Mạch lạc trong văn bản nói và văn bản viết

Một phần của tài liệu Những vấn đề mạch lạc văn bản trong bài làm văn của học sinh phổ thông (Trang 69 - 72)

1.3. Mạch lạc của văn bản

1.3.2 Mạch lạc trong văn bản nói và văn bản viết

Mạch lạc trong văn bản nói hay mạch lạc trong hội thoại (coherence in conversation) được thể hiện thông qua sự hình thành các chủ đề, hành động ngôn trung (illocutionary act), và cú pháp từ vựng (lexico-syntactic) trong sự duy trì liên kết giữa chúng và qua một chuỗi các lời nói. Mỗi kiểu liên kết đều được mã hoá trong bất kỳ phát ngôn nào. Mỗi kiểu riêng lẻ này sẽ làm giàu thêm sự hiểu biết về ngữ dụng học và tiềm ẩn khả năng suy đoán về mạch lạc.

Một diễn ngôn có thể mạch lạc, khi mỗi lời nói, mặc dù ngầm, đều theo một chủ đề.

VD (52): New Jersy là dãy dọc theo bờ biển về phía Nam; các khu vực Tây Bắc là đồi núi. Khí hậu ven biển là nhẹ, nhưng lạnh đáng kể ở khu vực miền núi trong những tháng mùa đông. Mùa hè là khá nóng. Sản xuất công nghiệp hàng đầu bao gồm các hoá chất, chế biến thực phẩm, than đá

(111, tr.120)

Đoạn văn trên giới thiệu về New Jersy. Các câu phát triển chủ đề đoạn văn đã nêu về vị trí địa lý, khí hậu và kinh tế. Mặc dù không nói cụ thể nhưng ai cũng hiểu đó là những đặc điểm của vùng New Jersy.

Mạch lạc trong hội thoại là một vấn đề của quan hệ: tính nhất quán, tính thích hợp và tính thứ tự. Mạch lạc hội thoại yêu cầu mỗi người tham gia phải chịu trách nhiệm về những đóng góp của mình khi tham gia sao cho đạt mục tiêu. Điều đó góp phần cho một phát ngôn mạch lạc. Mục tiêu có thể có sẵn hoặc không, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, nghĩa của một phát ngôn mạch lạc chỉ được tìm thấy trong mối quan hệ của nó khi hướng tới mục tiêu.

Trong hội thoại, những người tham gia giao tiếp thường không chỉ bàn về một chủ đề, mà hết chuyện nọ sang chuyện kia. Từng chuyện cũng được những người tham gia giao tiếp đóng góp ý kiến của mình để làm sáng tỏ vấn đề để đi

đến thống nhất. Nội dung đối đáp của họ càng tương hợp thì hội thoại càng mạch lạc.

VD (53): A: Chủ nhật này đi xem đá banh ở sân Bình Dương nha!

B: Mình bận học bài thi.

A: Tiếc nhỉ!

VD (54): C: Anh có thể đi Endinburgh ngày mai không?

D: Phi công hãng B.E.A. đang đình công.

Trong hai đoạn hội thoại trên, các lượt lời ở mỗi cuộc thoại dường như chẳng có quan hệ gì với nhau, nhưng mọi người đều dễ dàng hiểu được nội dung. Hiện tượng này được các nhà ngôn ngữ xem là mạch lạc trong hội thoại.

Khi khả năng tương hợp giữa các hành động nói càng khớp với nhau bao nhiêu thì hội thoại càng mạch lạc bấy nhiêu. Điều này vô cùng cần thiết. Vì qua quá trình giao tiếp, nếu những người tham gia hội thoại tìm thấy sự tương đồng sẽ có sự thông cảm, chia sẻ và gắn bó với nhau. Hơn nữa, qua hội thoại, người ta có thể đánh giá về trình độ của những người tham gia hội thoại.

Để có sự mạch lạc trong hội thoại, những người tham gia ít nhất phải cùng kiến thức nền, phải có kiến thức hiểu biết về văn hóa, xã hội, phải có khả năng nắm bắt tâm lý đối tượng, v.v và tuỳ theo mục đích giao tiếp, người chủ động tham gia phải có sự hiểu biết nhiều hơn hay ngang bằng với người đối thoại.

Trong quá trình hội thoại, người nói luôn luôn muốn đạt được mục đích nhiều hơn những lời nói ra; có những khi có điều không tiện nói, không cần nói hoặc không thể nói thẳng nhưng người nói luôn mong muốn rằng người đối thoại hiểu được.

Để quá trình hội thoại đạt hiệu quả, người tham gia hội thoại ít nhất cần phải tuân thủ nguyên tắc hợp tác mà P. Grice (1975) đã đề xướng: “Hãy làm cho phần đóng góp của anh đáp ứng đòi hỏi ở giai đoạn mà nó xuất hiện phù hợp với yêu cầu hoặc phương hướng của cuộc thoại mà anh đã chấp nhận tham gia”. Theo ông, nếu có thỏa thuận hợp tác chung giữa các đối tượng tham gia

hội thoại, thì mỗi một đối tượng có thể trông đợi đối tượng kia tuân thủ những quy ước nhất định trong khi nói.

Và từ nguyên tắc này, ông đã đưa ra bốn phương châm hợp tác như sau:

+ Phương châm về chất: hãy cố gắng làm cho phần đóng góp của bạn là đúng, đặc biệt là đừng nói điều gì mà bạn tin là sai và đừng nói điều gì mà bạn tin là thiếu bằng chứng.

+ Phương châm về lượng: hãy làm cho phần đóng góp của bạn có lượng tin đúng như đòi hỏi của mục đích cuộc thoại và đừng làm cho lượng tin của bạn lớn hơn yêu cầu mà nó đòi hỏi.

+ Phương châm về sự thích hợp: hãy làm cho đóng góp của bạn thích hợp với cuộc thoại, tức là hãy nói vào đề.

+ Phương châm về cách thức: hãy nói cho dễ hiểu và đặc biệt là: tránh nói tối nghĩa, tránh nói mập mờ, nói ngắn gọn và có trật tự.

Phương châm thứ ba “nói vào đề” có nghĩa là “Hãy làm cho sự tham gia đóng góp của mình tương thích với khung chủ đề hiện hữu”. Ở đây, “tương thích với khung chủ đề” có nghĩa là nói theo chủ đề (speaking topically), nếu là cuộc hội thoại thân mật, mọi người tham gia đều đóng góp bình đẳng và cuộc hội thoại không hề đi theo phương hướng định trước nào; còn “nói về một chủ đề” (speaking on a topic) thì có nghĩa là những người tham gia hội thoại cùng tập trung về một vấn đề, một cá nhân, một sự việc, v.v cụ thể. Trong thực tế, bất kỳ cuộc hội thoại nào cũng thường có cả hai kiểu “nói theo chủ đề” và “nói về chủ đề”.

Tóm lại, nếu những người tham gia hội thoại đảm bảo được ít nhất bốn phương châm trên thì chắc chắn cuộc đàm thoại sẽ đạt mục đích giao tiếp và ngược lại.

1.3.2.2. Mch lc trong văn bn viết

Mạch lạc trong văn bản là sản phẩm của nhiều yếu tố, với sự kết hợp của các cụm từ, các câu, các đoạn để làm nên tổng thể có nghĩa. Mạch lạc trong văn

bản viết (coherence in writing) thường khó duy trì hơn trong văn bản nói. Bởi lẽ, người viết không nhận được sự phản hồi trực tiếp về thông điệp của họ có rõ ràng hay không. Họ cũng không thể điều chỉnh kịp thời như trong văn bản nói.

Do vậy, người viết phải có kế hoạch tỉ mỉ hơn khi viết một văn bản.

Mạch lạc ở đây dùng để chỉ một đặc điểm hay một khía cạnh nhất định của bài viết. Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là “kết dính lại với nhau”. Mạch lạc trong văn bản có nghĩa là các ý tưởng trong mỗi đoạn phải lưu loát, trôi chảy từ câu này đến câu kia. Văn bản mạch lạc khi người đọc hiểu được một cách dễ dàng những ý tưởng mà người viết muốn diễn đạt.

Ví dụ (44) về “Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân” trang 56 và mô hình trang 57 đã minh hoạ khá rõ cho các mối quan hệ trong một văn bản mạch lạc.

Vấn đề mạch lạc văn bản thường được nói đến với ba yêu cầu chung: thứ nhất, hệ thống quan hệ cấu trúc biểu thị các thuộc tính ngữ nghĩa của văn bản – một câu, một phát ngôn hay bất kỳ một đơn vị có nghĩa nào đều phải được hiểu trong quan hệ với các đơn vị có nghĩa khác; thứ hai, chủ đề với những nội dung phát triển từ chủ đề phải có mối quan hệ thống nhất và được sử dụng để xác định sự nối kết giữa các câu tạo nên tính mạch lạc của văn bản “chủ đề góp phần vào tính mạch lạc và tính văn bản bởi tình trạng ngữ nghĩa” (T. Givón, 1976b); thứ ba, các bộ phận của văn bản như đoạn, câu phải có quan hệ ngữ nghĩa, chính các quan hệ này đã tạo nên mạch lạc văn bản.

Rõ ràng, mạch lạc trong văn bản viết được thể hiện bởi các mối quan hệ gắn kết về hình thức và nội dung giữa các câu, các đoạn trong một văn bản. Sự gắn kết này do việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ trong triển khai các ý của chủ đề chung theo một trình tự nhất định tạo nên. Đồng thời, việc chú ý xây dựng câu văn, đoạn văn mạch lạc trong sự liên kết với nhau cùng biểu hiện chủ đề chung cũng sẽ tạo nên một văn bản viết mạch lạc.

Một phần của tài liệu Những vấn đề mạch lạc văn bản trong bài làm văn của học sinh phổ thông (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(260 trang)