GIỚI THIỆU LUẬT ĐẦU TƯ 2014
IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
5. Bảo đảm đầu tư
Các quy định về bảo đảm đầu tư trong Luật đầu tư 2014 được kế thừa, được cải thiện đáng kể với mục đích thu hút đầu tư, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng khi bỏ vốn, nguồn lực, công nghệ để thực hiện dự án tại Việt Nam. Nội dung về đảm bảo đầu tư theo Luật đầu tư năm 2005 tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính gồm:
(1) Bảo đảm về vốn và tài sản;
(2) Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
(3) Mở cửa thị trường, đầu tư liên quan đến thương mại;
(4) Chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài;
(5) Áp dụng giá, phí, lệ phí thống nhất;
(6) Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách;
(7) Giải quyết tranh chấp.
Với 07 nhóm vấn đề này, chế định bảo đảm đầu tư trong Luật đầu tư 2005 gồm 3 mảng chính là (i) Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư về vốn và tài sản, (ii) Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư về các hoạt động kinh doanh và (iii) Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cho các hoạt động khác. Luật đầu tư 2014 đã hoàn thiện và tập trung vào 3 nội dung chính sau đây:
a) Bảo đảm về tài sản cho chủ đầu tư
Một trong những điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là tài sản của họ phải được đảm bảo. Tức là trong bất cứ trường hợp nào, “vốn liếng” kinh doanh của họ cũng không thể bị tịch thu hay bị quốc hữu hóa bằng các biện pháp hành chính. Điều 9 Luật đầu tư 2014 quy định: “Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường
theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và có lợi nhuận, có các khoản vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư, các khoản tiền và tài sản hợp pháp khác được đảm bảo chuyển tài sản về nước sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính (đóng thuế, phí...) cho nhà nước Việt Nam.
b) Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
Về nguyên tắc, các hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư được tôn trọng triệt để, nhà nước không can thiệp vào các hoạt động này, không tạo ra các hạn chế mà ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để nhà đầu tư phát huy hết các nguồn lực. Vì vậy, Luật đầu tư 2014 quy định không buộc nhà đầu tư phải ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước. Nhà đầu tư cũng không buộc phải “Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước”, không buộc phải “nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu”.
Nếu như trước đây ở một số lĩnh vực ngành nghề, nhà nước có yêu cầu các sản phẩm của nhà đầu tư (thường là nhà đầu tư nước ngoài) phải đạt một tỉ lệ nội địa hóa nhất định (ví dụ sản xuất ô tô) để giúp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước thì với luật mới lần này, các hạn chế về tỉ lệ nội địa hóa đã bị dỡ bỏ. Tương tự, các giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước, vốn trước đây là yêu cầu đối với hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực như công nghệ cao cũng không còn được áp dụng theo Luật đầu tư 2014. Không chỉ có vậy, nhà đầu tư được tự do lựa chọn địa điểm thực hiện kinh doanh, cung cấp hàng hóa dịch vụ và không bị bắt buộc phải đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Bảo đảm hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư kinh doanh
Nội dung bảo đảm hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư theo Luật đầu tư 2014 bao gồm: (i) Bảo lãnh cho một số dự án quan trọng, (ii) Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, và (iii) Bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, cảng biển, cảng hàng không...) là hết sức quan trọng. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thường đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật và công nghệ hiện đại cùng nguồn nhân sự quản lý có chất lượng và kinh nghiệm từ nước ngoài. Với các dự án này, Chính phủ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bằng cách cấp bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Cụ thể, Điều 12 Luật đầu tư 2014 quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác”.
Ngoài ra, trong các trường hợp thay đổi chính sách pháp luật dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất. Đó là một trong những quy định về bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư mà Luật đầu tư 2014 tiếp nối từ Luật đầu tư 2005. Đầu tư kinh doanh là một quá trình lâu dài, có những dự án đầu tư có thời hạn lên đến 20, 30 năm hoặc dài hơn.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư đó, rất có thể pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư khi họ thiết lập dự án đến khi thực hiện dự án có nhiều biến đổi. Ở một số trường hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi hoặc có quyền lợi lớn hơn so với những gì họ đang nhận dựa trên các quy định pháp luật mới. Tuy nhiên cũng có trường hợp, quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các quy định pháp luật mới ban hành đã cắt giảm các ưu đãi mà trước đây nhà đầu tư được hưởng.
Những thay đổi về chính sách pháp luật là tình huống khách quan, xảy ra nằm ngoài ý chí chủ quan của nhà đầu tư mà họ không thể lường trước hay có thể kiểm soát được. Do vậy, pháp luật về đầu tư ở hầu hết các nước đều có quy định giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp có thay đổi về pháp luật điều chỉnh. Theo Điều 13 Luật đầu tư 2014, thì “trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án”. Ngược lại, “trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án”.
Trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, mà nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư, thì họ có thể được xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau đây: (i) khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; (ii) điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; (iii) hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh, khác biệt, mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra giữa các nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước hoặc giữa nhà đầu tư với bên thứ ba là rất phổ biến. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong giải quyết tranh chấp, Luật đầu tư 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản để xử lý tranh chấp theo 4 loại cơ bản sau đây:
− Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: Được giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải. Trường hợp thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp đó có thể được xử lý bởi tòa án hoặc trọng tài, theo sự lựa chọn của các bên liên quan.
− Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam (trừ các tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam).
− Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức gồm (i) Tòa án Việt Nam, (ii) Trọng tài Việt Nam, (iii) Trọng tài nước ngoài, (iv) Trọng tài quốc tế, (v) Trọng tài do các bên tranh chấp thành lập (trọng tài ad- hoc).
− Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.