1.3. Tình hình nghiên cứu ngô đường trên thế giới và Việt Nam
1.3.2. Tình hình nghiên cứu ngô đường ở Việt Nam
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, rất nhiều cơ quan nghiên cứu đã chọn ra những giống ngô đường có năng suất cao và chất lượng tốt để đưa vào sản xuất đại trà. Điển hình là năm 1990, Viện Nghiên cứu ngô đã nhập nội giống ngô đường từ Thái Lan (Super sweet corn) - là giống thụ phấn tự do và trồng khảo sát tại Trung tâm ngô Sông Bôi. Qua theo dõi thấy giống thích ứng với điều kiện sinh thái, ít sâu bệnh, nhưng tỷ lệ bắp chưa cao nên Viện Nghiên cứu ngô đã đưa vào quá trình chọn lọc đám cải tiến, chọn lọc bắp trên hàng cải tiến, kết quả đã chọn lọc được giống TSB3, sau đó trồng thử nghiệm và sản xuất hàng hoá tại một số tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá...
và các tỉnh Miền Nam thông qua công ty giống cây trồng Miền Nam. TSB3 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 115 - 120 ngày, vụ thu đông 109 - 111 ngày, vụ hè 93 - 95 ngày, chiều cao cây trung bình 170 - 200 cm, chiều cao đóng bắp 75 - 100 cm, bắp dài 10,5 - 12,5cm, khả năng chống chịu bệnh đốm lá, bệnh khô vằn trung bình, năng suất trung bình 9 - 13 tạ/ha. Năm 1996, TSB 3 được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc
gia và cho phép sản xuất rộng rãi theo nhu cầu ngày càng tăng của việc dùng ngô thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu (Viện Nghiên cứu ngô, 2006)[14].
Cùng với Viện nghiên cứu ngô, vụ đông năm 1998, bộ môn Cây Lương Thực Trường đại học Nông Nghiệp I - Hà Nội cũng đã tham gia chọn lọc giống ngô thực phẩm, tiến hành khảo sát 105 giống ngô đường thụ phấn tự do nhập nội từ Hàn Quốc, sử dụng giống TSB - 3 làm giống đối chứng đã chọn ra được 27 giống có triển vọng. Vụ đông năm 1999, khảo nghiệm 27 giống trên và đưa ra 5 giống có triển vọng là 971 - 493, 9710 - 567, 9710 - 729, 9710 - 719. Năm 2001, tiếp tục khảo nghiệm 5 giống này và thêm giống TN115 (là giống lai nhập nội từ Trung Quốc). Cho đến năm 2005, sau thời gian 5 năm (2001 - 2005) nghiên cứu và chọn tạo các giống ngô lai đã đạt chọn được 15 dòng ngô đường ưu tú có đầy đủ thông tin về đặc tính nông sinh học để làm vật liệu tạo giống ngô thực phẩm đang cần với nhu cầu rất lớn trên thị trường Việt Nam.
Đồng thời cũng đã lai thử 60 tổ hợp ngô đường, đánh giá và chọn tạo được 3 tổ hợp lai có triển vọng: CLT - Đ2 x CLT - Đ5, TN115 x Đ7, chuẩn bị đưa đi khảo nghiệm và chuyển giao ra ngoài sản xuất.
Giống ngô Đường lai 10, do Viện Nghiên cứu Ngô chọn tạo, có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian từ khi gieo đến thu hoạch bắp tươi 65 - 75 ngày, trồng 4 vụ trong năm, chiều cao cây 152 - 178cm, chiều cao đóng bắp 50 - 60cm, đường kính bắp 4,8 - 6,0cm, 16 - 18 hàng hạt, 38- 45 hạt/hàng, độ đường Brix: 15 - 16%, khối lượng 1.000 hạt khô: 100 - 150g, năng suất bắp tươi: 18 - 20 tấn/ha.
Vụ xuân 2008, giống ngô Đường lai 10 đã được trình diễn ngoài sản xuất tại các hợp tác xã thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội (2 ha). Vụ Đông 2008, giống được triển khai tại Hải Dương (0,5 ha), và tại xã Song Phượng - Đan Phượng - Hà Nội (2 ha). Vụ Xuân 2009, tiếp tục triển khai tại huyện Đan Phượng - Hà Nội (2ha), huyện Sóc Sơn - Hà Nội (1ha), xã Nguyên Hoà - Phù
Cừ - Hưng Yên (2ha). Hầu hết các địa phương đều có nhu cầu mở rộng diện tích ngô Đường lai 10 ở các vụ tiếp theo. Trong vụ thu đông 2009, Viện nghiên cứu Ngô đã chuẩn bị đủ lượng hạt giống cho 50 - 80ha phục vụ công tác triển khai diện rộng [33].
Vụ Xuân 2007, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và Phân bón Quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản các giống ngô đường mới được lai tạo trong nước và nhập nội trong mạng lưới khảo nghiệm ngô Quốc gia ở phía Bắc. Nhóm ngô đường gồm 4 giống: Sugar 77, Ngọc nếp 888, Golden Sweeter 93 và Honey Sweeter 27 với giống đối chứng là Hoa Trân 1357. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống ngô ngọt Sugar 77 có thời gian sinh trưởng dài hơn đối chứng Hoa Trân 1357 khoảng 2 ngày, cây sinh trưởng phát triển khoẻ, đóng bắp thấp, che kín bắp (điểm 2,0), nhiễm sâu bệnh nhẹ, bắp to đều, hạt tươi màu vàng nhạt. Năng suất bắp thu ăn tươi cao hơn đối chứng có ý nghĩa tại 4/5 điểm. Tại Hà Nội đạt cao nhất 168,57 tạ/ha, trung bình tại các điểm đạt 131,75 tạ/ha. Chất lượng ăn tươi ngọt và vị đậm hơn Hoa Trân 1357 (Phạm Xuân Liêm và cộng sự, 2007) [8].
Vụ Xuân 2008, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và Phân bón Quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản 2 giống ngô đường Starbrix 07 và Golden Sweeter 93 với giống đối chứng là Sugar 75.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy: giống Starbirx 07 có thời gian sinh trưởng tương đương đối chứng Sugar 75, cây sinh trưởng phát triển khoẻ, đóng bắp thấp, che kín bắp (điểm 1,3), nhiễm nhẹ sâu bệnh, bắp to đều, hạt tươi màu vàng nhạt. Năng suất bắp thu ăn tươi cao hơn đối chứng có ý nghĩa tại 2/4 điểm, tại Hà Nội đạt cao nhất (122,26 tạ/ha). Chất lượng ăn tươi như hương thơm và vị ngọt kém Sugar 75, vị đậm tương đương với đối chứng Sugar 75.
Giống Golden Sweeter 93 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn đối chứng Sugar 75 khoảng 6 ngày, cây sinh trưởng phát triển khỏe, độ đồng đều khá, cây nhỏ, thấp cây, ít nhiễm sâu bệnh, bắp nhỏ, độ che kín bắp (điểm 1,5). Năng suất
trung bình bắp thu ăn tươi đạt 110,47 tạ/ha. Chất lượng ăn tươi như độ ngọt và vị đậm tương đương Sugar 75, hương thơm kém Sugar 75 (Hà Quang Dũng và cs, 2008)[3].
Khi nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp chọn lọc cho ngô đường của Nguyễn Tiến Trường (2005)[13], thu được một số chỉ tiêu nông sinh học như: Dài bắp (18,1cm), đường kính bắp (4,0cm), số hàng hạt đạt 14,2 hàng và độ ngọt đạt 14,6%, từ 36 dòng ở thế hệ F4 đã chọn ra được 9 dòng có đặc điểm nông sinh học tốt.
Hiện nay, những giống ngô đường ưu thế lai cho năng suất cao, chất lượng tốt đang được người dân trồng phổ biến như: Sugar 75, TN115, Sakita, Hoa Trân, .…