Phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt tận gốc có ưu điểm so các phương pháp điều trị khác là lấy hết tế bào ung thư, tuy nhiên bệnh nhân phải chịu đựng nhiều di chứng do phẫu thuật gây ra, thậm chí có thể nguy cơ tính mạng bệnh nhân. Những tai biến phẫu thuật có thể chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định nhưng cũng có khi kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó bên cạnh mục đích chính là điều trị hết ung thư đòi hỏi phẫu thuật phải đảm bảo bệnh nhân có cuộc sống hoàn chỉnh.
Về kiểm soát ung thư, cho đến ngày nay chưa có xét nghiệm nào có thể thay thế PSA trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi trong ung thư tuyến tiền liệt. PSA còn dùng theo dõi đáp ứng với điều trị. Vai trò của PSA quan trọng đến nỗi ngày nay nhiều tác giả đưa ra một khái niệm mới sau điều trị là “ tình trạng tái phát sinh hóa”: nghĩa là bệnh nhân tăng PSA như là một biểu hiện đơn thuần của ung thư tái phát sau phẫu thuật. Điều trị những bệnh nhân tái phát sinh hóa còn nhiều bàn cãi, bởi vì diễn tiến bệnh thay đổi rất nhiều, khi nào cần điều trị và có lẽ điều quan trọng nhất là chọn phương pháp điều trị nào thích hợp nhất cho từng bệnh nhân. Những trường hợp ung thư thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ sớm gây triệu chứng lâm sàng. Những bệnh nhân này điều trị càng sớm càng tốt, có thể ngăn ung thư di căn, bảo tồn chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống người bệnh. Bên cạnh đó, có những trường hợp ung thư không gây triệu chứng, những trường hợp này thường không cần điều trị can thiệp. Trong điều trị, có hai vấn đề cần giải quyết: thứ nhất, tùy theo đánh giá từng bệnh nhân mà chọn phương pháp điều trị, nếu đánh giá ung thư chỉ tái phát tại chỗ, có thể chọn điều trị bổ xung tại chỗ là đủ; nếu đánh giá ung thư tái phát toàn thân hoặc vừa tái phát tại chỗ vừa tái phát toàn thân thì điều trị tại chỗ sẽ không đủ. Thứ hai, cần đánh giá ung thư thuộc nhóm nguy cơ cao hay thấp, để tiên lượng diễn tiến ung thư có thể gây triệu chứng hoặc tử vong về sau.
Tùy theo phương pháp điều trị mà định nghĩa khi nào được gọi là tái phát sinh hóa sẽ khác nhau. Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn khi nào gọi là tái phát sinh hóa. Tuy nhiên, do sau phẫu thuật phải đạt yêu cầu là không còn tế bào bướu hoặc chỉ còn một lượng rất nhỏ mô tuyến tiền liệt tiết ra lượng rất nhỏ PSA. Đối với phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt tận gốc: đa số các tác giả cho rằng sau phẫu thuật, khi PSA ≥ 0,2 ng/ml được coi là tái phát sinh hóa [62], [68].
Kết quả nghiên cứu sau 12 tháng theo dõi 41 trường hợp, tỉ lệ bệnh nhân không tái phát sinh hóa là 87,7%. Trong nghiên cứu có 8 trường hợp bệnh nhân không được theo dõi, nguyên do là bệnh nhân ở xa, không tái khám, hoặc tái khám không đầy đủ theo lịch hẹn nên loại khỏi nhóm nghiên cứu.
Ngoài ra, kiểm soát ung thư được đánh giá dựa vào các yếu tố: bờ biên có tế bào ung thư, có tế bao ung thư ở hạch chậu, ung thư tái phát tại chỗ hoặc di căn. Trong nghiên cứu thực hiện xét nghiệm biên phẫu thuật mặt cắt niệu đạo và ở cổ bàng quang trong 32/49 trường hợp, trong tất cả bệnh nhân này đều không phát hiện tế bào ung thư ở biên phẫu thuật.
Các biến chứng liên quan nhiều đến yếu tố bác sĩ phẫu thuật hơn là yếu tố bệnh nhân. Kinh nghiệm của phẫu thuật viên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị cũng như các biến chứng, hơn là do các yếu tố như chỉ số trọng lượng cơ thể bệnh nhân, đường mổ trong hoặc ngoài phúc mạc… Tuy nhiên để có một kết luận thuyết phục cần có nhiều nghiên cứu hơn và cần thời gian để đánh giá.
Một tai biến có ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân là tiểu không kiểm soát. Tiểu không kiểm soát sau mổ là một trong những biến chứng gây phiền toái và thất vọng cho bệnh nhân và cũng như cho phẫu thuật viên. Mặc dù những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tiểu không kiểm soát sau mổ thấp hơn so với trước kia, nhưng vẫn còn một số bệnh nhân tiểu không kiểm soát. Tiểu không kiểm soát được xem là khi bệnh nhân bị són nước tiểu và khi bệnh nhân phải dùng tã hay dụng cụ khác để hứng nước tiểu.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tiểu không kiểm soát sau mổ. Tuy nhiên, cũng như rối loạn cương ở những trung tâm lớn tỉ lệ tiểu không kiểm soát sau mổ thấp, nhưng trong cộng đồng tỉ lệ này vẫn còn cao. Tỉ lệ bệnh
nhân không có tình trạng tiểu không kiểm soát của nghiên cứu sau 12 tháng theo sau mổ là 95,1%.
Tai biến rối loạn cương là một trong những biến chứng thúc đẩy sự phát hiện về cải tiến kỹ thuật trong phẫu thuật tuyến tiền liệt tận gốc. Trước khi có những hiểu biết về bó mạch thần kinh, trong đó có chứa thần kinh hang dương vật rất ít bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt còn khả năng cương. Ngày nay nhờ áp dụng kỹ thuật bảo tồn bó mạch thần kinh, tỉ lệ bệnh nhân bảo tồn chức cương tăng đáng kể. Nếu bệnh nhân bảo tồn cả 2 bó mạch thần kinh, tỉ lệ bệnh nhân cương sau mổ sẽ tốt hơn nếu chỉ bảo tồn 1 bên, và kết quả xấu nhất là những bệnh không bảo tồn. Sau 12 tháng theo dõi, nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân không có tình trạng rối loạn cương sau mổ 29,3%.
Ngoài ra, nghiên cứu ghi nhận 6,1% biến chứng hẹp cổ bàng quang, không ghi nhận các biến chứng khác như thủng trực tràng, tổn thương niệu quản, thuyên tắc mạch.