CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ MỞ RỘNG CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Cho vay khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại
1.1.2. Phân loại cho vay khách hàng cá nhân của Ngân hàng thương mại
Phân loại cho vay KHCN nhằm mục đích quản lý nợ vay một cách hiệu quả hơn. Tùy theo từng đối tượng khách hàng và nhu cầu của họ mà các NHTM chia các loại hình cho vay KHCN thành những nhóm khác nhau. Theo Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Đức Hưởng (2015), liên hệ với lĩnh vực cho vay KHCN tại NHTM thì có thể phân loại như sau:
1.1.2.1. Theo mục đích sử dụng vốn vay * Cho vay tiêu dùng:
- Mục đích vay vốn: Người đi vay sử dụng tiền vay vào việc mua sắm đồ dùng của gia đình (ví dụ như thiết bị điện tử, nhà cửa, xe cộ,...) hoặc trang trải các chi phí sinh hoạt cá nhân (ví dụ như đi du học, chữa bệnh, cưới hỏi,...) nhằm phục vụ lợi ích của cá nhân, hộ gia đình.
- Ưu điểm: Giúp cho việc tiếp cận vốn của các cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng dễ dàng hơn. Khách hàng có thể được trả vốn nhiều lần.
- Nhược điểm: Thu thập thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn.
* Cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh:
- Mục đích vay vốn: Các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh sử dụng vốn vay để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động SXKD của mình.
- Đặc điểm: Các khoản vay này thường có thời hạn cho vay ngắn và quy mô nhỏ (chủ yếu phụ thuộc vào mặt hàng kinh doanh, phương án SXKD của khách hàng); RRTD (Khả năng xảy ra rủi ro đạo đức từ việc thu thập thông tin bị sai lệch, khách hàng cố tình không trả nợ hay sử dụng vốn vay không đúng mục đích).
1.1.2.2. Theo thời hạn cho vay * Cho vay ngắn hạn:
- Khái niệm: Là khoản vay có thời hạn cho vay từ 12 tháng trở xuống.
- Ưu điểm: Sử dụng bù đắp các khoản vay ngắn hạn như chi tiêu mua sắm trong thời gian ngắn cần phải có phương án trả nợ sớm. Rủi ro của khoản vay này khá nhỏ, vì trong thời gian ngắn ít có biến động xảy ra.
- Nhược điểm: Giá trị khoản vay nhỏ nhưng số lượng khoản vay lại lớn, dẫn đến các khoản chi phí (về cả nguồn lực và con người) mà ngân hàng bỏ ra quản lý các khoản vay thường ở mức tương đối cao.
* Cho vay trung hạn:
- Khái niệm: Là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng (từ 1 – 5 năm).
- Ưu điểm: Với các khoản mua sắm tài sản lớn, khách hàng nên lựa chọn phương án vay trung hạn để có thời gian hoàn trả lại vốn vay dài. Thường là các khoản vay trung hạn như đi du học, mua sắm ô tô, xây dựng nhà cửa,…
- Nhược điểm: Rủi ro lãi suất cho các khoản vay này thường lớn vì vậy cơ chế lãi suất cho vay áp dụng cho các hợp đồng tín dụng trung hạn cần phải linh hoạt.
* Cho vay dài hạn:
- Khái niệm: Là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 60 tháng (5 năm).
- Ưu điểm: Các khách hàng thường có nhu cầu vay vốn lớn để mua sắm tài sản có giá trị như nhà cửa, đất đai…
- Nhược điểm: Rủi ro tiềm ẩn là lớn.
1.1.2.3. Theo tính chất bảo đảm/mức độ tín nhiệm của người vay
* Cho vay có bảo đảm:
- TSBĐ có thể là động sản, bất động sản, quyền đòi nợ và một số loại hình TSBĐ khác theo quy định của pháp luật. TSBĐ có thể hình thành từ chính vốn vay hoặc tài sản hiện hữu của khách hàng từ trước khi vay vốn. TSBĐ có thể coi là chiếc phao cứu sinh cuối cùng để đảm bảo tính an toàn của khoản vay do NHTM có thể tạo áp lực để buộc khách hàng phải trả nợ nếu không, trong tình huống xấu nhất, NHTM có quyền được mua lại, chuyển nhượng hoặc phát mại TSBĐ theo quy định của pháp luật để giảm thiểu tổn thất cho khoản vay khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Cho vay có bảo đảm được chia thành 02 loại chính:
+ Cho vay mà TSBĐ đã hình thành thuộc sở hữu hoặc sử dụng lâu dài của khách hàng /bên thứ ba. Có 2 loại hình thức bảo đảm: Cầm cố và Thế chấp.
+ Cho vay mà TSBĐ là tài sản hình thành từ vốn vay. Khi KHCN có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản hiện hữu để bảo đảm cho khoản vay thì khách hàng có thể sử dụng chính tài sản được hình thành từ nguồn tài trợ của NHTM làm TSBĐ (ví dụ: khách hàng vay tiền ngân hàng mua ô tô rồi sử dụng chính chiếc ô tô đó làm TSBĐ tại ngân hàng).
- Ưu điểm: Cho vay có bảo đảm (bằng tài sản) áp dụng cho các món vay có giá trị lớn, giảm thiểu được rủi ro cho ngân hàng, tăng ý thức trả nợ của khách hàng.
- Nhược điểm: KHCN không có TSBĐ khó có thể tiếp cận được khoản vay có giá trị lớn.
* Cho vay không có bảo đảm:
- Khái niệm: Là phương thức cho vay dựa trên uy tín (tín chấp) của khách hàng. Ngân hàng lựa chọn các khách hàng có uy tín và khả năng trả nợ tốt để cho vay. Khách hàng vay vốn cũng cần đảm bảo các điều kiện của Ngân hàng trên cơ sở tín chấp lương, chủ yếu được áp dụng đối với khách hàng có thu nhập ổn định, thu nhập ngoài việc trang trải các chi tiêu thường xuyên còn có một phần tích luỹ để trả nợ vay (công chức, viên chức trong biên chế nhà nước, nhân viên có hợp đồng lao động dài hạn,…).
- Ưu điểm: Phương thức vay vốn này phù hợp với đối tượng khách hàng có nhu cầu vốn thấp và không thường xuyên, hoặc không có TSBĐ.
- Nhược điểm: Cho vay không có bảo đảm tiềm ẩn rủi ro tín dụng rất lớn cho NHTM. Vì bất kỳ lý do nào mà khách hàng không trả nợ, NHTM cũng sẽ mất vốn và vì thế, các NHTM luôn cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định cho vay không có bảo đảm.
1.1.2.4. Theo hình thức hình thành khoản vay
Dựa theo hình thức hình thành khoản vay, có hai hình thức là cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp.
- Cho vay trực tiếp: Đây là hình thức cho vay chủ yếu của các Ngân hàng hiện nay. Khi khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại Ngân hàng và xin vay vốn, Ngân hàng sẽ thẩm định, nếu thống nhất cho vay ngân hàng sẽ chuyển giao tiền cho khách hàng sử dụng trên cơ sở những điều kiện mà hai bên thoả thuận. Khi khách hàng có tài sản bảo đảm, có uy tín cao thì họ thường vay trực tiếp Ngân hàng.
- Cho vay gián tiếp: Đây là hình thức cho vay qua các tổ chức trung gian.
Ngân hàng cho vay qua các hội, nhóm, tổ, đội như: hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... Các tổ chức này liên kết các thành viên theo một mục đích hỗ trợ lẫn nhau, bảo vệ quyền lợi cho mỗi thành viên. Do đó vấn đề phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo luôn được các trung gian rất quan tâm.
Cho vay gián tiếp không thực sự phổ biến, thường đáp dụng đối với khu vực có nhiều món vay nhỏ, người vay phân tán, cách xa Ngân hàng, cần những trung gian đứng ra. Trong trường hợp như vậy cho vay trung gian có thể tiết kiệm chi phí cho vay (phân tích, giám sát, thu nợ ...), tuy nhiên hình thức này cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Nhiều trung gian đã lợi dụng vai trò của mình và nếu Ngân hàng không kiểm soát tốt sẽ bị trục lợi, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cho vay cũng như gây thất thoát cho Ngân hàng.