6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
3.1. NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
3.1.2. Những hạn chế cơ bản trong tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử
Nếu điểm cốt lõi mang tính đặc sắc trong tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử là thuyết nhân chính, thì hạn chế đầu tiên và xuyên suốt của tư tưởng ấy cũng bắt đầu từ thuyết này. Nhân chính là dùng đạo đức nhân nghĩa trong
chính trị, nhưng đó là thứ đạo đức tiên nghiệm, chứ không phải những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội. Theo Mạnh Tử, vũ trụ bên ngoài thuần túy là vũ trụ tâm linh. Những nguyên tắc đạo đức của con người đồng thời cũng là những nguyên tắc siêu hình của vũ trụ và bản tính con người chỉ là sự thể hiện đặc biệt những nguyên tắc ấy.
Lòng thương xót là đầu mối của đức nhân “mọi người đều có” - điều đó có nghĩa nó mang tính bản năng và phổ biến. Mạnh Tử nói “mọi người đều có lòng chẳng nỡ” nên cố nhiên các ông vua trị vì thiên hạ cũng có lòng “chẳng nỡ”.
Chính vì vậy mới có chính trị “chẳng nỡ” đối với mọi người. Đức nhân chỉ là sự phát triển của lòng thương xót, lòng thương xót chỉ phát triển được khi thi hành nhân ái nên thương người và làm những việc thương người là để đức nhân trở nên phổ biến. Vương đạo không có gì khác hơn là sự thi hành nhân của vua chúa.
Điều đó cho thấy Mạnh Tử lấy đức nhân làm điểm xuất phát để nới lòng mình lan tới người trong đạo trị nước. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội đầy những biến cố phức tạp, đức nhân nghĩa ông đưa ra sẽ gặp rất nhiều lực cản, làm cho nó không thể hiện một cách suôn sẻ và khó trở thành phổ biến. Khi chuẩn mực đạo đức ấy không thể đi vào cuộc sống, không giải quyết được mối quan hệ giữa nó với những hành động bất thiện của con người thì việc thực hiện nhân chính chỉ là sự thể hiện mờ nhạt.
Như vậy, Mạnh Tử đã đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của đạo đức, nên ông không tính đến những rào cản trong việc thi hành nhân chính. Tư tưởng nhân nghĩa nói riêng và tư tưởng đạo đức của ông nói chung xuất phát từ tính tự giác của con người. Khi dùng nó để điều chỉnh hành vi cá nhân, ông đã không nhìn thẳng vào mâu thuẫn giữa lý trí, đạo đức với hiện thực cuộc sống, nên đã không giải quyết được mâu thuẫn ấy. Do đó, sự hy vọng cảm hóa nhân tâm trong đường lối chính trị của ông không tránh khỏi sự mơ hồ, khó thuyết phục đối với những ai
đã dày dạn trong trường đời. Điều này cắt nghĩa tại sao các vua chư hầu đã không sử dụng tư tưởng nhân chính của ông trong công việc trị nước của họ.
Trước sự xung đột giữa lẽ phải và dục vọng, Mạnh Tử cũng chỉ biết đề cao nhân nghĩa để xoa dịu tình hình mà không thực sự giải quyết mâu thuẫn đó. Dùng nhân nghĩa trong chính trị là để mong con người hướng thiện, nhưng con người có hướng thiện được hay không, không chỉ phụ thuộc vào nhân nghĩa của kẻ cai trị mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sinh lý, hoàn cảnh khách quan, điều kiện sống… Mạnh Tử đã không nhận ra điều đó nên ông không biết sử dụng và kết hợp các yếu tố ấy để giảm bớt những sai trái trong hành vi con người. Chính vì thế, mặc dù đã rất cố gắng “hành đạo” nhưng Mạnh Tử và các nhà Nho chủ trương đức trị trong xã hội Trung Quốc đương thời vẫn không thể cứu vãn được tình trạng “đời suy, đạo hỏng”. Cuối cùng, sự bế tắc trên con đường chính trị và sự thất bại trong sự nghiệp “cứu đời, cứu người” đã được ông giải thích bằng
“mệnh trời” như Khổng Tử.
Mạnh Tử là một nhà triết học duy tâm. Trên nền tảng tư tưởng “Thiên mệnh”
của Khổng Tử và một số nhà Nho như Tử Tư, Tăng Sâm… ông đã dựng lên một hệ thống triết học duy tâm chủ nghĩa của các nhà Nho và phát triển thế giới quan duy tâm trong triết học Khổng Tử lên đến đỉnh cao. Trong tư tưởng của Mạnh Tử, trời là đấng tối cao chi phối vạn vật và xét tới cùng mọi sự biến đổi của đời sống xã hội, sự thay thế nhau của các vương triều cũng như quyền hành, chức tước của mỗi cá nhân đều do “Thiên mệnh” chi phối. Ông nói: “Dĩ đại sự tiểu giả, lạc thiên giả dã. Dĩ tiểu sự đại giả, úy Thiên giả dã. Lạc Thiên giả bảo thiên hạ. Ứng Thiên giả bảo kỳ quốc: Tự mình là vua nước lớn mạnh mà giúp vua các nước nhỏ yếu, đó là mình vui thuận Mạng Trời. Tự mình là vua nước nhỏ yếu mà thờ phụng vua nước lớn mạnh, đó là mình kính sợ Mạng Trời. Bậc Thiên tử vui thuận Mạng Trời thì có thể bảo tồn cuộc cai trị thiên hạ một cách bền vững. Bậc quốc
trưởng kính sợ Mạng Trời thì đủ sức gìn giữ nước nhà mình một cách miên trường.” [75,46-47]. Theo ông: “Mạc chi vi nhi vi giả, Thiên dã; mạc chi trí nhi trí giả, Mạng dã: Phàm việc gì mình không cố ý làm mà tự nhiên mình làm, đó là ý Trời; mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là Mạng Trời vậy” [76,96-97].
Vậy nên: “Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự Thiên dã. Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập Mạng dã: Mình bảo tồn lòng dạ mình, lương tâm mình, mình tưởng dưỡng bản tính mình là để thờ Trời vậy. Dẫu mình có chết yểu hay sống dai; hai việc ấy mình vẫn coi như nhau; mình cứ bền chí mà tu tập lấy mình, bình tĩnh đối với giờ phút cuối cùng của mình; đó là cách mình lập vững cái Mạng do Trời ban cho mình vậy”. [76,216-217].
Rõ ràng, đạo đức nhân nghĩa là do trời phú, và suy cho cùng mọi suy nghĩ, hành vi, địa vị… của mỗi người là do trời quy định. Trời quy định tất cả, vậy sự lu mờ của kỷ cương phép nước, sự đảo lộn của luân thường đạo lý… thời đại Mạnh Tử lẽ nào lại không do trời quy định? Từ đó cho thấy, việc quá đề cao mệnh trời lại làm giảm đi vai trò của nhân nghĩa, làm cho đạo đức nhân nghĩa bị bao bọc bởi cái vỏ duy tâm thần bí nên khó có thể phát huy tác dụng mà chỉ thể hiện ra một cách yếu ớt.
Mặt khác, chúng ta đều biết con người là động vật có tình cảm và trong đời sống con người, tình cảm chi phối mọi hành vi. Thế nhưng chúng ta cũng biết con người là động vật có lý trí, và nhờ có lý trí mà con người có thể hiểu biết về tình cảm cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến tình cảm. Chính vì vậy, hiểu biết về tình cảm và khống chế nó không còn là việc riêng của đạo đức mà còn là việc của tri thức khoa học, nên đối với nhà cầm quyền, việc dùng tri thức khoa học để hướng dẫn tình cảm của quần chúng nhân dân là rất cần thiết. Tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử không dùng khoa học mà chỉ dùng sức mạnh đạo đức để hướng dẫn tình cảm của quần chúng nhân dân, vì vậy, dù có nêu cao tinh thần
đạo đức, góp phần kiềm chế những hành vi không theo lẽ phải, song nhìn chung rất hạn chế, nếu không muốn nói là nông cạn.
Xuất phát từ nhân nghĩa, Mạnh Tử chủ trương: khi thiên hạ có đạo thì đem đạo theo thân mà ra làm quan, khi thiên hạ vô đạo thì đem thân theo đạo về ở ẩn.
Ông nói: “Trong khi thiên hạ có Đạo, người quân tử nên ra làm quan, đem Đạo lý mà thi hành cho đến lúc lìa bỏ thân xác mới thôi. Trong khi thiên hạ vô Đạo, người quân tử nên ẩn dật, đem thân mai một với Đạo lý” [76,251]. Xuất phát từ đó ông khảng khái: Thà ở bậc dưới là dân, không chịu đem mình là người hiền mà thờ ông vua vô đạo.
Những luận điểm trên đây một mặt dạy khí tiết cho kẻ làm quan phải có tấm lòng cương trực, biết coi trọng nhân nghĩa. Mặt khác lại tương ứng với đạo đức tiêu cực, làm giảm tinh thần đấu tranh của con người trước cái ác và cường quyền trong xã hội. Nó gieo vào lòng người ta một tinh thần cam chịu. Sự cam chịu đó chẳng những không tạo điều kiện cho nhân nghĩa được thực hiện mà trái lại chỉ tạo điều kiện cho những kẻ “bất nhân” gây thêm tội ác. Tư tưởng an phận “khi cùng thì tự giữ lấy thân” của Mạnh Tử mâu thuẫn trực tiếp với tư tưởng nhân nghĩa của ông, bởi lẽ nó chẳng những không khuyến khích con người đấu tranh làm việc nghĩa, đòi hỏi nhân quyền, mà còn khuyên người ta né tránh đấu tranh, là tư tưởng tiêu cực đáng phê phán.
Mặc dù Mạnh Tử từng khuyến cáo kẻ cai trị phải biết lo cho đời sống vật chất của dân để họ “hằng tâm”, nhưng vì quá đề cao đạo đức nên ông đã phản đối sự giàu mạnh. Ông nói: “Kim chi sự quân giả, viết: “Ngã năng vị quân tịch thổ địa, sung phủ khố.”. Kim chi sở vị lương thần; cổ chi sở vị dân tặc dã. Quân bất hướng đạo, bất chí ư nhân, nhi cầu phú chi, thị phú Kiệt dã.
“Ngã năng vị quân ước dữ quốc, chiến tất khắc”. Kim chi sở vị lương thần; cổ chi sở vị dân tặc dã. Quân bất hướng đạo, bất cứ ư nhân, nhi cầu vị chi cường chiến, thị phụ Kiệt dã:
Những người thờ vua đời nay đều nói rằng: “Tôi có thể giúp vua mà mở mang ruộng đất, và làm cho kho tàng của vua được đầy đủ”. Đời nay, người ta khen những viên quan ấy là lương thần, tức bề tôi lương thiện; đời xưa người ta chê họ là dân tặc, tức bọn tặc hại lê dân. Nếu vua không quy hướng theo đạo đức mà mình tìm cách làm giàu cho vua, đó là mình làm giàu cho một người Kiệt vậy.
Lại có những người khác nói rằng: “Tôi có thể giúp vua mà liên minh với những nước mạnh, nhờ vậy nếu xảy ra chiến tranh, nhất định là mình sẽ thắng”.
Đời nay người ta khen những viên quan ấy là lương thần; đời xưa, người ta chê họ là dân tặc. Nếu vua quy hướng theo đạo đức, chẳng lập chí làm nhân, mà mình tìm cách làm cho vua được cường thịnh về chiến tranh, đó là mình làm phò tá cho một người Kiệt vậy.” [76,202-205].
Sự đề cao đức trị như vậy là thái quá. Đối lập nhân đức với giàu có một cách không hợp lý, Mạnh Tử không thấy rằng chỉ khi giàu lên, người ta mới có điều kiện thực hiện được nhiều điều nhân đức. Hơn nữa, đạo đức của kẻ cai trị và sự giàu mạnh của một quốc gia là hai vấn đề khác nhau. Lẽ ra kẻ làm quan phải đấu tranh trực diện với cái xấu trong xã hội thì Mạnh Tử lại muốn họ ngăn cản cái xấu bằng cách không làm cho quốc gia giàu mạnh. Phương pháp đấu tranh như vậy là lệch hướng và mang tính tiêu cực.
Do lập trường giai cấp và ảnh hưởng của quan điểm “nông bản, thương mạt”
trong xã hội Trung Quốc đương thời, Mạnh Tử coi thường thương nhân và tách biệt người lao tâm với kẻ lao lực. Theo ông, những người đàn ông ti tiện thì hay đầu cơ. Mọi người thấy nó kiếm lợi đều cho là ti tiện và công kích nó. Việc buôn bán là việc của kẻ ti tiện. Mạnh Tử coi thường thương nhân vì ông cho rằng họ
đuổi theo lợi mà quên mất nhân nghĩa. Quan điểm ấy của ông là quan điểm siêu hình vì xét tới cùng thì thi hành nhân để mang lại lợi ích với mưu cầu lợi ích để thực hiện nhân không khác nhau về bản chất.
Như đã trình bày, việc Mạnh Tử tách biệt người lao tâm với kẻ lao lực không có nghĩa là ông đề cao lao động trí óc và hạ thấp lao động chân tay vì “dân vi quý”, nhưng đó là sự tách biệt siêu hình. Ông chưa nhận thấy mối quan hệ giữa lao tâm với lao lực là quan hệ giữa lý luận và ứng dụng. Sự tách biệt ấy cũng chứng tỏ ông chưa thoát khỏi lập trường giai cấp. Mặc dù trái tim ông thuộc về nhân dân lao động nhưng lý trí của ông lại thuộc về giai cấp thống trị. Sự coi trọng nhân nghĩa của ông mang phong cách quý tộc, và xét tới cùng là để tu thân sửa mình thành “Thánh nhân”. Cái áo nhân nghĩa mà ông muốn khoác lên người những kẻ cai trị là muốn cho họ tự nhắc nhở mình, đồng thời làm gương cho kẻ khác, để thu phục nhân tâm và đưa họ tới địa vị, bổng lộc.
Mạnh Tử là người có tư tưởng dân bản. Tư tưởng ấy thể hiện ở việc ông coi trọng ý dân, ủng hộ cách mạng, hay trong quan hệ vua tôi, và luận điểm “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Tuy nhiên, tư tưởng dân bản tự nó chưa nảy mầm thành dân chủ trong thời đại mà quyền lực chỉ có ở ngôi vua. Hơn nữa, tinh thần cách mạng của ông bị chi phối bởi lập trường của giai cấp thống trị nên mơ hồ, không triệt để. Điều này cắt nghĩa tại sao khi Tề Tuyên vương hỏi ông về quan hệ vua tôi, ông chỉ nói tới quan lật đổ vua mà hoàn toàn không nhắc tới dân.
Từ đó cho thấy, Mạnh Tử không coi quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng. Trong suy nghĩ của ông, dân chỉ là lực lượng đáng thương và đáng được cứu vớt nhưng không thể tự cứu mình. Việc thay đổi ngôi vua là thuộc quyền của quan, nhân dân hoàn toàn không có quyền ấy. Cứu dân chỉ là trách nhiệm thuần túy của kẻ cai trị nên nhân đức của họ là điều kiện duy nhất bảo đảm cho đời
sống của dân. Chính sự ràng buộc siêu hình ấy đã thủ tiêu vai trò của pháp luật, hoặc nếu có cũng chỉ là thứ pháp luật dành riêng cho những kẻ bị cai trị.
Mệnh đề “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử cũng không giống như tư tưởng dân chủ mà các nhà khai sáng Pháp chủ trương. Mệnh đề đó được ông đặt trên nền tảng của thuyết tính thiện. Mọi người đều có khả năng hướng thiện nên ai cũng có thể trở thành Nghiêu, Thuấn. Vì thế, số đông những người không có khả năng hướng thiện chỉ là tiểu nhân. Tính thiện lại do trời phú. Cho nên tư tưởng bình đẳng của ông về thực chất là bình đẳng trước trời.
Những ai không tin ở trời thì không có bình đẳng. Tinh thần bình đẳng ấy khác xa với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong thời đại hiện nay.
Về tổ chức cuộc sống, tổ chức nhà nước và xã hội, Mạnh Tử là người chủ trương: “Thiên hạ chi bản tại quốc; quốc chi bản tại gia; gia chi bản tại thân: Căn bản của thiên hạ là đất nước; căn bản của đất nước là gia tộc, nhà cửa; và căn bản của gia tộc, nhà cửa là thân thế của mình.” [76,12-13]. Luận điểm này một mặt nói lên truyền thống phương Đông luôn coi trọng gia đình và thân thế. Mạnh Tử khẳng định điều đó tức là ông đề cao cái bản ngã và nhấn mạnh vai trò của cá nhân trong gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân cần phải có công danh, sự nghiệp để ổn định gia đình, phát triển đất nước. Nhưng mặt khác, luận điểm ấy còn cho thấy ụng quan niệm nhaứ quyết định nước và thiờn hạ nờn kẻ cai trị muốn sự nghiệp bền vững phải dựa vào thế lực của một gia tộc, phải cố gắng sao cho được lòng những gia tộc lớn (cự thất). Mà đã được lòng những gia tộc lớn thì không thể được lòng dân, bởi lẽ các tôn thất, cự thất, đại gia, đại tộc trong xã hội Trung Quốc đương thời chính là những thế lực có thể áp đặt quyền lực với dân. Như vậy,
tư tưởng đề cao nhà của Mạnh Tử mâu thuẫn với tư tưởng nhân nghĩa và trở thành một trong những lực cản trong việc thực hiện đường lối nhân chính của ông.