Nội dung chủ yếu của pháp luật điều chỉnh hoạt động nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động nhận tiền gửi thực tiễn áp dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng việt nam (Trang 28 - 32)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG NHẬN TIỀN GỬI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.5 Nội dung chủ yếu của pháp luật điều chỉnh hoạt động nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại

Xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động huy động vốn bằng hình thức nhận tiền gửi trong NHTM, vì vậy cần có những quy định pháp luật cần thiết đề điều chỉnh hoạt động này. Thông qua các quy định của pháp luật về hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của NHTM, Nhà nước có thể thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội. Với việc đưa ra những quy định về lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, quy định về bảo hiểm tiền gửi... Nhà nước sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động huy động vốn của NHTM bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi hoặc hạn chế việc huy động vốn của NHTM sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát. Mặt khác, thông qua việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các NHTM, Nhà nước có thể kiểm soát được tình hình hoạt động kinh doanh của các NHTM, từ đó kịp thời có biện pháp xử lý, giúp NHTM thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.

Hiện nay, pháp luật có khá nhiều quy định liên quan đến hoạt động huy động vốn bằng hình thức nhận tiền gửi, nhưng lại quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Văn bản quy phạm có hiệu lực pháp lý cao nhất hiện nay có quy định về vấn đề này chính là Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Luật các TCTD sửa đổi năm 2017, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra Ngân hàng nhà nước còn ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến loại hình giao dịch nhận tiền gửi như: Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Thông tư 49/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Thông tư số 46/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ

thanh toán không dùng tiền mặt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành; Thông tư 07/2014/TT-NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng; Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài khác có hoạt động tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Chính phủ đã ban hành một số nghị định liên quan đến tiền gửi như Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành quy định hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của NHTM là tương đối đầy đủ, cụ thể hóa được các nội dung cơ bản như sau:

Quy định về các hình thức tiền gửi mà NHTM được phép huy động, so với các loại hình TCTD khác thì NHTM thực hiện hoạt động này với quy mô được mở rộng tối đa về các loại tiền gửi được nhận, mà không hạn chế. Quy định về các bên trong quan hệ tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này. Mà cụ thể ở đây là NHTM và khách hàng là tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế. Trong quan hệ huy động vốn này, trách nhiệm của NHTM là rất lớn, yêu cầu NHTM phải làm đúng quyền và nghĩa vụ của mình, để bảo đảm cho nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đem lại lợi ích cho cả hai bên, ổn định cả hệ thống ngân hàng và niềm tin của khách hàng.

Quy định về lãi suất huy động vốn bằng nhận tiền gửi, đây là một quy định hết sức quan trọng bởi để thu hút nguồn vốn huy động, cần có chính sách lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như nhu cầu cần vốn của NHTM. Hơn nữa không thể thiếu các quy định pháp luật về hợp đồng, việc xác lập mối quan hệ giữa NHTM với khách hàng trong giao dịch nhận tiền gửi được thực hiện qua hợp đồng tiền gửi, đây là bằng chứng pháp lý để chứng minh quan hệ này được pháp luật thừa nhận, và khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng thì có cơ sở để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp. Các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, NHTM huy động vốn bằng nhận tiền gửi thì phải thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn cho nguồn vốn huy động từ nền kinh tế, như vậy mới tạo lòng tin cho người gửi tiền, và hiện nay nhà nước đã ban hành Luật về vấn đề này để

điều chỉnh quan hệ tiền gửi. Các quy định xử lý vi phạm trong quá trình huy động vốn bằng nhận tiền gửi. Xuất phát từ tầm quan trọng của giao dịch nhận tiền gửi, nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của NHTM, cho nên cơ quan Nhà nước cần có chế tài, các biện pháp xử lí hành chính để xử phạt những hành vi vi phạm, tránh ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền, đảm bảo an toàn cho hoạt động này vốn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Về cơ bản Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và thông thoáng, tạo cơ sở cho các NHTM tiến hành hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng hướng tới bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đáp ứng nhu cầu gửi tiền và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp với mục đích và yêu cầu của họ, tạo niềm tin cho người gửi tiền. Tạo cơ sở pháp lý cho Ngân hàng nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng của các NHTM nói chung và hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi nói riêng vốn là một hoạt động chủ đạo trong trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Ngân hàng thương mại là một trong các tổ chức tài chính trung gian quan trọng nhất của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất về quy mô tài sản, thị phần. Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại là huy động tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền này để cho vay, thực hiện các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại. Như vậy hoạt động huy động vốn là khởi nguồn cho mọi hoạt động kinh doanh tiếp theo của ngân hàng. Cũng chính bởi những đặc trưng của ngân hàng thương mại, làm cho NHTM trở nên khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Điểm khác biệt lớn nhất chính là hoạt động nhận tiền gửi, một hoạt động huy động vốn quan trọng tạo nên nguồn vốn chủ đạo của ngân hàng thương mại, cũng chính là đặc trưng của ngân hàng thương mại. Tiền gửi chính là nguồn vốn chủ đạo trong nguồn vốn huy động của ngân hàng, vì thế mà ngân hàng thương mại đã thực hiện nhiều biện pháp cũng như các chiến lược, kế hoạch để thu về nguồn vốn quan trọng này, làm cơ sở tiền đề cho hoạt động kinh doanh của mình. Cho nên, Nhà nước cũng thiết lập hành lang pháp lý, để điều chỉnh giao dịch nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại. Bởi vì, ngân hàng thương mại chính là một trong những chủ thể quan trọng của nền kinh tế, cung cấp nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Vì thế để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng thương mại, lợi ích của cho cá nhân, tổ chức trong xã hội – người gửi tiền vào ngân hàng thương mại, thì cần ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh là điều hết sức hợp lý và cần thiết. Chương một đã phân tích những vấn đề khái quát nhất về hoạt động huy động vốn bằng hình thức nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại, một hoạt động quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động tiếp theo của ngân hàng thương mại. Không có hoạt động này, ngân hàng thương mại sẽ không thể thực hiện các chức năng kinh doanh của mình nếu chỉ dựa vào nguồn vốn chủ sở hữu.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động nhận tiền gửi thực tiễn áp dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng việt nam (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)