6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
3.1. NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
3.1.1. Những giá trị trong tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử
Trong triết học Trung Quốc cổ đại nói chung và trong học thuyết Nho gia nói riêng, nếu bỏ qua những hạn chế bởi điều kiện lịch sử, lập trường giai cấp và trình độ nhận thức, thì tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử với đường lối
nhân chính của ông vẫn có những giá trị lịch sử nhất định mang tính nhân loại phoồ bieỏn.
Điểm tích cực đầu tiên của tư tưởng ấy là tinh thần đề cao và coi trọng con người của Mạnh Tử. Xuất phát từ đó, ông mở rộng đạo đức đến chính trị, xây dựng nên đường lối chính trị nhân nghĩa với nội dung quan tâm sâu sắc tới cuộc sống con người, đã từng có vai trò tích cực trong lịch sử.
Như trong chương 1 của luận án đã phân tích, Mạnh Tử là người rất coi trọng nghĩa, nên ông nhấn mạnh vấn đề xã hội hóa nhân và gắn chặt nhân với nghĩa thành phạm trù nhân nghĩa. Việc ông nhấn mạnh vai trò của nhân nghĩa trong đời sống xã hội và chủ trương dùng nhân nghĩa trong chính trị là xuất phát từ sự đề cao và coi trọng con người của ông. Chính vì thế, có nhiều luận điểm trong đường lối nhân chính, chúng ta không thể giải thích được nếu chỉ xuất phát từ cơ sở xã hội Trung Quốc đương thời và xu thế vận động của nó, hay từ sự tiếp nối tư tưởng đức trị của Khổng Tử, mà không xuất phát từ sự sáng suốt, thiện tâm, thiện ý của Mạnh Tử. Mặc dù tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử là tiếp tục truyền thống đề cao con người và phẩm chất làm người cao quý từ thời cổ đại Trung Quốc đến thời điểm hiện tại, nhưng có thể nói, khi đề xuất đường lối nhân chính trong đạo trị nước, Mạnh Tử còn thể hiện khát vọng của riêng ông về sự hiện hữu của một xã hội mà nhân đức thấm sâu, lan tỏa tới tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; ở đó, nhân nghĩa chứ không phải pháp luật sẽ điều chỉnh hành vi của mỗi người trong cuộc sống.
Chính vì lý tưởng thiên hạ thái bình và phổ biến đức nhân nghĩa trong đời sống xã hội nên cả cuộc đời Mạnh Tử đã tập trung mọi chí hướng và hoạt động thực hiện lý tưởng đó. Tấm lòng nhân ái, thương dân của ông không chỉ thể hiện trong lời nói mà còn trong cả việc làm. Chúng ta có thể phê phán Mạnh Tử ở lập trường giai cấp hay ở tính cách ôn hòa khi ông không phẫn nộ phản kháng thế lực
thống trị đương thời mà chỉ dùng ý chí, nhân cách cá nhân theo pháp tiên vương đề xuất nhân chính. Thế nhưng, chính điều đó lại làm nên phong cách riêng và tính đặc sắc trong tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử bởi tinh thần nhân văn của tư tưởng này. Tinh thần nhân văn ấy không chỉ tỏa sáng trong xã hội đương thời mà còn trong các xã hội tiếp nối. Nó thể hiện ở chỗ Mạnh Tử chủ trương mọi hoạt động chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội phải luôn chú trọng việc dạy người, sửa trị người, lấy con người làm gốc. Với ông, nguồn gốc của mọi hành vi chính trị là tình yêu thương nên bộ máy cầm quyền lý tưởng là bao gồm những con người có nhân, còn nền chính trị lý tưởng là nền chính trị yêu người. Khi phát huy nền chính trị ấy ắt thế giới sẽ đại đồng, con người trở nên thành thật, từ bỏ dối trá… Như vậy, Mạnh Tử đã làm cho đạo đức con người trở thành trọng tâm của nghiên cứu triết học và cơ sở, nguồn gốc của các thái độ chính trị. Chính ông đã đặt đạo đức con người trên bình diện chính trị - xã hội và có những khám phá ban đầu về vấn đề này. Mặc dù đường lối nhân chính của ông không giải quyết được những bức xúc của lịch sử Trung Quốc đương thời trong thời điểm xã hội loạn lạc cần có một bước chuyển mang tính cách mạng, nhưng khi xã hội đi vào giai đoạn ổn định, nó dễ thu phục nhân tâm. Thực tế, lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng minh rằng những thời đại thịnh trị thường là những thời đại học thuyết Khổng - Mạnh được coi trọng và hưng thịnh.
Cũng như đa số các nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân thu - Chiến quốc, Mạnh Tử xuất phát từ nhận thức về tâm tính để nhìn nhận bản chất con người, trên cơ sở đó đề xuất phương pháp trị nước. Tuy nhiên, góc nhìn để quan sát tâm tính, tình cảm và đạo đức con người của ông hoàn toàn mang tính riêng biệt so với các nhà tư tưởng nói chung và các nhà Nho nói riêng. Mạnh Tử không nhìn vào những điều con người cần gạt bỏ như Tuân Tử mà chỉ nhìn vào những điều con người cần phải bồi dưỡng, phát triển không phải vì ông không nhận ra những
điều đó, mà vì ông có lòng tin mãnh liệt vào sự hiện hữu của tính thiện nơi đức tính mỗi cá nhân và trong đời sống xã hội. Khẳng định tính người vốn thiện Mạnh Tử muốn gửi tới mọi người thông điệp: tính người đã là thiện thì con người trong xã hội không thể không mang tính thiện. Do đó, khi con người đánh mất tính thiện bẩm sinh, xã hội tất yếu sẽ rơi vào tình trạng loạn lạc, mất ổn định. Vì vậy, để có một xã hội ổn định và phát triển, mỗi người phải biết giữ gìn tính thiện, còn nhà cầm quyền phải quan tâm giáo dục tính thiện cho mọi người, nghĩa là phải giáo dục đức nhân nghĩa cho họ.
Mặc dù thuyết tính thiện của Mạnh Tử không thật sự mang tính thiết thực trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội Trung Quốc đương thời, nhưng tư tưởng ấy đã đánh một dấu son trong quan niệm về tâm tính, vì nó gây nên được sự thiện cảm giữa người với người trong cuộc sống và trở thành một trong những cơ sở lý luận cho các hành vi thiện của con người trong xã hội. Ở góc độ chính trị, có thể nói khi Mạnh Tử khẳng định con người mới sinh ra đều mang tính thiện là ông đã gián tiếp thừa nhận con người mới sinh ra đều bình đẳng, và chính tạo hóa mang lại cho họ sự bình đẳng, mặc dù sự bình đẳng ấy mới dừng lại ở phương diện đạo đức.
Lịch sử xã hội loài người chứng minh sự phát triển của xã hội đến một giai đoạn nhất định đã dẫn tới sự phân công lao động xã hội và lao động trí óc tách khỏi lao động chân tay trong sự ràng buộc, quy định nhau. Do đó, khi một nhà tư tưởng phân biệt trong xã hội có người lao tâm và có kẻ lao lực tức là họ đã nói lên một sự thực hiển nhiên chứ không hoàn toàn có nghĩa là họ đề cao lao động trí óc và hạ thấp lao động chân tay. Việc Mạnh Tử thừa nhận trong xã hội có người lao tâm và có kẻ lao lực cũng theo khuynh hướng ấy, có nghĩa là ông không khinh hạng bình dân vì “dân vi quý”. Ông có cơ sở khi nghiêng về luận điểm: con người vốn không bình đẳng về trí tuệ, tài năng nên sẽ không thể có sự
bình đẳng giữa người với người trên thang bậc xã hội. Nhưng điều đáng lưu ý là, với ông, sự bất bình đẳng giữa người với người chỉ dừng lại ở địa vị và nghĩa vụ xã hội mà không chuyển thành sự bất bình đẳng về quyền lợi. Trong suy nghĩ của ông, sự khác nhau về thang bậc của mỗi người trong xã hội chỉ là sự phân công lao động xã hội thuần túy. Sự phân công lao động xã hội ấy chỉ quy định sự khác biệt giữa người với người về mặt nghĩa vụ chứ không làm nên sự khác biệt về quyền lợi. Với thái độ trọng nghĩa khinh lợi, Mạnh Tử không chấp nhận đặc quyền, đặc lợi cho bất kỳ ai dù đó là vua chúa hay tập đoàn vua chúa. Đó cũng là sự khác biệt, thậm chí là đối lập trong quan niệm về bình đẳng giữa ông với nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon (427-347 TCN).
Nghiên cứu tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử, chúng ta thấy ông phủ nhận pháp trị không phải vì ông không nhìn thấy vai trò của pháp luật. Trong suy nghĩ của ông, pháp luật vẫn thể hiện sức mạnh và hiệu quả đối với việc đưa con người ta vào khuôn phép, thế nhưng pháp luật lại khống chế, điều chỉnh hành vi con người bằng hình phạt nên quá đề cao pháp luật là hạ thấp yếu tố tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi của mỗi người. Điều đó có nghĩa trị nước bằng pháp luật không phù hợp với bản tính thiện của con người và ngược với triết lý “tu thân, sửa mình” theo nguyên tắc “phản tỉnh nội tâm” mà ông đặc biệt coi trọng. Như vậy, hạ thấp vai trò của pháp luật chỉ là cái cách để Mạnh Tử đề cao nhân nghĩa trong công việc trị nước của nhà cầm quyền. Mặc dù tư tưởng chính trị - xã hội của ông không thể trở thành vũ khí luận để giai cấp địa chủ mới lên ở Trung Quốc thời Chiến quốc kết thúc cục diện phân tranh, thống nhất quốc gia về một mối nhưng đường lối chính trị nhân nghĩa của Mạnh Tử cho thấy ông đã có những cố gắng to lớn, bền bỉ và cống hiến tích cực trong việc khuyên bảo nhà cầm quyền phải có tình thương yêu đồng loại. Bất chấp những giá trị chuẩn mực đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí… có phần mơ hồ bởi tính tiên nghiệm và sự chi phối của
điều kiện lịch sử, lập trường giai cấp nhưng nó đã biểu thị rõ tinh thần và ý chí tiến bộ của Mạnh Tử luôn luôn mong muốn làm cho con người tránh được, bớt được đau khổ. Phản đối bạo lực, căm ghét sự áp bức và cường quyền trong xã hội, Mạnh Tử đã đặt giáo dục đạo đức và cảm hóa lòng người lên trên hình phạt.
Điều đó cho thấy trong tư tưởng của ông, triết lý về sự tu thân, sửa mình và giáo dục đạo đức không có ranh giới với tư tưởng trị quốc bình thiên hạ. Với ông, đạo đức đã hóa thân vào chính trị nên tư tưởng nhân văn đã được nâng lên một tầm cao mới thành lý luận chính trị - đạo đức.
Điểm tích cực thứ hai đáng lưu ý trong tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử là tư tưởng dân bản – tư tưởng lấy dân làm gốc nước. Tư tưởng ấy không chỉ phản ánh nhu cầu khách quan về sự phát triển sức sản xuất, phát triển kinh tế của xã hội Trung Quốc đương thời, mà còn phản ánh nhu cầu của lịch sử cần phải nâng cao và cải thiện địa vị xã hội của người lao động trong thời kỳ xã hội đang có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ. Ở giai đoạn giao thời ấy, Mạnh Tử đã nhận thấy địa vị của các vua chư hầu không có gì là chắc chắn và được bảo đảm lâu dài. Nếu ông vua nào được dân ủng hộ thì tồn tại lâu, còn ông vua nào bị dân phản đối sẽ nhanh chóng bị lật đổ nên ông khuyến cáo kẻ làm vua phải biết thu phục nhân tâm, tôn trọng dân. Với nhãn quan của một nhà tư tưởng có đầu óc chính trị sáng suốt, Mạnh Tử đã chỉ cho các vua chư hầu thấy quần chúng nhân dân là những người quyết định sự hưng thịnh hoặc suy vong của một chế độ xã hội, còn vua chỉ là một người, và cả triều đình cùng bộ máy quan lại cũng chỉ là một nhóm người ít ỏi so với lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo, giống như những con thuyền trên biển.
Tầm quan trọng của sức dân đối với sự tồn vong của một chế độ xã hội là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, thời đại Mạnh Tử không phải ông vua nào cũng nhận ra sự thật hiển nhiên ấy. Có một thực tế là những kẻ nắm được triều
chính đương thời ra sức vơ vét của cải của dân để có cuộc sống xa hoa, lãng phí.
Những kẻ đó không thấy được sự nguy hại hoặc chỉ vì lợi ích trước mắt mà cố tình không muốn nhận thấy những sự nguy hại sẽ xảy ra. Chính vì lẽ đó, một số nhà tư tưởng Trung Quốc đương thời, trong đó có Mạnh Tử thấy cần thiết phải nhắc nhở sự trọng dân cho những kẻ cai trị. Đến giữa thế kỷ XIX, trong triết học xã hội mácxít, một lần nữa các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác lại luận chứng về vai trò của quần chúng nhân dân trên cơ sở phân tích thực tiễn lịch sử bằng tư duy khoa học. Có thể nói, quan điểm: Được lòng dân sẽ được tất cả, còn mất lòng dân sẽ mất tất cả của Mạnh Tử là một chân lý. Hơn thế, nó giống như một tiên đề xã hội nên cần thiết cho bất cứ nhà cầm quyền nào, ở quốc gia dân tộc nào và trong bất kỳ thời đại nào.
Giá trị tư tưởng dân bản của Mạnh Tử còn thể hiện ở câu trả lời cho câu hỏi:
Làm thế nào để được lòng dân? Khi trả lời câu hỏi ấy Mạnh Tử đã quan tâm đến lợi ích vật chất - một trong những động lực chi phối hành vi của con người, nên ông đòi hỏi nhà cầm quyền phải biết dưỡng dân và giáo hóa dân. Theo ông, dưỡng dân là giữ gìn sinh mệnh cho dân, biết lo cho đời sống của dân và không được lạm dụng sức dân. Còn giáo hóa dân là dạy dân về tri thức, đạo lý, phong tục và võ nghệ cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Xuất phát từ đó, Mạnh Tử đưa ra một loạt các giải pháp cụ thể vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài. Những giải pháp đó, một mặt nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, nhưng mặt khác lại xuất phát từ tâm, từ lòng trắc ẩn của ông trước những đau khổ của nhân dân Trung Quốc đương thời, nên nó đã phản ánh được khát vọng của quần chúng nhân dân về những lợi ích và nhu cầu chính đáng xuất phát từ phần bản năng mang tính bền vững của con người.
Tư tưởng dưỡng dân của Mạnh Tử thể hiện một tầm nhìn mang tính chiến lược vì ông không dừng lại ở việc gia huệ và ban phát cho dân. Thời Xuân Thu,
Khổng Tử là người đưa ra chủ trương “bố thí rộng rãi” (bác thí) để cứu giúp nhiều người (tế chúng). Thế nhưng trong suy nghĩ của Khổng Tử, việc đó là việc của
“Thánh nhân”, người bình thường khó mà đạt được.
Vượt xa Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng gia huệ cho dân không phải là giải pháp lâu dài, vì về thực chất việc làm đó chỉ là lấy của dân cấp cho dân. Dưỡng dân là nhà cầm quyền phải làm cho dân hằng sản, nghĩa là có nhà cửa, ruộng vườn… Tư tưởng ấy của ông nói lên trách nhiệm của nhà cầm quyền với dân, là tư tưởng của một người có tầm nhìn xa, trông rộng trong công việc. Tư tưởng này có tính chất nguyên lý cho các triều đại vua chúa nào muốn tranh thủ được sức dân và muốn giữ được lòng tin với dân.
Thực chất của luận điểm “hữu hằng sản giả hữu hằng tâm” hàm ý điều kiện, hoàn cảnh sống có tác động to lớn đến tâm tư, tình cảm của con người. Nó chỉ ra rằng đời sống kinh tế quyết định đời sống tinh thần và xét tới cùng lợi ích vật chất là cái kênh nhạy cảm nhất, là nơi gặp gỡ nhau của các quan điểm xã hội. Tư tưởng ấy đã góp phần làm sâu sắc hơn học thuyết về tâm tính của Mạnh Tử, vì theo đó ta hiểu con người mới sinh ra tính vốn thiện nhưng tính thiện lại không bất biến. Điều kiện sống có thể bồi dưỡng tính thiện ở mỗi người làm cho nó nhân rộng, tỏa sáng nhưng cũng có thể làm cho nó không còn sức sống, và khi ấy người ta đã đánh mất tâm tính bẩm thụ từ tạo hóa lúc sơ sinh.
Mạnh Tử không muốn mình là kẻ tư biện, và thực tế đã cho thấy ông không phải là người tư biện viển vông tách rời cuộc sống. Chính vì hiểu được lợi ích là động lực chi phối mọi hành vi con người, nghĩa là hiểu được một trong những cội nguồn của tình trạng xã hội loạn lạc, lòng dân không yên ở Trung Quốc đương thời mà ông luôn khuyến cáo nhà cầm quyền phải biết chăm lo đời sống kinh tế cho dân. Việc ông đòi hỏi các đường lối, chính sách của nhà cầm quyền phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, bảo đảm lợi ích cho dân, chứng tỏ ông rất coi