Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CỦA ĐẢNG BỘ
2.2. Chủ trương của Đảng bộ Thái Nguyên về giáo dục - đào tạo
Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tái lập tỉnh trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao; đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII và Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khoá VIII cũng đạt được những kết quả bước đầu. Đó cũng là những điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ chính trị của mình, trong đó có sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sau khi chia tách, Thái Nguyên cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ như: Thái Nguyên là một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển; mặt bằng dân trí tuy cao hơn so với một số tỉnh miền núi nhưng phân bố không đều; một bộ phận cán bộ, đảng viên và phần lớn nông dân ở các vùng nông thôn, miền núi dù đã trải qua 10 năm đổi mới nhưng vẫn còn mang nặng nếp nghĩ, cách làm thời bao cấp... Hệ thống các trường trung đại học trước đây chưa chủ động xây dựng các đề án, các chương trình để gắn học với hành, giảng dạy với nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là những trở ngại cho sự phát triển giáo dục - đào tạo ở tỉnh Thái Nguyên.
Vấn đề đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên là phải tìm ra được chính sách và biện pháp thiết thực, có hiệu quả, có tính khả thi để khai thác được những lợi thế, phát huy được nguồn lực con người trong điều kiện kinh tế còn nghèo, thiếu vốn, lại phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề về ổn định đời sống xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở sau khi tỉnh mới thành lập. Về mặt chiến lược, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải phân tích tình hình thực tế của địa phương, phát huy mặt thuận lợi, thấy được những khó khăn để khắc phục. Trên cơ sở đó chủ động đề ra những chủ
trương và giải pháp đúng để đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh phát triển xứng đáng là “Trung tâm giáo dục - đào tạo của khu vực trung du và miền núi phía Bắc”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV (11/1997) đã nêu lên những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhằm phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2000 với những nội dung cơ bản sau:
Về mục tiêu: Mục tiêu của giáo dục - đào tạo là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dương nhân tài. Coi trọng cả 3 mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Phấn đấu đến năm 2000 huy động các cháu đến nhà trẻ đạt 15,7%, mẫu giáo đạt 42%, riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 92%; phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia ở 100% xã, phường. Huy động trẻ trong độ tuổi đi học trung học cơ sở đạt 82%, phổ cập trung học cơ sở đạt trên 40% xã, phường. Nâng số học sinh trung học phổ thông lên 36%. Giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở các bậc học xuống dưới 2%;
nâng hiệu quả đào tạo lên 80-90%. Tiếp tục gia tăng giảng dạy ngoại ngữ, tin học cho tất cả các bậc học, ngành học. Phát triển quy mô hợp lý, bảo đảm chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục thường xuyên. Tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp theo địa chỉ và nhu cầu sử dụng của xã hội.
Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào tạo, đa dạng hoá các loại hình trường, lớp trên cơ sở bảo đảm hệ công lập giữ vai trò chủ đạo. Mở rộng đào tạo nghề, quản lý tốt các lớp dạy nghề, tại chức, các trung tâm tin học, ngoại ngữ.
Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 25%, tỷ lệ sinh viên trên dân số của tỉnh lên 1,36%. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về loại hình và chuẩn hoá về chất lượng. Phấn đấu có 20 - 30% giáo viên đạt trên chuẩn đào tạo [19, tr.41].
Để đạt được những mục tiêu trên cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Điều chỉnh, bố trí, nâng cấp mạng lưới các trường phổ thông, các trung tâm đào tạo, các trường trung, đại học trên địa bàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục - đào tạo.
Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trong các trường chuyên nghiệp theo hướng giảng dạy, học tập gắn với nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học, phấn đấu không còn lớp học ở tình trạng tranh, tre, bàn ghế tạm, trường nào cũng có sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh, nước sạch, cây xanh, hàng rào bao quanh. Thực hiện tốt việc phân cấp xây dựng và quản lý hệ thống trường lớp. Tích cực huy động, quản lý tốt các nguồn lực ngoài ngân sách.
Tăng dần đầu tư ngân sách cho giáo dục - đào tạo một cách hợp lý.
Cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục các cấp nhằm phối hợp các ngành, các cấp, các lực lượng xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trong cộng đồng, đẩy lùi và xoá bỏ những tiêu cực trong nội bộ ngành và các tệ nạn xã hội trong trường học.
Nghiên cứu bổ sung kịp thời những chính sách đãi ngộ của địa phương đối với giáo viên miền núi, vùng cao, giáo viên giỏi, cán bộ đi học bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Khuyến khích việc thành lập các hội, quỹ khuyến học hỗ trợ con em gia đình chính sách, gia đình nghèo học giỏi. Mở các lớp bổ túc công nông với quy mô thích hợp, xây dựng trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật, thiệt thòi.
Tập trung đẩy mạnh giáo dục - đào tạo cho miền núi, vùng cao, tổ chức các lớp bán trú cho học sinh mẫu giáo và tiểu học ở xa trung tâm xã; xây dựng nhà ở cho giáo viên, học sinh nội trú. Hoàn thiện trường nội trú dân tộc ở huyện Võ Nhai, xây dựng trường nội trú dân tộc ở huyện Định Hoá [19, tr.41].
Những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cho thấy Đảng bộ Thái Nguyên đã thực sự coi trọng vị trí, vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự nghiệp phát
triển kinh tế, xã hội địa phương. Cụ thể, quy mô, chất lượng giáo dục được chú trọng; mạng lưới các trường học được quan tâm theo hướng điều chỉnh, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu phát triển của giáo dục - đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị được chú ý đầu tư. Đặc biệt Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương tăng cường đầu tư cho giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Những mục tiêu, nhiệm vụ đó đã tạo đà cho sự phát triển của giáo dục - đào tạo Thái Nguyên những giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ giáo dục - Đào tạo và chủ trương của Đảng bộ tỉnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV, Hội nghị tổng kết năm học 1997-1998 (25 đến 27/7/1998), Sở giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành học, bậc học đến năm 2000 với nội dung cụ thể như sau:
Đối với giáo dục mầm non: Tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân địa phương theo 4 loại hình trường lớp (công lập, bán công, dân lập, tư thục). Ưu tiên tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi được hưởng các chương trình giáo dục mẫu giáo. Phấn đấu xây dựng trường mầm non trọng điểm, mở rộng quy mô các nhà trẻ và nhóm trẻ gia đình, các trường mẫu giáo dân lập và tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ đang tăng lên, đồng thời mở rộng diện trẻ được nuôi dạy và chăm sóc theo khoa học bằng cách tổ chức truyền bá sâu rộng tri thức và kỹ năng giáo dục trẻ em cho ông bà, cha mẹ. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế tổ chức để cha mẹ các cháu có thể đóng góp, xây dựng và tham gia quản lý các cơ sở giáo dục mầm non.
Đối với giáo dục tiểu học: Tăng cường phương pháp giáo dục tiểu học, thực hiện đồng bộ các biện pháp đã được đề ra trong Luật phổ cập giáo dục tiểu học. Tập trung chỉ đạo và hỗ trợ về mọi mặt trên cơ sở phát huy cao độ nỗ lực chủ quan của các địa phương, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia; thực hiện về cơ bản mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; xây dựng trường
trọng điểm. Đặt ra yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn tỉnh phấn đấu hoàn thiện dần từng mặt để đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Thực hiện mô hình dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi đủ điều kiện và có nhu cầu.
Đối với giáo dục Trung học cơ sở và Trung học phổ thông: Tận dụng các điều kiện về giáo viên và trường sở để đáp ứng nhu cầu học tập của thanh, thiếu niên. Mở rộng quy mô Trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2000 đạt mức 60% trẻ em ở độ tuổi 11- 15 theo học các lớp Trung học cơ sở. Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong tuyển sinh vào lớp 10; phân luồng hợp lí giữa Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp và Trung học dạy nghề. Đối với các trường đang áp dụng chương trình chuyên ban, tổ chức giảng dạy theo chương trình cải cách ở lớp 10. Củng cố trường phổ thông trung học chuyên của tỉnh, để bảo đảm dạy đúng theo chương trình quy định, khắc phục tình trạng cắt xén chương trình các môn học không chuyên [43, tr.8].
Đối với giáo dục chuyên nghiệp: Củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường chuyên nghiệp, trung học dạy nghề theo hướng gắn kết đào tạo với hoạt động sản suất, kinh doanh và dịch vụ. Các trường chuyên nghiệp ngoài chức năng đào tạo theo các chương trình quy định, cần mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua các khoá đào tạo ngắn ngày cho những người hoạt động sản suất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ (gia đình, cá nhân) nhằm giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao tỉ trọng người lao động được đào tạo trong tổng số lao động. Các trường trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các trường phổ thông đào tạo nghề cho học sinh [43, tr.9]
Đối với giáo dục thường xuyên: Tiếp tục thực hiện quá trình đổi mới ngành học, mở rộng những hình thức cung ứng các chương trình giáo dục không chính quy, từng bước hoàn thiện chức năng chủ yếu là giúp người học bổ sung và cập nhật các tri thức và kỹ năng, đáp ứng các nhu cầu học tập thiết thực nảy sinh từ đổi thay về công nghệ và lối sống. Đẩy mạnh việc thực hiện
chương trình xoá mù chữ và giáo dục sau xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Củng cố hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, đa dạng hoá các hình thức giáo dục, cải tiến chương trình trung học bổ túc theo hướng tăng môn học, bảo đảm cho các chương trình giáo dục thường xuyên có nội dung thiết thực, hữu ích, chất lượng và hiệu quả.
Thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm phát triển giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Củng cố các trường dự bị đại học, các trường dân tộc nội trú, xây dựng mô hình trường bán trú dân nuôi tại xã, bản.
Nghiên cứu, đề xuất hệ thống chính sách, đào tạo và bố trí giáo viên, xử lý về nội dung chương trình nhằm tăng cường sự phát triển giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc và các vùng khó khăn.
Sở Giáo dục - Đào tạo Tỉnh Thái Nguyên đề ra yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn tỉnh cần chăm lo hơn nữa đến việc học tập của thanh thiêu niên, đối tượng được hưởng chính sách xã hội và con em các gia đình khó khăn về kinh tế; quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động cho các trường, lớp dành cho người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, đẩy mạnh hình thức giáo dục hoà nhập cho các đối tượng này nhằm phục hồi chức năng, học văn hoá, học nghề [43, tr.10].
Cuối năm 1998, Luật Giáo dục được công bố, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “Phát triển quy mô trên cơ sở đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý giữa các cấp học, bậc học, giữa các vùng, miền, các địa phương, cơ sở, vừa phải đảm bảo tính ổn định của hoạt động giáo dục vừa phải tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: triển khai chương trình tiểu học năm 2000; thực hiện chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo cho trường Cao đẳng sư phạm; ưu tiên đào tạo giáo viên một số môn còn thiếu nhiều; tiếp tục thực hiện việc xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn bị triển khai phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trong công tác quản lý, cần
làm tốt việc phân cấp quản lý; tăng cường công tác thanh tra; làm tốt việc phòng chống và ngăn chặn tệ nạn ma tuý trong học đường” [69, tr.4].
Sau 3 năm thực hiện các quan điểm và chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ở hầu hết các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã dấy lên một phong trào học tập sôi nổi, lôi cuốn sự quan tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo thuận lợi, cho nhà trường, giáo viên và học sinh có thêm điều kiện để giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn như đánh giá của Báo cáo tổng kết năm học 1999 - 2000, Sở giáo dục - đào tạo Thái Nguyên nêu ra là: “Một vấn đề tồn tại khá dai dẳng là đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đối với các khu vực khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa được khắc phục, trong khi đó công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm vẫn chưa bám sát các đổi mới trong nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, dẫn đến chất lượng giáo viên phổ thông còn nhiều bất cập. Trong các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, tình trạng dạy quá tải của đội ngũ giảng viên đã diễn ra nghiêm trọng do quy mô sinh viên tăng quá nhanh trong khi quy mô giảng viên tăng không đáng kể, đội ngũ giảng viên có chất lượng cao lại giảm đi do chưa chú ý đào tạo, bổ sung kịp thời” [45, tr.7].
Xuất phát từ thực trạng trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ra Chỉ thị số 21/CT.UBT (20/7/2000) nhấn mạnh những nhiệm vụ cần làm trong thời gian trước khi Đảng bộ Tỉnh tiến hành Đại hội lần thứ XVI như:
- Tăng cường trật tự, kỷ cương, xây dựng và củng cố môi trường sư phạm, phấn đấu để mọi hoạt động của nhà trường đều có tác dụng giáo dục thiết thực và sâu sắc đối với học sinh. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên, bảo đảm tính ổn định trước mắt về nội dung, khắc phục những yếu kém về phương pháp giảng dạy và học tập. Tích
cực chuẩn bị việc đổi mới một cách căn bản về chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tiếp tục tăng cường, củng cố cơ sở vật chất của các nhà trường.
- Đẩy mạnh quá trình xã hội hoá giáo dục, điều chỉnh việc bố trí, sắp xếp nhà trường thuộc các loại hình để đảm bảo tính hợp lý trong quá trình huy động sử dụng nguồn lực và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.
- Đổi mới công tác kế hoạch, thực hiện công khai minh bạch về tài chính, điều chỉnh quy mô cho phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng tiến đến cân đối về trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu dân trí, nhân lực, nhân tài của đất nước.
- Kiện toàn các cơ quan quản lý giáo dục, tăng cường cả về số và chất lượng đội ngũ thanh tra giáo dục ở tất cả các cấp, nâng cao hiệu lực quản lý trong ngành. [70, tr.2].
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI (1/2001), xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo những năm 2001 - 2005 như sau:
- Củng cố thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2005. Đa dạng hoá các loại hình trường lớp, khuyến khích mở trường dân lập, tư thục; đảm bảo số học sinh trong lớp ở từng cấp học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo [20, tr. 32].
- Phân luồng hợp lý số học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Củng cố các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện các trường đại học, cao đẳng nhằm góp phần tạo nguồn lao động chất lượng cao cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mở trường năng khiếu văn hoá - thể thao. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên; thực hiện tốt chính sách của Đảng về giáo dục ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc [20, tr.33].