KINH TẾ MÔI TRƯỜNG
4.4. TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG RÁC THẢI
Tái chế là hoạt động thu hồi lại chất thải các thành phần có thể sử dụng để chế biến thành các sản phẩm mới sử dụng lại cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
Hoạt động tái chế mang lại những lợi ích :
- Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên bởi việc sử dụng vật liệu được tái chế thay cho vật liệu gốc.
- Giảm lượng rác thông qua việc giảm chi phí đổ thải, giảm tác động môi trường do đổ thải gây ra, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp.
Một lợi ích quan trọng là có thể thu lợi nhuận từ hoạt động tái chế, hoạt động tái chế lúc này sẽ mang tính kinh doanh và vì thế có thể giải thích tại sao các vật liệu có thể tái chế hiện được thu gom ngay từ nguồn phát sinh cho tới khâu xử lý và tiêu huỷ cuối cùng.
Hoạt động tái chế và thu hồi rác thải được thực hiện thông qua hệ thống thu gom rác thải theo mạng lưới 3 cấp gồm : người thu gom, đồng nát và buôn bán phế liệu.
Hoạt động tái chế cũng cần chi phí để thu gom, vận chuyển chế biến và ngăn chặn các tác động tiêu cực lên môi trường do quá trình tái chế gây ra. Do đó nếu như chi phí tái chế cao hơn lợi ích thì hoạt động này không mang lại hiệu quả.
Để ước tính lợi ích tái chế người ta sử dụng công thức tính trên chi phí cơ hội.
NBr = [Pv1 – Pv2] + [Ce1 + Cu1 – Ce2] + [Cw1 – Cw2] + Cdw Trong đó : [Pv1 – Pv2] : chênh lệch về chi phí vật liệu thô
Pv1: chi phí vật liệu đầu vào là tài nguyên thiên nhiên Pv2 : chi phí đầu vào là rác tái chế
[Ce1 + Cu1 – Ce2] : chênh lệch chi phí tái chế, tái sử dụng Ce1 : chi phí do phải xử lý rác thải nếu không tái chế Cu1 : doanh thu do tạo thành sản phẩm từ rác
Ce2 : chi phí xử lý môi trường do hoạt động tái chế gây ra [Cw1 – Cw2] : chênh lệch chi phí thu gom
Cw1 : chi phí thu gom rác để xử lý Cw2 : chi phí thu gom rác để tái chế Cdw : chi phí tiết kiệm đổ rác thải.
Nếu kết quả tính toán cho NBr là dương thì có nghĩa là hoạt động tái chế mang lại hiệu quả, ngược lại nếu cho kết quả là âm thì hoạt động này không mang lại hiệu quả.
Hiện tại với điều kiện của nước ta việc tái chế, tái sử dụng rác thải thông qua đội ngũ những người nhặt rác, những người thu mua đồng nát đã tỏ ra là một biện pháp hữu hiệu và có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng rác
mang tính tự phát mà chưa được quản lý một cách chặt chẽ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho những người nhặt rác.
Đội ngũ những người nhặt rác phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Cần có sự giúp đỡ họ trong vấn đề bảo vệ an toàn như sử dụng găng tay, khẩu trang để giảm bớt những tác hại có thể gây ra. Đối với trẻ em cần có những biện pháp giúp đỡ, giáo dục, đào tạo nghề giúp các em tìm kiếm những công việc khác.
Một vấn đề khác đặt ra là chúng ta thường chưa đánh giá hiệu quả của những hoạt động tái chế rác thải. Vật liệu được thu gom thường được đem về các làng nghề truyền thống, các cơ sở gia công tư nhân để chế biến lại. Công nghệ chế biến thường là những công nghệ thủ công lạc hậu, có nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề bức xúc hiện nay ở các cơ sở này là tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên trầm trọng. Cần có những biện pháp giúp đỡ các cơ sở thay đổi về công nghệ, sử dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Việc phân loại rác tại nguồn cũng giúp cho hoạt động tái chế có hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc xử lý rác thải bằng phương pháp sản xuất phân compost hiện nay mới chỉ được tiến hành với một lượng nhỏ rác thu gom từ các chợ. Còn đối với rác từ các hộ gia đình mặc dù có tỉ lệ chất hữu cơ khá cao (hơn 50%) nhưng do chưa được phân loại mà phải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Điều này là một lãng phí lớn vừa tốn diện tích đất giành cho chôn lấp mà chúng ta lại mất đi một nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Trong tương lai để giảm sức ép đối với việc chôn lấp rác thải, cần đẩy mạnh việc xử lý rác thải bằng phương pháp chế biến phân compost. Sử dụng phương pháp này vừa giảm được lượng rác thải đem chôn lấp, vừa đem lại hiệu quả kinh tế do bán phân sản xuất ra phục vụ cho trồng trọt, cải tạo đất. Mục tiêu lâu dài của chúng ta là lượng rác thải sử dụng để sản xuất phân bón , nhưng chúng ta mới sản xuất được ở mức thấp. Để đẩy mạnh sức sản xuất cần đầu tư hơn nữa vào mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất nâng cao công suất. Quan trọng là phải tuyên truyền hướng dẫn về lợi ích của việc sử dụng phân vi sinh làm phân bón cho những
người có nhu cầu sử dụng như bà con nông dân để lượng phân sản xuất có khả năng tiêu thụ tốt hơn, tránh tình trạng sản xuất ra mà không có khả năng tiêu thụ như hiện nay.
Tuy nhiên trong tương lai, chúng ta không nên chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp thu hồi tái chế thủ công như vậy. Về lâu dài, chúng ta nên tiến hành đổi mới quy trình công nghệ, lắp đặt các công nghệ có phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý. Việc phân loại rác này vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực, vừa giảm các tác động đến sức khỏe con người, vừa nâng cao được hiệu quả của việc xử lý rác thải.
Hiện nay các tổ chức quốc tế cũng như các nước phát triển đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải đô thị ở các nước đang phát triển như nước ta.
Họ tài trợ trong lĩnh vực này dưới dạng như tài trợ không hoàn lại, vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu các dự án, đào tạo, tuyên truyền…
Chúng ta có thể tranh thủ các nguồn tài trợ này để tiến hành thay đổi các công nghệ sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của chúng ta.