3. TỔNG QUAN LÝ THUYẾT CÓ LIÊN QUAN ĐỀ TÀI
3.1 Mô hình Mundell-Fleming
Mô hình Mundell – Fleming dựa trên những ý tưởng của Robert Mundell và Marcus Fleming vào thập niên 1960. Những nghiên cứu lý thuyết này cho thấy hiệu quả của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá phụ thuộc vào cơ chế tỷ giá hối đoái và mức độ kiểm soát vốn. Hay nói một cách khác thì mô hình Mundell-Fleming cho phép nghiên cứu ảnh hưởng của việc tăng bên ngoài nhu cầu nội tại về tài sản. Cân bằng thị trường hàng hoá được thực hiện thông qua việc tăng giá đồng tiền chứ không phải thông qua việc tăng sản xuất. Mô hình này được thể hiện bởi hai phương trình sau:
Đường IS (Invest-Saving) là đường cân bằng của thị trường hàng hoá, cho biết lãi suất cần phải bằng bao nhiêu để đảm bảo nhu cầu chi tiêu nhập quốc nội Y. Đường IS thể hiện mối liên hệ trái chiều giữa đầu tư I và lãi suất r. Đường IS được hình thành:
Y = C + I + G + X – M (IS) (1)
Y là tổng thu nhập quốc nội, C là tiêu dùng trong nước, I là chi tiêu cho đầu tư trong nước, G là chi tiêu của chính phủ, X là khoản thu xuất khẩu và M là chi tiêu nhập khẩu.
Y – C = S (S là tiết kiệm) (2)
Qua khảo sát thực nghiệm cho thấy:
- Giữa thu nhập và tiết kiệm có mối quan hệ tuyến tính và đồng biến, tiết kiệm bao gồm hai phần là tiết kiệm tự định (Sa) và phần còn lại là hàm số đồng biến với thu nhập, s là thiên hướng tiết kiệm biên. Cụ thể:
S = Sa + sY
- Và giữa thu nhập và nhập khẩu cũng có mối quan hệ tuyến tính và đồng biến.
Nhập khẩu bao gồm hai phần là nhập khẩu tự định (Ma) và phần còn lại là hàm số đồng biến với thu nhập, m là thiên hướng nhập khẩu biên. Cụ thể:
M = Ma + mY
- Giữa chi tiêu đầu tư (I) và mức lãi suất có quan hệ nghịch biến:
I = I(r).
- Chi tiêu của chính phủ (G) và xuất khẩu (X) là những khoản chi tiêu tự định, tức không nhạy cảm với lãi suất và thu nhập quốc dân.
Từ (1), (2) : S + M = I + G + X = (Sa + Ma) + (s + m) Y Y = (I + G + X) - (Sa + Ma)
(s + m)
Các nhân tố làm đường IS sẽ dịch chuyển, trước khi đi vào phân tích ảnh hưởng của các nhân tố như tỷ giá, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa làm dịch chuyển đường IS thì mô hình đưa ra hai quy tắc đó là khi xem xét ảnh hưởng của một nhân tố nào đó giả thiết rằng các nhân tố khác là không thay đổi và tại mỗi mức lãi suất (r) cố định thì những nhân tố nào làm cho Y thay đổi:
- Đầu tư (I), do đầu tư là hàm số của lãi suất, nên ứng với mỗi mức lãi suất nhất định thì đầu tư là một hằng số. Do đó, nhân tố đầu tư không làm cho Y thay đổi, nghĩa là không làm dịch chuyển đưởng IS.
- Tăng chi tiêu của chính phủ (G), chi tiêu của chính phủ là tự định và không phụ thuộc vào lãi suất. Khi chi tiêu của chính phủ tăng làm cho thu nhập Y tăng, nghĩa là làm dịch chuyển đường IS sang phải. Điều này xảy ra là vì khi chi tiêu của chính phủ tăng làm cho tổng các khoản bơm vào tăng thì thu nhập phải tăng.
- Xuất khẩu (X), giống như chi tiêu của chính phủ, xuất khẩu là khoản bơm vào tự định và phụ thuộc vào mức thu nhập của phần thế giới còn lại. Do đó, khi xuất khẩu tăng thì Y cũng tăng, làm dịch chuyển đường IS sang phải
- Các khoản tiết kiệm (Sa) và nhập khẩu (Ma) tự định, vì là tự định nên có thể thay đổi, khi (Sa + Ma) giảm làm cho thu nhập Y tăng lên, làm dịch chuyển đường IS sang phải.
- Tổng các thiên hướng tiết kiệm và nhập khẩu biên, nếu vì một lý do nào đó làm thay đổi tập quán tiết kiệm và trật tự ưu tiên hàng nội. Nghĩa là (s + m) giảm thì Y tăng lên, làm dịch chuyển đường IS sang phải.
- Nhân tố phá giá tiền tệ hay giảm giá nội tệ, khi phá giá tiền tệ sẽ làm cho xuất khẩu (X) tăng; do giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ tăng sau khi phá giá làm cho thiên hướng nhập khẩu biên (m) giảm xuống. Như vậy phá giá tiền tệ làm X tăng và m giảm sẽ làm Y tăng, làm dịch chuyển đường IS sang phải.
Trong số các nhân tố làm dịch chuyển đường IS thì nhân tố thay đổi chi tiêu của chính phủ và phá giá tiền tệ là hai nhân tố quan trọng nhất, bởi vì đây là những công cụ có sẵn để chính phủ can thiệp lên nền kinh tế.
Đường LM là tập hợp các quan hệ giữa Y và r mà thị trường tiền tệ cân bằng.
Đường LM là đường dốc lên thể hiện mối liên hệ đồng biến giữa thu nhập quốc nội Y và lãi suất r.
Ms = Md (LM)
Trong mô hình này cung tiền (Ms) được giả định là một biến được kiểm soát hoàn toàn bởi NHTW. Cầu tiền (Md) là lượng tiền mà các cá nhân muốn nắm giữ. Nhân tố quyết định lượng tiền mà các cá nhân muốn nắm giữ: Mức giá (P); Thu nhập thực (Y); Chi phí cơ hội của việc giữ tiền (r ). Đường LM được hình thành:
Để xem xét các nhân tố làm cho đường LM dịch chuyển giả định khi các nhân tố khác không đổi, cung tiền danh nghĩa tăng thì số dư tiền thực cũng tăng. Trong ngắn hạn, mặt bằng giá không đổi. Những nhân tố làm cho đường LM dịch chuyển:
- Cung ứng tiền danh nghĩa tăng, làm tăng cung tiền thực do đó lượng tiền dành cho mục đích giao dịch tăng, mức thu nhập sẽ tăng làm cho đường LM phải dịch chuyển sang phải.
- Phá giá nội tệ, khi phá giá nội tệ làm cho giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng.
Nếu lượng tiền cung ứng danh nghĩa không thay đổi, điều này có nghĩa là cung tiền thực giảm, thu nhập giảm làm cho đường LM phải dịch chuyển sang trái.
- Thay đổi cung tiền danh nghĩa và phá giá tiền tệ là hai nhân tố quan trọng làm dịch chuyển đường LM, bởi vì đây là những công cụ có sẵn để chính phủ can thiệp ảnh hưởng lên nền kinh tế.
Cân bằng trong mô hình Mundell Fleming:
Nguồn: Nguyễn Văn Tiến, (2012)
Phân tích chính sách kinh tế trên mô hình Mudell Fleming. Giả thiết của mô hình là mức giá (P) là cố định; Tỷ giá hối đoái danh nghĩa (e) và tỷ giá hối đoái thực (ε) biến thiên theo cùng một tỷ lệ cố định; Phân tích cho nền kinh tế mở, nhỏ; Vốn được tự do lưu chuyển giữa các nước với chi phí giao dịch bằng 0, không có bất kỳ rủi ro nào; Cung tiền (Ms) là biến được kiểm soát hoàn toàn bởi ngân hàng trung ương.
Xét trong điều kiện nền kinh tế mở và nhỏ, có tỷ giá hối đoái thả nổi
- Tác động của chính sách tài khóa,khi chính phủ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng (tăng G), đường IS dịch chuyển tạo ra điểm cân bằng mới: sản lượng tăng đồng thời lãi suất cũng tăng. Lãi suất tăng có xu hướng thu hút dòng vốn chảy vào trong nước tăng do đầu tư vào tài sản tài chính trong nước có lợi hơn. Do đó, làm tăng cầu nội tệ trên thị trường ngoại hối và đẩy giá nội tệ lên. Trong điều kiện nền kinh tế có chế độ tỷ giá thả nổi thì NHTW sẽ không tiến hành mua bán ngoại tệ để đưa tỷ giá về mức cân bằng cũ nên khả năng cạnh tranh của khu vực xuất khẩu sẽ giảm xuống. Chính sách tài khóa là không hiệu quả, nội tệ bị đánh giá cao tạo nên hiệu ứng giảm năng lực cạnh tranh với thương mại nước ngoài và xuất khẩu ròng sẽ giảm:
- Tác động của chính sách tiền tệ, NHTW áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng, đường LM dịch chuyển sang phải tạo ra điểm cân bằng mới: sản lượng tăng lên, lãi suất giảm. Lãi suất giảm lại khiến dòng vốn có xu hướng chảy ra nước ngoài do lãi suất trong nước thấp hơn so với lãi suất nước ngoài, làm cho cầu ngoại tệ tăng lên cùng với sự gia tăng của cung nội tệ. Dẫn tới giá nội tệ giảm xuống, xuất khẩu rẻ hơn ở nước ngoài, trong khi nhập khẩu là tốn kém hơn. Tương tự, trong chế độ tỷ giá thả nổi thì NHNN sẽ không can thiệp vào nên sẽ làm gia tăng xuất khẩu ròng. Điều này cho thấy trong một nền kinh tế mở nhỏ một sự gia tăng mức cung tiền sẽ làm cho giá nội tệ giảm xuống và thu nhập tăng lên. Chính sách tiền tệ là có hiệu lực. Có ảnh hưởng đến sự gia tăng của sản lượng trong nước:
Xét trong điều kiện nền kinh tế mở và nhỏ, có tỷ giá hối đoái cố định
- Tác động của chính sách tài khóa, khi chính phủ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng (tăng G), đường IS dịch chuyển tạo ra điểm cân bằng mới: sản lượng tăng đồng thời lãi suất cũng tăng. Lãi suất tăng có xu hướng thu hút dòng vốn chảy vào trong nước tăng do đầu tư vào tài sản tài chính trong nước có lợi hơn. Do đó, làm tăng cầu nội tệ trên thị trường ngoại hối và đẩy giá nội tệ lên. Trong điều kiện nền kinh tế có chế độ tỷ giá cố định thì NHTW phải can thiệp để cố định tỷ giá bằng cách bán nội tệ và mua ngoại tệ.
đường cong IS và LM dịch chuyển sang phải hình thành nên trạng thái cân bằng mới.
Chính sách tài khóa là rất hiệu quả, bởi vì đã làm gia tăng sản lượng.
- Tác động của chính sách tiền tệ, NHTW áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng, đường LM dịch chuyển sang phải tạo ra điểm cân bằng mới: sản lượng tăng lên, lãi suất giảm. Lãi suất giảm lại khiến dòng vốn có xu hướng chảy ra nước ngoài do lãi suất trong nước thấp hơn so với lãi suất nước ngoài, làm cho cầu ngoại tệ tăng lên cùng với sự gia tăng của cung nội tệ dẫn tới giá nội tệ giảm xuống. Tương tự, trong chế độ tỷ giá cố định thì NHNN phải can thiệp để cố định tỷ giá bằng cách mua nội tệ và bán ngoại tệ, nghĩa là hạn chế tiền tệ, kiểm soát lạm phát, đường cong LM về lại điểm xuất phát. Chính sách tiền tệ là không hiệu quả. Không ảnh hưởng đến sự phát triển sản phẩm thực tế:
Như vậy, theo một số nhà kinh tế, chính sách tiền tệ nên được sử dụng hơn là chính sách tài khóa như là công cụ kinh tế chính cho nền kinh tế ổn định trong ngắn hạn hay trung hạn (Soukup, 2007). Bởi vì sự độc lập của ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ có thể được thay đổi một cách nhanh chóng so với các chính sách tài khóa thường cần thủ tục phê duyệt dài. Nhưng hiệu quả cuối cùng của chính sách tiền tệ cũng có độ trễ. Hiệu quả cuối cùng sau đó chủ yếu phụ thuộc vào hiệu suất của các tổ chức tài chính và cũng theo mô hình Mundell – Fleming đã phân tích thì hiệu quả của chính sách tiền tệ phụ thuộc vào chế độ tỷ giá trong điều kiện sự luân chuyển dòng vốn được tự do luân chuyển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là theo mô hình Mundell – Fleming thì một quốc gia có thể đồng thời thực hiện chế độ tỷ giá cố định, hội nhập về tài chính và độc lập về tiền tệ hay không ? Hơn nữa để thực hiện điều kiện của mô hình Mundell – Fleming thì lãi suất giữa trong nước và quốc tế là ngang bằng nhau. Trong thực tế lãi suất giữa các quốc gia có khác nhau, điều này sẽ được giải thích như thế nào? Và trên thực tế giá thay đổi chứ không phải luôn cố định, điều này ảnh hưởng gì đến các phân tích trên Mundell – Fleming ? Vì thế tác giả tìm hiểu thêm lý thuyết về bộ ba bất khả thi để có thể giải thích cho những vấn đề này.