1.3. Mạch lạc của văn bản
1.3.1. Mạch lạc và liên kết
Mạch lạc là đối tượng thường được xem có tính chất mơ hồ, trừu tượng, khó nắm bắt. Tác giả Diệp Quang Ban đã nhận định: mạch lạc trong văn bản là hiện tượng vừa có vẻ như vừa có phần thực lại vừa có phần hư: có chỗ có thể vạch nó ra một cách rạch ròi lại cũng có chỗ khó nắm bắt vì sự tinh tế và tính phức tạp của hiện tượng.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học, đặc biệt về ngữ pháp văn bản, phân tích diễn ngôn đã đi vào nghiên cứu các khía cạnh của mạch lạc và đạt được những thành tựu nhất định.
Mạch lạc là vấn đề khá lý thú không chỉ riêng đối với các nhà ngôn ngữ học mà còn đối với các nhà tâm lý và nhất là các nhà sư phạm. Tính chất này đã góp phần quan trọng để xác định một chuỗi câu có là một văn bản hay không.
Đồng thời, mạch lạc cũng tạo nên hiệu quả của quá trình giao tiếp.
Hơn nữa, thực tế khảo sát bài viết tập làm văn của học sinh (khoảng 70%
bài viết có lời nhận xét là “bài văn thiếu mạch lạc”) cho thấy việc nghiên cứu về mạch lạc là vô cùng cấp thiết.
Trước hết, luận án tìm hiểu về khái niệm mạch lạc. Chúng ta có thể quan sát một số định nghĩa tiêu biểu về mạch lạc của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới sau đây.
- Trong quyển tự điển “The Encyclopedia of language and linguistics”, mạch lạc được giải thích: “Mạch lạc là sự nối kết có tính chất logic được trình bày trong quá trình triển khai một cốt truyện, một truyện kể, v.v, lệ thuộc vào việc tạo ra những sự kiện được kết nối với nhau, hơn là những dây liên hệ thuộc ngôn ngữ [như liên kết (cohesion)]”. [133, tr.10]
- D.Nunan cho rằng: “Mạch lạc là tầm rộng mà ở đó diễn ngôn được tiếp nhận như là có mắc vào nhau chứ không phải là một tập hợp câu và phát ngôn không có liên quan với nhau”. [55, tr.165]
- D.Togeby xác định: “Mạch lạc (coherence), hiểu một cách chung nhất, là đặc tính của sự tích hợp văn bản, tức là cái đặc tính bảo đảm cho các yếu tố khác nhau trong một văn bản khớp được với nhau trong một tổng thể gắn kết”.
[5, tr.71]
- M.A.K Halliday & R.Hasan quan niệm: “Mạch lạc được coi như phần còn lại (sau khi trừ liên kết) thuộc về ngữ cảnh tình huống (context of situation) với những dấu nghĩa tiềm ẩn (registers). Mạch lạc được coi là phần bổ sung cần thiết cho liên kết, là một trong những điều kiện tạo thành chất văn bản (texture)”. [116, tr.18-19]
Tuy những khái niệm trên chưa thống nhất một cách trọn vẹn, nhưng nhìn chung đều bộc lộ một ý rất rõ ràng rằng mạch lạc (coherence) không phải là liên kết (cohesion). Theo K.Wales thì mạch lạc được định nghĩa như là “sự liên kết ngữ nghĩa” và liên kết như là “sự mạch lạc văn bản”, mạch lạc tạo nên chất văn bản.
Khái niệm mạch lạc cũng được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu Việt ngữ học.
- Theo Từ điển tiếng Việt thì “Mạch lạc là dây mạch chạy trong người, nghĩa rộng là cái gì liên tiếp nhau không dứt”. [Việt Nam Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, dẫn theo Diệp Quang Ban, tr.165]; “Mạch lạc là sự liên tiếp rõ ràng giữa các bộ phận”. [Từ điển tiếng Việt do Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung, DQB, tr.165]. Theo Hoàng Phê, mạch lạc được xem là “Sự nối tiếp theo một trật tự hợp lý giữa các ý, các phần trong nội dung diễn đạt”.
[58, tr.585]
- Cao Xuân Hạo cho rằng: “Khi ngôn bản gồm từ hai câu trở lên, giữa các câu có một quan hệ nhất định khiến chúng không phải là bất kì đối với nhau: giữa chúng có một mạch lạc”. [39, tr.92]
- Diệp Quang Ban quan niệm: “Cách nhìn chung nhất hiện nay là những từ ngữ trực tiếp diễn đạt các quan hệ kết nối giữa các câu phát ngôn làm thành các tiểu hệ thống (các phương tiện liên kết) thì được xếp vào liên kết, còn những mối quan hệ kết nối nào thiết lập được thông qua ý nghĩa giữa các câu thì thuộc về mạch lạc”. [5, tr.71]
- Đỗ Hữu Châu xác định: “Một văn bản, một diễn ngôn là một lập luận đơn hay phức hợp bất kể văn bản viết theo phong cách chức năng nào. Tính lập luận là sợi chỉ đỏ đảm bảo tính mạch lạc (coherence) về nội dung bên cạnh tính liên kết (cohesion) về hình thức của văn bản, của diễn ngôn”. [26, tr.174]
- Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Văn bản mạch lạc là văn bản ở đó người giải mã có thể cấu trúc lại sơ đồ của người nói một cách hợp lý bằng cách suy luận những mối liên hệ giữa các câu và những mối liên hệ riêng biệt của chúng với những mục đích thứ cấp khác nhau trong sơ đồ giải thích, khiến cho sự khó hiểu trở nên dễ hiểu”. [35, tr.173]
- Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 định nghĩa: “Văn bản cần phải mạch lạc.
Một văn bản mạch lạc là một văn bản mà chủ đề của nó được biểu hiện qua các
bộ phận theo một trình tự rõ ràng, hợp lý; nhờ thế, người đọc, người nghe thấy dễ hiểu và hứng thú”… [16, t.1, tr.31]
Khái niệm mạch lạc như nêu trên phần nào đã được các nhà ngôn ngữ xác định một cách tương đối cụ thể. Để giúp người nói/ người viết cũng như người đọc/ người nghe có cơ sở nắm bắt được vấn đề một cách dễ dàng và chính xác thì nội dung của văn bản phải xoay quanh một chủ đề lớn. Từ chủ đề này có thể triển khai nhiều chủ đề con. Chủ đề con được triển khai, phân tích, minh họa qua phần luận giải ở các câu văn. Việc sắp xếp các câu văn đó phải theo một trình tự hợp lý để đạt được mục đích cuối cùng là tập trung làm sáng tỏ nội dung chủ đề chung. Đấy chính là mạch lạc văn bản. Do vậy, với văn bản tập làm văn viết của học sinh phổ thông, mạch lạc sẽ được xem xét trong mối quan hệ giữa các câu văn, đoạn văn trong văn bản.
Từ các khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu: Mạch lạc chính là mạng lưới quan hệ nội dung giữa các từ trong một câu, các câu trong một đoạn và các đoạn trong một văn bản tạo nên một chỉnh thể *.
(Chỉnh thể: khối thống nhất trong đó các bộ phận có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời nhau). [58, tr.156]
VD (41): Quan sát đoạn văn:
Cụ Sóng hăng hái vào hợp tác xã năm đầu. Ông cụ làm giỏi, khỏe, ai cũng quí trọng, đã gây đà cho tổ sản xuất. Không riêng cụ mà cả tổ, công điểm mùa nào cũng cao, cũng nhiều. Đã vậy ai cũng thấy việc nhà nông từ nay có cả làng bàn bạc, lại có giờ giấc, nền nếp, không thui thủi đầu hôm sớm mai tất bật như khi còn làm một mình. Cho nên, cụ Sóng vào hợp tác xã được một vụ thì cả xóm Bắc Đồng cũng vào theo. (Tô Hoài)
Các câu trong đoạn văn trên được sắp xếp theo một trình tự hợp lý: Cụ Sóng vào HTX -> gây đà cho tổ -> công điểm cao -> việc nhà nông nền nếp ->
cả xóm vào theo. Chính sự sắp xếp một cách tương hợp từ câu đầu đến câu cuối của đoạn văn: tương hợp giữa nội dung văn bản với hiện thực khách quan (tập thể lao động tự giác, tích cực đem lại năng suất cao), nhận thức (lao động tập thể đông, có năng suất), tâm lý của con người (vui vì đời sống được nâng cao);
tương hợp giữa các phần thuyết minh giải thích cho chủ đề “Vào hợp tác xã” đã tạo nên sự mạch lạc của văn bản.
Phân tích một phần của văn bản sau:
VD (42): Sống lâu là một vấn đề được nhân loại hết sức chú ý. Khoa học hiện đại đã xác định rằng sự chết và già yếu bao giờ cũng đến sớm hơn trước khi cơ thể sử dụng hết khả năng sống của mình. Và đứng trên quan điểm sinh vật học mà xét thì chết trước100 tuổi phải được xếp vào loại chết non.
Các nhà nghiên cứu về tuổi thọ khẳng định là con người có thể sống 120 – 130 năm. Tuy nhiên, khả năng này mới chỉ biến thành hiện thực đối với một số ít mà thôi: trong cuốn sách “Muốn sống 100 tuổi”, Ghe – mô, viện sĩ viện Hàn lâm y học Pháp, bản thân thọ 100 tuổi, đã kể lại câu chuyện như sau:
“Ngày 31-7-1953, giáo chủ Dác-mi-nhắc khi đi ra phố trông thấy một cụ già khoảng 80 tuổi ngồi khóc ở bậc cửa. Giáo chủ hỏi tại sao khóc thì cụ trả lời là bị bố đánh. Giáo chủ ngạc nhiên và muốn xem mặt người bố ra sao, thì ra đó là một cụ già 113 tuổi. Cụ này giải thích cho giáo chủ rõ cụ đánh con vì người con tỏ ra vô lễ không chịu cúi đầu khi đi qua trước mặt ông nội. Và khi bước vào nhà trong, giáo chủ lại thấy một cụ già nữa. Cụ này 143 tuổi”. (Dẫn theo Phan Mậu Cảnh, NN&ĐS số 8-2003, tr.3)
Các câu trong các đoạn trên cùng diễn đạt về một nội dung chung, đó là sống lâu. Cách triển khai nội dung trên thống nhất từ đầu đến cuối nên đã nêu bật được chủ đề “sống lâu”. Nội dung chủ đề này hoàn toàn phù hợp với cách lý giải vấn đề “con người có thể sống lâu” và bằng dẫn chứng minh hoạ rất thuyết phục. Các ví dụ minh họa được tác giả sắp xếp theo trình tự từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều làm tăng sức hấp dẫn, dễ hiểu và dễ nắm bắt nội dung đối với người đọc/ người nghe. Chính cách trình bày vấn đề như trên đã làm cho văn bản mạch lạc.
Và trong thực tế, chúng ta cũng thường gặp một dạng trình bày mà tác dụng gắn kết giữa các nội dung rất chặt chẽ nên có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Xem ví dụ sau.
VD (43): Xưa nay người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế.
Được thời và có thế, thì biến mất làm còn, hoá nhỏ thành to; mất thời và không thế, thì trở mạnh ra yếu, đổi yên làm nguy, chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi. Nay các người không rõ thời thế, chỉ giả dối quen, há chẳng phải là hạng thất phu đớn hèn, sao đủ nói chuyện binh được. (54, tr.33)
Cơ cấu nghĩa ở ví dụ (43) là theo tam đoạn luận. Cách lập luận này làm cho nội dung đoạn văn rõ ràng, chặt chẽ và sâu sắc. Vì vậy, nội dung đoạn văn rất mạch lạc. Chúng ta có thể tham khảo dạng tổng quát sau:
Đại tiền đề:
Tiểu tiền đề:
Người giỏi dùng binh hiểu biết thời thế.
Các người không rõ thời thế.
Kết luận: Các người không giỏi dùng binh được (sao đủ nói chuyện binh được).
VD (44): Quan sát một văn bản ngắn “Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân”.
Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa.
Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên… Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa. Trong khi đó, những người trong đội, mỗi người một việc. Người thì ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông. Người thì nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, người thì lấy nước và bắt đầu thổi cơm.
Mỗi người nấu cơm đều mang một cái cần tre được cắm rất khéo vào dây lưng, uốn cong hình cánh cung từ phía sau ra trước mặt, đầu cần treo cái nồi nho nhỏ. Người nấu cơm tay giữ cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội vừa thổi cơm vừa đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.
Sau độ một giờ rưỡi, các nồi cơm được lần lượt trình trước cửa đình.
Mỗi nồi cơm được đánh một số để giữ bí mật. Ban giám khảo chấm theo ba tiêu chuẩn: cơm trắng, dẻo và không có cháy. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.
(146, t.2, tr.83-84)
Chủ đề chung của văn bản là “Hội thi thổi cơm” và được triển khai thành bốn chủ đề con: nguồn gốc của hội thi, các thao tác chuẩn bị, cách thi nấu cơm, cách chấm điểm. Nội dung các chủ đề này vừa đủ minh họa một cách sinh động, ngắn gọn, mạch lạc chủ đề chung. Các câu văn diễn tả thao tác của hội thi, những thao tác xảy ra đồng thời trong bước chuẩn bị: người lấy lửa, người
vót tre, người giã thóc; thao tác diễn ra theo thứ tự: cách thi nấu cơm, cách chấm điểm. Tất cả tạo thành một mạng lưới quan hệ chặt chẽ. Có thể minh hoạ bằng sơ đồ 1.13 sau.
Hội thi nấu cơm
Chuẩn bị
Nấu cơm
Lấy lửa Vót tre Giã gạo
Mang nồi Tay giữ cần
Vừa đi Chấm điểm tổng kết hội thi
Sơ đồ 1.13: Cấu trúc văn bản Hội thổi cơm thi…
Mạch lạc trong văn bản trên được tạo nên bởi các mối quan hệ gắn kết một cách hợp lý giữa các nội dung được triển khai trong chủ đề con, giữa các chủ đề con trong chủ đề chung của văn bản. Một mạng lưới gắn kết hoàn chỉnh, thống nhất, trọn vẹn của một chỉnh thể.
Có thể tham khảo thêm về lời phát biểu của G.M. Green (1989): “Một văn bản mạch lạc là một đơn vị mà ở đó người giải thích có thể khôi phục không mấy khó khăn cái dàn ý của người nói với lý do vững chắc, bằng cách suy luận những mối quan hệ giữa các câu, và giữa những mối quan hệ cá thể của chúng với những cái đích bộ phận khác nhau trong cái dàn ý được suy đoán, để sự hoạch định được hiểu ra ngay.” [8, tr.211]
Như vậy, mạch lạc chính là mạng lưới quan hệ đã gắn các nội dung ý tưởng với nhau một cách logic và chặt chẽ. Điều quan trọng là qua cách diễn đạt, người đọc/ người nghe có thể tái hiện được toàn bộ dàn ý và dễ dàng hiểu được nội dung của văn bản. Và một văn bản dễ hiểu hay khó hiểu chính là do
mức độ diễn đạt mạch lạc nhiều hay ít. Nội dung trình bày càng mạch lạc thì văn bản càng dễ hiểu và hiệu quả giao tiếp càng cao.
Khi bàn về mạch lạc trong văn học, K. Wales đã viết: “Để có một văn bản hay một diễn ngôn nào đó mạch lạc, thì nó phải có nghĩa và cần có một chỉnh thể, và cũng cần được định hình tốt.” [8, tr.176]
Tóm lại, có thể rút ra nhận xét về tính mạch lạc của một văn bản như sau: Một văn bản có cấu trúc ngữ nghĩa càng tường minh thì tính mạch lạc càng cao; trong đó, nội dung chủ đề được duy trì, triển khai đầy đủ, chính xác và các tầng nghĩa được sắp xếp theo một trình tự hợp lý tạo nên sự gắn kết rõ ràng, chặt chẽ trong một chỉnh thể.
1.3.1.2. Khái niệm liên kết
“Liên kết” (cohesion), một thuật ngữ phổ biến rộng rãi của M.A.K.
Halliday và R. Hasan (1977), được dùng để chỉ các phương tiện ngôn ngữ khác nhau (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) nhằm tạo nên sự “dính lại với nhau” trong câu, trong đoạn và trong văn bản. Liên kết được thực hiện với bốn phương thức:
quy chiếu, tỉnh lược, liên hợp và tổ hợp từ vựng.
Có quan niệm cho rằng liên kết là mối quan hệ ngữ pháp và từ vựng trong một văn bản hay một câu. Liên kết có thể được định nghĩa như là những sự nối kết để tổ chức văn bản và tạo ra ý nghĩa cho văn bản. [140, 5-2005]
Theo Trần Ngọc Thêm thì: Liên kết là mạng lưới các mối liên hệ tạo nên sự gắn kết giữa các câu trong một văn bản. Tính liên kết chính là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu thành văn bản. Và liên kết được chia hai loại: liên kết hình thức và liên kết nội dung.
Tác giả Diệp Quang Ban quan niệm: Liên kết là thứ quan hệ nghĩa giữa hai yếu tố ngôn ngữ mà muốn hiểu nghĩa cụ thể của yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia, và trên cơ sở đó hai câu chứa chúng liên kết được với nhau.
Từ những quan niệm trên, luận án xác định khái niệm liên kết như sau: