pháp đánh giá: Quan sát quá trình thực hành.

- Hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên, kết quả lưu vào cột kiểm tra thường xuyên trong phiếu đánh giá.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2 1. Quan sát và nêu cấu tạo một số dụng cụ bảo vệ an toàn điện.

2. Quan sát cấu tạo, cho biết nguyên lý làm việc và thực hành sử dụng bút thử điện.

3. Áp dụng các quy tắc chung để đảm bảo an toàn khi lắp đặt, kiểm tra và sử dụng các thiết bị điện tại nơi học tập.

4. Nhận biết một số biển báo an toàn điện. Cho biết các biển báo đó được treo trong trường hợp nào?

5. Thực hành cấp cứu người bị tai nạn điện.

Một phần của tài liệu Giáo trình An toàn lao động (Nghề Kế toán doanh nghiệp Trình độ Cao đẳngTrung cấp) (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(72 trang)
w