Thực trạng chất lượng xét xử các vụ án dân sự

Một phần của tài liệu Đề án tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị về nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự của các Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 20152020 (Trang 25 - 31)

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

2. Thực trạng chất lượng xét xử các vụ án dân sự

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Theo quy định của Luật, các Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án dân sự, trừ những vụ án có yếu tố nước ngoài hoặc những vụ án do Tòa án nhân dân tỉnh lấy lên để giải quyết. Những nội dung sửa đổi của Luật đã góp phần tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết tốt hơn các vụ án dân sự, khắc phục một phần những khó khăn, vướng mắc mà các Tòa án gặp phải trong thực tế.

Từ ngày 01/01/2012 đến 30/3/2015, kết quả giải quyết sơ thẩm các vụ

án dân sự của 12 Tòa án nhân dân cấp huyện của tỉnh Sơn La như sau:

* Kết quả giải quyết sơ thẩm của 12 Tòa án nhân dân cấp huyện:

- Tổng số vụ án sơ thẩm phải giải quyết là 884 vụ án (cũ còn lại 43 vụ, mới thụ lý 841 vụ).

- Số vụ án đã giải quyết, xét xử sơ thẩm: 792 vụ án, trong đó:

+ Chuyển hồ sơ: 4 vụ.

+ Đình chỉ xét xử: 196 vụ.

+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: 409 vụ.

+ Xét xử sơ thẩm: 185 vụ.

* Kết quả giải quyết phúc thẩm các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị:

Các vụ án dân sự sau khi được các Tòa án cấp huyện giải quyết, xét xử sơ thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị thì sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý giải quyết.Trong số 792 vụ án đã giải quyết, số vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩmnhư sau:

- Tổng số vụ án bị kháng cáo, kháng nghị: 129 vụ án (cũ còn lại là 7 vụ, mới thụ lý 122 vụ).

- Số vụ án đã giải quyết, xét xử phúc thẩm: 113 vụ án, trong đó:

+ Đình chỉ xét xử: 6 vụ.

+ Xét xử phúc thẩm: 107 vụ.

- Kết quả các vụ án đã xét xử phúc thẩm:

+ Giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm: 27 vụ.

+ Sửa bản án sơ thẩm: 42 vụ.

+ Hủy bản án sơ thẩm: 16 vụ.

* Kết quả giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị:

Từ 01/01/2012 đến 30/3/2015, có 3 vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Kết quả giải quyết: 01 vụ giữ nguyên bản án sơ thẩm, 02 vụ bị hủy án để xét xử sơ thẩm lại.

2.2. Đánh giá về chất lượng xét xử của các Tòa án cấp huyện:

Thông qua kết quả giải quyết, xét xử các vụ án ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, có thể đánh giá về chất lượng giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự của các Tòa án cấp huyện như sau:

- Tỉ lệ án dân sự hòa giải thành đạt kết quả khá cao: 409/792 vụ, tương đương 51,64%; Tỉ lệ vụ án đình chỉ xét xử (do đương sự tự nguyện rút đơn sau khi Tòa án hòa giải, giải thích pháp luật) là 196/792 vụ, tương đương 24,74%. Tổng số vụ án không phải đưa ra xét xử sơ thẩm (do hòa giải, giải thích pháp luật của Tòa án) là 605/792 vụ, tương đương 76,38%. Số vụ án phải đưa ra xét xử chỉ là 185/792 vụ, tương đương 23,36%. Điều này thể hiện các Tòa án cấp huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng có hiệu quả trong công tác hòa giải, giải thích pháp luật để các đương sự tự nguyện thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, tránh không phải đưa vụ án ra xét xử, làm giảm thời gian, chi phí cho các đương sự và chi phí xã hội nói chung cho việc giải quyết các vụ án, góp phần làm dịu bớt mâu thuẫn, căng thẳng các tranh chấp dân sự, nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước.

- Tỉ lệ án bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn tương đối cao.Tổng số vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 48/792 vụ, chiếm tỉ lệ 6,06%. Trong đó án bị sửa là 40 vụ, chiếm tỉ lệ 5,05%; án bị hủy là 8 vụ, chiếm tỉ lệ 1,01%. Tỉ lệ án bị sửa, hủy như vậy là cao so với tỉ lệ của toàn ngành năm 2014 (1,61%) và chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân (Theo Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 - giảm giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012).

Như vậy, chất lượng xét xử các vụ án dân sự của các Tòa án nhân

dân cấp huyện ở tỉnh Sơn La có mặt tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu của thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp đặt ra.

2.3. Nguyên nhân của hạn chế về chất lượng xét xử

Tỉ lệ các vụ án dân sự hòa giải thành cao (đạt 76,38%) là có nguyên nhân chủ yếu là do các Tòa án đã chú trọng, kiên trì công tác hòa giải, giải thích pháp luật. Các Thẩm phán có kĩ năng hòa giải tốt. Các quy định hiện hành của pháp luật khuyến khích các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án để tránh hậu quả pháp lý bất lợi hơn trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử. Mặt tích cực này trong chất lượng giải quyết các vụ án dân sự thể hiện sự nỗ lực cao, đáng ghi nhận của các Tòa án cấp huyện.

Về mặt hạn chế trong chất lượng xét xử các vụ án dân sự (tỉ lệ án bị sửa, hủy cao: 6,06%), điều này là do trong một số trường hợp, việc thu thập chứng cứ còn chưa đầy đủ; còn có những vụ án xác định thiếu hoặc sai người tham gia tố tụng; xác định không đúng quan hệ pháp luật; việc đánh giá chứng cứ trong một số trường hợp thiếu khách quan, toàn diện; không định giá tài sản tranh chấp; phân chia tài sản không phù hợp; đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án không đúng quy định của pháp luật; chưa xem xét đầy đủ yêu cầu của đương sự dẫn đến giải quyết không đủ hoặc vượt quá yêu cầu của đương sự; đánh giá mức độ lỗi và tính thiệt hại chưa chính xác; giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu chưa đúng pháp luật; thủ tục niêm yết, tống đạt bản án, quyết định cho người tham gia tố tụng trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Đó là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng các vụ án dân sự bị hủy, sửa cao. Tuy nhiên, đây là những nguyên nhân mang tính chuyên môn, nghiệp vụ trong áp dụng pháp luật của các Tòa án. Để nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án, cần xem xét các nguyên nhân chủ quan và khách quan - mang tính bản chất dẫn đến tình trạng trên.

2.3.1. Nguyên nhân khách quan:

- Số lượng các vụ án dân sự nói riêng và các vụ án nói chung trong những năm qua liên tục tăng cả về số lượng vụ việc và tính chất phức tạp của tranh chấp. Trong khi đó, biên chế của một số Tòa án không đủ. Tuy vậy, chế độ, chính sách đối với cán bộ Tòa án chưa tương xứng với tính chất công việc đặc thù của Tòa án, chưa thể thu hút được nguồn cán bộ có trình độ, năng lực, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ.

- Trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, một số vụ án bị kéo dài do các cơ quan, tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với Tòa án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu cảu Tòa án, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện ủy thác tư pháp. Nhiều đương sự chưa hiểu được tầm quan trọng của việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án nên cung cấp chứng cứ không đầy đủ hoặc cố ý không cung cấp chứng cứ hoặc chây lỳ, trốn tránh, không hợp tác, không đến Tòa theo giấy triệu tập. Công tác lưu trưc hồ sơ liên quan đến đất đai của một số cơ quan chưa đầy đủ dẫn đến kho khăn cho Tòa án trong giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai.

- Một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp, chậm sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời, đặc biệt là các quy định liên quan tới đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai, việc giám định, định giá và trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong các vụ án từ phía các cơ quan, tổ chức,

… Hiện nay, 2 bộ luật lớn là Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2015.

- Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí để đầu tư các trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác của các Tòa án cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. 07 Tòa án

đang phải sử dụng trụ sở cũ không đủ tiêu chuẩn, định mức của nhà nước, 01 Tòa án chưa có trụ sở. Các trụ sở đều không có nhà công vụ để phục vụ công tác luân chuyển cán bộ theo quy định. Chế độ kinh phí, tài chính đối với hoạt động xét xử còn nhiều bất hợp lý và chưa tương xứng với tính chất đặc thù của công tác và đòi hỏi yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tòa án.

- Tổ chức và hoạt động của các Đoàn Hội thẩm nhân dân cấp huyện còn nhiều bất cập. Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm còn hạn chế. Chất lượng, kĩ năng xét xử của Hội thẩm nhân dân còn thấp.. Các thiết chế hỗ trợ tư pháp như Đoàn luật sư, Trợ giúp pháp lý, … chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia giải quyết các tranh chấp dân sự cả về số lượng và chất lượng.

2.3.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Lãnh đạo một số Tòa án chưa phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm;

thiếu quyết liệt; năng lực quản lý và điều hành trong công tác còn hạn chế, chưa có biện pháp khuyến khích có hiệu quả đối với cán bộ có ý thức phấn đấu tốt, chưa có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành, chấp hành không tốt nên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả công tác của đơn vị. Một bộ phận Thẩm phán, cán bộ Tòa án hạn chế về năng lực, trình độ, kinh nghiệm; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân và chấp hành kỉ luật công vụ chưa tốt, chạy theo chỉ tiêu về số lượng giải quyết nên hiệu quả công tác thấp, thậm chí có trường hợp sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của Tòa án.

- Một số Thẩm phán và Hội đồng xét xử còn chủ quan, chưa thận trọng nghiên cứu kĩ hồ sơ, thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, … để nâng cao chất lượng giải quyết vụ án. Việc thụ lý và phân công Thẩm phán giải quyết các vụ án ở một số đơn vị chưa khoa học; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, phân công phân nhiệm chưa rõ ràng, thiếu kiểm tra đôn đốc; tác phong lề lối làm việc chưa khoa học, hiệu quả; chưa thật sự chủ động trong công tác

phối hợp thực hiện nhiệm vụ; chậm đổi mới phương thức và lề lối làm việc.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, chậm ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cập nhật những văn bản pháp luật hiện hành trong áp dụng giải quyết án.

- Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện một cách có hiệu quả thực sự nên chưa phát huy hết tính tích cực của công tác này trong phòng ngừa và răn đe các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức.

Một phần của tài liệu Đề án tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị về nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự của các Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 20152020 (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(48 trang)
w