Hồ Văn Nam (1963) [16] và Trịnh Văn Thịnh (1982) [20] cho biết trâu bị bệnh thể cấp tính có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, điên loạn, chết nhanh. Trâu nhiễm bệnh thể mãn tính thường sốt gián đoạn, gầy còm, thiếu máu kéo dài, viêm giác mạc, phù thũng ở bụng, liệt chân sau, chết do kiệt sức. Đối với bệnh tiên mao trùng bò, những biểu hiện lâm sàng gần giống trâu, ít thấy các triệu chứng cấp tính, con vật có triệu chứng sốt gián đoạn, chậm chạp, hạch lâm ba trước đùi sưng, một số con thủy thũng ở vùng hàm, vùng cổ nhưng không đau, gần chết thì bại liệt.
Lê Ngọc Mỹ và cs (1994) [15] đã điều tra tình hình nhiễm tiên mao trùng ở trâu, bò Việt Nam. Kết quả cho thấy, trâu bò nhiễm tiên mao trùng với tỷ lệ cao (21,27%), trong đó trâu, bò nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhiễm T. evansi cao hơn ở đồng bằng.
Phan Lục và Nguyễn Văn Thọ (1995) [12] cho biết: tỷ lệ nhiễm tiên mao trùng của bò của một số địa phương miền Bắc là 5,9%.
Theo Hà Viết Lượng (1998) [13], tỷ lệ bò nhiễm tiên mao trùng ở các tỉnh miền Trung là 8,99%.
Theo Phạm Chiến và cs (1999) [1], trâu ở một số tỉnh miền Nam và Tây Nguyên nhiễm tiên mao trùng là 22,12%; bò là 6,6 - 10,3%.
Nguyễn Đăng Khải (1995) [6] đã tổng hợp báo cáo của các chi cục thú y các tỉnh miền Bắc cho thấy, số trâu, bò bị thiệt hại do bệnh tiên mao trùng như sau: Từ năm 1960 - 1965 số gia súc mắc bệnh là 1776, chết 520 con; từ năm 1979 - 1983 số gia súc ốm là 4629, chết 3243 con; từ năm 1984 - 1988 số gia súc ốm là 4028, chết 3710 con; bình quan số trâu, bò hàng năm trong thời gian này ở miền Bắc là 1871362 trâu và 894453 bò.
Hồ Thị Thuận, Phan Hoàng Dũng (1996) [23] đã điều tra tình hình nhiễm T. evansi ở một số đàn bò sữa các tỉnh phía Nam như An Phước (Đồng Nai), Đức Trọng (Lâm Đồng), Tân Thắng và các hộ chăn nuôi ở thành phố Hồ Chí Minh, các hộ chăn nuôi gia đình ở huyện Đức Hòa (Long An), Bến Cát (Sông Bé) bằng phương pháp MI và ELISA, thấy: tỷ lệ nhiễm trung bình là 7,97%. Nhưng chỉ có trâu, bò ở Bến Cát nhiễm 9,98%; ở An Phước là 12,60%; Lâm Đồng là 2,09%; còn ở các nơi khác không có.
Nguyễn Quốc Doanh (1998) [3] đã nghiên cứu về một số đặc điểm sinh học của T. evansi, bệnh học do chúng gây ra. Quy trình bảo quản và sử dụng giống T. evansi để chẩn đoán bệnh tiên mao trùng.
Vương Thị Lan Phương (2004) [18] đã tiến hành nghiên cứu về kháng nguyên bề mặt T. evansi phân lập từ miền Bắc Việt Nam, để chẩn đoán bệnh tiên mao trùng bằng phương pháp kháng thể huỳnh quang gián tiếp.
Về công tác chẩn đoán bệnh, ngoài các phương pháp cổ điển thường dùng trước đây (soi tươi, nhuộm giemsa, tiêm truyền động vật thí nghiệm) thì các phản ứng huyết thanh học như ứng ngưng kết, phương pháp huỳnh quang gián tiếp, phương pháp ELISA …có độ chính xác cao trong chẩn đoán bệnh tiên mao trùng.
2.2.2. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Với những tiến bộ về dụng cụ quang học, những thiết bị để chẩn đoán … lĩnh vực nghiên cứu về động vật đơn bào đã có những thành tựu rất lớn. Donne năm 1836 mô tả trùng roi âm đạo. Laverau năm 1880 là người đầu tiên phát hiện được ký sinh trùng sốt rét trong máu người. Evans phát hiện T. evansi trong máu la và lạc đà vào năm 1880 ở Punjab ( Ấn Độ). Năm 1885, Steel phát hiện ký sinh trùng này trong máu la ở Miến Điện, mô tả đặc điểm hình thái và đặt tên là T. evansi. Blanchard (1886) tìm thấy T. evansi trong máu la nhập nội vào Bắc Bộ Việt Nam và mô tả thể bệnh ở la, ngựa và bò…
Smith và Kilborme năm 1893 đã nghiên cứu về vai trò của ve mòng trong truyền bệnh tiên mao trùng ở trâu, bò.
Lavara và Rosail năm 1912 trong tác phẩm kinh điển nói về tiên mao trùng và bệnh do tiên mao trùng gây ra đã mô tả đầy đủ về bệnh lý học của bệnh tiên mao trùng.
Ligard (1902), Rudrrink và Wiekerrman đã có những công trình nghiên cứu về cơ thể và kháng nguyên tiên mao trùng.
Chen Qijun (1992) [26] cho biết: T. evansi gây bệnh cho hầu hết các loài động vật như trâu, bò, ngựa, la, chó… ở Trung Quốc.
Payne RC và cs ( 1992) [33] đã nghiên cứu khả năng tăng khối lượng trên 9 bê Holstein Friesian nhiễm T. evansi do gây nhiễm. Sau gây nhiễm hàng tuần kiểm tra khối lượng cơ thể bê. Kết quả cho thấy nhiễm T. evansi ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tăng trọng của bê.
Diall O. và cs (1993) [28] đã nghiên cứu về dịch tễ học do Trypanosoma sp gây ra ở lạc đà tại Mali. Kết quả cho thấy: trong 305 mẫu kiểm tra tại Sahel có 29 mẫu dương tính; chiếm tỷ lệ 9,5%. Trong 627 mẫu kiểm tra tại Tombouctou và Gao có 28 mẫu dương tính; chiếm tỷ lệ 4,5%.
Tỷ lệ nhiễm theo đàn là 55% ở Tây Sahel, 68% ở Tombouctou và Gao;
ở một số đàn tỷ lệ nhiễm vượt quá 50%.
Wuyts N và cs (1994) [40] cho biết: Tại Đông Nam Á, bệnh tiên mao trùng do Trypanosoma evansi là một trong những bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của trâu, bò và lợn. Các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính gồm sảy thai, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương và thậm chí là tử vong; nhiễm bệnh thể mãn tính ảnh hưởng lớn đến khả năng lao tác và năng suất của vật nuôi.
Theo Aquino LP và cs (1999) [24] : chó nhiễm T. evansi có triệu chứng sốt gián đoạn, niêm mạc nhợt nhạt, phù nề, con vật gầy yếu và có thể sờ thấy các hạch bạch huyết sưng to.
Ul Hasan M. và cs (2006) [36] đã tiến hành một nghiên cứu nhanh để xác định tỷ lệ nhiễm Trypanosoma evansi ở những loài mẫn cảm tại Punjab (Pakistan). 170 ngựa và 150 lạc đà đã kiểm tra được bằng phương pháp huyết thanh học phát hiện có 6 lạc đà ( chiếm 4%) và phương pháp xác định ký sinh trùng phát hiện 5 lạc đà ( chiếm 3,3%) nhiễm T. evansi; không phát hiện ngựa nhiễm bệnh.
Umezawa E.S. và cs (2009) [37] đã sử dụng phương pháp TESA- blot, TESA - ELISA, epimaastigotes - ELISA chẩn đoán chó nhiễm bệnh Trypanosoma cruzi để đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu. kết quả cho thấy
phương pháp TESA- blot có độ nhạy và độ đặc hiệu 100%; TESA - ELISA có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 94,1%; epimaastigotes - ELISA có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 49,4%.
Tamarit A. và cs ( 2010) [35] cho biết: Một đợt bùng phát bệnh do Trypanosoma evansi xảy ra ở Trung Tây Ban Nha được phát hiện. Các ổ dịch xảy ra ở trang trại ngựa, lừa và lạc đà. Bằng phương pháp soi tươi đã xác định được 76% lạc đà, 35% lừa và 2% ngựa nhiễm Trypanosoma evansi. Các loài động vật đã được cách ly và điều trị bằng Cymelarsan với liều 0,5mg/kg. Sau thời gian điều trị, kiểm tra lại máu của số động vật này đều cho kết quả âm tính với T. evansi.
Hari F. M. và cs (2011) [29] đã lựa chọn ngẫu nhiên 300 con lạc đà ( 200 lạc đà đực 4 - 6 tuổi và 100 lạc đà cái 10 - 15 năm tuổi) để xác định tỷ lệ nhiễm do T. evansi. Các phương pháp chẩn đoán gồm chẩn đoán lâm sàng, nhuộm giemsa tiêu bản máu và ELISA. Phương pháp nhuộm giemsa phát hiện 6% lạc đà đực và 9% lạc đà cái nhiễm T. evansi. Phương pháp ELISA phát hiện 8% lạc đà đực và 24% lạc đà cái nhiễm T. evansi. Kết quả cho thấy phương pháp chẩn đoán ELISA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn phương pháp nhuộm giemsa.
Phần 3