Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CỦA ĐẢNG BỘ
3.1. Kết quả đạt đƣợc và những vấn đề đặt ra
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Thái Nguyên trong những năm 1997 - 2005 đã đạt được kết quả trên các lĩnh vực như:
Về quy mô và chất lượng đào tạo các ngành học, bậc học
Từ năm 1997, hệ thống các ngành học, bậc học từ mầm non, phổ thông đến dạy nghề và hướng nghiệp đều được mở rộng về quy mô, phát triển về số lượng học sinh và chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao. Năm 1997, toàn tỉnh có 584 trường, đến năm 2005 tăng lên 629 trường (gồm 197 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 179 trường trung học cơ sở và 27 trường trung học phổ thông). Ngoài những bậc học phổ thông tỉnh còn có 04 đơn vị giáo dục chuyên nghiệp; 09 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; 01 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; 01 trung tâm giáo dục trẻ em thiệt thòi; 02 trường phổ thông dân tộc nội trú; tỷ lệ 120/180 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Tỷ lệ học sinh đi học
đúng độ tuổi tiếp tục tăng cao: Mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,69% (trong khi toàn quốc là 64%); tiểu học 98,8% (toàn quốc 98%); Trung học cơ sở 88% (toàn quốc 84%); Trung học phổ thông 79,59% (toàn quốc 43%). Đến tháng 10/2004, giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở [52, tr.2].
Mạng lưới trường lớp được phát triển trong quá trình đa dạng hoá các loại hình giáo dục - đào tạo. Quy mô giáo dục ngày càng được điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng, đồng thời khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các cấp học, bậc học, các vùng miền... Giáo dục phổ thông hiện nay của Thái Nguyên đã phát triển sâu rộng đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh; thực hiện tốt phương châm “Xoá bản trắng” (chủ trương xây dựng ở xã, phường có ít nhất một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở) [53, tr.6].
Ngành học mầm non
Ngành học mầm non được quan tâm xây dựng và phát triển với các loại hình nhà trẻ, mẫu giáo hệ công lập, dân lập và tư thục. Đặc biệt là loại hình nhà trẻ mẫu giáo bán công và dân lập được khuyến khích phát triển trên các địa bàn dân cư của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nếu năm học 1997 - 1998, toàn tỉnh mới có 176 trường với 27.255 học sinh, thì năm 2001 có 182 trường với 28.409 học sinh, đến 9/2005, số trường mầm non toàn tỉnh đã lên tới 199 trường với 33.135 học sinh. So với chỉ tiêu Bộ Giáo dục - Đào tạo giao cho vùng III thì tỷ lệ huy động trẻ đến lớp của Thái Nguyên đều vượt: Mẫu giáo 3 - 5 tuổi vượt 2,29%; Mẫu giáo 5 tuổi vượt 0,03%; Nhà trẻ vượt 1,55%.
Biểu bảng dưới đây cho thấy so sánh số lượng trường, lớp, giáo viên và học sinh mẫu giáo của Thái Nguyên với một số tỉnh lân cận về quy mô phát triển của giáo dục mầm non Thái Nguyên.
Bảng 1. Tương quan giữa số trường học, lớp học, giáo viên và học sinh mẫu giáo của Thái Nguyên với một số tỉnh lân cận tại thời điểm
30/9/2005
Địa phương Số trường Số lớp học Số giáo viên Số học sinh
Thái Nguyên 199 1.351 2.015 33.135
Tuyên Quang 111 1.643 1.805 30.417
Bắc Kạn 100 581 638 10.517
Lạng Sơn 85 1.188 1.285 23.820
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2006), Niên giám thống kê năm 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội [67, tr.504].
Qua bảng trên cho thấy, trừ số lớp học, Thái Nguyên còn kém Tuyên Quang, các chỉ số còn lại, Thái Nguyên đều cao hơn. Điều đó cho thấy, so với một số tỉnh cùng khu vực Đông bắc bộ, giáo dục mầm non tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển về quy mô, về số lượng trường, lớp.
Hệ thống trường mầm non trọng điểm cấp tỉnh, huyện được củng cố và phát triển. Năm 2005, ngành giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã chủ động hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, xoá xã trắng về giáo dục mầm non, xây dựng thêm trường học ở các địa bàn tập trung dân cư, ưu tiên về kinh phí xây dựng trường lớp cho các xã vùng cao, vùng sâu và “An toàn khu” (ATK) [51, tr.2].
Trong các phong trào thi đua hàng năm, các trường trọng điểm đều đạt trường Mầm non tiêu biểu suất sắc, nhiều trường được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đặc biệt năm 2005, trường Mầm non 19/5 thành phố Thái Nguyên đã được Bộ tặng cờ tiến tiến suất sắc vùng. Đến năm học 2004 - 2005, số trường mầm non của Thái Nguyên được công nhận đạt chuẩn đã tăng lên 10 trường (tăng 5 trường so với năm 2000) [51, tr.3].
Về chất lượng: Các trường, lớp mầm non từng bước đi vào hoạt động có nề nếp, quy củ và thực hiện nghiêm túc chương trình chăm sóc trẻ từ 3 - 12 tháng tuổi và chương trình quản lý, cải cách do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành. Các trường tạo điều kiện cử giáo viên đi học nâng cao trình độ. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 87%, trong đó trên chuẩn là 4%. Đời sống
của giáo viên mầm non dân lập được nâng lên, nơi cao nhất là 600 nghìn đồng/người/ tháng, thấp nhất là 200 nghìn đồng/người/tháng. Kết thúc năm học 2004 - 2005, 3 tập thể (Phòng Mầm non Sở Giáo dục - Đào tạo; trường mầm non 19/5 Thành phố Thái Nguyên; trường Mầm non Kim Phượng - Định Hoá) và 2 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo; 17 tập thể, 14 cá nhân được Sở Giáo dục tặng Giấy khen [51, tr.2].
Với hệ thống trường, lớp, trung tâm ngày càng mở rộng, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng tăng, giáo dục mầm non Thái Nguyên đã tạo dựng được lòng tin trong nhân dân. Những thành tựu của ngành học mầm non đã góp phần quan trọng cho sự phát triển ngành học phổ thông mà trực tiếp là đối với bậc tiểu học.
Giáo dục phổ thông
Những năm 1997 - 2005, giáo dục phổ thông Thái Nguyên có sự phát triển nhanh, mạnh về loại hình, quy mô và từng bước nâng dần về chất lượng.
Hệ thống các ngành học, cấp học được phát triển rộng khắp trên các địa bàn của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bảng biểu dưới đây cho thấy so sánh với một số tỉnh lân cận vào thời điểm năm 2005 về số lượng trường, lớp, phòng học, số giáo viên trực tiếp giảng dạy và số học sinh:
Bảng 2. So sánh số lượng trường, lớp phổ thông của Thái Nguyên với một số tỉnh lân cận vào thời điểm 9/2005
Địa phương Tổng số trường Tổng số lớp
Thái Nguyên 431 6.443
Tuyên Quang 349 6.276
Bắc Kạn 211 2.636
Lạng Sơn 416 6.659
Nguồn: Tổng cục thống kê (2006), Niên giám thống kê năm 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội [67, tr.509].
Bảng 3. So sánh số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy và số học sinh phổ thông của Thái Nguyên với một số tỉnh lân cận tại thời điểm 12/2005.
Địa phương Tổng số giáo viên Tổng số học sinh
Thái Nguyên 11.516 206.097
Tuyên Quang 9.354 170.167
Bắc Kạn 3.705 66.292
Lạng Sơn 11.108 171.612
Nguồn: Tổng cục thống kê (2006), Niên giám thống kê năm 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội [67, tr.516].
Qua các bảng thống kê trên cho thấy, riêng số lượng lớp học, Thái Nguyên chỉ kém Lạng Sơn, còn lại số trường, số phòng học, tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy và số học sinh phổ thông đều cao hơn Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Giáo dục tiểu học: Ngày càng đi vào ổn định, có nề nếp và thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung chuyên môn. Các loại hình giáo dục tiểu học ngày càng phát triển phong phú (bán trú, dạy 2 buổi/ngày; bán công, 10 buổi/tuần...).
Ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” đã đi vào nề nếp hàng năm. Đến năm học 2004 - 2005, trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục tiểu học đến trường đạt tỷ lệ cao. Các trường thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số, số học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ thấp (0,20%), tỷ lệ lưu ban là 0,52%, tiếp tục giảm so với các năm học trước [52, tr.7].
Ngành giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng trường tiểu học chuẩn quốc gia. Năm học 1999 - 2000, toàn tỉnh xây dựng được 15 trường, đến năm học 2004 - 2005, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 trường. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh năm 2005 đã có 61 trường, chiếm 27,35%. Nếu tính cả số trường chờ quyết định công nhận, cả tỉnh sẽ có 85 trường, chiếm 37,70% [51, tr.9].
Về công tác phổ cập tiểu học và xoá mù chữ: Đến tháng 11/2002, Thái Nguyên là tỉnh thứ 11 trong toàn quốc và là tỉnh miền núi đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Những kết quả đạt được của giáo dục tiểu học Thái Nguyên những năm 1997 - 2005 phản ánh cả một quá trình phấn đấu vì chất lượng giáo dục - đào tạo. Với những giải pháp tích cực, có hiệu quả, giáo dục tiểu học Thái Nguyên đã có bước phát triển đáng kể về cả chất lượng và số lượng, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho quá trình phát triển giáo dục bậc trung học của Thái Nguyên những năm qua.
Ở bậc giáo dục Trung học: Ngành giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã tích cực đa dạng hoá các loại hình trường lớp, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, nhất là đối với cấp trung học phổ thông. Năm học 2000 - 2001, tổng số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 189 trường, với 3 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề (1 trung tâm tỉnh; 2 trung tâm cấp huyện). Năm học 2004 - 2005, tổng số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã là 206 trường, trong đó có 200 trường công lập, 6 trường ngoài công lập và 1 trường chuyên. Có 5 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề (1 trung tâm tỉnh; 4 trung tâm cấp huyện); 5 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện được giao nhiệm vụ hướng nghiệp - dạy nghề [51, tr.11].
Ngành giáo dục phổ thông bậc trung học của Thái Nguyên trong thời gian qua đã có những thành tựu nhất định trong việc thực hiện kỷ cương, chất lượng đào tạo ở các nhà trường. Kết quả học tập các môn văn hoá, thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, thi học sinh giỏi các cấp có nhiều tiến bộ qua các năm. Năm học 2004 - 2005, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc trung học của Thái Nguyên như sau: Tốt nghiệp THCS: 97,29% (toàn quốc: 95,58%);Tốt nghiệp THPT: 95,7% (toàn quốc: 90,62%) ;Tốt nghiệp Bổ túc văn hoá: 100% (toàn quốc: 80,63%)
Công tác giáo dục hướng nghiệp đã được chú trọng hơn. Số học sinh học nghề phổ thông đến năm 2005 là 22.570, trong đó bậc trung học cơ sở là 11.320; bậc trung học phổ thông là 11.250 học sinh. Công tác tư vấn hướng nghiệp được đầu tư và quan tâm hơn trước. Có 153 trường tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp (chiếm 74%) [52, tr.3].
Về phía các thầy cô giáo, kết thúc năm học 2004 - 2005, số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 73% (trong đó 4 đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi suất sắc).
Phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia đã có tiến bộ tích cực, số trường đạt chuẩn tăng hơn. Đến đầu năm 2005, ở bậc trung học, Thái Nguyên đã có 5 trường đạt chuẩn quốc gia (trung học phổ thông 01; trung học cơ sở 04) [51, tr.17].
Về công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở của tỉnh: Tại thời điểm tháng 12/2003, Thái Nguyên đã có 8/9 huyện, thành, thị đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở (theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo) với 166/180 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến tháng 10/2004, Ngành giáo dục - đào tạo Thái Nguyên đã được Ban chỉ đạo phổ cập trung học cơ sở quốc gia công nhận tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở (tỉnh thứ 21 trong toàn quốc). Như vậy, Thái Nguyên đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (1/2001) đặt ra. Với thành tích này, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tặng cờ chỉ số thi đua giáo dục trung học cho tỉnh Thái Nguyên [51, tr.3].
Giáo dục chuyên nghiệp
Ở Thái Nguyên có nhiều đơn vị giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn.
Trong số đó, hơn một nửa là các đơn vị trực thuộc Bộ và Trung ương. Vào thời điểm năm 2005, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 11 đơn vị giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó có 4 đơn vị thuộc tỉnh quản lý gồm: Trường Cao đẳng sư phạm; Trường Trung học Kinh tế - Tài chính; Trường Trung học y tế;
Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên. Những năm 1997 - 2005, các trường chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh từng bước được củng cố, phát
triển quy mô, mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá các loại hình đào tạo phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dưới đây là biểu bảng so sánh số lượng giáo viên và học sinh các trường Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với một số tỉnh lân cận thuộc khu vực Đông Bắc:
Bảng 4
Địa phương Số giáo viên Số học sinh
Tổng số
Trong đó
công lập Tổng số
Trong đó công lập
Thái Nguyên 537 537 6.956 6.956
Tuyên Quang 120 120 2.788 2.788
Lạng Sơn 70 70 1.510 1.510
Bắc Giang 154 154 2.500 2.500
Nguồn: Tổng cục thống kê (2006), Niên giám thống kê năm 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội [67, tr.538].
Năm học 2001 - 2002, Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên có 15,5% sinh viên đạt khá, giỏi; 84,5% đạt yêu cầu; 100% đạt kết quả khá, giỏi trong thời gian thực tập nghiệp vụ sư phạm. Trường Trung học Kinh tế - tài chính, tỷ lệ học sinh, sinh viên lên lớp đạt 98% - 100%; học sinh tốt nghiệp đạt 95% trở lên; Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên 10%
học viên xếp loại giỏi; 30,6% xếp loại khá, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 93%. Đến năm học 2004 - 2005, tỷ lệ học sinh, sinh viên khá, giỏi các trường chuyên nghiệp ở Thái Nguyên tăng lên thể hiện qua bảng sau:
Bảng 5
TT
Đơn vị
Kết quả học tập Tỷ lệ
lên lớp (%)
Tỷ lệ khá và giỏi (%)
Tỷ lệ tốt nghiệp
(%)
1 Trường CĐSP (hệ trung học) 100 22 98
2 Trường CĐKT-TC (hệ trung học)
95 15 98
3 Trung học Y Tế 99,7 61,98 100
4 TT GDTX 98 58,6 100
Giáo dục dân tộc
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, thực hiện chính sách dân tộc và miền núi của Đảng, Nhà nước, trong những năm gần đây tỷ lệ học sinh dân tộc giáo dục - đào tạo ngang bằng với vùng trung du và đồng bằng.
Từ chỗ chỉ có 90% xã, phường có trường tiểu học (1997), đến năm 2005, 100% xã, phường có trường tiểu học, có xã vùng cao có tới 2-3 trường tiểu học và nhiều điểm trường ở thôn, bản để tạo điều kiện cho con em dân tộc ở thôn bản hẻo lánh tới lớp học đều đặn. Số học sinh dân tộc ở tiểu học đến năm 2005 là 26.276 học sinh (trong tổng số 86.972 học sinh tiểu học toàn tỉnh), chiếm 30,13%. Ở các xã vùng cao, miền núi bình quân cứ 4 người dân có 1 người đi học. Chất lượng giáo dục tiểu học ngày càng được nâng cao, học sinh dân tộc miền núi hàng năm đều có học sinh giỏi các cấp [51, tr.29].
Trong toàn tỉnh có 180 trường Trung học cơ sở, bình quân mỗi xã, phường có 1 trường trung học cơ sở, các xã địa bàn rộng ở vùng cao có tới 2 trường. Số học sinh là người dân tộc đang theo học trung học cơ sở đến năm 2005 là 26.819 học sinh (trong tổng số 90.799 học sinh), chiếm tỉ lệ 29,53%.
Ngoài ra, tỉnh còn có 2 trường dân tộc nội trú cấp huyện, hàng năm đào tạo với quy mô 300 học sinh dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn [51, tr.29].
Ở bậc trung học phổ thông, mỗi huyện miền núi, vùng cao có từ 2-3 trường trung học phổ thông và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Số học sinh là người dân tộc theo học ở các trường trung học phổ thông tính đến năm học 2004 - 2005 là 9.005 (trong tổng số 38.295), đạt tỉ lệ 24,82%. Hàng năm, số học sinh dân tộc tốt nghiệp trung học phổ thông ở các trường miền núi và
các trường phổ thông dân tộc nội trú được tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng là 315 học sinh, là nguồn đào tạo cán bộ cho các xã, bản vùng cao, vùng núi có kinh tế chậm phát triển.
Về đội ngũ giáo viên: Số giáo viên là người dân tộc toàn tỉnh đến năm 2005 là 2.724 giáo viên. Trong đó giáo viên mầm non 831 người; giáo viên tiểu học 1.001 người; giáo viên trung học cơ sở 962 người; giáo viên trung học phổ thông 380 người. Hầu hết giáo viên người dân tộc các cấp đều được đào tạo: giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn 88,5%; giáo viên tiểu học đạt 98,7%; giáo viên trung học cơ sở đạt 97,16%; giáo viên trung học phổ thông đạt 99%. Trong các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp ở các huyện miền núi, giáo viên là người dân tộc ngày càng nhiều người đạt giỏi [51, tr.31].
Về cơ sở vật chất: Bằng các nguồn vốn của chương trình 135 của Chính phủ, chương trình vay vốn xoá phòng học tạm, kiên cố hoá trường lớp, đến nay trường lớp các cấp học cơ bản đã có đủ phòng học 2 ca/ngày. Tính đến 31/3/2005, chương trình kiên cố hoá trường học mẫu giáo đã làm mới được 229 phòng học, tiểu học được 524 phòng , trung học cơ sở 392 phòng [51, tr.32].