Trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi đã đề cập đến biện pháp nghệ thuật này. Có thể coi đây là biện pháp tu từ, thể hiện và tác động tới kết cấu của ca dao. Phép đối ngẫu tâm lý (còn gọi là sóng đôi tâm lý hoặc sóng đôi hình tượng) là so sánh những hình tượng của thế giới tự nhiên, thế giới sinh học với những hành động, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ý nghĩa, bản chất của phép đối ngẫu tâm lý là ở chỗ xác lập tính chất chung, sự tương ứng giữa bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt và hành động, tâm trạng, tình cảm con người, thấy sự gần gũi của chúng. Trong các bài ca sử dụng phép đối
ngẫu tâm lý, bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt bao giờ cũng được đưa vào phần đầu của tác phẩm. Tiếp đó là bức tranh của hành động, tâm trạng, tình cảm con người. Bức tranh thứ nhất không hề có ý nghĩa độc lập, nó có sự liên tưởng, dẫn dắt đến bức tranh thứ hai và bức tranh thứ hai mới là điều bài ca muốn nói nhất. Ví dụ:
Sen xa hồ, sen khô hồ cạn Liễu xa đào, liễu ngả đào nghiêng
Anh xa em như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên tái hồi.
Bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt là những xa cách: Sen xa hồ, liễu xa đào, bến xa thuyền. Sự xa cách ấy tạo nên những cảnh huống đặc biệt: Sen khô hồ cạn, liễu ngả đào nghiêng. Nghĩa là những sự vật không còn là nó trong trạng thái bình thường nữa. Bài ca nói điều đó để dẫn đến tâm sự là những lo lắng, bâng khuâng của chàng trai, cô gái yêu nhau mà phải xa nhau.
Cảnh và người ở đây đều có sự tương đồng.
Nước chảy liu riu Lục bình trôi líu xíu
Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương.
Giữa hai dòng thơ đầu và dòng thơ thứ ba có gì liên quan đến nhau? Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu gợi bức tranh phong cảnh yên tĩnh, nhỏ bé, xinh xắn, cần được che chở. Chính cái hồn của bức tranh phong cảnh ấy có sự tương đồng với hình ảnh cô gái mà chàng trai trong bài ca đang hướng tới.
Một ví dụ khác:
Quay tơ phải giữ mối tơ Dù năm bảy mối cũng chờ mối anh.
Quay tơ là cảnh sinh hoạt, cảnh lao động. Giữ mối tơ cũng vậy. Nhưng giữ mối tơ lòng thì lại là cảnh khác, thuộc thế giới tâm hồn, thế giới tình cảm con
người. Giữa hai bức tranh nói trên, rõ ràng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nói cảnh quay tơ, mối tơ là để nói đến sự thủy chung, con người cần phải gìn giữ.
Như Phạm Thu Yến trong “Những thế giới nghệ thuật ca dao” đã nhận xét: “Đối ngẫu thơ ca thực ra không phải là sự đồng nhất cuộc sống con người với tự nhiên, cũng không phải là sự so sánh các nhận thức khác nhau của đối tượng so sánh mà là sự đối chiếu theo dấu hiệu chuyển động, vận động...”. Tác giả cũng đã chỉ ra sự tổng hợp các chuyển đổi trong thành phần đối ngẫu giữa hai vế, hai bức tranh. Tính chất đối ngẫu trong hai vế, hai bức tranh trong hai bài ca phụ thuộc vào:
- Tập hợp của đặc trưng các dấu hiệu giống nhau được chọn lựa đối với dấu hiệu cơ bản trong chuyển động của cuộc sống.
- Sự phù hợp của những dấu hiệu với những hiểu biết của chúng ta về cuộc sống.
- Sự gần gũi với các đối tượng khác bằng sự gợi mở đối ngẫu.
- Giá trị của các hiện tượng và đối tượng của cuộc sống trong các mối quan hệ đối với con người.
Xin dẫn thêm một ví dụ để làm sáng tỏ rõ hơn về những điều đã nói ở trên:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu
Dòng thơ đầu là bức tranh phong cảnh và sinh hoạt. Vế đầu của dòng thơ thứ hai (“Đình bao nhiêu ngói”) cũng là bức tranh cảnh trí làng quê. Vế cuối của dòng thơ thứ hai mới là bức tranh tâm trạng. Bài ca lấy cái nhiều của ngói mái đình để nói về cái nhiều, cái mênh mông của nỗi nhớ thương. Chưa hết, bức tranh thứ nhất còn gợi bao điều của bức tranh thứ hai. Ngói đình lớp lớp dọc ngang như những đợt sóng, gợi cái ngổn ngang của những đợt sóng lòng.
Ngói đình là để che chở, gợi cái ấp ủ, cái bao bọc của tình cảm con người. Ca dao là thế, rất mộc nhưng gợi bao điều liên tưởng, chính là nhờ biện pháp đối ngẫu mà chúng tôi đã nói. Ví dụ trên tổng hợp tất cả những tính chất đối ngẫu trong hai vế của ca dao.