Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC THI VỀ HOẠT ĐỘNG NHẬN TIỀN GỬI CỦA NGÂN HÀNG PVCOMBANK
2.4 Các hành vi vi phạm pháp luật và chế tài trong hoạt động nhận tiền gửi tại ngân hàng PVcomBank
Hiện nay số lượng các ngân hàng thương mại xuất hiện càng nhiều, ngân hàng nào cũng cố gắng đưa ra càng nhiều ưu đãi, nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng để thu hút khách hàng. Chính vì vậy có một số trường hợp ngân hàng phải “phá lệ” với khách hàng. Như ở PVcomBank, tuy pháp luật quy định khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm cần phải có mặt tại quầy giao dịch “Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền;
trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của mình. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền” (Khoản 1 điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN Quy định về tiền gửi tiết kiệm). Tuy nhiên, đối với một số khách hàng VIP (Khách hàng đặc biệt, mang lại doanh thu lớn cho ngân hàng), cán bộ phải đến tận nơi gặp mặt khách hàng, giúp khách hàng làm thủ tục tại địa điểm khách hàng yêu cầu và nhận tiền rồi mang về ngân hàng hộ khách hàng chứ không yêu cầu khách hàng phải đến có mặt trực tiếp tại quầy giao dịch.
Để giải quyết các vụ việc khách hàng hay bất kỳ chủ thể nào có hành vi vi phạm, ngân hàng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nội bộ như đóng tài khoản, kỷ luật nhân viên, cho nghỉ việc,… Nhưng đối với các vụ việc nghiêm trọng, PVcomBank có quyền khởi kiện vụ án theo quy định tại điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Ý thức được mức độ quan trọng của hoạt động nhận tiền gửi, pháp luật đã đưa ra các quy định để điều chỉnh hoạt động này. Trên cơ sở pháp luật đã quy định, hoạt động nhận tiền gửi ở PVcomBank đã được điều chỉnh cho phù hợp với đường lối, chủ trường chính sách của Nhà nước mà Ngân hàng nhà nước đề ra. Tuy thực tiễn thi hành, vẫn còn có nhiều vướng mắc bất cập bởi giao dịch nhận tiền gửi luôn biến động không ngừng. Bởi đối tượng của giao dịch là tiền tệ. Tiền tệ là một loại “hàng hóa” đặc biệt.
Các quy định được ban hành rất nhiều để điều chỉnh sao cho hoạt động này đi đúng hướng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước, góp phần giải quyết khó khăn. Ngân hàng và người gửi tiền được luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, điều kiện tham gia giao dịch nhận tiền gửi, cũng như đưa ra các hình thức pháp lý cụ thể để thực hiện hoạt động này một cách tránh rủi ro nhất. Bởi tính rủi ro của hoạt động nhận tiền gửi, cho nên các quy định đã điều chỉnh một cách rõ ràng, cụ thể để tránh trường hợp xảy ra các vi phạm ảnh hưỏng đến lợi ích của các bên. Thực tế, hoạt động nhận tiền gửi ở PVcomBank không tránh khỏi các hành vi vi phạm bởi trong khi thực hiện có nhiều sự biến đổi, xuất hiện các thành phần lợi dũng lỗ hổng cua pháp luật để luồn lách các quy định của pháp nhằm trục lợi cho mình. Để kịp thời ngăn chặn, PVcomBank đã thắt chặt hơn các quy định, cẩn trọng hơn trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ khách hàng. Và chính những vấn đề nêu trên là cơ sở để tác giả đưa đến các kiến nghị, định hướng cho pháp luật về hoạt động nhận tiền gửi và các giải pháp nâng cao khả năng thực thi pháp luật cho PVcomBank ở chương tiếp theo.